“Tam tòng tứ đức” là gì?
Lễ giáo xưa còn kén dâu theo tam tòng, tứ đức.
Tam tòng
Tam tòng là ba điều người phụ nữ phải tuân theo, đó là: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (ở nhà phải theo cha, đi lấy chồng phải theo chồng, chồng chết phải theo con). Cũng từ ý này mà người ta khẳng định: ở nhà thì phải nghe lời cha, đi lấy chồng phải nghe lời chồng, chồng chết phải nghe lời con. Như vậy, ở bất cứ nơi đâu người phụ nữ đều bị lệ thuộc. Rõ ràng tam tòng là hoàn toàn xa lạ vối lối sống xã hội hiện đại, với bình đẳng nam nữ trong xã hội văn minh.
“Tam tòng tứ đức” là gì?
Tứ đức gồm: Công, dung, ngôn, hạnh.
Công
Công là sự khéo léo tinh tế về tay chân và nghề nghiệp của người con gái. Như lao động giỏi trên đồng ruộng với những đường cày thẳng tắp, với cấy lúa thẳng hàng, biết nội trợ, biết lo toan sắp xếp mọi công việc của người phụ nữ trong gia đình. Từ việc lo “cái mặc” như việc trồng dâu, chăn tằm, kéo sợi, dệt vải, rồi vá may, thêu thùa… phải thông thạo. Đến việc lo “cái ăn” như việc cấy hái, trồng trọt, cơm nước, nấu nướng cho bữa ăn hàng ngày, biết lo chu tất cho mâm cỗ, bánh trái cho ngày giỗ, ngày tết. Có thế khi “ra ở riêng” mới gánh vác nổi “Giang sơn nhà chồng”. Chữ công đó sau này trở thành chuyên ngành nữ công gia chánh của phụ nữ.
Dung
Dung là nhan sắc, là sắc đẹp với vẻ đẹp bên ngoài hiền dịu. Dung ở đây chỉ có nghĩa là con người vừa phải, không có khuyết tật gì trên cơ thể gây biến dị khó coi. Chứ thực ra các cụ đã nói: “Sông nào sào ấy”, con trai nhà mình nếu giàu có, tài năng, đẹp đẽ thì mới có quyền chọn lựa một nàng dâu xứng ý toại lòng.
Mặt khác, tục ngữ cũng nói: “Cái nết đánh chết cái đẹp”, hoặc đôi khi còn sợ sắc đẹp sẽ gây sắc dục có hại cho sức khỏe cho người đàn ông. Vì thế, tục ngữ đã răn đe: “Tốt mái hại trống”, hoặc “Vợ đẹp càng tổ đau lưng”… Do đó, sắc đẹp tức chữ dung chỉ là chuyện tương đối. Tuy nhiên, người con gái đẹp, dân ta cũng đã có những tiêu chuẩn nhất định như: khuôn mặt trái xoan, như “cái răng, cái tóc”, nó là “một góc con người”; hàm răng đều chằn chặn, lại được nhuộm đen hạt huyền, hạt na; làn tóc dài óng ả lại bỏ đuôi gà duyên dáng.
Thời xưa, các cô gái thường mặc yếm, váy bằng lụa tơ tằm, đi với chiếc thắt lưng màu hoa đào hoặc hoa lý. Rồi dây xà tích bằng bạc với đôi khuyên tai vàng óng ánh làm duyên trong ngày hội. Tất cả, hoàn thiện bằng chiếc nón quai thao và đôi dép cong cong, tạo nên một dáng đẹp mẫu mực.
Ngôn
Ngôn là lời nói, là cách phát ngôn trong ứng xử hàng ngày, với mọi thứ bậc và mọi mối quan hệ gia đình, xã hội như: ông bà, cha mẹ, anh chị em, cô dì, chú bác, chồng con, xóm giềng… Nếu trong các mỗi quan hệ ấy, việc sử dụng ngôn từ tỏ ra biết phải trái, biết điều hay điều dở, để phân biệt đối xử và ứng xử, khiến ai cũng vừa lòng và nể trọng. Người như thế được xem là người có văn hoá, có giáo dục. Thật ra mối quan hệ này vô cùng phức tạp và tế nhị. Bởi thế tục ngữ thường răn:
Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Hoặc:
Kim vàng ai nỡ uốn câu
Người ngoan ai nỡ nói nhau nặng lời
Thực ra, trong dân gian người ta vẫn định chuẩn rằng: Cô gái biết nói năng mạch lạc, biết thưa gửi rành rẽ. Lời nói điềm đạm, lễ độ, ngọt ngào, biết trên biết dưới với bố mẹ, với anh em nhà chồng bà con họ mạc và bè bạn. Đối với chồng thì:
Chồng giận thì vợ làm lành
Miệng cười tủm tỉm rằng anh giận gì?
Rồi đợi lúc nào chồng nguôi giận, vợ chồng bên nhau, người vợ mới tỉ tê nhỏ to “góp ý”. Chỉ có thế mới giữ được tổ ấm gia đình.
