Sắc xuân mới của ngành Năng lượng Việt Nam
Thường trực Ban chấp hành Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) thời gian qua đã có nhiều hoạt động nghiên cứu, phản biện, kiến nghị tới các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan nhằm xây dựng chính sách trong lĩnh vực năng lượng, tháo gỡ khó khăn cho các thành viên, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
TRẦN VIẾT NGÃI, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA)
Ngày 17/12/2015, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị toàn quốc của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) tổng kết kết quả hoạt động trong hai năm 2014-2015 và bàn phương hướng nhiệm vụ, các biện pháp thực hiện năm 2016 và những năm tiếp theo. Tham dự Hội nghị có đầy đủ các thành viên Ban chấp hành VEA, các Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc và các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp là thành viên của VEA trên cả nước; các đơn vị trực thuộc VEA; các nhà khoa học và các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực năng lượng.
Báo cáo tổng kết hai năm 2014-2015, phương hướng nhiệm vụ năm 2016 đã được Hội nghị trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến quý báu đi đến nhận định về thành quả mà VEA đã đạt được như nêu ở dưới đây.
Thực hiện tốt chức năng tư vấn phát triển ngành năng lượng
Một là về chức năng tư vấn chiến lược, VEA đã thể hiện được vai trò quan trọng của một tổ chức xã hội-nghề nghiệp có tiếng nói phản biện độc lập nhằm vào mục tiêu phát triển ngành năng lượng đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, trong đó có nghiên cứu lập các văn kiện với các kiến nghị liên quan đến ngành năng lượng trình các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trân Tổ quốc; các báo cáo tại các hội thảo khoa học quốc tế, các góp ý cho các bộ, ngành, các văn bản kiến nghị… VEA đã thực hiện trong hai năm qua gồm có:
(1) Văn bản “Vốn đầu tư cho các dự án điện của đất nước và những vấn đề cấp bách” số 11/VBKN-VEA ngày 17/02/2014.
Sau khi trình bày thực trạng nguồn vốn của các dự án điện, nêu lên được những nguyên nhân cản trở việc tiếp cận vốn, VEA đã đưa ra được các kiến nghị để Chính phủ và các bộ, ngành có giải pháp hữu hiệu để các dự án điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các nhà đầu tư khác có thể tiếp cận được nguồn vốn, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho nền kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân.
Từ văn bản nói trên, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 1311/VPCP-KTN ngày 28/02/2014, truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao “Bộ Công Thương nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị của VEA trong quá trình chỉ đạo thực hiện các dự án nguồn và lưới điện thuộc Quy hoạch Điện VII; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án, Báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền”.
(2) Văn bản “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” số 67/VBKN-VEA ngày 26/9/2014.
Văn bản đã nêu lên quá trình phát triển mạnh mẽ của ngành năng lượng sau gần 30 năm đổi mới; những thành quả đạt được trong việc thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và những vấn đề tồn tại, từ đó đề xuất các giải pháp chiến lược, những đề xuất để đạt được mục tiêu này.
Sau khi nhận được văn bản của VEA, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 8195/VPCP-KTN thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải “giao Bộ Công Thương nghiên cứu tiếp thu các đề xuất, các kiến nghị của VEA trong quá trình chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và quá trình phát triển ngành năng lượng Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền”.
(3) Văn bản “Đề xuất một số cơ chế, chính sách đổi mới đối với doanh nghiệp nhà nước nhằm xây dựng môi trường thông thoáng, thuận lợi, hiệu quả”.
Văn bản này được soạn thảo trên cơ sở kết quả sự phối hợp giữa VEA và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia ngày 25/6/2014 tại Hà Nội và ngày 30/6/2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh, với chủ đề “Doanh nghiệp nhà nước: Thành công và những bài học đắt giá”. Các tham luận tại Hội thảo này đã được Ban tổ chức biên tập, chắt lọc trình Bộ Chính trị, Chính phủ và các cơ quan liên quan triển khai, vận dụng vào thực tiễn điều hành, quản lý doanh nghiệp nhà nước.
