Tiểu sử Trịnh Công Sơn

0
Trinh Cong Son 1

Dẫn: Tiểu sử này được xây dựng với mục đích đưa lên Diễn đàn trinhcongsononline manh nha hình thành vào năm 2003; sau đó do điều kiện chưa thuận lợi nên không duy trì được.

Vài lời thưa trước:

Chúng tôi thuộc lớp hậu sinh, không phải là người làm nghiên cứu, cũng không phải là bạn hay người thân của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn; do đó, trên nguyên tắc, chúng tôi không có đủ thẩm quyền và tư cách để viết tiểu sử của nhạc sĩ. Tuy nhiên, xuất phát từ tấm lòng yêu mến nhạc sĩ và ý muốn cống hiến cho bạn đọc một bản tiểu sử tương đối đầy đủ của Trịnh Công Sơn, chúng tôi vẫn mạnh dạn bắt tay vào làm. Vì những điều kiện đã nói ở trên, chúng tôi phải chọn cho mình một cách làm mà chúng tôi cho rằng có thể đảm bảo được độ trung thực và chi tiết, cụ thể như sau:

1.Chúng tôi đăng lại toàn bộ nội dung của phần viết III. Những năm tháng trôi qua trong quyển Trịnh Công Sơn – Một nhạc sĩ thiên tài của nhà văn Bửu Ý, Nhà xuất bản Trẻ, 2003. Tất các các chi tiết không có chú thích riêng đều trích từ tài liệu này. Tuy nhiên, chúng tôi mạn phép viết lại một vài câu, thay đổi ngôi thứ cho phù hợp với vị trí của chúng tôi, là người hoàn toàn đứng ngoài mối quan hệ bạn bè của nhà văn Bửu Ý và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chúng tôi cũng sắp xếp lại theo tiêu chí riêng của mình, và lược bỏ vài ý mà chúng tôi cho rằng quá chi tiết hoặc quá riêng tư.

2.Để có thêm thông tin, chúng tôi tham khảo các tài liệu, bài viết của các tác giả khác mà chúng tôi may mắn có được. Bản kê chi tiết có ở cuối trang; các chú thích sẽ chỉ ra tài liệu tham khảo cụ thể; những chú thích với [BT] là của chúng tôi thêm vào. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn – và cáo lỗi vì không xin phép trước – tác giả của các tư liệu, bài viết này, cũng như những tác giả mà chúng tôi có tham khảo nhưng không trích dẫn trực tiếp: Bửu Ý, Nguyễn Thanh Ty, Nguyễn Đắc Xuân, Đặng Tiến, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trịnh Cung, Đinh Cường, Bửu Chỉ, Thụy Khuê, Thái Kim Lan, Hoàng Nguyên Nhuận, Hội Trịnh Công Sơn ở Pháp…

3.Văn bản này sẽ còn được cập nhật khi điều kiện cho phép; đặc biệt là khi có thêm các nguồn thông tin xác đáng.

Ban Biên tập trang TrinhCongSonOnline


Bản cập nhật ngày 20.10.2003

1939
– Trịnh Công Sơn chánh quán Huế, làng Minh Hương, tổ tiên gốc Trung Hoa. Làng Minh Hương nay sáp nhập vào Bao Vinh thành xã Hương Vinh. Bao Vinh là thương cảng của Huế ngày xưa.[TL1]
– Trịnh Công Sơn chào đời ngày 28.2.1939 tại Buôn Ma Thuật (Lạc Giao[TL1]), tỉnh Daklak. Hai năm trước, bố mẹ anh lên đây lập nghiệp. Năm sau, sinh con trai đầu lòng, không nuôi được. Năm tiếp theo, Trịnh Công Sơn chào đời, coi như con trưởng.

1943
– Gia đình về lại Huế, ở tại vùng Bến Ngự. Đây là một vùng đất xanh tươi, nhờ một con sông đào chảy qua các nơi có nhưng cái tên đã đi vào thơ, nhạc: Nam Giao, Bến Ngự, An Cựu. Ngoài ra còn là nơi nhiều chùa chiền. Tiếng chuông và lời kinh thấm dần vào lòng anh từ rất sớm.
– Trịnh Công Sơn lớn lên trong gia đình buôn bán giữa trung tâm thành phố Huế. Nhà đông anh chị em, ba trai năm gái. Tuy có thăng trầm nhưng nói chung là khá giả.[TL1]
– Học các lớp tiểu học ở trường Trần Quốc Toản với Hòang Phủ Ngọc Tường và ở trường Nam Giao với Lê Gia Phàm. Hai người bạn này, và là bạn thân xưa nay của Trịnh Công Sơn, hiện đang ở Huế. Lê Gia Phàm là nhạc sỉ, thích hát những bài của bạn mình. Hoàng Phủ Ngọc Tường, một tên tuổi văn thơ nổi tiếng của cả nước, tính cho đến nay là người viết nhiều hơn cả về Trịnh Công Sơn.
– Tại ngôi nhà Bến Ngự, ngày nay gia tộc có dựng bàn thờ Trịnh Công Sơn.

1949-1950
– Thân sinh của Trịnh Công Sơn họat động cách mạng bí mật và bị tù tội nhiều lần. Anh có viết: “…tại Huế, mẹ tôi và tôi thay nhau đi thăm nuôi và năm 1949 tôi được vào nhà lao Thừa Phủ ở cùng ba tôi một năm trước khi cả gia đình cùng kéo nhau vào Sài Gòn”.
– Được tự do, thân sinh của Trịnh Công Sơn vào Sài Gòn.
– Trịnh Công Sơn thi tiểu học.

1951-1956

– Gia đình vào ra Sài Gòn – Huế.
– Tại Huế, gia đình ở đường Hàng Bè (Huỳnh Thúc Kháng) rồi ra đường Gia Long (Phan Đăng Lưu).
– Lên trung học, Trịnh Công Sơn học toàn trường Pháp: ở Huế là trường Lycée Francais (1955[TL1]), bạn cùng lớp là Nguyễn Trần Kiềm, Lê Quang Phùng, Trần Văn Thọ, Bùi Văn Diệm, Kim Tước sau này là ca sĩ, rồi đổi sang trường Providence (trường có tên Việt là Thiên Hựu, ở đây bạn cùng lớp là Bửu Văn, anh của họa sĩ Bửu Chỉ), học hai năm ở trường này.
– Lúc này Trịnh Công Sơn chơi ghi-ta đã hay. [TL1]
– Tháng 6 năm 1956, thân sinh của Trịnh Công Sơn bị tai nạn xe, qua đời.
– Trịnh Công Sơn qui y ở chùa Phổ Quang, pháp danh Nguyên Thọ.

