Công nghệ cao đe dọa tương lai của xe hơi
Không ít hãng sản xuất đã đưa ra những hệ thống giải trí trung tâm với Android trong khi nhiều đại gia như Audi, Honda, Volkswagen, Land Rover… bắt đầu bắt tay với các công ty công nghệ như Intel, nVIDIA, Apple… để đưa các phần cứng cũng như phần mềm của họ vào xe của mình. Không thể phủ nhận đây là những tiện ích phù hợp với cuộc sống hiện đại. Nhưng nó cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ tiềm tàng.
Xe sẽ gặp đủ loại rắc rối như máy tính cá nhân
Bill Gates từng tuyên bố rằng nếu Microsoft sản xuất xe hơi, xe của họ sẽ có giá 25 USD và chạy 1000 dặm chỉ với 1 gallon xăng. Đáp trả lại, Jack Welch – ông trùm của GM – tuyên bố rằng nếu điều đó thành hiện thực, xe của Microsoft sẽ gặp tai nạn hai lần một ngày và túi khí sẽ hỏi bạn xác nhận trước khi bung ra. Mặc dù câu chuyện này có vẻ hài hước nhưng nó lại thể hiện một thực trạng đáng ngại. Máy tính và xe hơi vốn dĩ là hai thế giới hoàn toàn khác nhau: cơ khí và điện tử. Tuy nhiên, giờ đây chúng đã gắn kết chặt chẽ. Trên những chiếc xe hơi đời mới có hàng trăm chip điện tử điều khiển các thành phần khác nhau. Thậm chí Renault còn chọn Android – một hệ điều hành di động “mở” với nhiều nguy cơ bảo mật để quản lý hệ thống trên xe của mình. Trong khi đó, nhiều tên tuổi khác như BMW, GM, Mercedes, Land Rover, Jaguar, Audi, Toyota, Honda, Volkswagen… đều mở rộng đường cho khả năng kết nối giữa điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng đến hệ thống điện tử của xe. Một số hệ thống còn cho phép thiết bị di động dạng này thay thế hoàn toàn các tính năng sẵn có trên xe – khởi đầu với GPS, ứng dụng giải trí, truy cập mạng…
Rõ ràng những chiếc xe hơi đang ngày càng phụ thuộc vào các sản phẩm điện toán trong mọi cơ chế vận hành. Sự lệ thuộc vào các công nghệ phức tạp ẩn chứa nhiều lỗi tiềm tàng sẽ dẫn đến việc những trục trặc của hệ điều hành sẽ khiến bạn không chỉ mất vài ba tập tin hay phải cài lại một số ứng dụng. Thay vào đó, mọi chuyện có thể tồi tệ hơn rất nhiều.
Phần mềm gây hại, mã độc sẽ … chết người thực sự
Nếu như hệ điều hành phổ biến nhất trên máy tính cá nhân là Windows thường xuyên gặp phải thảm hoạ lỗi lập trình, mã độc và các phần mềm gây hại hay quảng cáo, thư rác dù đã vá víu khắp nơi thì chẳng có lý do gi những hệ điều hành trên các thế hệ xe hơi hiện đại lại không đối mặt với nguy cơ này. Trong bối cảnh xe ngày càng “vi tính hoá”, được kết nối Internet và chia sẻ nền tảng phần mềm với nhiều thiết bị số tiêu dùng, có lẽ sẽ không còn lâu nữa khi những loại virus hay mã độc được thiết kế “dành riêng” cho xe hơi ra đời. Đáng ngại hơn, khi những công nghệ kết nối xe – xe và xe – Internet ngày càng phát triển, nó đã vô hình chung tạo thành đường cao tốc cho sự lây lan – giống như máy tính hiện nay.
Về phía mình, các nhà sản xuất tỏ ra khá lạc quan. Họ cũng khẳng định rằng việc chia tách rõ ràng các thành phần trên xe cũng như hệ thống tường lửa sẽ cho phép cách ly hoàn toàn virus từ hệ thống giải trí kết nối tới các thành phần điện tử chịu trách nhiệm an toàn và vận hành cơ bản của xe, điển hình như quản lý hành trình hay chuyển làn tự động. Dù vậy, mọi nguy cơ đều là khả thi và đứng ở góc độ người tiêu dùng, đề phòng là không bao giờ thừa.