(4) Văn bản “Kiến nghị hỗ trợ sản xuất vật liệu không nung từ tro xỉ than nhiệt điện”.
Bằng văn bản này VEA đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm đề ra các cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các dự án nhằm tận dụng tối đa loại chất thải rắn từ các nhà máy nhiệt điện, tạo ra sản phẩm vật liệu không nung hạn chế sử dụng gạch đất sét nung, đồng thời giảm thiểu tối đa tác động xấu đến môi trường.
(5) Báo cáo “Thực hiện tốt chủ trương nội địa hóa ngành năng lượng, Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới về lĩnh vực này của thế giới sau năm 2015”.
Báo cáo này của VEA đã được trình bày tại Hội thảo Khoa học quốc tế “Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015” do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Đông Á và Thái Bình Dương chủ trì; tổ chức tại Hà Nội ngày 24/10/2015. Báo cáo đã nêu lên được đầy đủ các nội dung: nhận định về phát triển ngành năng lượng Việt Nam sau 30 năm đổi mới; Đánh giá về công tác chế biến chế tạo của từng phân ngành (điện, than, dầu khí, năng lượng xanh); Cơ hội, thách thức, triển vọng và kiến nghị để Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến chế tạo mới về ngành năng lượng của thế giới trong thời gian tới.
Trong lời tổng kết Hội thảo của GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính Trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặc biệt chú ý đến báo cáo của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam – là một trong các báo cáo được quan tâm, cần ghi nhận các đề xuất về giải pháp, kiến nghị nhằm phát triển ngành năng lượng để báo cáo Bộ Chính trị.
(6) Văn bản “Ngành năng lượng Việt Nam cần một tầm nhìn mới”.
Cuối năm 2015, VEA đã hoàn thành dự thảo văn bản kiến nghị này để chuẩn bị trình Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc và các bộ, ngành liên quan. Văn bản kiến nghị “Ngành năng lượng Việt Nam cần một tầm nhìn mới” gồm 6 phần; Phần I: Nhận định và dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam. Phần II: Xác định tầm nhìn mới để phát triển bền vững ngành năng lượng đáp ứng nhu cầu năng lượng cho nền kinh tế của đất nước. Phần III: Hợp tác hỗ trợ giữa các phân ngành của ngành năng lượng nhằm đảm bảo tính liên hoàn và đồng bộ trong quá trình phát triển. Trong phần III này VEA đã đưa ra dự báo về nhu cầu điện đến năm 2030, xác định cơ cấu các loại nguồn điện hợp lý và tìm giải pháp tốt nhất cho lưới điện truyền tải. Phần IV: VEA đã đề xuất thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương nội địa hóa hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chế biến chế tạo mới về năng lượng của thế giới trong tương lai. Phần V: Các giải pháp thực hiện bao gồm: Lập quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; Giải pháp cho từng phân ngành (than, dầu khí, năng lượng tái tạo, điện) và giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Phần VI: VEA đưa ra 5 kiến nghị trình các cấp lãnh đạo.
Dự thảo này đang được VEA sửa chữa hoàn chỉnh để gửi đi vào đầu năm 2016.
(7) Đóng góp ý kiến về Đề án thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh của Bộ Công Thương.
Trong năm 2015, VEA đã tham gia nhiều hội nghị, hội thảo khoa học và trực tiếp làm việc với Bộ Công Thương, Cục Điều tiết Điện lực về Đề án này. Với mục tiêu của thị trường bán buôn điện cạnh tranh của Việt Nam là đảm bảo cung cấp điện, thu hút nhà đầu tư, giá điện hợp lý, nâng cao cạnh tranh, minh bạch công khai, hiệu quả và phát triển bền vững…VEA đã đề xuất nhiều nội dung quan trọng được các bộ, ngành, cơ quan liên quan đánh giá cáo, tiếp thu thực hiện.
