Bí quyết giáo dục của bà mẹ có 3 người con thi đậu đại học Stanford (P.1)

0

Trần Mỹ Linh, nữ ca sĩ nổi tiếng ở Hồng Kông trong những năm 1970 đã dũng cảm rút khỏi làng giải trí, giải nghệ để chăm sóc con cái, cô đã nuôi dạy thành công 3 người con trai vào được trường Đại học Stanford danh tiếng của Mỹ.

Cô Trần đã chia sẻ 8 phương pháp giáo dục con mà cô tâm đắc nhất:

1. Món quà lớn nhất mà cha mẹ có thể tặng cho con chính là giáo dục

Giáo dục là món quà lớn nhất của cha mẹ dành cho con cái.  Tôi luôn tự xem mình là “người mẹ giáo dục”, vì sao tôi lại trở thành một người mẹ như vậy? Tôi nghĩ điều này có liên quan rất nhiều với hoàn cảnh trưởng thành của tôi.

Cha tôi sinh ra ở Hồng Kông. Sau chiến tranh Nha phiến, Hồng Kông là thuộc địa của nước Anh. Vào chiến tranh thế giới thứ II, Hồng Kông bị Nhật chiếm đóng. Sau thế chiến II, Hồng Kông lại được chuyển về cho nước Anh mãi cho đến năm 1997. Cha tôi sống trong hoàn cảnh đó, ông thường xuyên nói mấy câu cửa miệng rằng: “Tiền bạc, danh vọng như nước chảy. Một khi xảy ra chuyện không may thì lập tức sẽ bị lấy đi cả. Thế nhưng tri thức một khi đã vào đầu thì sẽ không bị ai lấy mất, nó sẽ trở thành bảo vật cả đời của con. Vì thế khi có thể học thì con phải biết quý trọng cơ hội, học hành cho tốt”.

Mẹ tôi thì lại sống ở Trung Quốc đại lục. Dù cuộc sống có cực khổ đến đâu, cha mẹ tôi cũng không ngừng làm việc để nuôi 6 người con đi học. Đối với việc giáo dục, cha tôi luôn giữ một niềm tin kiên định: “Các con có một tương lai tươi sáng. Nhưng quan trọng nhất là phải được giáo dục thật tốt”.

Trước đây khi tôi từ bỏ công việc làm tượng gỗ để đi du học Canada cũng chính vì câu nói này của cha đã thuyết phục tôi. Khi đó thật sự quá bận rộn đến mức không thể học đại học, cũng chẳng có người bạn nào cả. Nhìn thấy tôi sống chật vật như thế, cha tôi đã đưa ra đề nghị, hi vọng tôi đi du học.

Tôi học 2 năm ở trường Đại học Toronto, cũng chính thời gian này khiến cuộc đời tôi có sự thay đổi lớn. Không chỉ đi học mà tôi đã suy ngẫm rất nhiều về ý nghĩa của việc ca hát và vị trí của bản thân tôi. Sau này, tôi lấy được học vị tiến sĩ của Đại học Stanford. Từ đây cuộc đời tôi lại chuyển sang một trang mới.

“Khi có cơ hội học tập thì phải biết trân trọng, phải học tập cho tốt” – Lời dặn dò này của cha tôi quan trọng như thế nào, đến bây giờ ngoài biết ơn ra thì tôi vẫn thường suy ngẫm về câu nói này. Món quà lớn nhất mà cha mẹ có thể dành cho con mình đó là sự giáo dục. Tôi đã từng thề rằng sau khi có con, nhất định phải cố gắng cả đời để cho các con sự giáo dục tốt nhất.

