Người dân khắp nơi trên thế giới ồ ạt bỏ việc, chuyện gì đang xảy ra vậy?
Từ Trung Quốc đến Mỹ, Nhật Bản và Đức… hàng triệu người khắp thế giới đang ồ ạt bỏ việc. Số khác không bỏ việc thì suy nghĩ lại về cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Jack, một nhân viên công nghệ 32 tuổi, hừng hực tham vọng khi ứng tuyển vào công ty viễn thông 5 năm trước. Nhưng giờ đây, với áp lực công việc ngày càng lớn, tham vọng và sự nhiệt tình của anh cũng đang dần cạn kiệt. Mặc dù vẫn đang làm việc, nhưng sự chăm chỉ, cống hiến của Jack hầu như đã không còn.
“Nhiều ngành công nghiệp trong lĩnh vực internet đã đạt đến giai đoạn không còn phát triển bùng nổ. Nhưng mọi việc ở đây vẫn nặng nề như thế. Tất cả đều cảm thấy căng thẳng, mất hy vọng”, Jack nói.
Trào lưu “nằm im, mặc kệ” ở Trung Quốc
“Tôi đã không làm việc trong 2 năm rồi và tôi không thấy có vấn đề với điều đó”, một tài khoản có tên Kind-Hearted Traveller đã viết nền tảng Baidu Tieba hồi tháng 4. “Áp lực chủ yếu từ sự so sánh các giá trị của bạn với những thế hệ cũ. Nhưng chúng tôi không cần phải làm theo họ”, người này viết và khẳng định: “Nằm im, mặc kệ là triết lý sống của tôi”.
Lie flat (nằm im, mặc kệ) đang trở nên phổ biến ở Trung Quốc và được coi là trào lưu nổi loạn của giới trẻ Trung Quốc hiện nay. Tâm điểm của trào lưu này là ở Thâm Quyến, nơi đặt trụ sở của các nhà máy và các tập đoàn điện tử khổng lồ như Huawei, Tencent. Trung tâm công nghệ cao này cũng là nơi mà 18 triệu người từ các vùng khác trên khắp Trung Quốc tìm đến để theo đuổi giấc mơ làm giàu. Nhưng giờ đây, khi nền kinh tế giảm tốc, nhiều người đang tự hỏi liệu những giấc mơ đó có xứng đáng với những nỗ lực của họ.
Trào lưu này được bắt nguồn từ một bài đăng trên mạng xã hội về việc chọn nghỉ việc. Đó là phản ứng chống lại lịch trình làm việc mệt mỏi 996 (từ 9h sáng đến 9h tối trong 6 ngày một tuần) với những áp lực từ gia đình, xã hội và thậm chí cả chính phủ.
Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng gấp đôi về quy mô trong thập kỷ qua nhưng không phải tất cả đều được hưởng lợi. Ở nhiều thành phố lớn, chi phí sinh hoạt tăng nhanh hơn cả mức độ tăng lương.
Thâm Quyến là một trong những thành phố có giá cả đắt đỏ nhất thế giới, vì vậy áp lực của Jack ngày càng thêm nặng. “Ngay cả đối với những chuyên gia được trả lương cao như tôi và bạn gái của tôi cũng khá chật vật”, anh nói và cho biết: “Một căn hộ trả trước ở Thâm Quyến rơi vào tầm 2-3 triệu nhân dân tệ (314.000 – 471.000 USD). Nó ngốn hết toàn bộ tiền tiết kiệm của chúng tôi và một khoản hỗ trợ rất lớn từ bố mẹ hai bên”.
Hồi tháng 10, hàng ngàn người lao động từ các công ty như Alibaba, TikTok của ByteDance đã tham gia vào một chiến dịch trực tuyến mang tên “Worker Lives Matter”, một chiến dịch về chống làm thêm giờ, bằng cách đăng thông tin thời điểm bắt đầu và kết thúc ngày làm việc của họ. Kết quả là ByteDance đã rút ngắn tuần làm việc hơn.
Trong các bài đăng trực tuyến và hình họa, giới trẻ Trung Quốc cũng tự nhận họ là thế hệ “người chuột” và “cá muối” – trong tiếng Quảng Đông, cá muối là một phép ẩn dụ để nói về một xác chết và cũng có nghĩa là không có tham vọng, động lực làm việc.