(8) Đóng góp ý kiến xây dựng Dự thảo nghị định, thông tư, Luật của các bộ, ngành… đó là:
– Dự thảo thông tư Biểu giá chi phí tránh được cho nhà máy thủy điện nhỏ và quy chuẩn kỹ thuật thủy điện của Bộ Công Thương.
– Dự thảo Thông tư nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng của Bộ Khoa học Công nghệ.
– Dự thảo Luật chuyển giao Công nghệ của Bộ Công Thương.
– Dự thảo Nghị định Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Bộ Kế hoạch & Đầu tư.
– Dự thảo Nghị định Vốn do nhà nước nắm giữ 100%; Nghị định Hướng dẫn Luật Doanh nghiệp; Thông tư Phân cấp quản lý thuế; Sửa đổi bổ sung Luật thuế của Bộ Tài chính.
Ngoài ra, VEA đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá kết quả cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan.
Hai là về công tác tư vấn dự án, Trung tâm Tư vấn Năng lượng (VECC) thành viên của VEA với chức năng của một cơ quan tư vấn độc lập, trong hai năm qua đã thực hiện công tác thẩm tra nhiều dự án điện, hỗ trợ chủ đầu tư (PVN, TKV, EVN; các công ty cổ phần điện Công Thanh và Thăng Long -IPP) triển khai tốt các dự án nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) ở các bước chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư. Việc hoàn thành có chất lượng công tác thẩm tra Hồ sơ Dự án đầu tư (DAĐT), thiết kế kỹ thuật (TKKT) – Tổng dự toán (TDT), Bản vẽ thi công (BVTC) Dự án sân phân phối Trung tâm điện lực (TTĐL) Vũng Áng cũng như Hồ sơ thiết kế cơ sở (TKCS), TKKT-TDT, BVTC Dự án Bãi thải xỉ NMNĐ Vũng Áng I đã góp phần đưa Dự án NMNĐ Vũng Áng I (2x600MW) vào vận hành thương mại thành công.
Báo cáo thẩm tra cuối cùng Hồ sơ DAĐT NMNĐ Na Dương II (1x110MW) VECC hoàn thành vào tháng 8/2015 tạo cơ sở để TKV triển khai các bước đầu tư kế tiếp. Một số nhiệm vụ khác đã hoàn thành là thẩm tra hồ sơ DAĐT NMNĐ An Khánh II (1x300MW), thẩm tra Hồ sơ DAĐT và lập hồ sơ đề nghị đàm phán mua bán điện Dự án NMNĐ Công Thanh (1x660MW); Hồ sơ TMĐT cập nhật Dự án NMNĐ Sông Hậu I (2x600MW) và Hồ sơ TKKT-TDT, BVTC Dự án sân phân phối TTĐL Long Phú. Hiện đang triển khai thực hiện công tác thẩm tra Hồ sơ TDT, TMDT điều chỉnh Dự án Nghi Sơn 1 (2x300MW) và lập TDT, TMĐT điều chỉnh Dự án NMNĐ Thăng Long (2x300MW). Tất cả các dự án NMNĐ nêu trên đều nằm trong Quyết định số 2414-QĐ-TTg ngày 11/12/2013, về việc, Điều chỉnh danh mục, tiến độ một số dự án điện và quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư các công trình điện cấp bách trong giai đoạn 2013-2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Những sự kiện VEA quan tâm và hành động
(1) Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 vào vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ngày 9/7/2014, VEA đã có văn bản phản đối sự kiện này trình Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và gửi đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), các cơ quan thông tấn báo chí và Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.