Hacker sẽ trở thành vấn nạn đối với cả xe hơi
Ngày nay, không ít các tay chơi xe chuyên nghiệp đã có thể cắm MTXT vào cổng OBD và thiết lập các thông số theo ý muốn. Thậm chí với các module phù hợp, việc kết nối qua Wifi hay Bluetooth cũng hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của ngày hôm nay – khi bạn phải mở cửa xe và bước vào bên trong. Với những gì các nhà sản xuất đang cố gắng hướng tới, những chiếc xe có kết nối trong tương lai sẽ hứa hẹn nhiều ác mộng đối với người dùng nếu không có những cơ chế bảo mật đủ tốt. Khi đó, những tên trộm có thể hack vào hệ thống xe bạn từ kết nối không dây và qua Internet – thậm chí không cần phải đứng gần xe bạn. Nếu xe có trang bị hệ thống tự hành, điều đó còn tệ hơn vì như thế nó có thể được chuyển thẳng tới vị trí định trước mà thủ phạm không cần lộ diện. Ngay lúc bạn đọc bài viết này, nhiều xe hơi đã có thể được mở khoá bằng điện thoại thông minh và kết nối 3G. Vì thế, viễn cảnh như trên là điều chắc chắn sẽ xảy ra trong một ngày không xa.
Tính riêng tư cá nhân bị đe doạ
Cũng từ ví dụ ở trên, một khi những chiếc xe trở nên thông minh hơn, hệ quả tất yếu là nó sẽ ngày càng chứa nhiều thông tin của người dùng. Bước đầu, đó có thể chỉ đơn giản là thói quen lái xe, lộ trình hàng ngày, vị trí xe theo thời gian thực và những thông số kĩ thuật. Tuy nhiên xa hơn, đó có thể là cả thông tin cá nhân, tài khoản Internet (hiện tại không ít xe đã có thể tương tác với mạng xã hội), tài khoản thẻ tín dụng (thanh toán cầu đường, thẻ xăng dầu, thẻ ra vào tích hợp…), nội dung phim quay từ camera hành trình trước hoặc sau xe… Như thế, nếu một vụ hack xe thành công (từ xa), bạn sẽ đứng trước nguy cơ mất mát nhiều hơn chỉ là một phương tiện đi lại. Bên cạnh đó, nếu thiếu các cơ chế cảnh báo mạnh mẽ, lộ trình hoặc vị trí di chuyển của bạn có thể được ghi nhận lại bất cứ lúc nào mà không hề hay biết.
“Hộp đen” sẽ trở thành phiền toái khó chịu
Những chiếc hộp đen là thứ có mặt trên mọi chiếc máy bay đang vận hành. Nó cho phép ghi lại những thông tin kĩ thuật của xe nhằm cho phép các công ty bảo hiểm, nhà sản xuất… nghiên cứu về lý do của các vụ tai nạn. Điều này sẽ sớm trở thành tính năng thường trực trên các loại xe hơi. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là liệu bạn có thích thú gì khi mọi di chuyển /thao tác của mình đều bị ai đó dõi theo ở mọi nơi mọi lúc? Vào thời điểm hiện tại, mới chỉ một số ít các loại xe phục vụ mục đích thương mại được trang bị hộp đen. Nhưng một khi các nhà sản xuất hoặc người tiêu dùng có nhu cầu về công nghệ này, việc triển khai nó sẽ trở nên khá dễ dàng – đặc biệt là trong bối cảnh nền tảng công nghệ của xe hơi đang ngày càng nâng lên cao.
Những chiếc xe với Internet, GPS và hàng loạt kết nối khác có thể được kiểm soát ở mức độ rất sâu từ phía các nhà sản xuất, các công ty cho thuê xe hoặc thậm chí là cá nhân nào đó theo yêu cầu. Huyndai hiện đã triển khai các dịch vụ bảo hành, khẩn cấp và bảo dưỡng … – và đặc biệt là cả thanh toán dựa trên hệ thống kết nối Bluelink của mình. Những dịch vụ kiểu như vậy buộc phải có sự giám sát nhất định để có thể hoạt động được. Xu hướng này sẽ ngày càng mở rộng trong các nhà sản xuất như một dịch vụ tiện ích không thể thiếu trong tương lai. Như vậy, ở góc độ người tiêu dùng, bài toán đặt ra là họ sẽ phải cân nhắc giữa tính riêng tư cá nhân và những tiện ích trên chiếc xe mà họ sở hữu. Tuy nhiên, cũng giống như thực tế hiện tại với các dịch vụ điện toán di động, phần lớn sẽ đam mê những tiện ích mà quên đi những yếu tố đáng ngại ẩn chứa phía sau.
