Đế chế phim TVB – từ hoàng kim tới suy thoái
Thành lập năm 1967, TVB (Đài phát thanh, truyền hình Hong Kong) đến nay hoạt động tròn 50 năm. Trong mảng phim truyền hình, đài đạt đỉnh cao trong thập niên 1980 – khi Thiệu Dật Phu làm chủ tịch. Từ thập niên 2000, TVB dần mất sức ảnh hưởng, không còn là “kinh đô” phim của châu Á.
Người vượt đại dương gây dựng cơ đồn
Năm 1931, Thiệu Dật Phu từ Thượng Hải lên đường sang Mỹ tìm mua dụng cụ làm phim có tiếng. Tàu bị lật do đâm phải đá ngầm, Thiệu Dật Phu bám vào mảnh tàu, lênh đênh trên biển một đêm, may mắn được cứu. Năm đó, Thiệu Dật Phu 24 tuổi.
Năm 1932, Thiệu Dật Phu làm nhà sản xuất kiêm đạo diễn cho phim Bạch Kim Long. Lịch sử phim Hoa ngữ đánh dấu sự ra đời của bộ phim có âm thanh và hình ảnh đồng bộ đầu tiên, báo hiệu sự suy tàn của kỷ nguyên phim câm ở Trung Quốc.
Từ giữa thập niên 1930 tới trước Chiến tranh Thế giới thứ hai, anh em nhà họ Thiệu sở hữu 139 rạp phim ở Đông Nam Á cùng 9 tụ điểm giải trí. Một lần chiếu phim tại rạp của họ Thiệu ở Thái Lan, khán giả đập nát máy phát để xem “rốt cục có người trốn trong đó không”. Kể từ đó, mỗi lần chiếu phim, Thiệu Dật Phu đều cắt cử người bảo vệ máy phát.
Năm 1937, Thượng Hải đẫm máu vì chiến tranh với đế quốc Nhật. Cơ đồ phim ảnh của dòng họ Thiệu suy sụp. Chiến tranh kết thúc, Thiệu Dật Phu khảo sát thị trường phim ảnh ở Australia và Mỹ, thấm thía được Thiệu Thị không những phải khôi phục hệ thống chiếu phim đã mất mà còn phải sáng lập nên cơ nghiệp khác. Thiệu Dật Phu tìm kiếm mảnh đất vàng để thực hiện lý tưởng, ông chọn Hong Kong. Năm 1957, công ty Thiệu Thị Huynh Đệ (Hong Kong) thành lập. Thời kỳ hưng thịnh nhất, Thiệu Thị có hơn 1.300 nhân viên, làm nên hàng nghìn bộ phim, trở thành một phần của Hong Kong hoa lệ.
Từ cuối thập niên 1960, Thiệu Thị nhảy vào mảng truyền hình – lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ. Năm 1967, Thiệu Dật Phu cùng một số cổ đông khác thành lập Đài phát thanh, truyền hình Hong Kong (TVB). 1971, ông mở lớp đào tạo nghệ sĩ, mà sau này trở thành cái nôi của sao xứ Cảng thơm. Năm 1980, Thiệu Dật Phu trở thành cổ đông lớn nhất của TVB. Từ đó, ông giảm đầu tư làm phim điện ảnh ở công ty Thiệu Thị. Năm 1985, Thiệu Dật Phu bán toàn bộ hệ thống rạp chiếu. Thiệu Thị dừng hẳn làm phim vào năm 1987.
Với vai trò chủ tịch TVB, Thiệu Dật Phu đưa lịch sử phim ảnh Hong Kong sang trang mới, ảnh hưởng sâu rộng tới ngành công nghiệp giải trí khu vực. Reuters gọi ông là người gây dựng đế chế điện ảnh, truyền hình châu Á.
TVB từng là giấc mơ của không ít chàng trai, cô gái xuất thân tầng lớp thấp. Họ ấp ủ hy vọng đổi đời bằng việc ứng tuyển lớp đào tạo diễn xuất do Thiệu Dật Phu thành lập. Đó là chàng trai con nhà nông dân Châu Nhuận Phát, gã lêu lổng Châu Tinh Trì, anh chàng trầm mặc Lương Triều Vỹ… TVB là bệ phóng để họ trở thành những trụ cột làm nên bản sắc phim Hong Kong mà đến nay, họ vẫn có khả năng hô phong hoán vũ làng phim Hoa ngữ.
