Đắk Lắk – Buôn Ma Thuột Lịch sử và nguồn gốc
Hiện nay một số sách báo có viết tên địa danh của thủ phủ tỉnh lỵ Đắk Lắk nhưng với nhiều tên khác nhau: Ban Mê Thuột, Ban Mê Thuật, Buôn Ma Thuột, Buôn Mê Thuật. Vậy tên nào mới là tên đúng? Hiện nay có ba cách viết và gọi khác nhau đang được dùng khi giao tiếp, đó là Ban Mê Thuột, Buôn Mê Thuột và Buôn Ma Thuột.
Tên “Đắk Lắk” nguyên là chữ “Dak Lak” thổ ngữ của sắc tộc M’nông. “Dak” có nghĩa là nước, “Lak” là “hồ nước”, quân Pháp đổi thành “Darlac” trong thời gian chiếm đóng vùng này.
Dân chúng thường quen gọi tên tỉnh này là Buôn Mê Thuột hơn là Daklak. Theo truyền tụng, Buôn Mê Thuột trước có tên là “Buôn Ma Thuốt”, thổ ngữ của sắc tộc Rhadé. “Buôn” là làng, ấp. “Ma” là cha. “Thuốt” là tên con của vị tù trưởng Êdê, ngày xưa đã lãnh đạo dân chúng chống lại những người Cam Bốt và Ai Lao thường tràn qua biên giới cướp phá. Vì vậy, “Buôn Ma Thuốt” được đặt tên để tưởng nhớ vị tù trưởng anh hùng tên Thuốt.
Đắk Lắk và Buôn Ma Thuột thuộc lãnh thổ Việt Nam từ trước thế kỷ thứ 14, nhưng chưa được triều đình quan tâm, vì thế chưa có cơ cấu hành chính tại đây. Sau khi quân Pháp đô hộ nước ta, chúng sát nhập Đắk Lắk vào nước Lào. Đến ngày 22-11-1904, Pháp lại đặt đất này thuộc Việt Nam và được sáp nhập vào Kontum.
Nhưng đồng bào ta không khuất phục quân thù. Năm 1893 quân Yersin tiến chiếm Đắk Lắk. Ba Tù trưởng Y Thu, M’Trang (bộ tộc Bih vùng Buôn Mblot) và Ama Jhao (bộ tộc Ktul) liền tập họp các dân làng Rhadé và M’nong đánh thực dân, đã khiến chúng phải chật vật, hao tổn nhiều nhân lực khi lên tới vùng Buôn Mê Thuột. Dân ta dựa núi rừng làm chiến khu, lấy dáo mác, cung tên làm vũ khí. Nhiều trận đánh ác liệt đã xảy ra tại khu rừng Bandon. Sau hai tù trưởng M’Trang và Ama Jhao sa vào tay giặc và bị giết.
Năm 1894, hai toán quân Pháp theo thung lũng sông Ba và sông Năng đến Đắk Lắk để tăng cường kế hoạch “bình định”, bị đồng bào M’dhur chặn đánh nên phải rút về đồng bằng. Năm 1899, giặc xây xong căn cứ quân sự tại Bandon và cho tên Bourgoois mang quân đàn áp đồng bào Rhadé Kpa. Năm 1900, tên này lại đến chiếm buôn làng của đồng bào Bih, chuyên sống về nghề nông ở dọc theo hạ lưu sông Krong Ana và Krong Kno, nhưng bị tù trưởng Ngenh chống cự, rồi sau đó kêu dân trốn vào rừng, không để giặc cai trị.
Đến năm 1923, tỉnh Đắk Lắk được thành lập và đặt dưới sự cai quản của viên Công sứ quân Pháp tên Sabatier. Vì tham danh lợi, sau khi nhận chức tên công sứ này ngăn cấm không cho người Kinh lập nghiệp ở đây và cũng tìm cách ngăn chặn không cho các nhà tư bản Pháp đến lập đồn điền, để dễ dàng bóc lột đồng bào Thượng và mãi mãi là vua một cõi. Nhưng rồi y cũng bị doanh thương Pháp mua chuộc cấp trên chuyển đi nơi khác. Dù rằng lệnh cấm này được bãi bỏ vào năm 1930, nhưng người Kinh nào muốn đến Đắk Lắk đều phải xin giấy phép hết sức khó khăn. Vào năm 1930, những cuộc nổi dậy của đồng bào ta ở miền Bắc và Nghệ An đã làm quân Pháp lo sợ, chúng liền cho xây một trại giam tù chính trị ở Buôn Mê Thuột và thành lập Tiểu đoàn Sơn cước để bảo vệ nơi này. Trước năm 1975 Daklak (Đắk Lắk) có bốn quận lớn là Buôn Mê Thuột, Lạc Thiện, Phước An và Buôn Hồ.