– Hiệp định Genève chia đôi đất nước năm 1954, cả hai miền Nam Bắc đều hoá thân trong hoàn cảnh chính trị và văn hóa mới.
Ở miền Nam, văn hoá phương Tây tràn ngập thị trường. Sách báo, đĩa nhạc Pháp du nhập ồ ạt vào Việt Nam hằng ngày, giá thực tế rẻ hơn tại Paris nhờ trợ cấp hối đoái, và đây lại là thời kỳ phát minh và phát triển của loại sách bỏ túi và đĩa hát rãnh mịn (microsillon), phát hành rộng rãi, kèm theo những phương tiện truyền thanh mới. Thời trước, tuy Việt Nam là thuộc địa Pháp, nhưng văn chương Pháp chỉ du nhập qua nhà trường, giáo trình dừng lại ở cuối thế kỷ XIX : uyên bác như Xuân Diệu mà không biết Apollinaire. Sau 1954, văn hoá Pháp – và phương Tây – du nhập thẳng vào thị trường. Công chúng đọc Françoise Sagan tại Sài Gòn cùng lúc với Paris. Trên hè phố, nhất là tại các quán cà phê, người ta bàn luận về Malraux, Camus, cả về Faulkner, Gorki, Husserl, Heiddeger.[TL1]
– Nhà văn Bửu Ý, bạn Trịnh Công Sơn – học trước Sơn hai lớp tại Lycée Français Huế – hát Lá Rụng (Les Feuilles Mortes) một lần với Juliette Gréco ; Đời Hồng Tươi (La Vie en Rose) một lần với Edith Piaff, Barbara một lần với Yves Montand; trong khi Thanh Tâm Tuyền dịch Barbaracủa Jacques Prévert, đăng trên Sáng Tạo và nhà văn trẻ Nguyễn Xuân Hoàng cũng ngân nga Barbara. Nguyễn Trần Kiềm, bạn cùng lớp với Sơn, đi cyclo che nắng bằng sách của Sartre.[TL1]
– Ở Miền Nam, tạp chí văn học Sáng tạo qui tụ nhiều ngòi bút thơ văn, biên khảo, phê bình có uy tín như Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Nguyên Sa, Tô Thùy Yên, Nguyễn Nghiệp Nhượng…

1957
– Trịnh Công Sơn chơi nhiều môn thế thao (chạy, tạ, judo…). Nhưng chính năm này, tập luyện với em, anh bị thương khá nặng và phải dưỡng thương gần hai năm tại Huế. Không ngờ thời gian nằm bệnh này khiến anh có nhiều thì giờ rảnh rỗi, mơ mộng, xem chiếu bóng, nhìn ngắm thiên nhiên.
– Trịnh Công Sơn đàn ghi-ta và bắt đầu sáng tác. Những bài đầu tiên mang tên Sương đêmChơi vơi đều chưa ấn hành.
– Về hoàn cảnh sáng tác ban đầu, Trịnh Công Sơn trả lời Vĩnh Xương, báo Đất Việt, năm 1985: “Đến năm 1957, tôi sáng tác, gọi là để bạn bè nghe chơi…”[TL1]
– Hè năm này, Trịnh Công Sơn và Bửu Chỉ tình cờ gặp nhau lần đầu khi Bửu Chỉ đến thăm nhà một người bà con ở đường Gia Long (Huế).

– Thời vàng son của một số tên tuổi điện ảnh lừng danh, đa số là của Hollywood: Clark Gable, Robert Taylor, James Dean, Montgomery Clift, Marilyn Monroe, Janet Leigh, Ave Gardner, Kim Novak…với những cuốn phim đã trở thành cổ điển: Cuốn theo chiều gió, Phía Đông vườn địa đàng, Điệu vũ trong bóng mờ…Nổi bật hơn hết là tài tử James Dean (mà Đinh Cường nhớ có hình treo trong nhà Trịnh Công Sơn ở Huế sau này[TL5]) như một hình tượng thanh niên mới mẻ, độc đáo: một thanh niên lầm lì, không quan tâm đến một cái gì rõ rệt, luôn luôn xung động, khó sống với người xung quanh và xã hội. Đây cũng là một hiện thân của chủ nghĩa hiện sinh phương Tây, chưa phải là một lọai chủ nghĩa hiện sinh phá phách, đánh đổ, chỉ mới là một lọai hiện sinh thụ động, chán chường, đứng bên lề xã hội.
– “Xi nê” là món giải trí hấp dẫn nhất, và gần như độc nhất (nếu không kể cà phê) đối với thánh niên Huế lúc đó.
– Đại học Huế được thành lập. Huế trở thành thành phố Đại học.
– Cùng năm này, Bửu Chỉ vừa dạy học ở trường Quốc Học vừa học dự bị Đại học Văn khoa; Hoàng Phủ Ngọc Tường dạy ở trường Đồng Khánh (tức Hai Bà Trưng bây giờ).
– Học sinh, sinh viên ưa chuộng Albert Camus vừa đăng quang giải Nobel văn chương. Tác phẩm được tìm đọc và bàn tán: Kẻ xa lạ, Sa đọa, Huyền thọai Sisyphe.

1958
– Trịnh Công Sơn thi đậu tú tài bán phần ở Đà Nẵng. Tiếp theo, anh vào Sài Gòn học tiếp ở trường Chasseloup Laubat (cũng là trường Jean Jacques Rousseau[TL1, BT]).
– Năm này anh cho ấn hành ca khúc Ướt mi (nhà xuất bản An Phú) – Hà Thanh hát.
– Theo tư liệu của Đặng Tiến, Trịnh Công Sơn nói rằng Ướt mi được viết vào năm 1959 và được bạn bè khích lệ. Anh mới “tìm sách nghiên cứu thêm về nhạc, trao đổi thêm về nhạc lý với bạn bè”. Sau đó, anh “phổ nhạc cho khoảng một chục bài thơ tình yêu (như Nhìn những mùa thu đi chẳng hạn)”. [TL1]
– Vào học ở Sài Gòn, anh dần dần làm quen với không khí văn nghệ ở đây, vào phòng trà nghe hát và khiêu vũ. Anh làm quen với cô Thúy “Tàu lai”, có cảm tình với cô. Đồng thời anh chú ý đến một cô ca sĩ xanh xao nhưng giọng hát lại đầy đặn và “liêu trai”, nghe như từ một cõi xa xôi vọng về: đó là cô Thanh Thúy, xuất hiện về đêm ở phòng trà Văn Cảnh, để rồi khuya về đi vào “ngõ tối” ở đường Cao Thắng. Thanh Thúy, bằng chất giọng riêng của mình, đã đưa bài  hát Ướt mi vào lòng người.
– Trịnh Công Sơn bắt đầu quen biết với Nguyễn Văn Liễu từ Nha Trang ra Huế học trường Cao đẳng Mỹ thuật thuộc Viện Đại học Huế. Anh này làm thơ ký tên Thương Nguyệt và vẽ ký tên Trịnh Cung. Bài thơ Cuối cùng cho một tình yêu của anh được Trịnh Công Sơn phổ nhạc. Đây là một bài thơ siêu thực với tứ thơ mới mẻ, từ ngữ táo bạo lúc bấy giờ (“hai bàn tay đói”, “một linh hồn rỗi”…).

