Mẹ nữ sinh thi đỗ Đại học Harvard chia sẻ bí quyết dạy con

0

“Hãy giúp con cảm nhận được tình yêu thương và sự tin tưởng của cha mẹ. Nhà càng giàu, cha mẹ lại càng phải nỗ lực hơn khi dạy con” – mẹ của nữ sinh thi đỗ Đại học Harvard chia sẻ.

Đó là những tâm sự rất thật của nhà văn, nhà báo Hồ Thị Hải Âu khi nói về hành trình của chị đồng hành cùng cô con gái Lã Hồ Minh Khuê. Minh Khuê đã trở thành sinh viên Việt Nam duy nhất cho đến nay trúng tuyển ĐH Harvard với học bổng toàn phần danh giá của trường trong cả 4 năm đại học.

Cô gái dễ thương này cũng từng đoạt 2 giải hội họa quốc tế giành cho thiếu nhi trong các mùa hè 2003 và mùa hè 2006.Từng là nữ sinh chuyên toán của trường chuyên Hà Nội – Amsterdam,năm 2010Minh Khuê từng đạt Giải Bạc tại festival Piano quốc tế Soul- Hàn Quốc. Năm 2013, Khuê thực hiện thành công 2 dự án nghệ thuật: đêm hòa nhạc “Giai điệu mùa hạ” với bản Concerto Piano Beethoven N.3 cùng dàn nhạc giao hưởng nhà hát nhạc Vũ kịch và Triển lãm nghệ thuật cá nhân “Tình yêu của tôi” trưng bày 22 tác phẩm hội họa và thu quỹ gây dựng 22 tủ sách cho dự án “Sách hóa nông thôn”, tại các tỉnh Thái Bình, Sóc Trăng và Tây Nguyên.

Lã Hồ Minh Khuê
Nữ sinh Harvard Lã Hồ Minh Khuê.

Đằng sau những thành công của cô gái trẻ này là cả một sự cố gắng, kiên trì theo đuổi triết lý giáo dục không mệt mỏi của một người mẹ hết lòng vì con. Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với chị, lắng nghe quan điểm của chị về khái niệm “con nhà giàu vượt sướng” và nghe chị chia sẻ cách đồng hành cùng con để khơi gợi cho con cảm hứng học tập.Rất nhiều học sinh, sinh viên con nhà giàu có đầy đủ điều kiện học hành ngay từ bé nhưng kết quả học tập lại vẫn đì đẹt. Theo chị, họ thiếu điều gì?

Với những học sinh con nhà giàu nhưng không học tốt thì cái thiếu nhất của các bạn trẻ ấy chính là khát vọng và ý chí. Chúng ta đều hiểu rằng, khi nghèo khó thì việc học hành là con đường để vượt lên hoàn cảnh. Cái nghèo trở thành động lực khiến người trong cuộc nỗ lực bền chí. Đó chính là bản năng sống mãnh liệt của con người. Ngược lại, khi đời sống đã cải thiện, sinh ra và lớn lên trong điều kiện vật chất khá dồi dào, nếu cha mẹ lãng quên việc giáo dục những giá trị cốt lõi như: lòng tự tôn, tinh thần cống hiến, năng lực lao động kiên trì… cho con cái ngay từ bé, thì đương nhiên, khi lớn lên, con sẽ khó tìm thấy lý do để cố gắng. Sự lười biếng, chây ỳ rất dễ trở thành tật xấu khó sửa.

Hơn nữa, nhiều cha mẹ cũng không bồi đắp ngay từ nhỏ cho đứa trẻ khao khát được xã hội thừa nhận – điều mà tôi gọi là bản năng hướng thượng. Những thiếu hụt này, khiến nhiều bạn trẻ tuy sống trong gia đình có điều kiện, nhưng mất đi chí hướng trong cuộc sống.

Nhà văn, nhà báo Hồ Thị Hải Âu
Nhà văn, nhà báo Hồ Thị Hải Âu.

Như vậy, cứ con nhà giàu là học dốt?

Không hẳn. Thật ra, số bạn trẻ con nhà giàu mà học kém không phải là phổ biến và không nên coi họ là đại diện. Phần lớn bạn bè tôi, rất nhiều gia đình có điều kiện kinh tế vững vàng và con cái của họ học hành rất giỏi giang, có chí hướng, có tầm nhìn chiến lược lắm. Nhiều bạn trẻ là chủ doanh nghiệp hiện nay, từ tiểu chủ đến những doanh nghiệp tư nhân lớn nhỏ khác nhau, phần lớn họ xuất thân từ những gia đình khá giả, trung lưu, trí thức. Nhiều người trong số họ từng tu nghiệp ở các nước phát triển. Họ dành được các suất học bổng của những trường đại học danh tiếng trên thế giới bằng chính năng lực của mình. Họ khiêm nhường, lặng thầm lao động, cống hiến và tiếp tục học tập. Công bằng mà nói, không phải tự nhiên mà có câu con nhà giàu vượt sướng.

