Nguyễn Gia Thảo – Doanh nhân giàu lòng nhân ái
Không chỉ giới doanh nhân mà có lẽ nhiều người Việt Nam đều biết đến ông Nguyễn Gia Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Da Giày Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc Công ty Da Giày Hải Phòng bởi tấm lòng thơm thảo “thương người như thể thương thân” của ông, nhưng có một Anh hùng Lao động Nguyễn Gia Thảo cả cuộc đời cống hiến không mệt mỏi cho ngành công nghiệp Da-giày nước nhà với tinh thần dám nghĩ, dám làm đã giải quyết nhiều công ăn việc làm cho người lao động, thu về nhiều ngoại tệ mạnh góp phần làm giàu cho đất nước thì không phải ai cũng biết. Sự thành công của ông đã được biết đến với với một triết lý mang đậm tính nhân văn, đó là “chiếc hài cô Tấm” – ông cắt nghĩa triết lý này như sau: “Làm giày thì ai cũng có thể làm được nhưng phải làm thế nào để người đi cảm thấy thoải mái, êm ái, vừa vặn như cô Tấm đi chiếc hài của mình”. Và hơn 40 năm gắn bó với Công ty Da Giày Hải Phòng, với ngành Da-giày, bất chấp sự khắc nghiệt của hoàn cảnh, ông luôn có những sáng kiến đột phá vào những lúc nguy khó nhất, đưa công ty vượt qua sóng gió để vững bước đi lên.
Người con của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến
Nguyễn Gia Thảo sinh ngày 16/12/1939 tại Yên Thuận, Hàng Than, thành phố Hà Nội trong một gia đình công nhân nghèo. Tuổi thơ ông đã phải chứng kiến những tháng năm sóng gió của đất nước. Năm 1946, giống như bao gia đình Hà Nội yêu nước khác, gia đình ông đã tản cư ra vùng kháng chiến ở Phú Thọ, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Những tháng ngày sống ở vùng kháng chiến đã tôi luyện lòng dũng cảm và ý chí quyết tâm góp phần giải phóng đất nước, năm 1951 cậu bé 15 tuổi Nguyễn Gia Thảo đã tham gia Thiếu sinh quân ở Sơn La, một năm sau đó đơn vị hành quân sang nước bạn Lào chiến đấu, do còn nhỏ nên Nguyễn Gia Thảo được gửi về địa phương, tiếp tục sống tại vùng kháng chiến cùng gia đình. Năm 1955 hoà bình lập lại, Nguyễn Gia Thảo cùng gia đình trở về Hà Nội, bắt đầu từ đây, Nguyễn Gia Thảo đến với “nghề làm giày”.
Sau khi học nghề giầy, Nguyễn Gia Thảo đã từng vào làm việc tại Xưởng quân nhu Gia Lâm, Hợp tác xã Cộng Lực, Nhà máy giầy Thuỵ Khuê. Với sự ham học hỏi và tinh thần sáng tạo không ngừng nên không lâu sau (năm 1960), Nguyễn Gia Thảo đã đạt được tay thợ giầy bậc 5/7. Cũng vào thời gian này chàng thanh niên trẻ Nguyễn Gia Thảo nghe tin ở Hải Phòng có nhà máy da giày xuất khẩu do Chính phủ Tiệp Khắc giúp đỡ xây dựng. Hải Phòng là thành phố có lợi thế cảng biển, giàu truyền thống nghành nghề, là nơi ngành giầy có điều kiện phát triển. Niềm đam mê nghề nghiệp đã dẫn dắt người con của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến chọn đúng nơi để phát huy tốt tay nghề và phấn đấu trưởng thành. Tháng 8/1960 Nguyễn Gia Thảo xin vào làm việc tại Xí nghiệp Da Giầy Hải Phòng (tiền thân của Công ty Da Giày Hải Phòng), dường như cả sự nghiệp của ông đã gắn bó với nơi đây.