Tôi rất tự tin với thân phận “người mẹ giáo dục” của mình. Có lẽ có người sẽ nói rằng: “Cứ luôn hò hét ‘học, học’ như thế, các con thật đáng thương”. Nhưng đối với tôi, “giáo dục” không đồng nghĩa với việc “học”. “Giáo dục” có ý nghĩa vô cùng phong phú. Vì thế, tôi không hề cảm thấy hổ thẹn với việc làm một “người mẹ giáo dục”.

bi-quyet-giao-duc
Gia đình cô Trần Mỹ Linh. (Ảnh: Internet)

2. Việc giáo dục phải bắt đầu từ khi mang thai

Tôi cho rằng phải bắt đầu từ khi mang thai. Mặc dù không áp dụng phương pháp giáo dục thai nhi nào đặc biệt, nhưng khi mang thai tôi luôn chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe để sinh một đứa trẻ khỏe mạnh, đây cũng xem như là khởi điểm của việc dạy con rồi. Trong 9 tháng thai kỳ, tôi đã suy nghĩ nên làm thế nào để phối hợp kế hoạch dạy con với cuộc sống gia đình, bàn bạc với chồng về mục tiêu và kế hoạch giáo dục.

Sơ sinh là thời kỳ giáo dục quan trọng nhất. Tục ngữ có câu: “Những gì trẻ nhìn thấy khi còn nhỏ sẽ thể hiện ra khi trưởng thành”. Được biết 80% quá trình phát triển não của trẻ sẽ hoàn thành vào năm 3 tuổi. Tính cách và cá tính được hình thành trong giai đoạn này rất có thể sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của trẻ. Nhiều chuyên gia tâm lý và giáo dục cho rằng nếu tập trung đầu tư vào việc giáo dục cho trẻ sơ sinh thì sẽ có được kết quả tốt.

Trẻ sơ sinh cần được chăm sóc mọi lúc, cố gắng hết sức để ở bên trẻ, cho trẻ tình yêu thương của người mẹ. Tôi đã có suy nghĩ này từ khi mang thai. Sau đó tôi đã đưa con cùng đi làm, cõng bé trên lưng.

Nếu giáo dục thời kỳ sơ sinh thuận lợi thì đến khi trẻ đi học, việc dạy dỗ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Dạy trẻ không chỉ là bồi dưỡng khả năng học tập mà còn là quá trình hình thành nhân cách về cả thể chất và tinh thần.

Mục tiêu lớn của tôi trong việc dạy con chính là hy vọng được ở trong môi trường tốt nhất, thầy cô và bạn bè xung quanh con đều là những người xuất sắc để con nhận được sự cổ vũ và sẽ tự giác học tập. Vì vậy, tôi đã làm những gì mà mình nghĩ. Kết quả là cả ba con trai của tôi đều thực hiện được ước mơ thi vào đại học Stanford.

3. Hai vợ chồng xác định được cách giáo dục tốt

Về phương hướng giáo dục con trẻ, hai vợ chồng phải có sự nhất trí với nhau. Sau khi mang thai, vợ chồng tôi đã lập tức thảo luận về vấn đề này.

Lúc ở nhà, chồng tôi nói với tôi: “Dù 2 chúng ta có nhiều ý kiến các khác, nhưng về việc giáo dục, vẫn nên để em quyết định”. Tuy anh ấy thường hay nói: “Là do anh không quan tâm đến việc giáo dục được như em”, nhưng bây giờ nghĩ lại thì anh ấy luôn đưa ra ý kiến rất tuyệt vào những lúc quan trọng. Nhìn chung thì có lẽ phần lớn đều là tôi tiếp nhận ý kiến của chồng.

Sau khi học xong tiến sĩ ở Đại học Stanford, tôi quay về Nhật vừa viết luận văn tiến sĩ, vừa dần dần làm việc lại. Đó là năm 1992, vừa vặn là năm phải quyết định cho con trai lớn của tôi học trường tiểu học nào. Tôi luôn chú ý đến một trường tiểu học tư thục có tiếng ở Tokyo. Ngôi trường này có thể học lên cho đến đại học, chỉ cần có thể vào học thì phụ huynh cũng không phải lo lắng gì nữa. Khi đó con trai tôi đã được “tiền bối” mẹ chỉ cho cách thi cử.

Thế nhưng một ngày nọ, chồng tôi về nhà sau khi dự cuộc họp giới thiệu của trường tiểu học này, anh ấy bỗng nói với tôi: “Mẹ nó à, hay là chúng ta từ bỏ cuộc thi tuyển đi”. Thì ra là trong buổi giới thiệu, thầy giáo có nói: “Do số người muốn thi tuyển rất nhiều, nên hãy đảm bảo vào ngày thi, con của các anh chị không được bị cảm. Đó là ngày sẽ ảnh hưởng đến cả đời, trách nhiệm của người lớn là giữ cho trẻ khỏe mạnh để đến thi”.