Tôi luôn đề cao truyền thống gia đình. Đời ông bà nội tôi phải lao động vất vả trên đồng ruộng để bố tôi được học để trở thành bác sĩ. Chúng tôi luôn nhớ và tự hào về câu chuyện ấy. Rồi đến lượt bố tôi ân cần khêu ngọn đèn dầu và đuổi muỗi cho tôi ngồi học ôn thi đại học thâu đêm. Đó là một bước tiến tuy vẫn còn gian nan. Rồi, đến khi tôi làm mẹ, tôi đã từng làm xe ôm cho con gái có ngày lên tới 60 -70 km để học tập và hoạt động ngoại khóa.

Như vậy, so với đời ông bà và đời cha mẹ mình, tôi không còn quá vất vả để nuôi con ăn học, nhưng sự nỗ lực vì sự nghiệp học hành của con cái thì thời nào cũng cần cố gắng mới có thành công.

Có ý kiến cho rằng “con nhà giàu vượt sướng” còn khó hơn “con nhà nghèo vượt khổ”?

Không cứ phải con nhà giàu, buồn thay, bất kể bạn trẻ nào cũng có nguy cơ bị cuốn vào thú vui và các hình thức “nghiện” khác nhau, làm nhụt ý chí học hành, rèn luyện. Tôi đã nghe một cậu bé lớp sáu khóc thút thít vì bị mẹ phát hiện đang xem “đĩa đen” tại nhà, cậu bé trình bày: “Tiền mẹ cho ăn xôi sáng 5 nghìn đồng, con nhịn rồi mua đĩa xem, sau đó trao đổi đĩa với các bạn trong lớp!”

Do đó, tôi vẫn nhấn mạnh rằng, yếu tố truyền thống và tinh thần gia đình là quan trọng nhất.

Chị có nghĩ rằng ở tuổi học sinh nhu cầu vật chất chưa cao nên đôi khi sự thiếu thốn một chút lại giúp các em tập trung nhiều hơn cho việc học?

Tôi không nghĩ thế. Đối diện với đồng tiền và rèn luyện thái độ đúng mực với tiền bạc là một bài học quan trọng. Vì thế, tôi luôn chủ động dạy con tiêu tiền từ sớm.

Một lần, mẹ đi vắng, Minh Khuê trả tiền điện thay mẹ, nhưng lại nhầm lẫn 4 tờ 10 nghìn với 4 tờ 200 nghìn, lý do vì chúng có thiết kế và màu sắc na ná như nhau. Mặc dù sau đó, người thu tiền điện đã trả lại tiền nhưng sự nhầm lẫn đó khiến Khuê rất buồn. Tôi đã nói với con rằng “Mẹ cũng đã từng bị nhầm lẫn tờ 20 nghìn với tờ 500 nghìn đồng cũng vì nguyên nhân giống hệt con, do đó, con đừng buồn nữa”. Tuy nhiên, câu chuyện nhầm lẫn tiền đã tác động lên tâm trí cô bé rất sâu sắc. Sau đó, Khuê đã viết một bài luận tiếng Anh có tiêu đề “Nội lực”, trong đó có đoạn: “Nội lực của bạn cũng giống như những đồng tiền bạn có được từ lao động bằng mồ hôi và công sức của bản thân. Do đó, khi chi tiêu, bạn phải nhìn nhận rõ giá trị trên tờ tiền để chắc chắn rằng mình không tiêu sai. Nội lực cũng vậy, bạn phải nhìn nhận nó một cách thực tế, để không ảo tưởng và lãng phí”.

Tôi hướng dẫn Khuê học cách kiếm tiền từ nhỏ. Hồi lớp 6, theo gợi ý của tôi, Khuê đã nhận làm gia sư, dạy các em là con cái của bạn mẹ, vào dịp nghỉ hè. Tiền công chỉ là 3.000- 5.000 thôi, nhưng Khuê rất vui và đón nhận những món tiền ấy rất trân trọng. Do nhận tiền công một cách nghiêm túc, nên buổi gia sư nào, Minh Khuê cũng soạn giáo án và dạy dỗ các em rất nghiêm túc!

