Người lãnh đạo giỏi có thể biến điểm yếu thành điểm mạnh như thế nào?
Hãy chấp nhận sự thật, bạn không thể giỏi ở tất cả mọi việc… Minda Zetlin sẽ chia sẻ với bạn cách biến những điểm yếu thành điểm mạnh để trở thành một lãnh đão xuất sắc.
Trong một thế giới hoàn hảo, bạn tưởng tượng mình là một người toàn tài, xuất sắc với mọi kỹ năng, có một sự nghiệp kinh doanh thành đạt và một cuộc sống thành công. Lý tưởng hơn nữa, bạn có một mái tóc tuyệt vời, một cơ thể săn chắc và một tấm vé số trúng giải độc đắc trong túi áo.
Nơi chúng ta đang sống lại là một thế giới không hoàn hảo, nơi bạn chỉ giỏi một vài thứ, giỏi hơn người khác một chút, và kém ở những kỹ năng cực kỳ quan trọng. Nếu bạn là một doanh nhân, điều này nghe còn chán nản hơn vì bạn muốn giỏi mọi thứ. Tệ hơn nữa, bạn còn nghĩ rằng mình nhất định phải xuất sắc mọi thứ vì bạn là người duy nhất có thể đưa doanh nghiệp đến thành công. Thực tế là bạn không giỏi mọi thứ, và không ai có thể giỏi mọi thứ.
Vậy bạn phải làm gì? Đây là cách để biến những nhược điểm của bạn thành lợi thế:
1. Xác định và chấp nhận điểm yếu của mình.
Bạn không thể chuyển điểm yếu thành điểm mạnh nếu bạn còn mất thời gian chối bỏ chúng. Vậy bước đầu tiên là chấp nhận và xác định rõ ràng những điểm yếu đó là gì. Lấy trường hợp của tôi, tôi là người không giỏi đối thoại trực tiếp, thậm chí tôi còn rất giỏi né tránh đối thoại.
Thói quen này đôi khi có ích, nhưng đôi lúc gây ra không ít rắc rối cho tôi. Quá nhiều lần tôi để hững tình huống xấu diễn ra quá lâu vì cảm giác miễn cưỡng không muốn rơi vào tình thế khó xử. Tự thừa nhận điều đó giúp tôi để ý đến khuynh hướng này mỗi khi nó xuất hiện.
2. Tìm sự giúp đỡ từ người mà bạn tin tưởng
Một năm trước đây, tôi phát hiện ra hai cấp dưới mà tôi tin tưởng đang làm việc sai trái sau lưng tôi. Lúc đó tôi cảm thấy tổn thương và bị phản bội. Trong khi trao đổi vấn đề trực tiếp với họ, tôi vẫn giữ thói quen né tránh xung đột và cố giữ cho cuộc đối thoại diễn ra êm ả. Nhưng tôi cũng xin ý kiến từ một người bạn có tính cách bộc trực, không ngại mâu thuẫn. Cô ấy khuyên tôi nên đưa vấn đề này ra thảo luận rộng rãi. Tôi vẫn rất ngại việc đó, nhưng sau khi suy nghĩ, tôi quyết định làm theo lời khuyên.
Đó là một quyết định đúng đắn. Đưa vấn đề ra ánh sáng giúp chấm dứt những giao dịch mờ ám và giúp tôi lại kiểm soát tình hình. Tôi ước gì mình nhận ra điều đó sớm hơn.
3. Hãy chuẩn bị thật kỹ
Đôi khi cách tốt nhất để đẩy lùi điểm yếu của mình là chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Ví dụ, tôi có khả năng định hướng rất kém và thường bị lạc, kể cả khi việc tìm đường rất đơn giản với những người khác. Thật là kém may mắn cho người thích đi du lịch như tôi. Để tự giúp mình tôi phải sử dụng công nghệ, với GPS cài đặt trong xe, trong điện thoại và cả máy tính bảng, tôi tải về cả bản đồ để sử dung khi không có kết nối. Ở một vài nơi tôi còn mang theo bản đồ.
Những kỹ năng tương tự cũng có thể áp dụng trong nhiều trường hợp khác. Bạn sắp đàm phán hợp đồng với những điều khoản không quen thuộc? Hãy đọc trước về chúng. Bạn chuẩn bị gặp gỡ một khách hàng hay nhà đầu tư lần đầu? hay tìm hiểu tất cả những gì bạn có thể tìm hiểu về họ và tập giới thiệu vài lần với đồng nghiệp và bạn.
4. Thuê người có những kỹ năng mà bạn không có
Thay vì cố gắng làm việc mà bạn không giỏi, bạn nên thuê ai đó có thể khỏa lấp những kỹ năng mà bạn thiếu. Bên cạnh việc khắc phục được điểm yếu của mình, bạn còn có thời gian cải thiện những kỹ năng mà bạn cần. Hãy tìm những nhân viên bạn có thể tin tưởng và thật sự tin tưởng vào họ.
Không có bài test lòng tin nào lớn hơn việc giao cho nhân viên một nhiệm vụ bạn không thực sự nắm chắc và để họ tự xoay xở. Cũng không có cách nào tốt hơn thế để truyền động lực cho những nhân viên của bạn.
5. Biết vừa đủ
Cho dù bạn không thể giỏi mọi việc, có những việc đủ quan trọng để bạn dành ra nhiều thời gian và nỗ lực hơn để học hỏi, luyện tập và thành thạo. Tôi biết một doanh nhân vô cùng thông minh mở một công ty internet mặc dù ông ấy không có kỹ năng vi tính nào.
Mặc dù ông ấy tin tưởng nhân viên của mình, ông ấy vẫn học hỏi về tin học đủ để hiểu và nói với nhân viên khi nào họ có thể hoàn thành công việc đúng hạn và khi nào không, việc gì là có thể và việc gì không thể. Như ông ấy nói, ông ấy học “vừa đủ để trở nên đáng sợ”.
Đó là một cách tiếp cận thông minh. Có rất nhiều kỹ năng chúng ta nên tự trang bị, ít nhất đến một mức độ nào đó. Điều này càng đúng khi bạn sẽ phải thuê và quản lý những công việc như vậy.
6. Tìm cách giúp người khác với những vấn đề tương tự
Một doanh nhân từng nói với tôi:”nghiêm trọng hóa vấn đề là khởi nguồn của mọi phát minh”. Nếu việc thiếu sót một kỹ năng là vấn đề lớn với bạn, bạn có thể chắc chắn nó cũng là vấn đề lớn với người khác. Rất nhiều phát minh ra đời bởi vì chính người phát minh cảm thấy cần nó.
Hãy nghĩ về cách bạn có thể giúp chính mình và người khác khỏa lấp những kỹ năng bị thiếu hụt, nhược điểm của bạn có thể dẫn bạn đến những sáng tạo mới.
Nguồn: cafebiz, Sơn Đức, Theo Trí Thức Trẻ/Inc.com