Tình yêu Việt Nam của nhà vật lý hàng đầu thế giới

0 603

13 năm đánh dấu một chặng đường phát triển của Phòng thí nghiệm Vật lý tia vũ trụ với sự dẫn dắt của nhà vật lý hàng đầu thế giới – Giáo sư Pierre Darriulat.

THU HÀ

Giáo sư Pierre Darriulat, nhà vật lý hạt cơ bản nổi tiếng, viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Khoa học Pháp, nguyên giám đốc khoa học Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN), một công dân Pháp đã sống ở Hà Nội 15 năm qua. Ảnh: Seatimes.com

Quê hương thứ hai

Sinh ra và lớn lên tại Cộng hòa Pháp, một cường quốc có nền văn hóa, kinh tế, quân sự phát triển vào loại bậc nhất ở châu Âu và trên thế giới, Giáo sư Pierre Darriulat (sinh năm 1938) luôn ấp ủ một tình yêu thiết tha đối với khoa học và đã gặt hái được nhiều thành công.

Từ năm 1979 đến năm 1987, ông là người phát ngôn của Thí nghiệm UA2 nổi tiếng tại Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN), nhằm tìm ra các hạt boson W± và Z0 trong lý thuyết thống nhất tương tác yếu và tương tác điện từ.

Ông trở thành một nhà vật lý hàng đầu quốc tế, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp từ năm 1986. Từ 1987 đến 1994, ông là giám đốc nghiên cứu tại CERN.

Năm 1999, sau khi nghỉ hưu, Giáo sư Pierre Darriulat đã sang Việt Nam sinh sống cùng vợ là người Việt, nơi ông luôn coi là quê hương thứ hai của mình.

Đam mê khoa học sâu sắc

Cùng với tình yêu đối với Việt Nam và với niềm đam mê khoa học sâu sắc, Giáo sư Pierre Darriulat đã thành lập phòng thí nghiệm Vật lý tia vũ trụ (VATLY) đầu tiên của Việt Nam vào năm 2001 tại Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân, trực thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam.

Phòng thí nghiệm VATLY sau này được đổi tên là Phòng thí nghiệm Đào tạo Vật lý thiên văn (Vietnam Astronphysics Training Loboratory hay VATLY).

Phòng thí nghiệm VATLY được thành lập dựa vào phần lớn trang thiết bị do Giáo sư Pierre Darriulat mang về từ những thí nghiệm đã hoàn thành tại Trung tâm hạt nhân châu Âu, những nghiên cứu ban đầu của phòng nằm trong khuôn khổ hợp tác với Đài thiên văn Pierre Auger.

Từ đây, vị giáo sư già luôn trăn trở để tìm ra con đường phù hợp để đưa Phòng thí nghiệm VATLY trở thành một phòng thí nghiệm hiện đại, với nhóm nghiên cứu khoa học cơ bản có trình độ tương đương với các nhóm nghiên cứu ở các nước phát triển và đưa ngành vật lý thiên văn hiện đại vào giảng dạy tại một số trường đại học của Việt Nam.

Con đường thực hiện bắt đầu từ chính tấm lòng yêu người, yêu nghề của ông. Bên cạnh sự hỗ trợ từ trong nước, những gì Giáo sư thực hiện đều dựa trên sự nỗ lực nghiên cứu, không ngừng học hỏi và tìm kiếm các đối tác nghiên cứu và đặc biệt là sự động viên tinh thần các học trò của ông.

Vì vậy, phòng thí nghiệm VATLY đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Tại phòng thí nghiệm, công tác đào tạo được thực hiện thông qua công việc nghiên cứu, phòng thực hiện đào tạo từ bậc đại học cho đến sau tiến sĩ.

Từ khi thành lập, những nghiên cứu tại phòng thí nghiệm luôn được thực hiện theo hai hướng: hợp tác trong khuôn khổ các thí nghiệm có quy mô lớn, trang thiết bị hiện đại và đắt tiền ở nước ngoài, đồng thời phòng cũng luôn xây dựng và thực hiện những thí nghiệm ngay tại Hà Nội.

Điển hình, hợp tác với Đài thiên văn Pierre Auger (thí nghiệm lớn nhất trên thế giới nghiên cứu về tia vũ trụ, bao phủ hơn 3.000 km2 trên cao nguyên Argentina), VATLY là đồng tác giả của nhiều bài báo quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu tia vũ trụ năng lượng siêu cao.