Tôi cũng thường khuyến khích con gái tham gia những buổi vẽ tranh bán đấu giá, hội chợ bán đồ cũ ở trường, vân vân, Minh Khuê rất thích tham gia những hoạt động này và có một lần sau hội chợ, Khuê đã “thu nhập” được 1,5 triệu tiền bán sản phẩm do cô bé sáng tác và tự làm bằng tay.

Chị Hải Âu và con gái Lã Hồ Minh Khuê
Chị Hải Âu và con gái Lã Hồ Minh Khuê.

Cha mẹ nghèo thường dạy con rằng học là con đường duy nhất, không học là chết đói. Vậy còn Minh Khuê, sinh ra và lớn lên trong điều kiện khá đủ đầy, chị nói gì với con để giúp con có động lực học tập?

Thay vì ép con phải học, tôi luôn khích lệ con gái cảm thấy cần phải học. Học để tăng cường tố chất bản thân. Và học cũng là trách nhiệm của con đối với truyền thống gia đình.

Tôi nói với Khuê một cách hình ảnh rằng, mẹ được như ngày hôm nay là nhờ có bà, vì mẹ đã được bà cho đứng trên vai của bà. Bà đã không quản vất vả sớm hôm, lao động bền bỉ để đưa mẹ từ Vinh ra Hà Nội ăn học. Hôm nay, con được như thế này là con đang đứng trên vai mẹ. Và nếu đứng trên vai mẹ rồi mà tầm nhìn của con không cao, không rộng, không xa hơn thì có nghĩa là con rất lùn.

Dường như cha mẹ rất hay thích đưa quá khứ gian khổ của mình ra để so sánh với con, hoặc so sánh “thằng a, thằng b nhà nghèo mà học giỏi, còn con thì…”. Liệu đây có phải là phương pháp hiệu quả để kích thích con cái học tập?

Tôi nghĩ, không nên so sánh và phán xét trẻ vì đó là cách phản giáo dục. Cách tác động tốt nhất lên tinh thần con trẻ là đi vào trái tim, tình cảm của trẻ. Tôi hay kể cho Minh Khuê nghe những câu chuyện truyền thống gia đình, kiểu như: “Hồi bé, mẹ phải dậy rất sớm giúp bà làm việc, sau đó, rang cơm ăn rồi đi học. Có những mùa đông, mẹ không có dép, cứ lội bằng chân đất trên những lối cỏ đẫm sương, lạnh buốt để đến lớp. Trường cách nhà hàng chục km, tối về, bà lại pha nước muối để mẹ ngâm chân, nhưng không ngày nào mẹ nghỉ học, mẹ thích đi học lắm”. Chỉ những lời thủ thỉ như vậy, tôi đã gợi mở để con gái nhận thức ngày một sâu sắc hơn về giá trị truyền thống và cả những giá trị vật chất mà cô bé đang có.

“Muốn dạy con, trước hết hãy làm bạn cùng con!”- mẹ của nữ sinh thi đỗ Harvard chia sẻ.

Chắc rằng rất nhiều gia đình, đặc biệt là những nhà có điều kiện sẽ khao khát con cái mình học hành giỏi giang như Minh Khuê nhà chị. Vậy, chị có thể chia sẻ một chút kinh nghiệm, đặc biệt là làm thế nào để con không tự phụ khi gia đình giàu có?

Tôi nhớ hồi lớp 1, sau buổi tan trường, Khuê thủ thỉ kể cho mẹ: “Mẹ ơi, các bạn bảo nhà mình giàu nhất lớp”. Tôi hỏi Khuê “Sao nhà mình lại giàu nhất được nhỉ, vì nhà mình thực sự không giàu?”. Khuê bảo: “Các bạn nói rằng, vì ngày nào con cũng được mẹ tết tóc đẹp, cài nơ xinh và được mẹ đưa vào tận lớp”. Lúc đó, tôi chợt hiểu ra rằng, với con trẻ, khái niệm giàu hay nghèo được định giá bằng sự chăm sóc, yêu thương của cha mẹ, gia đình.

Vì vậy, gia đình giàu hay nghèo không quan trọng. Quan trọng là làm thế nào để con cái cảm nhận được tình yêu thương và sự tin tưởng mà cha mẹ dành cho mình. Đặc biệt, gia đình càng giàu, cha mẹ lại càng phải nỗ lực hơn, sâu sắc hơn trong công cuộc nuôi dạy con.

Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

 

Nguồn: http://www.tamguong.vn/hoc/Me-nu-sinh-thi-do-Dai-hoc-Harvard-chia-se-bi-quyet-day-con-tgov-706931.html

 Nhã Khanh
(Thực hiện)

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