Nội dung văn bản của VEA kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu hộ tống, công vụ, quân sự ra khỏi vùng biển, vùng thềm lục địa của Việt Nam; chấm dứt ý đồ muốn thực hiện đường lưỡi bò độc chiếm Biển Đông, đồng thời kêu gọi các hội ngành nghề trong nước, các hội năng lượng các nước và cộng đồng quốc tế; các tổ chức, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đang làm việc trong ngành năng lượng cùng chia sẻ lên án hành động trái phép, khiêu khích, ngang ngược, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc, nhằm bảo vệ chân lý, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải ở biển Đông và làm thất bại âm mưu bá quyền biển Đông của Trung Quốc.
(2) Chia sẻ với ngành Than sau cơn lũ lịch sử.
Trước những thiệt hại nặng nề về vật chất của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) do đợt mua lũ lịch sử từ ngày 26 đến 31/7/2015 gây ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; VEA đã gửi công thư chia sẻ động viên tới Lãnh đạo và cán bộ công nhân viên ngành Than Việt Nam; đánh giá cao những nỗ lực trong công tác chỉ đạo, ứng cứu, khắc phục hậu quả mưa lũ, phòng chống và xử lý sự cố mưa lũ… sớm khôi phục sản xuất tại các mỏ than. Đặc biệt, VEA hoan nghênh TKV trong điều kiện khó khăn như vậy, nhưng đã cân đối sản xuất, điều chỉnh kịp thời đảm bảo việc cung cấp than cho các NMNĐ vận hành ổn định kể cả các NMNĐ ở miền Trung (Vũng Áng I, Vĩnh Tân II) và miền Nam (Duyên Hải I).
Thành lập Hội Thủy điện vừa và nhỏ – Năng lượng xanh
Ngày 01/10/2015, tại Hà Nội, VEA đã tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Thủy điện vừa và nhỏ – Năng lượng xanh; một thành viên mới của VEA. Đây là tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy điện vừa và nhỏ – Năng lượng xanh (bao gồm gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt, thủy triều,…) trực thuộc VEA. Hội tập hợp tất cả các doanh nghiệp thủy điện vừa và nhỏ, các doanh nghiệp năng lượng xanh, các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế,… nhằm phát triển bền vững các phân ngành và chuyên ngành này. Hội đã xây dựng chức năng và chương trình hành động cho giai đoạn 2016-2020.
Các hoạt động khác
(1) Hội nhập thực tế, VEA đã tổ chức nhiều đợt đi tìm hiểu tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn (EVN, TKV, PVN) và một số đơn vị thành viên khác để kịp thời đề xuất với Chính phủ, các cơ quan nhà nước giải quyết những khó khăn vướng mắc giúp các thành viên thực hiện nhiệm vụ và kế hoạch được giao.
(2) Hoạt động của Hội đồng khoa học và Năng lượng – VEA, thường trực VEA thường xuyên đưa ra các yêu cầu để Hội đồng Khoa học Năng lượng nghiên cứu và đã tư vấn tốt cho VEA như: Quy hoạch phát triển và cơ chế chính sách năng lượng, thị trường năng lượng chủ yếu là thị trường điện; Công nghệ điện hạt nhân và giải pháp an toàn; Sử dụng hiệu quả nguồn thủy điện; Đảm bảo môi trường trong hoạt động năng lượng; Phát triển năng lượng mới và tái tạo…
(3) Chương trình hợp tác quốc tế, thông qua các hội thảo quốc tế, các diễn đàn hợp tác đầu tư, các dự án năng lượng… nhiều tổ chức và tập đoàn quốc tế đã đến với VEA để tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư. VEA đã cung cấp cho những nhà đầu tư nước ngoài thông tin về tiềm năng, hỗ trợ tư vấn đầu tư, giúp đỡ trong đàm phán hợp tác… nên những dự án năng lượng lớn của đất nước được triển khai hiệu quả trong những năm qua có sự đóng góp thiết thực của VEA. Ngoài ra, tham gia vào các hoạt động của VEA, một số hội viên đã có điều kiệm đến mốt số nước trên thế giới để tham quan, học tập, tiếp thu các thành tựu khoa học – kỹ thuật cũng như hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ.