Chồng tôi rất tức giận: “Chẳng phải chuyện trẻ con bị cảm là rất bình thường sao. Nói những lời như vậy chứng minh họ sẽ không suy nghĩ cho trẻ. Một nơi như thế không đi thì hơn”. Nghe anh ấy nói xong tôi mới nhận ra rằng có lẽ muốn cho con học trường danh tiếng chỉ là vì hư danh của cha mẹ mà thôi. Tôi cảm thấy rất hổ thẹn với bản thân mình khi đã bị cuốn theo cái gọi là “hàng hiệu thế giới”.

Ngoài ra còn một trường quốc tế khác, tôi cảm thấy nếu cho con vào học trường này sẽ rất tốt. Nhưng khi đó trường quốc tế này chưa được Mext (Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản) chứng nhận. Cũng có nghĩa là dù cho con có tốt nghiệp từ trường này thì cũng không đảm bảo sẽ vào được đại học ở Nhật. Dù vậy nhưng vợ chồng tôi cũng đã đi đến buổi giới thiệu.

“Nếu vào ngày thi trẻ bị cảm thì hãy báo ngay cho chúng tôi, nhà trường sẽ sắp xếp ngày thi khác. Trường muốn nhìn thấy trạng thái tốt nhất của các em, vì thế mong các vị đừng miễn cưỡng con của mình”. Lần này khi nghe những lời mà họ nói, vợ chồng tôi nhìn nhau rồi cùng gật đầu quyết định “vậy chọn trường này”. Chúng tôi đều cảm thấy những trường nào có thể đặt mình vào vị trí của trẻ thì khá tốt.

Sau khi con đi học, tôi đã dặn chồng mong anh ấy cố gắng dự tất cả các hoạt động của trường và nếu tôi gặp khó khăn gì đều sẽ bàn bạc với chồng để quyết định.

Trong việc dạy con gần phải đặt nhiều tâm huyết, không thể thiếu sự hợp tác giữa vợ và chồng. Dù là khi con trai lớn của tôi đề nghị được đi Mỹ học cấp ba hay khi quyết định chọn Đại học Stanford, chồng tôi luôn cho tôi và các con lời khuyên hợp lý. Cho con theo học trường nào là việc lớn cả đời đối với con. Vì thế phải dự đoán trước tương lai để đưa ra sự lựa chọn sáng suốt.

Có một người bạn nói rằng: “Chồng nhà tôi chẳng biết giúp đỡ thế đâu”.Nhưng tôi muốn nói là trên thế gian không có người cha nào lại không thương con mình. Dù hai người không cùng quan điểm sẽ mất thời gian, nhưng quan trọng là phải trò chuyện để dần dần hiểu ra. Hướng giáo dục và vấn đề liên quan đến việc chọn trường cần vợ và chồng thường xuyên trao đổi để thống nhất ý kiến, điều này là cơ bản nhất.

Ngạn ngữ có câu “Mạnh mẫu tam thiên” (Mạnh mẫu chuyển nhà ba lần), để cải thiện môi trường học tập của con, có khi buộc phải nghĩ đến việc chuyển nhà. Khi cần quyết định những việc quan trọng, vợ và chồng phải bàn bạc với nhau, đây là quan trọng nhất.

4. Cha mẹ chịu toàn bộ trách nhiệm giáo dục con

Hình thành nhân cách là một việc rất quan trọng, không thể để mặc con cho nhà trường mà không quan tâm.

Tôi luôn tin tưởng rằng “cha mẹ chịu toàn bộ trách nhiệm giáo dục con”. Nhà trường và giáo viên chỉ là những người hỗ trợ không thể thiếu. Trên cơ bản, toàn bộ trách nhiệm giáo dục con trẻ đều thuộc về cha mẹ.