1959
– Bài ca Thương một người ra đời thấm đậm hình ảnh Thanh Thúy.
– Trịnh Công Sơn đi đi về về Sài Gòn và Huế. Theo Đinh Cường thì “thời gian này (1959[BT]), Sơn cũng từ giã Sài Gòn, từ giã mái trường Chasseloup Laubat mà Sơn đang học năm cuối, classe philo. Để về Huế sống với gia đình…Sơn thường rủ tôi ở lại nhà (ở Huế[BT]), lúc đó là tiệm Thanh Tâm, bán xe đạp ở Ngã Giữa (đường Gia Long, rồi Phan Bội Châu, nay là Phan Đăng Lưu)”.[TL5]
– Ở Huế, thời gian này Trịnh Công Sơn lại rung động theo hình ảnh một thiếu nữ mảnh mai, N.T.B.D. Hình ảnh này sẽ vương lại trong trí óc anh có lẽ lâu dài hơn cả, như một vết thương không bao giờ lành hẳn.
– Năm này, Đinh Cường từ Sài Gòn ra Huế học Cao đẳng Mỹ thuật và sẽ là bạn thân của Trịnh Công Sơn.
– Đinh Cường: “Tôi và Sơn cùng tuổi Kỷ Mão…Trở thành bạn với nhau năm 20 tuổi. Lúc tôi ra Huế học, năm 1959”.[TL5]

1960
– Ca khúc Hoa buồn thành hình nhưng không được Trịnh Công Sơn công bố.
– Một ca khúc nổi tiếng của Trịnh Công Sơn ra đời: Diễm xưa, một ca khúc đánh dấu đặc biệt trong đời anh và sẽ có hậu vận bền lâu.
– Theo tư liệu của Đặng Tiến, Trịnh Công Sơn cho biết: những năm 60 anh có nghe nhạc Blues nói về thân phận của người Mỹ da đen, thích nhạc của Louis Amstrong, D.Ellington…, thấy lọai nhạc này gần gũi với mình và thấy có khả năng muốn lấy nhạc này để nói lên tâm sự của mình. Và anh cũng cho biết thêm về những ảnh hưởng trong sáng tác các giai đọan sau: “Những năm 64-66, sáng tác có chất Blues, những năm 67-72 lại mang nhiều chất dân ca”. Dân ca phải hiểu theo nghĩa folksong của Bob Dylan và Joan Baez, theo Đặng Tiến.[TL1] (Chúng tôi mạo muội đề nghị hiểu “dân ca” ở đây theo nghĩa dân dã, gần gũi với đời sống bình dân.[BT])

– Tin nhà văn Pháp nổi tiếng mấy năm gần đây là Albert Camus qua đời vì tai nạn gây không ít xúc động trong giới văn nghệ tại miền Nam.

1961
– Năm của ca khúc Tuổi đá buồn.
– Trịnh Công Sơn có cảm tình với một thiếu nữ là một trong những hoa khôi của thành phố Huế: P.T, năm này học lớp cuối trung học tại trường Quốc học (từ trường Đồng Khánh sang).

1962
– Trịnh Công Sơn thân với một giáo sư đại học ở Pháp về: Đỗ Long Vân, đồng thời thân với vài giáo sư nước ngoài: Eric Wulff (Đức), Christian Cauro (Pháp).
– Trịnh Công Sơn rời Huế đi Quy Nhơn theo học trường Sư phạm. Anh học khóa I, khai giảng ngày 22/4/1962.[TL3]
– Ban Văn nghệ của trường Sư phạm Qui Nhơn mà Trịnh Công Sơn là trưởng ban có buổi biểu diễn vào ngày 7/7/1962, và trường ca Dã tràng ca được sáng tác để làm tiết mục mở màn.[TL3]

– Ngô Kha cho ấn hành tập thơ Hoa cô độc, do họa sĩ Rừng (Nguyễn Tuấn Khanh) vẽ bìa.

1963
– Nhóm bạn thân thiết mỗi người một nơi: Trịnh Công Sơn ở Quy Nhơn; Ngô Kha nhập ngũ, ở Thủ Đức; Hoàng Phủ Ngọc Tường ở Huế; Đinh Cường đi Dran (Đơn Dương – Lâm Đồng [BT]), Bửu Chỉ ở Sài Gòn làm báo và dạy học. Đinh Cường thư từ thường xuyên nhất với Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn có dịp thăm Bửu Chỉ ở Sài Gòn, gặp lại nhau và thân nhau kể từ đây.
– Trịnh Công Sơn “có một số sáng tác khá thành công như Diễm xưa, Biển nhớ, Hạ trắng”, và từ đó “đi vào con đường sáng tác”.[TL1]
– Thái Kim Lan: “Có thể nói hành trình ca khúc Trịnh Công Sơn thực sự bắt đầu từ Nhìn những mùa Thu đi chứ không phải Ướt mi, dù Ướt mi đã làm cho người ta biết đến Sơn”.[TL8]

– Từ tháng 5/1963 trở đi, vấn đề đàn áp Phật giáo trở nên trầm trọng.[TL9]
– 1/11/1963. Đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm ở miền Nam. [TL9]