(4) Công tác tuyên truyền, Tạp chí Năng lượng Việt Nam (VER)/NangluongVietNam.vn/VietnamEnergy.vn (Cơ quan ngôn luận của VEA) bằng ý thức trách nhiệm, sự quan tâm đến chiến lược phát triển ngành năng lượng VIệt Nam, VER đã luôn cố gắng để thực hiện tốt công tác tuyên truyền trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của các phân ngành, các chuyên ngành trong ngành năng lượng. Trong hai năm qua thông qua hoạt động của VEA, VER đã thực hiện nhiều bài phản biện, kiến nghị về cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho ngành năng lượng Việt Nam phát triển; kịp thời đính chính những thông tin sai lệch gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh – doanh của các doanh nghiệp trong ngành năng lượng Việt Nam. Những thông tin đa chiều trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam luôn được bạn đọc ghi nhận và đánh giá cao.
(5) Xây dựng mối quan hệ tốt trong nước, cho đến đầu năm 2015, VEA tiếp tục xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương, các tổ chức, hiệp hội chuyên ngành, các cơ quan báo chí… do đó các hoạt động của VEA luôn thuận lợi và nhận được sự đồng thuận cao.
Phương hướng nhiệm vụ trong trong thời gian tới
(1) Tăng cường và nâng cao chất lượng chức năng tư vấn chiến lược và tư vấn dự án năng lượng của VEA.
(2) Nghiên cứu và đề ra chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XII về “Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020” trong đó có ngành năng lượng và những nội dung có liên quan đến ngành năng lượng.
(3) Phát triển và hỗ trợ hội viên trong tất cả mọi lĩnh vực hoạt động mà mục tiêu cuối cùng là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và an ninh quốc phòng.
Hợp tác với tổ chức CAVA của Singapore về chuyển giao công nghệ phần mềm QLDA và quản lý tổng thầu EPC và các dự án khác.
(4) Phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức hội thảo – hội chợ triển lãm về năng lượng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Mianmar.
(5) Tiếp tục thực hiện QĐ số 403/QĐTTg, của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, giai đoạn 2014-2020”.
(6) Tăng cường hợp tác quốc tế và tiếp tục nâng cao mối quan hệ tốt của VEA với các bộ, ban, ngành, các địa phương, các tổ chức hiệp hội chuyên ngành và các cơ quan thông tin đại chúng, nhằm phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam.
(7) Nghiên cứu, kịp thời góp ý và thực hiện tốt các chiến lược, quy hoạch của ngành năng lượng nói chung và các phân ngành điện, than, dầu khí, năng lượng tái tạo… nói riêng đã ban hành đang điều chỉnh để ban hành trong năm 2016.
(8) Tập trung tìm hiểu sâu về một số cơ chế chính sách trong thi hành các thông tư Nghị định của Chính phủ, các Luật có liên quan đến ngành năng lượng, kịp thời phổ biến cho các hội viên thực hiện tốt.
(9) Tổ chức các hội thảo, diễn đàn quốc tế; các hội thảo chuyên ngành năng lượng Việt Nam.
(10) Tổ chức các hội nghị tổng kết của VEA hàng năm, hội nghị Ban chấp hành và các thành viên tại Hà Nội và các khu vực trên cả nước.
Nhìn lại hoạt động trong hai năm qua như trình bày ở trên, VEA hy vọng đạt được những thành tựu mới trong thời gian tới, với mục tiêu cuối cùng là xây dựng và phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam.
Với những thành tích đạt được trong quá trình hoạt động, năm 2014, VEA đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng Ba; Bộ Công Thương tặng Cờ thi đua xuất sắc; 34 thành viên và cá nhân được VEA đề xuất Bộ trưởng Bộ Công Thương tặng bằng khen.
Thegioibantin.com
Nguồn: nangluongvietnam online