Hải Phòng: Rừng thị trăm tuổi tại Đồ Sơn vào mùa quả chín
Cách UBND quận Đồ Sơn chừng 1,5km vào khu quần thể di tích lịch sử cấp quốc gia đình Ngọc Xuyên, đền thờ cô Chín, men theo con đường nhỏ lên núi Ngọc, Tháp Tường Long, du khách sẽ bắt gặp một rặng cây thị hàng trăm năm tuổi, trong đó có một số cây có tuổi đời 700-800 năm như cây Thị Bài, Thị Khe, Thị Bà Vải, Thị Gồ…
Đây là quần thể rặng cây thị đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam gồm 17 cây nằm rải rác trong khuôn viên của 15 gia đình, phần lớn thuộc 3 dòng họ Lê Viết, Phạm Văn, Nguyễn Đình ở 2 tổ dân phố 5 và 6 phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn.
Bắt đầu từ rằm tháng 7 hàng năm, rặng thị bắt đầu vào mùa quả chín, tỏa mùi thơm ngào ngạt.
Để hái được những quả thị trên những cây cao từ 20 đến 40m, người dân phải sử dụng đến cây nứa dài tới 7m. Công việc thu hái thị đòi hỏi phải có sức khỏe tốt và đôi tay khéo léo.
Chị Loan cho biết, thị không chỉ ngọt, thơm mà còn rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là nhuận tràng. Hiện trên thị trường một kg thị có giá 20.000-30.000 đồng tùy mẫu mã.
17 cây thị cổ thụ là đại diện tiêu biểu của sự phong phú và đa dạng của hệ thực vật Việt Nam, là tài sản vô giá, nét đẹp văn hóa, tạo nên một không gian sinh thái trong lành mà còn góp phần cùng quần thể di tích gồm đình Ngọc Xuyên, đền cô Chín, suối Rồng, Tháp Tường Long, Chùa Tháp trở thành một quần thể du lịch tâm linh, một điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn du khách, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Mong rằng sau khi được vinh danh là cây di sản, những người dân nơi đây tiếp tục chung tay giữ gìn, bảo vệ cây, bảo vệ môi trường sinh thái, tham gia phát triển sản vật từ thiên nhiên để thu hút du khách mỗi khi đến với Đồ Sơn.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: Dichoinao