Gần đây, tại một sàn giao dịch việc làm ở Shanhe, phía bắc Thâm Quyến, hàng chục người đến từ các vùng khác nhau ở Trung Quốc tập trung tới đây để xem thông tin tuyển dụng. Những người lao động nhập cư vốn được ngợi ca là cần cù, chịu khó thì giờ đây họ đang tận dụng thời gian rảnh rỗi để chơi game hoặc xem ti vi. Họ chọn những công việc tạm bợ trong ngày để trả tiền điện thoại và thuê nhà. Họ từ bỏ những công việc dài hạn hay công việc trong các nhà máy để làm những công việc ít đòi hỏi hơn. Họ tóm tắt cuộc sống của mình bằng một câu thần chú đơn giản: “Làm một ngày, vui vẻ 3 ngày”.
Một buổi sáng gần đây, khi Li, 32 tuổi đến từ tỉnh Thiểm Tây từ chối cho biết tên đầy đủ, đang hững hờ xem các thông tin tuyển dụng, một nhà tuyển dụng đã tiếp cận anh với một đoạn video trên điện thoại về một nhà máy đang tuyển công nhân. Li từ chối ngay khi thấy công việc liên quan đến việc vận hành máy móc hạng nặng.
Thái độ của Li cho thấy phong trào “nằm im, mặc kệ” có thể là dấu hiệu của một giai đoạn mới trong phát triển kinh tế Trung Quốc. Đó là khi đất nước trở nên giàu có hơn, người lao động cũng kén chọn hơn. Ở Mỹ và châu Âu, trào lưu này bắt đầu trỗi dậy từ những năm 1960 khi tầng lớp trung lưu ngày càng đông. Sau đó là một thế hệ lười biếng của những năm 1990.
Hưởng ứng theo trào lưu này, giới trẻ thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc cho rằng xã hội đang quá cứng nhắc và duy vật.
Chen Ziyang, 25 tuổi, sống ở Thâm Quyến và đang theo học trực tuyến để lấy bằng thạc sĩ từ Đại học Chicago (Mỹ) cho rằng, định nghĩa về thành công đang khá hạn chế. “Tất cả chúng ta đều biết Jack Ma và những CEO trong ngành này. Nhưng nếu mọi người đều theo đuổi nghề đó, thì đương nhiên sự cạnh tranh và áp lực trong ngành này cũng nhiều hơn”, cô nói khi đang ngồi tại một quán trà cao cấp và cho rằng vì vậy “một số người bỏ cuộc và nằm im”.
Người Mỹ ồ ạt bỏ việc
Tại Mỹ, những lo lắng về tài chính của thế hệ Millennial đã có từ trước đại dịch Covid-19. Và đại dịch càng khiến cho những lo ngại này trở nên nhức nhối hơn. Theo một cuộc khảo sát của Mind Share Partners, 2/3 thế hệ Millennials đã rời bỏ công việc của họ trong năm nay vì lý do sức khỏe tinh thần và tỷ lệ này ở Gen Z thậm chí còn cao hơn, ở mức 81%.
Đại dịch đang khiến giới trẻ Mỹ phải suy nghĩ lại về những vấn đề mà họ ưu tiên.
Tháng 7 năm ngoái, cơ quan liên bang ở Washington DC nơi Ben Anderson làm việc triệu tập toàn bộ nhân viên trở lại văn phòng mà không cung cấp thiết bị an toàn hay bố trí chỗ ở khi giãn cách xã hội. Sau khi một đồng nghiệp tái mắc Covid-19, Anderson bắt đầu tự hỏi liệu rốt cuộc một công việc ổn định có phải là chìa khóa để đảm bảo sự an toàn và cuộc sống tốt đẹp hay không.
Bỏ việc luôn tồn tại trong tâm trí của người thanh niên 29 tuổi này trong nhiều năm qua. Tốt nghiệp với số điểm cao nhất ở trường đại học, làm việc ở một thành phố lớn và trở thành nhân viên cổ cồn trắng toàn thời gian trong 7 năm, nhưng Anderson vẫn không đủ tiền để mua nhà. “Công việc thì căng thẳng mà tôi lại sống xa gia đình. Nhiều lúc tôi tự hỏi, làm vậy để làm gì?”, anh nói.
Và hiện Anderson đang sống ở Los Angeles và kiếm sống bằng nghề diễn xuất trong các chương trình truyền hình và quảng cáo.