45 năm vinh quang, khốn khó thăng trầm
Vốn là một con người ham học hỏi, chăm chỉ rèn luyện tay nghề, luôn hết mình vì công việc, vì tập thể, năm 1964 ông đã vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ một công nhân trực tiếp sản xuất ông đã phấn đấu trưởng thành và được và được cấp trên tin tưởng giao phó các chức vụ : Tổ phó, Tổ trưởng sản xuất, bí thư Đoàn thanh niên – phó ngành, bí thư chi bộ Đảng – trưởng ngành sản xuất, phó quản đốc, Đảng uỷ viên – quản đốc phân xưởng, thường vụ Đảng uỷ – phó giám đốc, phó bí thư Đảng Uỷ – giám đốc xí nghiệp (tháng 1/1984) và sự phấn đấu không mệt mỏi đã đưa ông đến một vinh dự và đồng thời một trách nhiệm nặng nề, được sự tin tưởng của cấp trên và sự tín nhiệm của cấp dưới, tháng 12/1992 Nguyễn Gia Thảo nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng uỷ – Tổng Giám đốc Công ty Da Giày Hải Phòng. Dù ở cương vị nào ông cũng luôn lao động nhiệt tình với tinh thần trách nhiệm cao, chủ động sáng tạo trong công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ở vị trí lãnh đạo, luôn gương mẫu đi đầu trong việc phát huy tinh thần sáng tạo, ông đã có nhiều sáng kiến, giải pháp quản lý làm lợi cho đơn vị hàng tỷ đồng, ông đã 9 lần được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng và huy hiệu lao động sáng tạo.
Sự sáng tạo của ông không chỉ làm lợi cho Xí nghiệp da giày Hải Phòng, nơi ông công tác mà uy tín nghề nghiệp của ông còn là sự cống hiến cho ngành kinh tế mũi nhọn của một thành phố lớn. Tháng 3/1996, ông được tín nhiệm bầu và cử giữ các chức vụ : Phó Bí thư Đảng Uỷ- Tổng Giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp sản xuất nhập khẩu da giầy Hải Phòng, Thành uỷ viên dự khuyết khoá 10, Đại biểu HĐND thành phố khoá 9, Uỷ viên UB mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hải Phòng khoá 11, Uỷ viên BCH Hội từ thiện TP Hải Phòng khoá 2….
Sau 45 năm, qua biết bao vinh quang, khốn khó, thăng trầm, Công ty Da giày Hải Phòng ngày nay đã trở thành một doanh nghiệp được nhiều người biết đến với những sản phẩm về da, đặc biệt là các sản phẩm giày dép, găng tay, bóng da xuất khẩu và đội ngũ những người thợ cần cù, tinh nghệ. Song cũng 45 năm ấy, công ty đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm, đọc những nét ưu tư hiển hiện trên vầng trán của ông Nguyễn Gia Thảo, tôi mường tượng ra hoàn cảnh vô cùng khó khăn của Công ty da giầy Hải phòng thời kỳ thị trường Đông Âu và Liên Xô cũ tan vỡ những năm 1990-1992 . Lúc ấy hầu hết các đơn hàng bị bỏ dở, sản xuất ngừng trệ, hàng ngàn công nhân mất việc, đời sống cực kỳ khó khăn, công ty đứng trước bờ vực phá sản. Là một người đa cảm, có những lúc Tổng Giám đốc Nguyễn Gia Thảo không cầm nổi nước mắt, thương công nhân, lo cho sự tồn vong của nhà máy, những sáng tạo loé lên trong thời điểm còn quá nhiều yếu tố nhạy cảm, nhưng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, đặt lợi ích của nhà máy và công nhân lên trên tất cả, ông nói ” Nhà máy không còn, công nhân không còn thì giám đốc tồn tại có nghĩa lý gì?”nhờ giải pháp phù hợp, có thể nói Tổng giám đốc Thảo đã lật ngược tình thế, đưa Công ty Da Giày Hải Phòng từ bên bờ vực phá sản vươn lên chiếm một vị trí quan trọng trên bản đồ kinh tế Hải phòng trong nền kinh tế thị trường.