2. Lý giải Về tên: Buôn Ma Thuột hay Ban Mê Thuột
Hiện nay một số sách báo có viết tên địa danh của thủ phủ tỉnh lỵ Đắk Lắk nhưng với nhiều tên khác nhau: Ban Mê Thuột, Ban Mê Thuật, Buôn Ma Thuột, Buôn Mê Thuật. Vậy tên nào mới là tên đúng?
Theo cách lý giải thứ nhất, Buôn Ma Thuột nếu viết chính xác là Buôn Ama Y Thuot (Buôn: làng, Ama: cha, Y Thuột là người có công sáng lập ra buôn làng sớm nhất). Năm 1904, người Pháp thành lập tỉnh Daklak (Đắk Lắk), họ chọn Buôn Ma Thuột làm tỉnh lỵ. Người Pháp dùng tên Ban Mê Thuột trên bản đồ, công văn, sách báo… và tên này tồn tại cho đến ngày nay. Ban Mê Thuột là tiếng Thái – Lào (Ban tức bản, làng. Mê: là mẹ, Thuột là tên người). Có điều trái khoáy là địa danh mang tiếng Thái – Lào nằm trên đất của người Êđê. Còn tên Buôn Mê Thuột? Đó là sự lắp ghép giữa tiếng Thái – Lào và Êđê. Xét về ngữ học, cách viết này không ổn. Sau năm 1975, Buôn Ma Thuột được thay thế là Ban Mê Thuột và được thống nhất dùng trên bản đồ, công văn, sách báo… Đây là tên gọi đúng nhất, bởi lẽ nó là thổ ngữ Êđê và có liên hệ đến lịch sử hình thành đô thị này.
Cách thứ hai cho rằng trong số các danh từ nêu trên thì Buôn Ma Thuột là tên gọi chính xác nhất. Lý do: nguồn gốc ở Tây Nguyên, người Êđê là dân tộc thiểu số cư ngụ rất lâu đời ở đây. Theo phong tục của họ, con trai khi đã có vợ và con, nếu muốn gọi tên người người đàn ông nào đó đã có gia đình, người ta đệm từ ” ma” trước tên của con đầu anh ta.
Trong trường hợp nêu trên thì Thuột chính là tên của một người đã sáng lập ra cái buôn đó (cách nay đã hơn 100 năm). Như vậy, Ma Thuột là tên của một người, còn Buôn là tên gọi của làng bản ở Tây Nguyên. Mọi cách viết khác dù na ná nhau nhưng không chính xác.
Và nếu hiểu theo cách thứ ba thì buôn là làng của tộc người Êđê, Ma Thuột là tên của một già làng này, ngày trước rất có uy tín, mang lại ấm no và yên ổn cho nhiều thế hệ trong buôn. Buôn Ma Thuột, nghĩa là làng người Êđê, đứng đầu là cụ già Thuột. Viên chức địa chính xưa không hiểu chữ buôn, cứ coi làng của dân tộc thiểu số là bản. Lại không hiểu Ma Thuột nghĩa là gì, nên viết trệch sang thành Bản Mê Thuật, lâu ngày đánh điện báo (ngày trước không có dấu) chỉ còn lại là Ban Me Thuat. Một số người ưa lãng mạn làm văn thơ gọi tắt là em gái Ban Mê, sương mù Ban Mê, nhiều người nói ngọng theo thổ âm lệch sang thành Bang Mê Thuộc.
Như vậy, địa danh chính thức đã được Quốc hội thừa nhận là Buôn Ma Thuột, thế nhưng đến hôm nay, vẫn có nhiều tổ chức gọi sai, viết sai, dẫn chứng: hãng Hàng không VN vẫn còn ghi sai là “Ban Me Thuot”.
Hoàng Phương tổng hợp
Thegioibantin.vn
Nguồn: © Trang thông tin tổng hợp tỉnh Đắk Lắk