Không chỉ giới trẻ, trào lưu bỏ việc cũng xuất hiện với tỷ lệ cao ở những người trong độ tuổi từ 30 – 45, theo kết quả một khảo sát.
Nate Mann, 40 tuổi, đã dành gần nửa cuộc đời làm nghề pha chế ở Washington D.C. Để đổi lấy mức lương khoảng 80.000 USD/năm, anh đã phải thức khuya để làm việc và luôn trong tình trạng căng thẳng cao độ. Nhưng tháng 3 năm ngoái, khi đại dịch xảy ra buộc các quán bar phải đóng cửa, Mann đã quyết định tập trung cho công việc tay trái trước đây: Vẽ tranh.
Nhiều người bạn của anh cũng đã bỏ những công việc trả lương thấp hoặc không hài lòng. “Mọi người giờ đây đang cảm nhận được sức mạnh của họ. Họ không còn cảm thấy xấu hổ về bản thân hay nói với mọi người rằng ‘tôi không làm được điều đó’. Điều đó không đúng hoặc không công bằng”, Mann nói.
Mann là một trong ít người dùng tiền tiết kiệm trong nhiều năm để tái tạo lại sức lao động. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân của người Mỹ cũng đã tăng vọt trong đại dịch nhờ các gói trợ cấp thất nghiệp và các tấm séc tiền mặt cho người dân.
Hội chứng kiệt sức toàn cầu
Tại Nhật Bản, các cuộc thảo luận về cách cân bằng giữa công việc và mục tiêu sống ở Trung Quốc và Mỹ không phải là điều gì xa lạ. Vào những năm 1990, các phương tiện truyền thông nước này đã vẽ ra một bức chân dung không mấy đẹp đẽ về những người trẻ “tự do”. Họ từ chối văn hóa công sở khắt khe của Nhật Bản, nơi hệ thống lương bậc và giờ làm kéo dài 15 tiếng, để làm những công việc lặt vặt, tạm bợ.
Giới trẻ Nhật cho biết họ buộc phải chọn lối sống bởi nền kinh tế trì trệ khiến cho mức lương thấp hơn và công việc thì kém an toàn hơn. Đến năm 2010, những người theo chủ nghĩa tự do này được coi như là một phần của “thế hệ satori”.
Kairu Taira, 22 tuổi, làm việc trong một công ty sản xuất hàng tiêu dùng ở Kobe và đang điều hành một blog về thế hệ satori. Mặc dù không phải là một người thích tự do nhưng anh lại tự cho mình là một người theo chủ nghĩa tối giản. Hiện anh đang sống với một tủ quần áo hạn chế chỉ bao gồm 4 cái áo phông và 4 cái áo sơ mi dài tay.
Anh chia sẻ, thế hệ satori bị chỉ trích là “không giúp được gì cho nền kinh tế” vì họ chi tiêu quá ít. “Nhưng tôi nghĩ rằng mỗi người trong chúng ta đều nhận thấy điều gì là thực sự quan trọng với cuộc sống của mình. Với ý nghĩa đó, tôi thích thuật ngữ này”, anh nói.
Tuy nhiên, Robin O’Day – giáo sư nghiên cứu về giới trẻ Nhật tại Đại học Bắc Georgia (Mỹ) – cho rằng: “Với những người tự do, cảm giác xấu hổ, lo lắng và giận dữ thường nhiều hơn. Nhưng giờ đây, dường như điều đó không là gì cả”.
Trào lưu này cũng diễn ra tương tự với giới trẻ Đài Loan khi nền kinh tế này suy thoái vào đầu những năm 2000. Thời điểm đó, A-Gui là một biên tập video ở Đài Bắc. Công việc áp lực và căng thẳng đến mức từng khiến anh phải ngồi lì tại văn phòng tận 3 ngày để hoàn thành dự án. Năm 2006, anh quyết định nghỉ việc và trở thành một freelancer.
“Giờ tôi chỉ cần đủ sống thôi”, anh nói và kể: “Có những lúc tôi gần như không còn đồng nào nhưng sau đó lại có”. Song cuối cùng A-Gui cũng kết hôn và năm 2016, anh đã phải quay trở lại công việc toàn thời gian.