Đặc biệt, bài báo về phát hiện mối quan hệ giữa nguồn phát của các tia vũ trụ này và các tâm thiên hà hoạt động, đăng trên tạp chí Science và được bình chọn là một trong 10 sự kiện vật lý của Hội vật lý Mỹ năm 2007.

Với hệ thiết bị trong nước, VATLY đã xây dựng hệ viễn kính nghiên cứu đặc điểm thông lượng tia vũ trụ tại Hà Nội, nơi có độ cứng địa từ cao nhất trên thế giới. Các thành viên của nhóm cũng đã xây dựng một hệ đo giống như tại Đài thiên văn Pierre Auger, đặt trên nóc phòng thí nghiệm. Nhiều thí nghiệm đo, nghiên cứu về tính chất của hệ ghi đo này đã được thực hiện.

Mười ba năm qua, phòng thí nghiệm VATLY đã hoạt động rất có hiệu quả và đã có những đóng góp nhất định cho các dự án quốc tế và đặc biệt các hoạt động nghiên cứu của nhóm đã khơi dậy niềm đam mê khoa học nói chung và ngành vật lý thiên văn nói riêng cho các nhà khoa học trẻ Việt nam.

Đặt niềm tin vào giới trẻ Việt Nam

Giáo sư Pierre Darriulat luôn đặt niềm tin vào những bạn trẻ Việt Nam. Thời gian qua, Giáo sư Pierre Darriulat đã cùng các cộng sự tại phòng thí nghiệm VATLY trực tiếp đào tạo được 5 nghiên cứu sinh, 9 thạc sĩ và 13 sinh viên tốt nghiệp đại học.

Bên cạnh đó, ông và các cộng sự đã tích cực tham gia giảng dạy tại các trường đại học, các lớp học mùa hè tại Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn và TP HCM.

Giáo sư cũng tham gia giảng dạy, hướng dẫn sinh viên tại Đại học Khoa học và Công nghệ Việt – Pháp.

Để thực hiện ước nguyện của mình là khơi dậy niềm đam mê của họ đối với ngành khoa học vật lý thiên văn, ông đã và đang làm hết khả năng của mình để tạo ra môi trường nghiên cứu thuận lợi cho các bạn trẻ để họ có thể sống và làm khoa học thực sự ngay trên đất nước của mình.

Có thể vì lý do đó mà trong thời gian tới phòng thí nghiệm Đào tạo Vật lý thiên văn Việt Nam sẽ gia nhập vào Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Theo Giáo sư, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia có hướng nghiên cứu phù hợp hơn với phòng, nhiều trung tâm của Trung tâm Vệ tinh Quốc gia có những nhóm nghiên cứu có kiến thức và kỹ năng gần với những kiến thức và kỹ năng mà VATLY có và do đó giữa VATLY và các nhóm nghiên cứu này có thể có sự hỗ trợ tốt cho sự phát triển lâu dài cho nhau.

Ngoài ra, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia có chương trình hợp tác chính thức với Nhật Bản cho chương trình phát triển dài hạn của mình – Nhật Bản một cường quốc rất phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu thiên văn.

Do đó, các nhà khoa học trẻ tại VATLY sẽ có cơ hội đóng góp cho sự thành công của hợp tác này. Và điều Giáo sư quan tâm hơn là làm sao cho các cán bộ trong phòng VATLY có thể yên tâm, gắn bó với nhau, tập trung cho công việc nghiên cứu trong môi trường ổn định.

Giáo sư rất mong Nhà nước sẽ tạo mọi điều kiện cả về vật chất và tinh thần để các nhà khoa học trẻ có thể theo đuổi sự nghiệp khoa học đến cùng, góp phần xây dựng Việt Nam trở thành một đất nước ngày càng giàu mạnh, có nền khoa học phát triển.

Nói về Giáo sư Pierre Darriulat – người thầy vĩ đại của mình, các nhà khoa học trẻ trong phòng thí nghiệm VATLY rất vinh dự và tự hào vì được làm việc cùng một nhà khoa học hết sức nổi tiếng nhưng rất đỗi giản dị.

Họ rất lạc quan, tin tưởng vào tương lai của mình, vì sát cánh bên họ có vị Giáo sư tài giỏi và tận tâm. Cuộc sống như đang mở ra và ấm lên những niềm vui về một tương lai tươi sáng.

Nguồn: NangluongVietnam.vn

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