Tắc và lạc đường trong thế giới ảo
Vào thời điểm hiện tại, không ít trường hợp lái xe đã đi lạc hàng trăm km, rơi xuống sông, tụt xuống vực hoặc rơi vào những tình huống tệ hại do sự dẫn đường của các hệ thống GPS. Tuy nhiên, đó sẽ chưa là gì nếu bạn nghĩ về các “thảm hoạ” mà công nghệ thế hệ tiếp theo có thể mang lại. Trong một môi trường mới khi những chiếc xe được kết nối trong hệ thống mạng và có cơ chế điều khiển tự động, tình hình sẽ càng tệ hại hơn. Mới đây, Apple cho biết sẽ đưa các giải pháp Maps của mình vào thay thế cho những hệ thống GPS tích hợp trên các dòng xe của đối tác. Với những gì dịch vụ của họ đang làm thì điều đó có thể trở thành thảm hoạ. Cách đây không lâu, cảnh sát Úc đã từng phải cảnh báo nhiều lái xe không nên đi theo chỉ dẫn của Maps sau khi có rất nhiều người đi lạc vào hoang mạc và phải viện tới cứu hộ. Như thế, khi những chiếc điện thoại thông minh được “nhúng” vào xe hơi, hậu quả có thể sẽ rất khó lường. Một thực tế là nhiều xe của Mini, Vauxhall, Mercedes, Audi, Volkswagen… hiện đã có cơ chế dẫn đường tương tác với điện thoại thông minh.
Trong bối cảnh như thế, nếu những chiếc xe được kết nối với nhau – công nghệ mà các nhà sản xuất đang rất nỗ lực phát triển – để tự tính toán và tối ưu hoá đường đi, một sai sót trong phần mềm điện thoại có thể gây ra nhiều vấn đề nghiệm trọng, từ tắc đường, tai nạn giao thông tới nhiều điều khó lường trước. Tệ hại hơn, nếu ai đó cố tình phá hoại kênh thông tin từ nhà cung cấp dịch vụ đưa chỉ dẫn tới xe của bạn hoặc đơn thuần là “mất kết nối mạng”, liệu điều gì sẽ xảy ra? Liệu một ai đó muốn ám hại bạn có thể phá mã và chỉ dẫn chiếc xe của bạn đến một điểm định trước? Rất có thể. Như thế, đến một ngày nào đó, việc các hacker phá hoại một máy chủ và gây tắc đường trên toàn thành phố – điều mà các bộ phim giả tưởng đã từng thể hiện – có lẽ không phải quá xa vời.
Xe hơi sẽ “làm chủ” con người
Mới đây, Tesla và Google đã có buổi hội thảo chung về việc phát triển công nghệ xe hơi tự lái và tự hành. Cho dù thành quả của buổi họp này còn nhiều tranh cãi, một thực tế là xu hướng xe tự động đang ngày càng rõ nét và người dùng dù muốn hay không vẫn phải chấp nhận. Ở góc độ lý thuyết, xe tự động là điều tích cực bởi nó sẽ giảm đi đáng kể gánh nặng giao thông hàng ngày cho mọi người. Tuy nhiên CEO Elon Musk của Tesla đã từng cảnh báo về việc hãng này sẽ không phát triển xe hơi theo hướng tự hành (self-driving) như Google mà chủ yếu hướng tới các tính năng lái tự động (auto-pilot) với lý do một chiếc xe tự hành sẽ tiềm ẩn nguy cơ thực hiện điều mà con người không mong muốn.
Bên cạnh đó, với hàng triệu chiếc xe chạy lung tung trên đường phố mỗi ngày, việc tất cả chúng đều được tự động hoá có thể dẫn tới nhiều vấn đề. Chỉ cần một hoặc vài chiếc cố tình vận hành sai lệch (dù với mục đích xấu hay không) hoặc đơn giản là tai nạn cũng có thể gây ra thảm hoạ diện rộng. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một cây cầu bất chợt sụp xuống trong khi hệ thống lái tự động từ các nhà cung cấp dịch vụ lại chưa được cập nhật? Hoặc hai chiếc xe đâm nhau trên đường cao tốc dẫn tới mất liên lạc và không thể báo lại với trung tâm điều khiển? Rõ ràng, có quá nhiều những yếu tố may rủi ảnh hưởng tới tính năng tự hành của xe hơi và nếu các nhà sản xuất không tính trước được mọi rủi ro, người tiêu dùng sẽ là đối tượng gánh trọn hậu quả!
http://www.pcworld.com.vn/articles/tieu-dung/song-cong-nghe/2013/07/1234164/cong-nghe-cao-de-doa-tuong-lai-cua-xe-hoi/