3 bài học cha mẹ nên dạy con về tiền

0

Tiền hay được xếp vào chủ đề nhạy cảm, nhất là khi nói với con cái. Một số ba mẹ thường không để ý hoặc rất ít dạy con ứng xử với tiền. Thế là khi con sở hữu tiền từ ba mẹ hoặc tự mình kiếm ra tiền, con gặp không ít sai lầm hoặc khó khăn. Dạy con về tiền rất quan trọng bởi đây là thứ sẽ theo con suốt cuộc đời. Bạn có thể bắt đầu nói với con về tiền bằng ba ý lớn sau đây.

1. Tiền không xấu

Tiền, như mọi thứ vật chất khác, đều cần có giới hạn lành mạnh của nó để một người cảm thấy hạnh phúc và an toàn. Nếu cuộc sống của con thường xuyên gặp phải những rắc rối mà có tiền sẽ giải quyết được (thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở an toàn, không có điều kiện vui chơi, chăm sóc sức khoẻ…) thì lượng tiền con có đang ở dưới mức an toàn và con sẽ phải kiếm thêm. Nếu con dành quá nhiều thời gian kiếm tiền và thiếu thời gian để sống đến mức cảm thấy bất hạnh, thì tiền đang quá nhiều một cách tiêu cực. Những niềm tin như “tiền không mang lại hạnh phúc” hay “có tiền là có tất cả” đều là những niềm tin có hại bởi nó khiến thái độ về tiền của chúng ta nghiêng hẳn về một trong hai thái cực tuyệt đối. Ở mức độ lành mạnh, tiền cho chúng ta tự do, tự lập, tự quyết, giúp ta chăm sóc bản thân và những người thương yêu. Tuỳ người và tuỳ thời điểm trong đời mà mức an toàn tài chính của chúng ta khác nhau, điều quan trọng là chúng ta có thể đáp ứng hoặc cân bằng như thế nào. Tương tự, khả năng kiếm tiền hoặc mong ước kiếm tiền không khiến con trở thành người xấu hay tham, mà đây là một điểm mạnh đáng ngưỡng mộ hoặc ước mơ chính đáng.

2. Đừng ngại ra giá cho việc mình làm

Nếu con thật sự giỏi khi làm một việc gì đó, đừng ngại nói ra con số mà con nghĩ mình xứng đáng được nhận. Mức phí mà con nhận được là để trả công cho kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm mà con có được và con không có gì phải xấu hổ khi được trả cao hoặc cao hơn người khác. Nhất là khi con làm những việc liên quan tới mua bán, kinh doanh, con phải bảo đảm được mình quản lý dòng tiền hiệu quả và tiền thu về phải là con số chính xác. Thêm vào đó, khi con là phái nữ, ba mẹ càng cần củng cố cho con niềm tin này, bởi phái nữ thường dễ khoan nhượng, rụt rè, nói ra con số thấp hơn với con số mình thật sự nghĩ bởi cho rằng như vậy quá tham vọng, dẫn đến phụ nữ được trả thấp hơn mức họ đáng nhận được.

3. Phân biệt giữa “tài sản” và “tiêu sản”

Đây là một kiến thức rất hay mà không phải ba mẹ nào cũng phân biệt được rõ ràng để dạy con. Tài sản là những thứ giúp con kiếm ra tiền. Tiêu sản là những vật sở hữu khiến con tốn thêm tiền. Ví dụ, con có một chiếc xe máy làm phương tiện di chuyển, đi làm, kiếm ra tiền, thì chiếc xe máy là tài sản của con. Nhưng nếu con mua thêm một chiếc xe máy nữa chỉ vì thích và để đó, con sẽ tốn tiền bảo dưỡng, đổ xăng… lúc đó chiếc xe máy thứ hai là tiêu sản. Hãy dạy con tích trữ tài sản và cẩn thận với tiêu sản. Tài sản của con, ngoài vật chất như nhà, xe, công cụ làm việc, còn có tài sản trí tuệ (bản quyền sách, phần mềm…) và chính bản thân con. Vì thế hãy đầu tư vào bản thân mình, cả về học hành lẫn sức khoẻ, vì đó là khoản đầu tư thông minh.

“Tiền” là một phần rất quan trọng của cuộc sống và người lớn chúng ta thậm chí còn phải học về tiền suốt đời. Vì vậy hãy dạy con về tiền càng sớm càng tốt, để con có một thái độ lành mạnh với điều quan trọng này và sống hạnh phúc hơn.

Thegioibantin.com | Vina Aspire News

Nguồn: chame.rmit.edu.vn

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