1964
– Trịnh Công Sơn cùng với Nguyễn Thanh Ty, Nguyễn thị Ngọc Trinh, Nguyễn Văn Sang, Trương Khắc Nhượng và Đỗ thị Nghiễn nhận bổ nhiệm về Ty Tiểu học Lâm Đồng. Sự vụ lệnh do Hiệu trưởng Trường Sư phạm Qui Nhơn kí ngày 4/8/1964. Lúc bấy giờ, thị xã Đà Lạt biệt lập với tỉnh Lâm Đồng. Tình Lâm Đồng chỉ có hai quận: Blao (Bảo Lộc) và Djiring (Di Linh). Trịnh Công Sơn được “bổ về một trường Sơ cấp Thượng, ở sát nách Ty chưng non cây số, với chức Trưởng giáo”[TL3] (tại Bảo Lộc[BT]).
– Bửu Chỉ lên Bảo Lộc thăm Trịnh Công Sơn.
– Thời gian này, Trịnh Công Sơn sáng tác các ca khúc Gọi tên bốn mùa, Hoa tím (chưa công bố, theo lời của Cao Hữu Điền). Một số ca khúc khác cũng ra đời trong giai đọan này: Chiều một mình qua phố (bán bản quyền cho ca sĩ Duy Khánh), Vết lăn trầm, Lời buồn thánh.
– Thời gian ở Bảo Lộc góp phần thai nghén một số bài trong tập Ca khúc da vàng: Gia tài của mẹ, Đàn bò vào thành phố, Người già em bé, Người con gái Việt nam da vàng.
– Theo tư liệu của Đặng Tiến, trích dẫn Hoàng Nguyên Nhuận, “đến năm 1964, sau khi nhập Tuyệt tình cốc, thì Trịnh Công Sơn hầu như đã thành một người mới”.[TL2, TL7]

– Ðêm 4/8/1964, xẩy ra biến cố Vịnh Bắc bộ. Mượn cớ pháo hạm miền Bắc tấn công hai tầu Maddox và Turner, chính quyền Johnson hạ lệnh oanh tạc miền Bắc. [TL9]
– Ở Huế, sinh viên thanh niên tranh đấu có nơi gặp mặt riêng mệnh danh là Tuyệt tình cốc. (Hoàng Phủ Ngọc Tường sẽ viết về những kỉ niệm ở Tuyệt tình cốc sau này, trong tập bút kí Ngọn núi ảo ảnh, Nhà xuất bản Thanh Niên, 1999[BT])

1965
– Trịnh Công Sơn dấn thân rõ nét và bắt đầu “xuống đường”.
– Ý thức phản chiến trong ca khúc của Trịnh Công Sơn đã manh nha vào nhưng năm 1965, 1966. [TL4]
– Trịnh Công Sơn đi Đà Lạt và lần đầu tiên gặp Khánh Ly đang hát ở hộp đêm Tulipe Rouge.
– Trịnh Công Sơn về hát ở trụ sở hội sinh viên, gần hồ Con Rùa, và cùng hát với Khánh Ly ở sân cỏ bỏ hoang trường Đại học Văn khoa. Kể từ đây, Trịnh Công Sơn bỏ hẳn dạy học, Khánh Ly cũng từ Đà Lạt về Sài Gòn hát, và đặc biệt thích hát trước tập thể thanh niên.

– Chiến sự ở miền Nam trở nên ác liệt. Quân Mỹ đặt chân lên miền Nam.
– Cao trào tranh đấu miền Trung trước khi bị dập tắt năm 1966.[TL2]
– Đinh Cường triển lãm tranh ở Đà Lạt. Một số người có mặt ở phònh tranh này, trong đó có: Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ, Nguyễn Xuân Thiệp, Tôn Nữ Kim Phượng, Hòang Phủ Ngọc Tường, Đỗ Long Vân, Eric Wulff, Christian Cauro.

1966
– Trong thư gửi cho Bửu Ý ở Sài Gòn, Trịnh Công Sơn báo có giấy gọi quân dịch và đang đợi xem xét hoãn dịch.
– Bửu Chỉ dịch một số bài hát của Trịnh Công Sơn và Christian Cauro gửi cho báo Le Monde.
– Trịnh Công Sơn viết nhạc kịch Du mục và niềm tuyệt vọng cho một bạn viết kịch ở Sài Gòn.
– Nhà xuất bản An Tiêm góp một số ca khúc của Trịnh Công Sơn in thành tuyển tập Ca khúc Trịnh Công Sơn, huyền thoại tình yêu và thân phận, Đinh Cường vẽ bìa (và Tô Thùy Yên viết bài giới thiệu[TL5]). (Theo Đặng Tiến, tuyển tập có tên Ca khúc Trịnh Công Sơn, thần thọai quê hương, tình yêu và thân phận, gồm có 12 bài, ngoài Tuổi đá buồn sáng tác năm 1961, những bài khác sáng tác vào năm 1965-1966 đều mang nội dung: thân phận trong chiến tranh[TL2]).
– Về tập Ca khúc Trịnh Công Sơn…, với bài giới thiệu của Tô Thùy Yên và bìa của Đinh Cường, năm xuất bản lần đầu có lẽ là năm 1967, vì bài viết của Tô Thùy Yên đề 1/1967, dù giấp phép xuất bản ký 15/11/66.[TL6]
– Một số ca khúc được hát nhiều: Tình nhớ, Lại gần với nhau

– Phong trào Phật giáo bị đàn áp mạnh.

1967
– Ấn hành “lậu” tập Ca khúc da vàng với những bài được truyền miệng nhiều trước đó: Người con gái Việt Nam da vàng, Đại bác ru đêm, Tình ca của người mất trí, Đi tìm quê hương.
– Cái chết đau thương của Nhất Chi Mai thuộc tổ chức “Thanh niên phụng sự xã hội” khiến cho Trịnh Công Sơn xúc cảm viết ca khúc Hãy sống giùm tôi.
– Lệnh tổng động viên. Trịnh Công Sơn phải sống chui rúc. Hội Họa sĩ Trẻ Sài Gòn thành nơi lui tới đồng thời là nơi ẩn náu của thanh niên trốn lính.
– Trịnh Công Sơn gặp Bửu Ý nhiều lần tại đường Công Lý Sài Gòn, nơi ở chung của Bửu Ý và Giám đốc Nhà xuất bản An Tiêm, cũng là nơi lui tới thường xuyên của Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nguyễn Đức Sơn.
– Trịnh Công Sơn trở ra Huế hát cùng với sinh viên ở đây.

– Cuối năm, sự cố nổ súng vào sinh viên đang hội họp tại Đại học Văn khoa Sài Gòn đánh đấu bước khó khăn gia tăng trong họat động tranh đấu của sinh viên.

1968
– Ấn hành Kinh Việt nam gồm 12 bài, cũng thuộc dạng “in lậu”, có những bài như: Dân ta phải sống, Dựng lại người dựng lại nhà, Hãy đi cùng nhau, Chờ nhìn quê hương chói sáng, Ta đã thấy gì đêm nay, Sao mắt Mẹ chưa vui, Đồng dao Hòa bình, Nối vòng tay lớn…
– Tập Kinh Việt nam mở đầu bằng lời tựa, tác giả bày tỏ khát vọng hòa bình, viết năm 1968, có lẽ sau Mậu Thân và tin tức về hội nghị Paris; tập nhạc bắt đầu bằng Dân ta phải sống và khép lại với Nối vòng tay lớn.[TL2]
– Theo Đặng Tiến, sau Mậu Thân 68, Trịnh Công Sơn thêm hai bài Hát trên những xác ngườiBài ca dành cho nhưng xác người vào tập Ca khúc da vàng và gọi là Ca khúc da vàng 2. Những bản in lại về sau không thấy hai bài này. Có thể xem Ca khúc da vàng nói chung gồm 12 hay 14 bài, tùy cách hiểu.[TL2]
– Trịnh Công Sơn và Khánh Ly trình diễn tại Huế.

– Ngày 31/1/1968. Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mâu Thân. [TL9]

1969
– Tuyển tập Ta phải thấy mặt trời được tác giả in, lấy tên Nhà xuất bản Nhân bản.
– Trịnh Công Sơn và hai em trai thuê một căn gác ở đường Bùi Thị Xuân.
– Trịnh Công Sơn phải sống chui nhủi, mặt khác bận rộn với việc trả lời phỏng vấn và ký hợp đồng thu đĩa với nhiều hãng Mỹ và Nhật Bản. Bài Diễm xưa được vào chung kết cuộc thi các bài hát nước ngoài ở Nhật và bài Ngủ đi con chiếm ngôi vị “Đĩa vàng”, phát hành trên hai triệu đĩa. Trả lời một cuộc phỏng vấn của Trần Hữu Lục, anh cho biết chỉ hưởng tác quyền trong hai trăm ngàn đĩa mà thôi, đến sau 1975 hãng tiếp tục trả tác quyền và năm 1979 là đợt trả cuối cùng.
– Trịnh Công Sơn và Bửu Ý ở lại Huế. Mấy người bạn đưa gia đình vào Sài Gòn: Đinh Cường, Christian Cauro.
– Trịnh Công Sơn nhận dạy nhạc ở trường trung học Trần Hưng Đạo.

– Tình hình chính trị Sài Gòn phức tạp. Việc bắt bớ xảy ra thường xuyên.
– Trường Trần Hưng Đạo ở Huế là trường trung học tư thục, hiệu trưởng là Nguyễn Ngọc Minh. Trường tập hợp một số giáo sư yêu nước, thiên tả: Ngô Kha, Lê Khắc Cầm, Lê Quang Cư, Đặng Ngọc Vịnh, Bửu Ý.
– Trịnh Cung vẽ bức tranh Le troubadour = Kẻ du ca, hát để kêu gọi hòa bình.[TL1]

1970
– Theo Đặng Tiến, Ta phải thấy mặt trời ấn hành năm 1970, gồm 11 bài, như Việt nam ơi hãy vùng lên, Huế Sài Gòn Hà nội…
– Trịnh Công Sơn mở đầu chương trình Hát cho hòa bình cho sinh viên học sinh Huế.
– Trịnh Công Sơn vào lại Sài Gòn. Đi Đà Lạt và phổ nhạc bài thơ Ngày nay Hoàng thị của Nguyễn Xuân Thiệp, bài này chưa công bố.

1971
– Trịnh Công Sơn, Khánh Ly và Phạm Duy trình diễn ở Trường Quốc gia Âm nhạc Huế.
– Tổ chức thêm đêm hát tại Trường Cao đẳng mỹ thuật Huế chung quanh bức tượng Phan Bội Châu hoành tráng do nghệ sĩ điêu khắc Lê Thành Nhơn sắp sửa hòan tất.
– Trịnh Công Sơn tham gia công tác xã hội và đóng góp cứu giúp đồng bào Quảng Trị.

1972
– Anh mổ polype ở thanh quản.
– Nhà xuất bản Nhân bản của Trịnh Công Sơn in tập Phụ khúc da vàng gồm 9 bài, trong đó có: Một ngày vinh quang, một ngày tuyệt vọng, Xác ta xác thù, Chưa mất niềm tin, Đợi có một ngày…(và Người mẹ Ô Lý[TL2])
– Theo tổng kết của Bửu Chỉ, dòng nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn bao gồm 5 tập (với 58 ca khúc): Ca khúc Trịnh Công Sơn (An Tiêm 1966), Ca khúc da vàng (cuối 1966, đầu 1967, tự ấn hành), Kinh Việt nam (1968, tự ấn hành), Ta phải thấy mặt trời (1970, tự ấn hành, “Nhân Bản”) và Phụ khúc da vàng (1972, tự ấn hành, “Nhân Bản”).[TL4]
– Theo tư liệu của Đặng Tiến, dẫn thông tin tiểu luận Cao học của Michiko Yoshii, Đại học Paris 7, 1991, số bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn là 69 bài trên tổng số 136 bài sáng tác từ 1959 đến 1972.[TL2]
– Giai đọan 1965-1972, “nhạc phản chiến” trở thành nguồn cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của Trịnh Công Sơn.
– Cùng với Ngô Kha, Bửu Ý…viết bài hỗ trợ phong trào đòi hòa bình gửi cho tạp chí Đối diện ở Sài Gòn. Các bài này đều bị kiểm duyệt bỏ. Bài của Trịnh Công Sơn là nhạc phẩm Ngọn lửa, chưa công bố (Bửu Ý: tên nhạc phẩm không nhớ chính xác).
– Trịnh Công Sơn cùng vài người bạn đi Đà Lạt, gồm có La Quang Thanh, Phạm Nhuận và Bửu Ý. Anh ghé thăm trường Bùi Thị Xuân, được học sinh đón tiếp hết sức nồng nhiệt. Tại Đà Lạt, anh gặp một số bạn nữ: Thanh Sâm, Tôn Nữ Kim Phượng, Vân Linh. Nhưng có một phụ nữ đặc biệt, P.T.L, là nguồn cảm hứng để viết Như cánh vạc bay.

– Chiến trường Nam Lào hừng hực lửa, vào thời gian được mệnh danh là “mùa hè đỏ lửa”.

– Huế: đại đức Thích Chơn Thể tự thiêu ở công viên trước mặt trường Đồng Khánh. Đây là một sự hy sinh cầu nguyện hòa bình.

1973
– Ca khúc Phôi pha ra đời, theo Cao Hữu Điền, và người hát đầu tiên là Thu Cúc.
– Gửi cho Bửu Ý ba bài văn xuôi viết tay trên giấy 20×32: Những định mệnh kì lạ (7 trang), Mở lời theo điệu (3 trang), Có nghe ra điều gì (7 trang)
– Niên khóa 1973-1974, Đại học Khoa học Huế mở một số tín chỉ gọi là “Tín chỉ nhiệm ý Thẩm mĩ học về Âm nhạc và Kịch nghệ”. Trịnh Công Sơn dạy về Âm nhạc, Bửu Ý dạy về Kịch nghệ. Cũng trong niên khóa này, Trịnh Công Sơn và Bửu Ý đi dạy ở Đại học Cộng đồng Duyên hải Nha Trang, cũng với nội dung chương trình như ở Huế, có Đinh Cường dạy cùng.
– Gia đình Trịnh Công Sơn rời ngôi nhà ở tạm trên đường Công Lý (nay là Nam Kì Khởi Nghĩa) về 47C Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch) và anh sẽ ở đây cho đến khi qua đời.

– Bửu Ý chuẩn bị thành lập đặc san Thiên hạ, mời một số cây bút cộng tác. Tờ đặc san trải qua nhiều phen vận động và các thủ tục xin phép cuối cùng không ra mắt được.
– Sau 3 năm điều đình tại Paris, từ 1969 đến 1972, Hiệp định đình chiến được ký kết tại Paris ngày 27/1/1973.[TL9]

1974
– Trịnh Công Sơn viết hai văn bản:
+ Thư gửi cho người đang ở trong tù hay đã bị thủ tiêu? (Thư gủi Ngô Kha, dài 7 trang viết tay, bản nháp với nhiều bôi xóa, trên giấy 20×32)
+ Tuyên cáo về việc bắt giữ giáo sư Ngô Kha năm 1972. Tuyên cáo mở đầu như sau: “Nhân danh tình thân hữu và đồng nghiệp của giáo sư thi sĩ Ngô Kha, chúng tôi, một nhóm anh em văn nghệ sĩ cùng nhà giáo của thành phố Huế, trân trọng gửi đến đồng bào toàn quốc tuyên cáo sau đây…”. Tuyên cáo gồm bốn điểm nhằm phản đối việc giam giữ nhà thơ Ngô Kha.
– Sáng tác Ra đồng giữa ngọ tại Huế, tháng 12-1974.[TL2]

1975
– Trịnh Công Sơn ở Sài Gòn.
– Trong thư gửi Bửu Ý ngày 18.5.1975, từ Sài Gòn, anh viết: “Mình cũng đang dự định về Huế sinh họat cùng anh em. Đợi ít lâu xem nếu hoàn toàn không có gì để sinh họat tại Sài Gòn thì mình sẽ dứt khóat về Huế”.
– Trịnh Công Sơn về Huế, ở tại ngôi nhà cũ đường Nguyễn Trường Tộ. Tại đây, cùng với Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu Ý, gặp Nguyễn Tuân và Nguyễn Đình Thi.
– Đinh Cường: “Sơn vào sinh hoạt tại Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, thường đi lao động chung cùng Bửu Chỉ, khi tại Huế, khi tại Quảng Trị (không hề đi cải tạo hay kinh tế mới…)”[TL5]

– Ngày 9/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh, do Tướng Văn Tiến Dũng làm tư lệnh, bắt đầu. [TL9]
– Giải phóng từng thành phố, rồi cả miền Nam.
– Ngày 30/4/1975 là ngày Việt nam thống nhất.[BT]

1976-1978
– Những sáng tác mới của Trịnh Công Sơn ra đời: Con đường mùa xuân, Trả lại trời (đời?) quê hương, Mười năm cây lớn quanh đây, Như một hòn bi xanh, Gánh rau về chợ.

– Nhóm “Ca khúc chính trị” ra mắt thể nghiệm lần đầu vào cuối năm 1978. Hội Trí thức yêu nước có hội trường ở 43 Nguyễn Thông, Sài Gòn.

1979
– Trịnh Công Sơn từ giã Huế. Căn hộ của Trịnh Công Sơn nay là chỗ ở của Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ.
– Vào thành phố Hồ Chí Minh, Trịnh Công Sơn chơi thân với giới văn nghệ sĩ ở đây: Nguyễn Quang Sáng, Sâm Thương…

1980
– Thư gửi Bửu Ý từ Thành phố Hồ Chí Minh ngày 10.3.1980, viết: “…với gia đình mình là một cái Tết vui vì không còn nặng lòng về một vấn đề gì nữa”.
– Sáng tác mới: Chiều trên quê hương tôi, Em còn nhớ hay em đã quên.
– Thư gửi Bửu Ý từ Thành phố Hồ Chí Minh ngày 27.11.1980, viết: “Nếu chỉ để có một chỗ đứng tốt và thuận lợi thì Đại học Huế đã đủ, nhưng để sống, và có cảm giác tối thiểu về sự tham dự của mình trong cuộc sống, thì phải là Sài Gòn”.

1982
– Trịnh Công Sơn phổ nhạc bài thơ Mẹ đi vắng của Nguyễn Quang Dũng, con của Nguyễn Quang Sáng.
– Trịnh Công Sơn đi thực tế ở Đaklak. Thư gửi Bửu Ý ngày 23.9, viết: “Mình vừa đi một vòng miền Tây và gần biên giới Campuchia. Về viết nhạc cho một bộ phim tài liệu…Năm nay viết cho 7 phim cả Hà nội lẫn Sài Gòn”.
– Viết bài Về giữa đồng hoang.

1983
– Trịnh Công Sơn và Đinh Cường ra Huế. Cùng đi có Phạm Trọng Cầu, Hoàng Hiệp và Trần Long Ẩn.
– Đây là năm mà bạn bè nghĩ rằng Trịnh Công Sơn sẽ lấy vợ và người phụ nữ ấy có tên là C.N.N.
– Thư gửi Bửu Ý từ Thành phố Hồ Chí Minh ngày 27.11.1980, viết: “Moi sẽ làm đám cưới trong tháng tới. Cố gắng vào thì vui hơn”. Dự định cưới vợ lần thứ nhất không thành.

1984
– Bửu Ý vào Sài Gòn thăm Trịnh Công Sơn.
– Gặp Nguyễn Tuân ở Sài Gòn.
– Thời gian này Trịnh Công Sơn làm nhạc phim khá nhiều.

1985
– Trịnh Công Sơn đi thăm Liên Xô (cũ). Thư từ Leningrad ngày 29.5.1985, gửi Bửu Ý: “Mình ở Mátxcơva một tuần, sang đây 4 ngày. Tối nay về lại Mátxcơva để chuẩn bị về Việt nam…

1986-88
– Trịnh Công Sơn lên Đà Lạt theo lời mời của Tỉnh hội Phụ nữ Lâm Đồng và viết Tình khúc Ơ-bai.
– Trịnh Công Sơn quen với cô bạn người Nhật tên Yoshii Michiko. Cô này bỏ ra bốn năm học tiếng Việt để hiểu ca từ Trịnh Công Sơn. Luận án của cô về Trịnh Công Sơn sau này đạt điểm 17/20 là điểm cao nhất trước nay ở Đại học Paris 7.
– Năm 1987, một người bạn vong niên, Nguyễn Tuân, qua đời.
– Trịnh Công Sơn triển lãm tranh chung với Đinh Cường, Tôn Thất Văn tại nhà mình, 47C Phạm Ngọc Thạch, Thành phố Hồ Chí Minh.

– Công cuộc “đổi mới” bắt đầu, sinh họat kinh tế, chính trị, văn hóa chuyển biến.[BT]
– Chương trình Nhạc tiền chiến lần đầu tiên được tổ chức sau ngày giải phòng ở Huế, tại trường Hai Bà Trưng, đêm Noel 1987, với thính giả hạn chế.
– Năm 1988, Đại hội Văn nghệ thành phố Huế lần thứ nhất có sự tham dự của Trịnh Công Sơn, Hoàng Hiệp.

1989
– Đầu năm khai mạc phòng tranh Đinh Cường, Đỗ Quang Em, Trịnh Công Sơn tại Thành phố Hồ Chí Minh.
– Trịnh Công Sơn đặt chân lên Paris và trình diễn ở Nhà Việt nam. Có Nguyễn Quang Sáng, Thanh Hải, Michiko, Bửu Ý.

1990
– Trịnh Công Sơn ghé Huế một ngày để quay phim với đoàn làm phim BBC.
– Anh làm quen với á hậu báo Tiền Phong tên là V.A.
– Một tuyển tập ca khúc của Trịnh Công Sơn được in với lời tựa của Bửu Ý.

1991
– Phạm Duy nói chuyện về Nửa thế kỷ âm nhạc trên đài phát thanh nước ngoài. Khi nói về nhạc tình, ông cho rằng Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ nổi bật nhất trong những năm 60.
– Mẹ của Trịnh Công Sơn mất, một vết thương tâm linh sẽ không bao giờ lành hẳn trong anh.

– Theo thư Trịnh Công Sơn gửi Bửu Ý ngày 21.1, một số văn nghệ sĩ như Nguyễn Quang Sáng, Trịnh Công Sơn, Sơn Nam, Nguyễn Duy, Sâm Thương, Lữ Quỳnh, Trịnh Cung…định làm một tờ tạp chí văn học lấy tên là Ngưỡng cửa. Ý định sau đó không thành.

1992
– Ca khúc tưởng niệm mẹ: Đường xa vạn dặm.
– Trịnh Công Sơn đi Canada.

– Bửu Ý tiếp tục dịch các bài Ru ta ngậm ngùiĐêm thấy ta là thác đổ ra Pháp văn, theo lối có thể hát trực tiếp bằng tiếng Pháp.

1993

– Trịnh Công Sơn kết thân với Hồng Nhung.
– Hồng Nhung hát bài Vẫn mãi tìm nhau được đưa vào cuốn phim của Trần Phương.
– Dao Ánh, em gái của Diễm Xưa, từ Hoa kì về Sài Gòn, nguồn cảm hứng mới cho bài Xin trả nợ người, sẽ do Cẩm Vân hát.
– Cuối năm, Trịnh Công Sơn ra Huế.

– Ca khúc Ngủ đi con được một tổ chức ở Nhật tuyển chọn hát tưởng niệm hai thành phố Nagasaki và Hiroshima bị bom nguyên tử trong Thế chiến thứ hai.
– Bài Huyền thọai Mẹ được các tổ chức phụ nữ trân trọng.

1994

– Em gái Trịnh Công Sơn là Trịnh Vĩnh Trinh hát và phát hành băng vidéo Ru tình.
– Ký giả Jean-Claude Pomonti của báo Le Monde viết bài về Trịnh Công Sơn và đưa ảnh Hồng Nhung lên báo.
– Patrick Sabatier, trên báo Libération, viết bài Kẻ du ca bất khuất của Việt nam.

1995
– Trên báo Le Monde ra ngày 2.3.1995, Jean-Claude Pomonti lại viết bài: Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ ngợi ca niềm yêu đời ở Việt nam.
– Năm này, Trịnh Công Sơn ra Huế hai lần. Cố đô tổ chức hai đêm “Trịnh Công Sơn – Những bài ca không năm tháng”. Trịnh Công Sơn được đón tiếp niềm nở: biểu ngữ tại phi trường, biểu ngữ tại khác sạn.
– Người bạn vong niên thứ hai qua đời: nhạc sĩ Văn Cao.

1996
– Trịnh Công Sơn lại ra Huế, tham gia làm giám khảo cuộc thi “Duyên dáng cố đô”.

1997
– Sức khỏe Trịnh Công Sơn rất yếu, được đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy, hàng ngày có bốn, năm bác sĩ theo dõi, và người nhà đã đánh điện gọi các em ở Canada về.

1998
– Trịnh Công Sơn thoát hiểm, đi Singapore.
– Tháng Ba, Trịnh Công Sơn ra Huế dự khai trương khách sạn Morin, thực hiện băng vidéo “Ca huế trên sông Hương”, bày tỏ ước muốn xây dựng “Nhà nguyện tình yêu”.
– Nhạc sĩ bạn thân khác, Phạm Trọng Cầu, từ giã cõi đời.
– Trịnh Công Sơn cho ra mắt các ca khúc: Có duyên không nợ, Tiến thoái lưỡng nan.
– Bùi Giáng, nhà thơ anh em tình nghĩa, qua đời. Trịnh Công Sơn ghi vào sổ tang những lời cười cợt nhân sinh:

Bùi Giáng Bàng Dúi Búi Giàng
Ô hay trăm ngõ bàng hoàng lỗ không
Lỗ không trời đất ngỡ ngàng
Hóa ra thi thể là ngàn hư vô
…Nhớ thương vô cùng là từ
Là từ vô hạn ứ ừ viển vông.

– Bài Đêm thấy ta là thác đổ do Bửu Ý dịch ra lời Pháp đăng ở tờ tin tức Bulletin de liaison số ra tháng 7.1998

1999
– Thái Bá Vân, người bạn kết thân kể từ 1978-1981, qua đời.
– Khánh Ly từ Hoa Kì về Việt nam thăm Trịnh Công Sơn.
– Ca khúc mới: Đi mãi trên đường, Thiên sứ bâng khuâng (phổ nhạc một bài thơ của Trịnh Cung)

2000
– Ca khúc Đồng dao 2000.
– Dự “Festival Huế 2000” cùng các bạn Sâm Thương, Phạm Phú Ngọc Trai.
– Trở lại Sài Gòn, Trịnh Công Sơn được đưa vào bệnh viện. Xuất viện, anh tham gia triển lãm tranh cùng với hai bạn Đinh Cường và Bửu Chỉ.
– Ca khúc mới: Muôn trùng biển ơi.
– Cuối năm, một người bạn thân ở Huế qua đời: thi sĩ Định Giang.

2001
– Sự mất mát cuối năm ngoái làm Trịnh Công Sơn mất tinh thần. Có vẻ tình hình sức khỏe có khá lên lúc đầu năm, theo cảm nhận của Bửu Ý; tuy nhiên, cũng chỉ được một thời gian rất ngắn.
– Tết Tân Tỵ, anh bị thần kinh tọa khá nặng và nhập viện từ trước Tết.
– 28.2.2001. Sinh nhật cuối cùng của Trịnh Công Sơn. Anh ngồi xe lăn, chân trái khỏe, chân phải yếu và bị mẻ xương.
– 1.4.2001. Lúc 12:45, Trịnh Công Sơn mất.

Vĩ thanh
Trong số hàng triệu người yêu mến nhạc sĩ và âm nhạc của ông, hàng ngàn người đã đến viếng, đến để tiễn đưa người Nhạc sĩ Việt nam thiên tàiKẻ du ca qua nhiều thế hệNgười con của xứ Việt da vàngTrịnh Công Sơn.

Có lẽ sẽ không có ai thống kê hết những bài viết, những đoản văn, những bài thơ, và cả những lời cảm thán bình dị đã được viết ra, được nói lên, và cả được khóc lên khi hay tin ông từ giã cõi này. Với gia tài nghệ thuật mà ông để lại, Trịnh Công Sơn sẽ còn sống trong niềm thương mến, trong tâm tưởng của nhiều người Việt nam trong nhiều thế hệ.

Chúng ta sẽ mãi thấy Trịnh Công Sơn như là…

–          Một người thơ ca – Văn Cao
–          Người viết tình ca hay nhất thế kỷ – Thanh Tùng
–          Nhạc sĩ tài năng hơn cả và phong phú hơn cả của Việt Nam mọi thời kỳ – Trường Thọ
–          Một tài hoa hết sức đa dạng – Bùi Bảo Trúc
–          Nguyễn Du của thế kỷ 20 – Hoàng Nguyên Nhuận
–          Một nhân cách lớn – Trọng bằng
–          Một nhạc sĩ dấn thân – Lý Quý Chung
–          Một vị thiện hạnh – Bạch Tuyết
–          Một ngôi sao sáng chói – Phú Quang
–          Một nhà thơ hàng đầu trong ca khúc Việt Nam – Lê Chí Trung
–          Một khách lữ hành – Hoàng Cầm
–          Một “đóa hoa vô thường”…đỉnh cao của âm nhạc giàu chất thơ và triết lý – Phạm Tuyên
–          Một tài năng khổng lồ ngoại hạng…ông hoàng của màu sắc và cây cọ vàng – Đòan Minh Tuấn
–          Một thiên tài – Nguyễn Mộng Giao
–          Phù thủy ngôn ngữ của âm nhạc Việt Nam – Nguyễn Xuân An
–          Một tâm hồn tràn ngập ánh sáng của nhân ái, quê hương và dũng cảm – Nguyễn Thái Sơn
–          Một thần tượng nhạc sĩ trong suốt mấy thập kỷ qua và mai sau vẫn vậy – Trang Nhung
–          Một vì sao đã tắt – Nguyễn Ngọc Minh
–          Thiên tài tiên tri – Trần Hữu Lục
–          Nhạc sĩ số một của thế kỷ – Nguyễn Văn Hạnh
–          Nhạc sĩ độc nhất vô nhị của Việt Nam hôm nay, có thể cả mai sau nữa – Nguyễn Thế Thanh
Và…
–          Một người như mọi người – TrinhCongSonOnline
Nhưng cũng là…
–          Một nhân dáng khác lạ – TrinhCongSonOnline

Tài liệu tham khảo và trích dẫn:

[TL1] Đời và Nhạc Trịnh Công Sơn – Đặng Tiến – Trang www.SuuTap.com/TrinhCongSon
[TL2] Trịnh Công Sơn, tiếng hát Hòa bình – Đặng Tiến – Trang www.SuuTap.com/TrinhCongSon
[TL3] Về một quãng đời của Trịnh Công Sơn – Nguyễn Thanh Ty – Trang www.vietpen.net
[TL4] Về những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn – Bửu Chỉ – Trang www.SuuTap.com/TrinhCongSon
[TL5] Tình bạn, hồi sinh cơn hôn mê – Đinh Cường – Trang www.SuuTap.com/TrinhCongSon
[TL6] Tư liệu ở phần “Nhạc” trên trang Web của Hội Trịnh Công Sơn, tại http://tcs-forum.chez.tiscali.fr
[TL7] Giã từ Nguyễn Du thế kỉ 20 – Hoàng Nguyên Nhuận – Trang www.giaodiem.com, 2001
[TL8] Trịnh Công Sơn, nơi vùng suy tư thành tiếng du ca – Thái Kim Lan – Trang www.giaodiem.com, 2002
[TL9] Hành trình thế kỉ: ba mươi năm chiến tranh 1945-1975 – Thụy Khuê

Ghi chú:

Tất cả các tư liệu trên đây, theo chúng tôi hiểu, đều được in trên các báo, trong nước hay hải ngoại; tuy nhiên, chúng tôi chưa thể truy nguyên. Do đó, xin tạm thời ghi chú các trang Web nơi bạn đọc có thể tìm và tham khảo. BT.

Thegioibantin.com, Vũ Thái Hà

Nguồn: bongchu.wordpress.com/2011/02/08/ti%E1%BB%83u-s%E1%BB%AD-tr%E1%BB%8Bnh-cong-s%C6%A1n/

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