9 bài học đắt giá từ một doanh nhân đứng sau song sắt
Blayne Davis, người đồng sáng lập Capital Blu Management (hiện giờ công ty này đã không còn tồn tại), từng bị quy tội có mưu đồ gian lận thư tín và điện báo vì đã xử lý sai vốn của nhà đầu tư. Khi ở trong tù, Davis đã viết cuốn Wild Game, cuốn đầu tiên trong loạt 3 cuốn sách hấp dẫn dựa phần lớn trên những trải nghiệm của chính ông.
Davis đã chia sẻ một số suy nghĩ về những việc nếu có thể quay trở lại thì ông sẽ làm khác đi và một số bài học mà mọi doanh nhân đều nên lưu ý:
1. Biết mọi việc xảy ra trong công ty bạn
Một trong những sai lầm lớn nhất của Davis là không hiểu rằng ông phải có trách nhiệm cả với những hoạt động chức năng ngoài công việc chính thức của ông. Ông chia sẻ: “Nhiều người hiểu sai rằng các chức danh đã phân định các vai trò nhất định và loại bỏ việc liên quan về mặt pháp lý với các lĩnh vực khác của công ty. Điều này còn xa mới là sự thật. Dù chức danh hoặc trách nhiệm thực tế của bạn là gì, là đối tác hay là chủ, thì bạn vẫn phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý với bất cứ việc gì các đối tác hoặc nhân viên của bạn làm”.
2. Đặt các chính sách bảo vệ vào đúng chỗ
Davis cho hay: “Cách tốt nhất để tránh tình huống xấu là mời một bên thứ ba – một công ty có uy tín sẽ đảm bảo rằng mọi thứ đều rõ ràng. Điều này đi kèm với việc làm trung hòa yếu tố cấu thành tội gian lận, nếu không sẽ bị coi là có chủ đích. Nếu bạn có những hành động đúng đắn nhất thì nó sẽ củng cố cho tình tiết bảo vệ là sự trung thực”. Ông thừa nhận rằng tìm được và có thể chi trả cho một công ty vạch ra cho bạn những hoạt động tốt nhất có thể không dễ dàng, nhưng nó có thể cứu bạn khỏi những tổn hại.
3. Hãy nhớ rằng mọi email đều là “giấy trắng mực đen”
Davis cho hay: “Tôi đã chứng kiến nhiều vụ khởi tố xuất phát từ những chứng cứ qua email hơn là các bằng chứng khác. Hãy quên ý tưởng rằng xóa email khỏi máy chủ hoặc máy tính của bạn có nghĩa là sẽ thực sự tẩy được chúng, vì chính phủ có những quá trình khôi phục sẽ lấy lại được toàn bộ nội dung đó. Nếu bạn sử dụng một dịch vụ lớn, thì bạn nên biết rằng các hồ sơ của bạn sẽ phải trình ra theo yêu cầu của chính phủ. Nguyên tắc này cũng được áp dụng với cả các tin nhắn văn bản”.
Liệu có cách nào đó để việc giao dịch có thể được đảm bảo tối mật? Davis khuyên bạn: “Nếu bạn quan tâm tới tính riêng tư của việc liên lạc, hãy áp dụng cách cũ: gặp trực tiếp. Và nếu bạn thực sự lo ngại, hãy thực hiện các cuộc trao đổi trong phòng xông hơi tại câu lạc bộ sức khỏe địa phương”.
4. Đừng nhận đối tác vì những lý do sai lầm
Một mối quan hệ đối tác cũng giống như một cuộc hôn nhân – thực tế bạn sẽ dành nhiều thời gian với đối tác hơn bạn đời. Vì vậy, hãy lựa chọn cẩn thận xem liệu bạn có cần một đối tác không.
Davis cho hay: “Thật dễ dàng và khó cưỡng việc bắt tay với ai đó trong các buổi tiệc cocktail và trong các phiên lên ý tưởng, và sau đó là thực hiện các thỏa thuận hợp tác. Mọi người đều muốn bắt tay với những người khác, không ai muốn làm đơn độc”.
Ông cho hay, kết quả là bạn sẽ nhận một đối tác vì những lý do liên quan tới cảm xúc hơn là kinh doanh. Davis cho biết: “Lẽ ra tôi nên nghe lời cha tôi khi ông khuyên rằng tôi nên tận dụng các mối quan hệ cũ trước khi tìm những đối tác mới”.
5. Nhân viên không phải là bạn bè
Davis cho rằng đây là một trong những sai lầm lớn nhất của ông. “Tôi đã rơi vào một cái bẫy mà nhiều doanh nhân trẻ gặp phải – đó là không giải quyết hiệu quả khoảng cách về tuổi tác giữa các nhân viên lớn tuổi và tôi”. Davis lo ngại rằng những nhân viên nhiều tuổi hơn này sẽ tức giận khi phải nhận lệnh từ ông và sẽ thầm ghét ông.
“Tôi tin rằng có mối liên hệ giữa năng suất làm việc của một nhân viên và tình bạn của họ với tôi. Tôi muốn được mọi người yêu thích và thích là một vị sếp tuyệt vời. Điều này hoàn toàn khác với việc khiển trách ai đó có kết quả công việc dưới mức có thể chấp nhận được khi bạn dành cả tối hôm trước lang thang trong thành phố với họ”.
6. Đừng mất bình tĩnh
Davis cho biết: “Sai lầm chính khiến tôi gặp phải tai ương ở độ tuổi 20 là thiếu kiên nhẫn với thành công. Tôi đã bị cám dỗ bởi những lối tắt và tham lam vô độ sự tự do có được từ tài chính rủng rỉnh”.
Nhưng điều đó không đáng chút nào. Ông nói: “Lời khuyên của tôi là hãy sắp xếp có trật tự công ty của bạn và đừng tìm lối tắt để đạt được bất cứ việc gì. Thành công tài chính đòi hỏi thời gian, và bạn cần tiếp cận với sự giàu có theo cách chậm mà chắc”.
7. Đừng cho rằng bạn biết mọi thứ cần biết
Davis cho hay: “Tôi nghĩ điều đưa tôi đến sai lầm là thiếu kinh nghiệm. Khá đơn giản, bạn không biết là mình không biết những gì”. Nếu có thể quay trở lại và đưa ra một thông điệp cho chính bản thân thời trẻ, ông sẽ nói rằng: “Bạn biết ít hơn mình nghĩ rất nhiều”.
8. Luôn duy trì việc học hỏi
Davis khuyên rằng: “Tìm kiếm sự tư vấn của nhiều cố vấn khác nhau trước khi đưa ra những quyết định quan trọng. Mỗi ngày tỉnh dậy hãy quyết tâm học được từ những sai lầm của ai đó”.
9. Ưu tiên gia đình trước
Cha của Davis là đặc vụ CIA – người đã nhiều năm nói dối gia đình về các hoạt động và nơi ở vì ông không có sự lựa chọn nào khác. Davis cho biết: “Cha tôi thường ra ngoài nhiều giờ liền buổi tối khi sống ở Philippine, Nhật Bản và Đức. Ông đã kể cho tôi những yêu cầu vô cùng bình thường trong nghề nghiệp của ông. Tôi đã làm tương tự, với niềm đam mê cá nhân cũng như triển vọng của công ty”.
Ông cho hay: “Tồi tệ hơn, tôi đã gây tổn hại tới mối quan hệ với gia đình mình. Vậy hãy liên tục kiểm tra xem bạn có thực sự theo đuổi việc kinh doanh hay chỉ làm cho vui, và biết được cái giá thực sự. Không gì có thể thay thế cho thời gian dành cho vợ con. Bất cứ ai bạn muốn làm ăn cùng sẽ ghi nhận các giá trị của bạn”.
Nguồn: hoclamgiau.vn, (Dịch từ Inc)