9x Sài Gòn tốt nghiệp đại học đi bán ve chai, 70 triệu đồng/tháng thu nhập
Tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh, chàng trai 9x Sài Gòn “rẽ ngang” thu mua ve chai khi trót mê… rác từ những lần thu gom ve chai gây quỹ, Tiến cùng 2 bạn trẻ khác khởi nghiệp bằng ve chai, thu nhập đến 70 triệu đồng/tháng.
Nguyễn Vạn Tiến, 30 tuổi, sống tại Quận 5, TP. Hồ Chí Minh được biết đến là chủ vựa “Ve chai chú Hoả”. Gắn bó với công việc thu mua ve chai tới gần 10 năm, Tiến từng thú thật mình có một niềm đam mê đặc biệt với ve chai.
Tốt nghiệp đại học đi… bán ve chai
Năm thứ 2 đại học, khi làm tại một cửa hàng thức ăn nhanh, Tiến nhận thấy khách hàng đã bỏ lại rất nhiều rác có thể tái chế. Vì vậy, từ trăn trở đó, Tiến mua luôn 1 cái cân để thu mua luôn ve chai sau khi tan học. Và rồi, ý tưởng lớn dần lên, Tiến quyết định thành lập doanh nghiệp.
“Ve chai chú Hoả” được ra đời từ đó. Theo Tiến, chú Hoả thực tế là “ông tổ nghề ve chai” – một thương nhân người Việt gốc Hoa sở hữu gần 30.000 căn nhà phố khắp Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn. Cùng làm việc với Tiến còn có 2 thành viên nam khác sẵn sàng thu mua ve chai ở khắp các nẻo đường.
Bản thân Tiến ngay từ thời gian đầu xác định sẽ theo đuổi công việc này đã tự mình tìm tòi trang bị những kiến thức về rác và nghề mua ve chai. Các thành viên của “Ve chai chú Hoả” luôn được ghi nhớ với tác phong làm việc chỉn chu, chuyên nghiệp, mặc đồng phục đỏ nghiêm túc, hướng dẫn phân loại ve chai rõ ràng, ghi biên lai đầy đủ.
Tất nhiên, “vạn sự khởi đầu nan”. Vạn Tiến từng không nhận được sự ủng hộ từ ba mẹ, thậm chí anh bị ba mẹ mắng té tát vì tốn tiền cho ăn học nhưng lại lao động chân tay. Tiến chia sẻ với Thanh niên: “Đâu ai chấp nhận đâu! Nhưng mình vẫn giữ đam mê và cố thuyết phục ba mẹ. Sau khi thâm nhập vào nghề này, mình nhận ra kinh doanh phế liệu hiện vẫn đi theo mô hình truyền thống, nhỏ lẻ, không bắt kịp đà phát triển của thành phố. Vì vậy, phải xây dựng đội nhóm, cải tiến hình thức chuyên nghiệp hơn, hiện đại hóa hơn”.
“Hiện đại hóa” nghề… rác
Không chỉ đi đăng ký bảo hộ thương hiệu cho doanh nghiệp mình, Tiến còn quy tụ được 2 chàng trai khác trong những lần đi bán ve chai tại các vựa. Cả 3 đều chung niềm đam mê về… rác! Một điều đặc biệt, không chỉ có Tiến tốt nghiệp đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh, mà thành viên Minh Tuấn (30 tuổi, ngụ Q.8) cũng tốt nghiệp cao đẳng ngành công nghệ thông tin.
“Cũng như Tiến, tốt nghiệp xong, người thân phản đối kịch liệt khi thấy mình đi mua ve chai! Nhưng giống như cái nghiệp vậy, mình thấy công việc này phù hợp. Ban đầu mình làm ở vựa, sau khi gặp Tiến thì như tư tưởng lớn gặp nhau vậy, nên về chung nhóm. Nhưng Tiến hên, vì lấy vợ trước khi vào nghề, còn mình vì làm nghề nên giờ ế luôn! Thử hỏi “bạn trai con làm gì”, nói làm ve chai, nhà gái nào chịu!”, Tuấn hóm hỉnh.
Nhóm của Tiến chuyên thu mua ve chai tại cửa hàng, nhà hàng, khách sạn, bệnh viện, chung cư, trường học… Bởi theo Tiến, những nơi này sẽ tạo ra nguồn hàng ổn định, dễ truyền đi rộng rãi các thông điệp bảo vệ môi trường mà nhóm hướng tới.
“Khi mua ve chai, tụi mình sẽ hướng dẫn cụ thể cho người dân về cách phân loại rác tại nguồn, chỉ rõ các loại phế liệu có thể bán. Hầu như tất cả người dân đều chỉ để lại chai nhựa, giấy để bán ve chai, nhưng thực tế, đĩa CD, kim loại, phim X-quang đều có thể tái chế và hiện đang là các loại ve chai “hút” hàng. Thêm nữa, nếu biết phân loại và xử lý ve chai, ví dụ giấy xé ra phân cụ thể thành 6 loại, sẽ được giá cao hơn”, Tiến giải thích.
Mặt khác, Tiến cũng cho biết, nhiều người dân hiện tại không còn mặn mà với việc chừa đồ phế thải lại để bán ve chai, với tâm lý “mấy ngàn bạc chừa chi cho chật nhà”. Vì vậy, nhóm của Tiến phải kiêm luôn việc thuyết phục, vận động người dân, nhằm tạo thói quen tiết kiệm cho thế hệ sau, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường khi phân loại rác tại nguồn.
Ngoài 3 thành viên chính, “Ve Chai Chú Hỏa” còn có 5 cộng tác viên tình nguyện khác cũng là những bạn trẻ, phụ trách về các hoạt động xã hội. Là một cán bộ Đoàn, Tiến thường xuyên phối hợp với phường, quận tổ chức các hoạt động đổi rác lấy cây xanh, lấy nông sản an toàn, lấy quà, hoạt động hướng dẫn phân loại, cuộc thi tái chế tại các chung cư, trường học… Ngoài ra, những bạn trẻ này cũng đang “công nghệ hóa” công việc thu mua ve chai bằng cách phát triển fanpage, website chuyên về rác, tạo mạng lưới kết nối rộng hơn.
Không giấu giếm về thu nhập, Tiến thẳng thắn: “Mỗi tháng, 3 người tụi mình có thể kiếm từ 60 – 70 triệu đồng. Tụi mình sẽ trích 20% thu nhập để thực hiện những hoạt động nói trên. Tiêu chí hoạt động của nhóm là dung hòa được giữa kinh tế và môi trường. Không vì cái nào mà quên cái nào!”.
Vốn đã nhiệt tình với các hoạt động xã hội, đặc biệt là bảo vệ môi trường, trong lúc thực hiện công việc của mình, Tiến cũng kiêm luôn việc thuyết phục, vận động người dân, nhằm tạo thói quen tiết kiệm cho thế hệ sau. Mỗi tháng, nhóm anh cố gắng tổ chức thêm những chương trình như “Đổi rác lấy quà”, nhằm cải thiện kiến thức của mọi người về bảo vệ môi trường.
Theo Thanh niên
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Nguồn : https://tapchidoanhnhan.org/khoi-nghiep/9x-sai-gon-tot-nghiep-dai-hoc-di-ban-ve-chai-70-trieu-dong-thang-thu-nhap.html
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin