Trời xanh trong tim
Cô con gái dành sáu tháng ròng âm thầm điều tra theo những manh mối mơ hồ cô có được, để tìm giữa mênh mông Paris và 24 vùng của nước Pháp một người đàn ông mà mẹ cô từng gặp và yêu trong nhà tù Hỏa Lò, vào đêm trước của chiến dịch Điện Biên Phủ. Mẹ cô vừa qua đời vì một tai nạn thang máy, cô tìm thấy trong chiếc gối của bà, khâu giữa các lần bông là bức ảnh đen trắng của một người thanh niên ngoại quốc, phía sau ghi: Paul Polotski.
Hành trình đi tìm Paul thực sự là một cuộc mò kim đáy bể. Cùng với chặng đường tìm kiếm, cuộc đời của người mẹ được tái hiện qua ký ức của cô con gái. Vài nét, nhưng đủ rõ ràng về một người đàn bà đẹp, gần như cả cuộc đời dành để đóng hoàn hảo vai diễn lý tưởng: một nữ trí thức kiểu mẫu của xã hội chủ nghĩa. Vào những năm tháng mà lý lịch trong sạch là mốc phấn đấu của cả đời người, người đàn bà ấy đã bất chấp sinh mệnh chính trị để mạo hiểm nhờ một người quen đi Cuba, nếu định “tuột xích” ở Paris thì gắng tìm Paul Polotski giúp bà.
Nếu bạn có một khoảng trời xanh trong tim như thế, đừng dằn vặt vì mình không đủ duyên phận
Cuộc tìm kiếm suốt nhiều năm ròng của người được nhờ cũng tuyệt vọng như mò kim đáy bể, chỉ để chuyển một lời ngắn ngủi: “Hãy nói với Paul là dù thế nào, tôi cũng không quên anh ấy”. Hình như thổ lộ “tôi không quên anh ấy” là điều duy nhất thành thật với trái tim của người đàn bà suốt cuộc đời phải đóng vai chính mình?
Đó là tiểu thuyết Thang máy Sài Gòn của Thuận. Tôi chợt nhớ đến khi nghe bạn kể việc của mình. Bạn đang đi tìm một người phụ nữ tên là Đ.T.S., vào năm 1964 vừa 18 tuổi, học trường trung học nội trú H. Cô S. và thầy giáo trẻ chủ nhiệm yêu nhau, tình cảm “không hợp lẽ” của họ nhanh chóng bị đoàn thể dập tắt. Cô S. ra trường, từ đó biệt tăm. Và vào năm 2014 này, thầy giáo gần 80 tuổi gọi con gái đến tâm sự một bí mật ông định sống để dạ chết mang theo: suốt 50 năm qua, ông chưa bao giờ quên, chưa bao giờ thôi nghĩ về cô gái 18 tuổi đó. Con gái nếu đủ rộng lượng để tha thứ (vì ông không yêu mẹ cô được trọn vẹn), thì hãy giúp ông đi tìm “cô ấy”, ông tha thiết được nhìn thấy “cô ấy” một lần trước khi về với tổ tiên.
Hai câu chuyện đó ám ảnh tôi những ngày đầu hạ mưa gió này. Tôi không nguôi nghĩ về những điều âu yếm gần như đau khổ, mà số phận có thể chỉ định bất cứ ai trong chúng ta, để trao gửi món quà bí nhiệm này. Chúng ta đã đón nhận một hình bóng với lòng biết ơn và run rẩy, chúng ta đã thấy cuộc đời ngắn ngủi của mình bỗng chốc bừng sáng. Nhưng đời sống thực tế không còn cơ hội nào cho sự thành thật của chính trái tim, chúng ta không đủ can đảm (hay sự tàn nhẫn) để phá bỏ những điều yên ổn đang có của mình. Và ta đã phải vùi quên cái tên đó, gương mặt đó, để sống tiếp cuộc đời dài dằng dặc, phẳng lặng và an toàn của những trách nhiệm và đích đến, nhưng vĩnh viễn không bao giờ còn được bừng sáng lộng lẫy một lần nữa. Và vào một buổi sáng sương mù đi trong sự đơn độc câm lặng của chính mình, trong một đêm thâu nằm cạnh người bạn đời đang say giấc ngủ, ta đã chảy nước mắt không ngừng, khổ tâm nghĩ về ánh sao băng yêu dấu đã từng vụt qua cuộc đời (phần lớn là) tẻ nhạt của mình.
“Ngoại tình” – Xin bạn đừng tàn nhẫn gọi tên điều đó như vậy. Tình yêu tuyệt đối im lặng và không tương tác ấy, như một khoảng trời xanh biếc và buồn bã, có thể đã chứa đựng toàn bộ dưỡng khí cho đôi cuộc đời nhọc mỏi nào đó. Như câu thơ của Boris Pasternak: “Em là vĩnh phúc trên bước đường thảm khốc/ Khi đời sống còn ghê rợn hơn cơn đau…”; chúng ta luôn cần có một điều thiêng liêng và quý giá để neo bám mình, để không tha hóa thêm, hoặc không kiệt sức hay tuyệt vọng. Nếu bạn có một khoảng trời xanh trong tim như thế, đừng dằn vặt vì mình không đủ duyên phận. Xin hãy gượng nhẹ và bảo toàn, vì đã luôn có một ngọn nến nhỏ dù câm nín và chỉ le lói, nhưng đã luôn cháy sáng suốt hiện hữu của bạn.
Quỳnh Hương, Nguồn: Phunuonline.com.vn