Anh nhận thấy giới trẻ ngày nay cũng đang đi theo con đường mà anh đã trải qua. “Dù bạn có chăm chỉ làm việc đến đâu, bạn cũng không thể mua nổi nhà”, anh chia sẻ.
Ngay cả ở châu Âu, dù tình trạng bỏ việc không diễn ra trên quy mô lớn như ở Mỹ, nhưng nhiều người cũng đang suy nghĩ lại về sự nghiệp của họ. Trên toàn khu vực đồng tiền chung châu Âu, số lượng người đang làm việc ít hơn 2 triệu người so với trước đại dịch.
Milena Kula, 26 tuổi, cho biết cô cảm thấy “nhẹ nhõm” khi hợp đồng tại một tổ chức phi lợi nhuận ở Berlin hết hạn vào tháng 4/2020. Hiện cô đang sống tại vùng nông thôn ở Brandenburg và có kế hoạch cùng với những người giống như cô thiết lập một cộng đồng sống theo hướng bền vững với môi trường hơn. “Tôi cần một cách tiếp cận khác với những công việc mà tôi đang làm và tự do tạo ra cuộc sống mà tôi muốn”, cô chia sẻ.
“Khi con người ta đối mặt với cái chết, họ sẽ cư xử khác đi”
Thực tế là xu hướng The Great Resignation (bỏ việc trên quy mô lớn) đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới. Ở Mỹ, từ tháng 4 đến tháng 9 năm nay, số lượng người bỏ việc đã lên tới mức kỷ lục: Hơn 24 triệu người. Và nhiều người thậm chí đang nghỉ việc ở nhà không làm gì. Tại Đức, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác, điều tương tự cũng đang diễn ra.
Đại dịch đã gây ra nhiều thiệt hại cho cuộc sống của chúng ta. Các cuộc khảo sát cho thấy, cảm giác kiệt sức và suy giảm tinh thần gia tăng ở nhiều nước.
Áp lực trong công việc vốn tồn tại hàng thập kỷ qua ở nhiều nước phát triển. Nhưng bây giờ với thu nhập trì trệ, công việc bấp bênh trong khi chi phí nhà ở, giáo dục tăng cao, khiến cho ngày càng ít người trẻ đảm bảo được cuộc sống ổn định về tài chính.
Mặc dù xu hướng bỏ việc trên quy mô lớn diễn ra ở những người trẻ dưới 40 tuổi nhưng nó cũng đã gây rúng động trên toàn nền kinh tế. Ngày càng có nhiều người thuộc thế hệ Millennials (những người sinh từ năm 1980 đến cuối những năm 1990) và Thế hệ Gen Z kết hôn, mua nhà và sinh con muộn hơn các thế hệ trước.
Theo một cuộc khảo sát của Microsoft, gần một nửa nhân sự trên thế giới của hãng này đang cân nhắc nghỉ việc. Một cuộc khảo sát toàn cầu của công ty tư vấn Qualtrics International cũng cho thấy, khoảng 4 trong 10 người được hỏi thuộc thế hệ Millennial và Gen Z nói rằng họ sẽ rời bỏ công việc nếu buộc phải trở lại văn phòng làm toàn thời gian. Con số này nhiều hơn bất kỳ thế hệ nào khác trong cuộc phỏng vấn.
Một số người thuộc thế hệ già hơn chỉ trích thái độ này là đòi hỏi và lười biếng. Tuy nhiên, thực tế là số giờ làm ở các nước giàu có hơn đã giảm nhanh trong nhiều thập kỷ qua ở tất cả các nhóm tuổi.
Trước những mối đe dọa hiện hữu như địa dịch và biến đổi khí hậu, trào lưu Great Resignation và “lie flat” đang châm ngòi cho các cuộc thảo luận sôi nổi hơn về việc theo đuổi sự giàu có ở cả cấp độ cá nhân lẫn quốc gia.
Benjamin Granger, người đứng đầu dịch vụ tư vấn trải nghiệm nhân viên tại Qualtrics cho rằng: “Khi con người ta đối mặt với cái chết, họ sẽ cư xử khác đi. Mọi người đang nhìn công việc qua một lăng kính rất khác”.
TheoBloomberg/Dân Trí
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Nguồn : https://tapchidoanhnhan.org/cam-nang-doanh-nhan/nguoi-dan-khap-noi-tren-the-gioi-o-at-bo-viec-chuyen-gi-dang-xay-ra-vay.html
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin