Lá thư cha gửi con trai hay thất hứa: Chữ Tín là sinh mệnh thứ hai của người đàn ông; muốn nên thành tựu, nhất định phải đọc nhiều sách, biết điểm lùi, và kiên trì kỷ luật
Thất tín chính là phá sản lớn nhất đời người, con ạ!
Mục tiêu – kim chỉ nam của hành động
Con trai!
Cuộc sống không mục tiêu chẳng khác nào một hành trình không có điểm đến xác định.
Sống không mục tiêu, khác nào chấp nhận cuộc sống kiểu “nước chảy bèo trôi”.
Người sống không mục tiêu chỉ có thể nhận được những thứ rơi rớt lại của người đi trước.
Đọc những dòng chữ này, có thể con sẽ trách cha sến súa, nói những lời tầm phào, nhưng là một người sinh ra con, chứng kiến con từng bước trưởng thành, cha không thể sốt ruột khi thấy con của hiện tại: bệ rạc, không chí tiến thủ, lười biếng, sống không có mục đích.
Con chưa đủ dạn dày, từng trải để thấu lẽ sự đời, nhưng là một người đã đi quá nửa đời người, đang dần bước sang bên kia con dốc sinh mệnh, ta thật lòng muốn nói với con: Làm người thì có thể không cần lý tưởng sống vĩ đại, nhưng không thể không có mục tiêu.
Cha đọc được ở đâu đó một câu nói đúng quá chừng: “Khi không có mục tiêu được xác định rõ ràng, chúng ta trung thành tới mức lạ lùng với những việc tủn mủn thường ngày cho tới khi cuối cùng chúng ta trở thành nô lệ cho chúng”. Mục tiêu có thể xa vời, nhưng chính nhờ có mục tiêu mà con mới có động lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để tiếp bước trên con đường đã chọn.
Con sau này sẽ là một người đàn ông, con sẽ có tổ ấm riêng cho mình. Con sẽ cười khi nghe những lời xa xôi, viển vông cho nói, nhưng con ạ, thời gian vùn vụt, con mặc nhiên sống buông thả, tù mù như hiện tại, đến lúc mọi sự ập đến chẳng kịp trở tay. Cha giật mình khi 2 năm trước, khi con là chàng trai 18 tuổi, cha hỏi con: “Sau này con muốn làm công việc gì?”, con ậm ừ “thì là… làm gì cũng được miễn nhiều tiền”. Cùng câu hỏi đó, sau 2 năm, khi con đang ngồi trên ghế giảng đường đại học, câu trả lời không mấy phần khác biệt: “Con chưa biết. Sau này ra trường rồi tính!”. Cha thảng thốt thật sự khi nghe con nói vậy! Thay vì chọn lối sống có mục tiêu rõ ràng, chủ động đón nhận và kiến tạo hướng đi cho bản thân, sao con thích ù lì, đưa chân vào thế bị động?
Cha biết, xung quanh cha có không ít người đàn ông không biết tạo mục tiêu cho mình (buồn thay lại có con trong danh sách ấy). Có khi họ đã tạo ra một mục tiêu nào đó, nhưng không kiên trì theo đuổi nó, để nó mất đi một cách dễ dàng. Để xác định được mục tiêu sống của bản thân, sao con không thử một lần nghiêm túc trả lời những câu hỏi của chính mình, như:
Mục đích của mình là gì?
Phần lớn thời gian mình làm gì?
Mình luôn cố gắng làm điều gì?
Điều gì là đặc trưng của mình?
Nếu mình có thể làm một điều cho tới cuối đời, đó sẽ là gì?
Mình thích làm gì?
Mình sẽ làm gì, thậm chí nếu như không được trả công?
Việc gì khiến mình cảm thấy như chẳng còn bất cứ điều gì khác?
Hoạt động nào phù hợp với con người mình nhất?
Điều gì khi làm khiến mình cảm thấy “đúng đắn”, “hay ho” hay “được kết nối”?
Trừ những triệu phú được thừa kế tài sản khổng lồ mà người thân để lại, không ai thành công mà không đặt cho mình những mục tiêu để theo đuổi. Mà con biết rồi đấy, gia đình nhà mình chỉ đủ sống, cha mẹ là những người bình thường nhất trong số những cha mẹ bình thường trên thế giới này. Nếu con không tự nỗ lực, sống không có mục tiêu, tức là con đã tự đóng cánh cửa tương lai của mình.
Là đấng nam nhi đầu đội trời, chân đạp đất, muốn thành công, con phải biết đặt mục tiêu để phục vụ cho hành trình đi đến thành công đó. Khi có mục tiêu rồi, ắt hẳn cũng có những trở ngại khổ cực, nhưng những khổ cực này lại chính là sự thử thách, vượt qua rồi con sẽ thấy mình cần phải biết ơn nó!
Tín – sinh mệnh thứ hai của người đàn ông
Giữ chữ tín, giữ lời hứa đối với một người đàn ông có quan trọng không? Trong một bữa cơm, con đã hỏi cha như thế!
Con còn nhớ chứ, cha luôn nói và luôn khẳng định một chân lý bất di bất dịch: Đàn ông không giữ được chữ tin, muôn đời là kẻ thất bại. Tín không chỉ là sinh mệnh thứ hai của người đàn ông mà còn là nhân tố xây dựng nên mối quan hệ vững chắc giữa người với người, tâm với tâm.
Thời xưa, giữ lời hứa là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá phẩm chất của một người. Nam tử hán đại trượng phu, nói lời nào phải chắc chắn, nói một là một, hai là hai, nói được phải làm được, làm không được thì không nói, nói chuyện không chắc chắn thì sẽ không có tôn nghiêm. Người không có tín thì không có nghĩa khí. Cho tới ngày nay, chữ tín vẫn là điều sống – còn đối với một người đàn ông chân chính.
Thời thế bây giờ, đàn ông cần có tiền bạc để khẳng định bản thân mình, nhưng để có được “thị dục huyền ngã” – được người khác kính nể, tôn trọng, sùng bái thì tiền chưa phải là thước đo. Nhiều gã trọc phú lắm tiền nhiều của nhưng thiên hạ vẫn chẳng hề vị nể vì phông văn hóa kém và tư cách tồi, ngược lại anh bán bánh mỳ dạo 35 tuổi vô danh nhưng giữ được tín nghĩa vẫn được người đời vị nể, thương quý.
Sở dĩ cha nói với con về điều này, bởi cha buồn nhiều lắm khi nhận ra con nhiều lần bội tín. Nghe quá nặng nề nhưng đó là sự thật. Là khi con hứa hẹn sẽ bắt đầu học thêm Tiếng Anh, tham gia các khóa rèn luyện kỹ năng, hạ quyết tâm dậy sớm tập thể dục, cuối tuần đưa mẹ về thăm ông bà ngoại…
Rồi chuyện bạn bè vay mượn tiền nong của nhau, cha nhớ một lần trong bữa cơm con giận dữ trách thằng Hoàng – bạn nối khố cho con mượn 2 triệu nhưng vì con gặp chút rắc rối không thể trả đúng hẹn, thành thử hai đứa con đôi co lời qua tiếng lại, dẫn tới ẩu đả. Con trách Hoàng bội bạc, con vỗ ngực nhiều phen giúp bạn không tính toán chi ly. Nhưng con ạ, riêng lời hứa một khi đã thốt ra thì phải gắng sức thực hiện trọn vẹn. Con hẹn bạn 2 tuần con trả, thì đúng 2 tuần sau con phải có trách nhiệm hoàn tất. Họ có nỗi khổ của họ, con có cái khó của con, nhưng một khi đã hứa, phải giữ chữ tín.
Ti tỉ lời hứa được con thề thốt nơi đầu lưỡi và kết thúc hiện giờ vẫn là con số 0 với hàng tỉ lý do biện hộ. Liệt kê những việc quá nhỏ ấy, con dễ trách cha chi li, trọng tiểu tiết. Nhưng, những chi tiết nhỏ, những hành động nhỏ, những sự vụ nhỏ… có thể phản ánh tư chất đạo đức, phẩm cách con người.
Cha kể lể ra đây cũng chỉ nhằm nhấn mạnh một điều: Là đàn ông nếu tự nhận mình quân tử và mong muốn người khác trọng thị mình như một người quân tử thì hãy biết giữ lời hứa ở mọi hoàn cảnh. Bất luận lúc suy hay lúc thịnh phải biết lấy chữ tín làm đầu, đàn ông – người có số làm quan, kẻ có căn làm lính, nhưng đàn ông trên đời chỉ có hai loại: Quân tử và tiểu nhân. Để phân biệt hai loại người này rất đơn giản con ạ: Hãy nghe lời họ hứa và xem việc họ làm, nếu chưa đủ con có thể cho họ vay tiền khi họ hoạn nạn, con sẽ biết được họ định giá chính mình như thế nào… Nhìn thấu những người con kết giao thôi chưa đủ, con cũng cần phải đưa ra lựa chọn khắc nghiệt cho bản thân: Con muốn sống là một người quân tử, hay sống đớn hèn như một gã tiểu nhân?
Cha cực kỳ tâm đắc lời nói thâm sâu của Tỷ phú Lý Gia Thành: “Thất tín chính là phá sản lớn nhất đời người.”, và người đàn ông cần tuyệt đối tránh vấp phải sai lầm ấy, con ạ!
Kỷ luật – phẩm chất then chốt
Tương lai của một người được quyết định bởi tri thức, năng lực, thái độ. Tri thức có thể thông qua học tập mà có, năng lực thì lại thông qua thực tiễn mà tăng trưởng. Còn thái độ lại là thứ được quyết định bởi thói quen tu dưỡng của một người mà thành.
Con có biết rằng, là một người đàn ông, việc nuôi dưỡng thói quen tốt, kỷ luật sắt đá là tối quan trọng.
Kỷ luật là thứ duy nhất sẽ khiến cho sáng tạo được bền vững. Con có thể lười biếng, ngủ lê ngủ lết và con vẫn có thể nảy ra một ý tưởng mới. Nhưng để ngày nào cũng phải nghĩ ra ba ý tưởng hay, thì con phải thay đổi.
Kỷ luật tạo ra sức ép! Nếu như con không có sức ép cho bản thân, sức ép giúp những người xung quanh, sức ép của sứ mệnh mà con phải làm khi đã “lỡ” sinh ra trên đời thì con sẽ thả lỏng chính bạn. Có thể con không chết đói, nhưng để mà phát triển mạnh hay để giúp được những người xung quanh hoặc để lại 1 thứ gì đó trong đời, thì, khó lắm!”.
Cha đọc được ở đâu đó, một cựu chỉ huy đặc nhiệm SEAL – Jocko Willinks phân tích: “Nếu bạn muốn tự do thì bạn cần phải có kỉ luật. Bạn càng kỉ luật bản thân bao nhiêu thì bạn càng có thể làm những gì mình muốn. Điều đó sẽ không đúng ngay từ đầu, bởi lẽ ban đầu, kỉ luật có thể là những thứ bạn không hề muốn làm, nhưng khi bạn càng làm nhiều những điều bản thân không muốn thì bạn càng làm nhiều những điều đúng đắn. Và chắc chắn bạn sẽ cảm thấy mình ngày càng giỏi hơn và có nhiều tự do hơn”. Ông ấy đã thay cha nói những lời gan ruột mà bình sinh cha không đủ ngôn ngữ biểu đạt.
Con có nhớ bác Tư Sang, bạn của cha không. Ngày xưa, hồi học ở Xô Viết, sự kỷ luật của bác ấy tới mức gần như là “rối loạn ám ảnh cưỡng chế”. Trong một cuộc thảo luận, khi nói về trải nghiệm cuộc sống, bác ấy tự giới thiệu mình mắc “chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế” nghiêm trọng cùng với “sự cầu toàn” và coi trọng việc “lập kế hoạch”.
Lập kế hoạch cho chính mình mỗi ngày và thực hiện nghiêm túc những kế hoạch đã đề ra. Khi lọt vào danh sách trúng tuyển vé vớt sang Nga du học, bác ấy đã ép bản thân cố gắng đọc và học thuộc 50 từ mỗi ngày, quyết tâm không ngủ khi chưa thực hiện xong nhiệm vụ này, nhờ đó đã giúp cho khả năng tiếng Nga của bác ấy trở nên nổi bật, đạt được điểm cao trong kì thi sẵn sàng cho kế hoạch du học.
Sang xứ sở bạch dương, ngoài thời gian học trên lớp, trên thư viện, làm thêm… bác ấy vẫn đặt ra cho bản thân mỗi ngày kiên trì học 1 giờ, và viết bài tóm tắt 3 đoạn, rèn luyện khả năng suy nghĩ. Bác ấy khiến cha thực sự cảm thấy rằng, một khi con người có kỷ luật tự giác cao, họ sẽ có đủ khả năng kiểm soát cuộc sống của chính họ.
Những thứ tốt đẹp không bỗng dưng mà đến, nó thường được theo sau bởi vô số những ngày đêm kiên trì và cống hiến, mới có thể đạt được một trình độ nhất định của kỹ năng.
Khi con đủ “nghiêm khắc” đối với chính bản thân, thế gian chẳng có gì có thể làm khó con. Con người, cần trải qua những lần kỷ luật tự giác, dần dần sẽ tạo ra một bản thân tốt hơn.
Sách – người bạn tốt nhất
Cha mừng khi thấy con có thói quen mua sách, nhưng cha bàng hoàng khi phát hiện ra con mua và bỏ trên kệ cả năm trời chẳng động đến chúng! Con lười đọc sách. Điều ấy khiến cha hoảng hồn, lo âu biết bao. Cha không cực đoan đến mức cho rằng không đọc sách thì cuộc đời, sự nghiệp của con sẽ chấm hết. Nhưng chắc chắn, không đọc sách, cánh cửa tương lai của con sẽ gặp vô vàn khó khăn và trở ngại.
Con nhớ chú Hồng Phúc, bạn cha chứ – một người đàn ông trí thức, lịch lãm, và rất mực ưu tú. Đều từ thói quen đọc sách mà ra con ạ! Cha nhớ, chú Phúc rất bận, vừa quản lý một công ty lớn, vừa gồng gánh gia đình, dành thời gian đối nội – đối ngoại, bận rộn là thế, nhưng không quên dành thời gian đọc sách kinh điển. Trong bữa cơm tối ở nhà mình, chú ấy nói: “Đọc một cuốn sách hay giống như kết thêm một người bạn tốt, có thể thay đổi tư tưởng và hành vi của mình. Hơn nữa, đọc các tác phẩm triết lý, kinh điển của cổ nhân còn khiến người đàn ông trở nên bình tĩnh, hiểu được triết lý nhân sinh, đạo lý làm người và trưởng thành hơn khi giải quyết sự tình”, những lời ấy có trui vô bộ não của con chút nào không, con trai?
Cho dù, con chỉ là một người bình thường như bao người trong cuộc sống này, nhưng việc đọc sách hôm nay sẽ mở ra trước mắt con nhiều cánh cửa mới, thế giới mới, sở thích khám phá, tìm tòi mới, nhân sinh quan của con được rộng mở, nội tâm trở nên kiên cường hơn. Đọc sách giúp con trở thành một người giàu có cả về tinh thần lẫn vẫn chất, khiến cuộc sống của con đa màu sắc, sống động, phong phú hơn rất, rất nhiều.
Chẳng phải đâu xa, cha là một người đọc không quá nhiều sách. Đó chính là điều cha ân hận nhất, tiếc nuối nhất cho tới khi về gài. Cha con chỉ có thể sống một cuộc đời làng nhàng, bình ổn, mãi mãi không thể trở nên ưu tú như chú Phúc, bác Sang… dù sau này cha chăm chỉ rèn luyện trí não bằng cách đọc thêm nhiều sách vở. Điều cha nhận ra hơi muộn màng nên mong rằng con sớm giác ngộ và rèn luyện cho mình thói quen tốt đẹp này.
Con trai!
Có thể ngay lập tức con không nhận ra sự khác biệt của một người chăm chỉ đọc sách và một người nói không với văn hóa đọc. Xin con tin cha, sự khác biệt này không phải ngày một ngày hai, một tháng, hai tháng… là có thể nhận ra được, nhưng lâu dần hiện thực sẽ trả lời cho con biết: người chăm chỉ đọc sách với người ít đọc sách bất luận là trên bất kì phương diện nào đều có sự khác biệt rõ ràng không thể phủ nhận. Đừng để nhận ra điều này khi bản thân mang quá nhiều tiếc nuối. Mọi sự thành công ngày mai đều cần có bước chạy đà chi tiết, cẩn thận ngay từ hôm nay. Và đọc sách chính là bước chạy đà không thể bỏ qua, con ạ!
Mất và được. Thua và thắng
Một người không thể lúc nào cũng đắc ý, và cũng chẳng thể nào vĩnh viễn sa cơ. Trước khi được, hãy học cách mất. Trước khi thắng cuộc, hãy học cách thua.
Nói vậy, con có cười nhạt không? Bởi phàm trên đời, chẳng ai muốn vấp ngã, thua cuộc, thất bại. Nhưng, sống con sẽ thấy, rằng dù mình có giỏi cỡ nào thì cũng chỉ là một hạt cát trên sông Hằng mà thôi.
Học làm người thua cuộc là hiểu về lòng khoan dung, ý nghĩa của họ trong trái tim mình.
Nhận thua anh chị em trong nhà là cái thắng của ý nghĩa gia đình.
Nhận thua vợ hoặc chồng là cái thắng của một cuộc hôn nhân.
Nhận thua bạn bè là cái thắng của tình bạn.
Hơn thua nhiều khi chẳng phải tính trong một trận chiến. Mà có khi phải cần cả một cuộc chiến mới xác định được hơn thua. Nên cũng đừng quá đặt cái Tôi thành rào cản, đặt cái sĩ diện làm che mắt. Cứ thong dong cùng trái tim, có đích đến thì chẳng bao giờ lạc đường vậy!
Con trai! Quan trọng nhất, khi học được cách thua rồi thì không được quên đi mục đích ban đầu của mình, ngã một cái là quên cách đứng dậy. Và khi thắng rồi, cũng không được dương dương tự đắc, tự cho mình là giỏi.
Thua không mất đi ý chí, thắng không được mất đi trạng thái, thua thắng là những chuyện bình thường cuộc sống, quá xem trọng thua thắng sẽ khiến bản thân trở thành nô lệ của sự mệt mỏi, con phải học cách gạt đi những gánh nặng tư tưởng đó, tập trung toàn bộ tinh thần sức lực vào công việc, cho dù có vấp ngã đau đến đâu cũng phải dũng cảm đứng dậy, mỉm cười đối diện với thử thách, bắt đầu lại từ đầu.
Con trai!
Cha mong con sẽ trở thành một người đàn ông tốt, sở hữu sự quyết tâm, sức mạnh, tự tin, phẩm cách đạo đức tốt như thật thà và ngay thẳng. Trở thành một người đàn ông thực thụ có lòng can đảm để đối đầu với những hoàn cảnh khó khăn, những thử thách và thách thức mà không quay bước lại cho dù con có sợ hãi hay không. Con có thể trách cha ôm qua nhiều kỳ vọng vào con, nhưng sống trên đời, không có sức ép, không có áp lực, không có niềm tin… thì sẽ mãi dừng chân ở vạch xuất phát thôi!
Những gì cha nhắn gửi, mong con sẽ đọc, ngẫm và quyết liệt hành động để có thể tự tin chinh phục cánh cửa tương lai phía trước, con nhé!
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: cafebiz.vn