Hạnh
Hạnh là đạo đức, là đức hạnh của người con gái. Trong sự đánh giá toàn diện về con người, xã hội ta thường coi trọng đạo đức hơn cả. Thế mà không hiểu tại sao trong trật tự này, người ta lại xếp Hạnh vào hàng cuối.
Có lẽ, Hạnh ở đây, người xưa muốn đề cập đến vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Bởi họ có ảnh hưởng rất lớn trong việc nuôi dạy con cái. Nếu con hư, trách nhiệm đầu tiên xã hội quy về người mẹ: “Con hư tại mẹ”. Nếu nhà có nền nếp kỷ cương, xã hội cũng quy công cho người mẹ: “Phúc đức tại mẫu”.
Hạnh ở đây chính là đạo làm người. Trong đó bao hàm phần đạo lý với các bổn phận và nghĩa vụ với ông bà, cha mẹ, anh chị em, con cháu, họ hàng, xóm giềng và các mối quan hệ xã hội khác. Đạo đức người phụ nữ là phải thể hiện được lòng tôn kính, tính hoà thuận, lòng nhân ái, đức bao dung… Tuy đặt xuống hàng thứ tư trong thứ tự phẩm hạnh của người phụ nữ, nhưng thực tế xã hội coi Hạnh là bao trùm. Xưa đã thế, nay cũng vẫn vậy.
Theo giải thích của Huỳnh Tịnh Của trong Đại Nam quốc âm tự vị thì Tứ đức như sau:
Phụ công: Sự khéo léo thành thậo trong gia chính (việc trong nhà).
Phụ dung: Thái độ, tư thế nhẹ nhàng, đoan trang, nghiêm chỉnh
Phụ ngôn: Nói năng lễ độ, kín đáo, ôn hoà.
Phụ hạnh: Cư xử nết na, đằm thắm.
Theo Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục thì giải thích Tứ đúc mang tính “dân gian” hơn:
Phụ công: Là nghề khéo của người đàn bà, nghề khéo thì chẳng qua trong nghề vá may thêu dệt và biết buôn bán mà thôi.
Phụ dung: Là dáng người đàn bà, dáng phải chính đính hoà nhã, nhưng cũng phải chải chuốt cho gọn gàng sạch sẽ.
Phụ ngôn: Là lời ăn tiếng nói của người đàn bà, ăn nói phải khoan thai, dịu dàng; đừng cẩu thả mà cũng đừng the thé, quý hồ mềm mỏng cho ai cũng dễ nghe.
Phụ hạnh: Là nết na người đàn bà, nết na thì đến trên kính, dưới nhường, ở trong nhà chiều chồng thương con và lấy nết hiền hậu mà ở với anh em họ hàng nhà chồng. Ra ngoài thì nhu mì chín chắn, không hợm hĩnh mà cũng không cay nghiệt với ai.
Đấy là tứ đức, có đủ chừng ấy mối là người đáng khen.
Thực ra tứ đức này cũng chỉ ở các gia đình quyền quý, thì các cô con gái mới có được sự giáo dục đầy đủ và có điều kiện đế thực hành những khuôn mẫu văn hoá ấy. Còn ở tầng lớp trung lưu và dân thường, đặc biệt là nông dân thì tứ đức lại được hiểu một cách cụ thể hơn (thậm chí thô thiển hơn, ví dụ: chữ ngôn chẳng hạn, người ta hiểu rằng: Phụ nữ mà giọng khàn hoặc chua thì ngôn coi như hỏng; hoặc như chữ dung thì thường được hiểu nghiêng về khía cạnh sắc đẹp của người phụ nữ như: khuôn mặt trái xoan, thắt đáy lưng ong, răng đen hạt huyền…)
Trong xã hội phong kiến, chữ trinh là một tiêu chuẩn quan trọng đối với việc chọn dâu (mặc dầu không ai, không sách nào giải thích chữ trinh, nhưng đây lại là tiêu chuẩn đứng trên tất cả, thậm chí còn bao trùm cả tứ đức). Đây là một tiêu chuẩn vô cùng khắc nghiệt của xã hội cũ, thậm chí trước đây ta còn bắt chước lệ Tàu là: lễ lại mặt bao giờ cũng có một con lợn béo. Nếu con lợn này có đủ bộ vị (đầu, đuôi, chân, tai) thì nhà gái rất hãnh diện với bà con thân thuộc, xóm làng vì sự trinh tiết của con gái mình. Nhưng nếu đôi tai của chú lợn mà bị xẻo đi (do nhà trai xẻo) thì thật là vô phúc cho nhà gái, vì điều đó có nghĩa là cô dâu đã bị mất trinh. Lúc ấy thì ông bà nhạc cùng anh chị em nhà gái chỉ còn cách chui xuống đất cho thiên hạ khỏi mỉa mai, tệ hơn nữa là các cô con gái còn lại của nhà này coi chừng phải “ế’ suốt đời vì không chàng trai nào dám cưới họ về làm vợ nữa.
Thegioibantin.com | VinaAspire News