8 cách giúp con bạn thông minh hơn về tài chính
Hãy thử đan xen những bài học tài chính nhỏ vào các câu chuyện hàng ngày, xây dựng thói quen cho trẻ với các ví dụ trong thực tế cuộc sống.
Nếu bạn bắt 1 đứa trẻ ngồi xuống và cố gắng chia sẻ tất cả sự khôn ngoan về tài chính, bạn có thể sẽ nhanh chóng mất đi “khán giả” của mình. Một cách tiếp cận tốt hơn: Hãy thử đan xen những bài học tài chính nhỏ vào các câu chuyện hàng ngày, xây dựng thói quen cho trẻ với các ví dụ trong thực tế cuộc sống.
“Toàn bộ lý thuyết ‘Kéo rèm và chia sẻ các thông tin’ có thể làm lên những bộ phim tuyệt vời, nhưng nó không làm nên cuộc sống thực tế”, Holly Isdale – nhà sáng lập của Wealthaven, người đã tư vấn cho các gia đình giàu có về các vấn đề tài chính cho biết. “Bạn cần phải có những cuộc thảo luận cùng nhau. Tất cả mọi thứ cần được dạy đúng lúc”.
Bạn muốn nuôi dạy những đứa trẻ biết sử dụng tiền một cách thông minh? Dưới đây là 8 cách để tăng sự nhạy bén về tài chính cho trẻ:
Thảo luận về các khoản trợ cấp nhỏ cho trẻ
Barbara Nusbaum, một nhà tâm lý học ở New York chuyên về khía cạnh tinh thần của tiền bạc, khuyên bố mẹ nên khuyến khích con chia tiền bố mẹ cho hàng tháng thành ba nhóm: chi tiêu, tiết kiệm và chia sẻ.
“Một phụ cấp nhỏ nhưng có giá trị nhiều hơn bạn tưởng”, bà Barbara chia sẻ. “Chính khoản tiền nho nhỏ đó cho phép bạn có thể nói chuyện với con trẻ về tiền mọi lúc, nó bao gồm những thứ con bạn định mua, những thứ chúng đang tiết kiệm để mua và những khoản từ thiện mà chúng muốn quyên góp”.
Xem lại các hóa đơn điện thoại di động
“Khi con gái tôi tốt nghiệp trường tiểu học và nhận được chiếc điện thoại đầu tiên của nó, tôi đã có cơ hội tìm hiểu sâu vào các hóa đơn điện thoại”, Tim Ranzetta, người sáng lập của NextGenPersonalFinance.org, tổ chức cung cấp tài liệu giáo dục cá nhân về tài chính cho học sinh trung học và sinh viên đại học nói.
Với chính cô con gái 12 tuổi của mình, Ranzetta nhấn mạnh rằng chi phí sử dụng điện thoại hàng tháng chủ yếu đến từ việc sử dụng dữ liệu để kết nối, đó là lý do tại sao cần tận dụng mạng Wi-Fi bất cứ khi nào có sẵn.
Chia sẻ các hóa đơn thẻ tín dụng
Khi có báo cáo tài chính về các khoản chi tiêu, bạn có thể cùng xem xét chúng với các con của mình. Ví dụ, bạn có thể cho chúng thấy các hóa đơn thẻ tín dụng, thảo luận nguy cơ dễ bị tiêu quá hạn mức tín dụng và chỉ rõ cho chúng mức lãi suất có thể phải trả thêm do chậm hoàn trả số tiền bội chi.
Lấy các báo cáo chi tiêu tín dụng của bạn
Bạn cần xem xét các báo cáo thường xuyên để đảm bảo không có sai sót và không có các tài khoản đã được mở với tên của bạn mà bạn không biết. Đừng quên cho con bạn xem các báo cáo này và tận dụng cơ hội để thảo luận về các khoản vay bạn đã lấy ra, khi nào cần vay và tầm quan trọng của việc thanh toán các khoản vay đúng hạn để duy trì mức tín dụng hợp lý.
Thường xuyên đến máy rút tiền
Ranzetta dạy con gái của ông che bàn phím khi bấm vào số nhận dạng cá nhân của mình. Ông sử dụng việc sử dụng máy rút tiền của con như một cơ hội để thảo luận về tầm quan trọng của việc bảo vệ thông tin cá nhân và tránh hành vi trộm cắp danh tính.
Mở một tài khoản ngân hàng
Mùa hè này, Ranzetta có kế hoạch mở một tài khoản cho con gái của mình. Nhưng trước tiên, anh ấy sẽ khuyến khích con gái mình xem xét kỹ các thỏa thuận về tài khoản.
Đi mua sắm hàng hóa. Các siêu thị cung cấp cơ hội cho các cuộc trò chuyện liên quan tới tiền bạc, kể cả lý do tại sao các mặt hàng có giá 3,99 USD thay cho 4 USD, làm thế nào sử dụng giá đơn vị để tìm được giá tốt nhất hay lý do tại sao các loại ngũ cốc có đường được đặt nơi trẻ em có thể dễ dàng nhìn thấy chúng.
Nó cũng là một cơ hội tuyệt vời để thảo luận về nhu cầu và mong muốn. “Trong nền văn hóa của chúng tôi, có một sự nhầm lẫn có chủ ý về nhu cầu và mong muốn”, Nusbaum nói. “Là cha mẹ, chúng ta cần phải giúp đỡ con em chúng ta tìm ra sự khác biệt.”
Xem lại những điểm nổi bật trong tuần
“Tại bữa ăn tối, hãy có một cuộc trò chuyện về những gì đã xảy ra trong tuần này.”
Đây có thể là một cơ hội để nói về nơi mà tiền đến từ đâu, bao nhiêu gia đình chi mỗi tháng và làm thế nào bạn thiết lập các ưu tiên tài chính này dựa trên những gì bạn nghĩ là quan trọng.
Những cuộc nói chuyện thường xuyên có thể làm cho cha mẹ khó chịu, đặc biệt là khi nó liên quan đến tài chính. Nhưng nếu bạn không dạy con về tiền bạc, chúng sẽ phải học từ những người khác, và bạn có thể không thích kết quả này.
“Nhiều cha mẹ không muốn nói về tiền bạc,” Nusbaum ghi nhận. “Nhưng nếu bạn không làm, bạn đang từ bỏ trách nhiệm của mình.”
Nguồn: cafebiz, Vũ Thanh, Theo Trí Thức Trẻ/MarketWatch