Ở tiểu học và cấp hai dạy đọc viết, tính toán, cấp ba và đại học dạy những kiến thức bắt buộc trong xã hội. Thế nhưng cách sống và cách nhìn nhận sự việc của thầy cô giáo không hẳn là hoàn toàn đúng đắn. Trong đó có rất nhiều những điều mà tôi không muốn con học theo.

Đây là điều mà tôi đã nhận ra khi tham gia cuộc dã ngoại ở trường tiểu học của con trai thứ. Có một giáo viên cho rằng “nhân loại đều rất tồi tệ” và kể với học sinh những chuyện mà người đó cho là tồi tệ của bản thân và người thân khi ở nhà.

Khi đó tôi rất kinh ngạc, nhưng cũng quyết định im lặng không nói gì cả. Còn con trai thứ của tôi thì lại nói: “Con không nghĩ loài người có gì tồi tệ cả ạ. Nếu như bên cạnh con có người như thế, con sẽ trò chuyện với họ để giúp họ thay đổi”. Nhưng sau khi nghe xong, người giáo viên này lại nói: “Hình như con chưa hiểu hết ý nghĩa của chủ đề này. Dù sao thì con cũng đã cố gắng phát biểu, mọi người cho bạn một tràng pháo tay nào”. Nghe lời thầy ấy nói thì có vẻ như thầy ấy cho rằng quan điểm của con tôi là sai. Những điều mà các học sinh khác nói cũng là cố chỉ ra lỗi sai của người khác.

Sau chuyện này, tôi đã đến gặp và nói với thầy ấy suy nghĩ của mình:“Tôi hoàn toàn không cho rằng loài người có gì tồi tệ cả…”. Thầy ấy giải thích rằng: “Không, không đâu. Tôi cho rằng những đứa trẻ hiểu rằng bản thân tồi tệ thì sẽ có thể tha thứ cho người khác dễ dàng hơn. Vì thế cũng khá tốt nếu để các em nhớ rằng bản thân rất tệ”. Dù sao thì người thầy này cũng kiên quyết cho rằng quan điểm của thầy ấy là đúng đắn, không chịu nhường bước. Sau khi về nhà, tôi đã nói chuyện với con:“Không có chuyện đó đâu con. Con cũng tốt, mẹ cũng tốt, không hề tồi tệ”. Lúc này con trai tôi mới tỏ ra yên tâm: “Con nói rồi mà.”

Quả thật là một số giáo viên có quan điểm khá phiến diện. Ở trường quốc tế này, có những giáo viên phân biệt đối xử với người châu Á, cũng có người chỉ làm theo quy định bắt học sinh phục tùng quyền uy của mình. Và để con không bị ảnh hưởng bởi những quan điểm này chính là trách nhiệm của cha mẹ.

Từng có một năm, có một giáo viên không hợp với con tôi làm chủ nhiệm lớp. Khi đó tôi an ủi con rằng: “Cố gắng đừng để ý nhiều đến giáo viên ấy, chú ý vào môn học thôi. Nếu quả thật không thể thích được thì cũng chỉ có một năm này thôi mà”. Thế nhưng để thành tích học tập của con không bị giảm xuống vì không thích giáo viên, tôi cũng đã quan tâm hơn đến cuộc sống ở trường của cháu.

Vào giai đoạn quan trọng trong sự phát triển nhân cách, đa phần trẻ đều ở trường học. Ở trong môi trường nhỏ này, bị so sánh với những đứa trẻ khác, bị đánh giá thông qua điểm số và khả năng thể dục. Thật sự là một môi trường tàn khốc. Có trẻ có thể hòa nhập vui vẻ, nhưng có trẻ lại bị “chèn ép” khi ở trường. Cha mẹ phải biết rõ những nguy cơ như thế này. Bất luận trẻ được đặt trong hoàn cảnh nào thì nhất định phải để các con tin vào khả năng phát triển tiềm lực của bản thân.

Người chịu trách nhiệm giáo dục trẻ tuyệt đối không phải là nhà trường và giáo viên. “Toàn bộ trách nhiệm giáo dục trẻ phải do cha mẹ đảm nhận” – Ý thức này là tiên quyết phải có.

Thegioibaintin.com

Nguồn: Theo Sound Of Hope/ Liên Hoa

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