TVB còn tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hong Kong, phát hiện và bồi dưỡng, chắp cánh cho các tên tuổi Triệu Nhã Chi, Trương Mạn Ngọc, Lý Gia Hân, Viên Vịnh Nghi…
Thập niên 1980, hàng năm TVB đều đặn có ít nhất một tác phẩm gây tiếng vang lớn, sau này được xếp vào hàng phim Hoa ngữ kinh điển. Năm 1980 có Bến Thượng Hải (Châu Nhuận Phát, Triệu Nhã Chi đóng chính), 1981 có Phượng Hoàng Lửa (Châu Nhuận Phát, Trịnh Du Linh, Miêu Kiều Vỹ). Tô Khất Nhi (Châu Nhuận Phát, Mễ Tuyết, Lưu Đức Hoa) là tác phẩm ăn khách năm 1982 trong khi, Anh hùng xạ điêu (Huỳnh Nhật Hoa, Ông Mỹ Linh), Lộc Đỉnh Ký (Lương Triều Vỹ, Lưu Đức Hoa) tạo cơn sốt trong các năm kế tiếp.
Những năm 1980 là quãng thời gian rực rỡ của TVB, khi họ liên tục tạo ra sản phẩm gây tiếng vang. Giai đoạn này, nền nghệ thuật thứ bảy Hàn Quốc còn chật vật tìm lối thoát trong sự kiểm duyệt gắt gao của chính phủ. Sự thay đổi cơ chế cùng chính sách vĩ mô cuối thập niên 1980 tạo tiền đề cho phim ảnh Hàn phát triển rực rỡ và thăng hoa vào thập niên 1990.
Đài Loan cũng có những tác phẩm gây chú ý thập niên 1980 nhưng số lượng không nhiều, đề tài chưa phong phú, chủ yếu là các phim chuyển thể tiểu thuyết Quỳnh Dao.
Sang thập niên 1990, TVB phát huy thế mạnh ở dòng phim kiếm hiệp đồng thời mở rộng sang các đề tài như hình sự, tâm lý gia đình. Nguyên Chấn Hiệp (Lê Minh, Lý Gia Hân, Vương Phi), Đại thời đại (Trịnh Thiếu Thu, Lưu Thanh Vân, Châu Huệ Mẫn), Anh hùng xạ điêu (Trương Trí Lâm, Chu Nhân), Hồ sơ trinh sát (Đào Đại Vũ, Quách Khả Doanh), Thần điêu đại hiệp (Cổ Thiên Lạc, Lý Nhược Đồng)… là những tác phẩm gây tiếng vang trong giai đoạn này.
Làn sóng phim kiếm hiệp của TVB thời Thiệu Dật Phu lan tỏa khắp Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Nhật Bản và nhiều nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia Thái Lan, Việt Nam. Ở Việt Nam, khi thị trường băng đĩa nở rộ, các phim TVB sản xuất được nhập về ồ ạt. Một thế hệ khán giả lớn lên cùng các tác phẩm của Hong Kong. Thời kỳ háo hức thuê băng đĩa, xem phim nhà hàng xóm trở thành kỷ niệm xưa cũ đẹp đẽ với nhiều người.
“Hồi xưa mướn băng coi ghét nhất là hết phim. Đợi mấy ngày mà người ta vẫn chưa trả, tức quá đi đòi băng giùm chủ tiệm luôn. Bà chủ thấy nhiệt tình quá cho mướn rẻ hơn… Sau này, có mấy bộ tôi coi chắc cũng 80 lần, điển hình nhất là Cỗ máy thời gian, biết được đài nào chiếu phải canh coi cho được. Coi lần thứ 80 mà cảm giác vẫn háo hức như lần đầu”, khán giả Jessie Trịnh chia sẻ trên một fanpage.
Đến nay, khi Trung Quốc đại lục hay Đài Loan, Singapore cạnh tranh sản xuất phim kiếm hiệp, các tác phẩm do TVB sản xuất vẫn mang dấu ấn riêng, được khán giả đánh giá cao. Nhiều khán giả nhận định chỉ TVB mới tạo ra hơi thở võ hiệp cho các phim chuyển thể tiểu thuyết Kim Dung, Cổ Long.
“Bản Tiếu ngạo giang hồ của TVB mình xem không dưới 10 lần hồi mình tròn 10 tuổi. Thời đó kỹ xảo không cao siêu nhưng nó thật và đi sát nội dung phim chứ không ‘phét láo’ như bây giờ. Rất may mắn là mình được xem phim của TVB”, độc giả Thiên Hương bình luận trên VnExpress.
Các phim kinh điển thập niên 1980 – 1990 của đài TVB
Tháng 3/2008, Thiệu Dật Phu (năm đó 101 tuổi) nhập viện vì bệnh nặng, cục diện lãnh đạo đài rối loạn. Năm 2011, ông Thiệu bán toàn bộ cổ phiếu ở TVB, báo hiệu thời đại TVB của Thiệu Dật Phu chấm dứt. Ông qua đời năm 2014.
Dưới thời ông Lương Nãi Bằng, chủ tịch TVB hiện nay, đài hiếm có phim gây tiếng vang. Những năm gần đây, chỉ một số tác phẩm được đánh giá tốt là Sứ đồ hành giả, Bao la vùng trời 2. Sau thế hệ Xa Thi Mạn, Hồ Hạnh Nhi, Huỳnh Tông Trạch, TVB chưa làm nên ngôi sao nào có sức ảnh hưởng đáng kể. Trong khi đó Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc đại lục… liên tục xuất hiện những ngôi sao khiến fan châu Á mất ăn mất ngủ.
Năm nay TVB kỷ niệm 50 thành lập, tuy nhiên từ đầu năm đến nay, nhà đài chưa có tác phẩm đột phá làm nốt son cho dấu mốc nửa thế kỷ.
Sự suy thoái của TVB thể hiện rõ qua các con số. Thập niên 1990, đa số phim đạt tỷ lệ người xem trên 30% như Thần điêu đại hiệp, Tây du ký, Hồ sơ trinh sát… Trong đó, có các tập tỷ lệ đạt trên 45%. Khán giả xem phim ngày càng giảm. Theo Kknews, tỷ lệ người xem đi xuống rõ rệt từ năm 2012, ở mức trung bình 22 đến 26%.
Trung Quốc bỏ ra hàng triệu USD làm phim truyền hình với bối cảnh hùng tráng như Anh hùng xạ điêu, Tam sinh tam thế thập lý đào hoa, làn sóng Hallyu có các nhân vật điển hình như đại úy Yoo Shi Jin (Song Joong Ki), người ngoài hành tinh Do Min Joon (Kim Soo Hyun)… Trong khi đó, TVB thường xuyên bị phàn nàn vì kỹ xảo phim như thời Tây du ký 1986, kịch bản thiếu sáng tạo, dàn diễn viên trẻ diễn xuất non.
Năm 2014, một biên kịch của TVB tiết lộ trên tạp chí ICEO sau khi Thiệu Dật Phu không trực tiếp lãnh đạo, nhân viên TVB từ 4.500 người giảm còn 3.000 người, cả những người có công với đài cũng bị cho nghỉ việc. Lãnh đạo đài tiết kiệm cả tiền đầu tư làm phim. “Dây cáp để quay phim kiếm hiệp bị thay bằng loại rẻ tiền hơn, khiến một diễn viên bị thương trên trường quay”, biên kịch này tiết lộ.
Biên kịch này cho hay bên cạnh việc “tiết kiệm” trang bị cơ sở vật chất, đãi ngộ cho nhân viên cũng giảm. Những năm gần đây, các Hoa hậu Dương Tư Kỳ, Đàm Tiểu Hoàn gây xôn xao khi bỏ nhà đài để mở sạp hàng bán đồ ăn vặt, đi hát quán bar… Các gương mặt quen thuộc của TVB như Trần Pháp Lai, Lâm Phong, Hồ Hạnh Nhi… cũng lần lượt rời bỏ đài. Tờ The Time Weekly nhận định TVB đang đối mặt với sự thiếu hụt tài năng trầm trọng nhất trong lịch sử 50 năm.
Trước đây cuộc thi Hoa hậu Hong Kong tìm ra những gương mặt sáng giá cho màn ảnh TVB song một thập niên qua, các hoa hậu như Trương Danh Nhã, Chu Thần Lệ, Trần Khải Lâm, Thiệu Bội Thi… không được đánh giá cao về diễn xuất. Chưa kể cuộc thi này ngày càng bị chê giảm uy tín vì thiếu gương mặt đẹp.
Anh Nguyễn Việt Quốc (Sài Gòn) chia sẻ hiện anh không xem phim TVB nữa. “Phim TVB ngày xưa nội dung hay, diễn viên đóng đạt. Còn mấy bạn trẻ bây giờ nhà đài lăng xê nhưng đóng không tốt, bị khán giả la ó suốt. Chưa kể kịch bản chán quá, xem vài tập là bỏ. Tôi bỏ dở nhiều phim lắm”, khán giả này bày tỏ.
“Là một fan của TVB, hai năm gần đây tôi rất buồn và thất vọng vì hàng loạt diễn viên yêu thích không còn gắn bó với nhà đài. Hiện tại sức cạnh tranh của TVB không còn, một vài diễn viên hạng B như Hồ Định Hân, Thái Tư Bối, Trần Khải Lâm, Vương Hạo Tín… phủ sóng dày đặc và trở thành tên tuổi hạng A. Trong mắt tôi họ chưa đủ thực lực để đảm nhận vai nặng ký và trở thành diễn viên chủ chốt. Cả kịch bản cũng nhạt nhẽo, nhàm chán”, độc giả Lưu Hải Tĩnh bày tỏ.
Trong thời đại đào thải khốc liệt, nhắc đến TVB, người ta thường chỉ nhớ về những kỷ niệm.