Đất nước thời kinh tế mở, những bước chân trần ngỡ ngàng bước ra ngoài thế giới, gió đa phương thổi vào từ ngoại bang lúc bổng lúc trầm, các doanh nghiệp Việt Nam theo đó mà lao đao, Công ty da giày Hải Phòng cũng không ngoại lệ. Thị trường truyền thống đã vỡ, thị trường mới còn mờ mịt, sản xuất cái gì? cho ai? và bằng cách nào? nhưĩng câu hỏi này ngày đêm làm bạc đầu Tổng Giám đốc Nguyễn Gia Thảo. Trong hoàn cảnh đó, ông đã coi gia công linh hoạt chính là chiếc chìa khoá mở đường cho sự sống còn của công ty. Đang từ một công ty thiếu vốn, số vốn ít ỏi còn lại lại bị gặm nhấm dần để giải quyết chính sách chế độ cho công nhân, không có vốn thì không thể đầu tư lớn mua sắm thiết bị, công nghệ, xây dựng nhà xưởng ngay được bởi gia công cũng cần tới dây chuyền thiết bị hiện đại thì mới đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. May sao, Tổng Giám đốc Nguyễn Gia Thảo đã mạnh dạn thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài giải giúp bài toán lúc đó được coi là một sự đột phá, mà ngay trong hàng ngũ những cán bộ cấp trên, không phải ai cũng đồng tình ủng hộ.
Sự năng động sáng tạo của Tổng Giám đốc Nguyễn Gia Thảo còn được thể hiện ở các thành tích trong công tác nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, có sáng kiến cải tiến với giá trị đặc biệt được ứng dụng trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những công nghệ lạc hậu được thay thế bằng công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh cao trên thị trường, giải phóng đơn hàng nhanh, giao hàng đúng hạn. Để thích ứng với nền kinh tế thị trường, ông đã chú trọng tới việc đào tạo đội ngũ quản lý, tạo điều kiện cho họ có thời gian học tập, thích nghi, tích luỹ kinh nghiệm mới. Đội ngũ thợ lành nghề cũng được đào tạo, tiếp cận với công nghệ tiên tiến của nước ngoài, đến nay hơn 12 nghìn cán bộ – công nhân – lao động của công ty đã xứng đáng góp phần đưa Hải phòng trở thành một trung tâm sản xuất giầy dép hàng đầu của Vịêt Nam.
Suốt thời gian làm Tổng Giám đốc Công ty Da Giày Hải Phòng, trong mười năm đổi mới Tổng Giám đốc Nguyễn Gia Thảo đã cùng Đảng uỷ, Ban Giám đốc lãnh đạo công ty phát triển ổn định với mức tăng trưởng bình quân từ 30 – 40%/ năm, trên 12 nghìn người có việc làm thường xuyên, nộp ngân sách nhiều tỷ đồng/ năm. Sản lượng 12 triệu đôi giầy/năm và hàng triệu các sản phẩm khác như đế giầy, bóng đá, mút xốp, găng tay, túi giặt, miếng rửa. Nhờ hoạch định chiến lược kinh doanh đúng nên các chỉ tiêu chủ yếu của công ty đã tăng một cách ấn tượng qua nhiều năm: từ năm 1993-2000 Giá trị SXCN tăng 5 lần (1993 đạt 130 tỷ đồng thì năm 2000 đạt 639 tỷ đồng); Nộp ngân sách nhà nước tăng gần 7 lần; Lao động bình quân tăng hơn 5 lần (năm 1993 có 2032 người thì năm 2000 tăng lên 12 nghìn người). Bên cạnh việc hợp lý hoá sản xuất, đổi mới công nghệ, ông Thảo luôn tìm mọi biện pháp giảm chi phí sản xuất. Việc chủ động điều chuyển sản xuất ra khu vực ngoại thành vừa giúp công ty giảm được chi phí qua sử dụng lao động tại chỗ, đảm bảo cảnh quan và đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường, vừa góp phần cùng với Nhà nước thực hiện chủ trương xoá đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp hoá nông thôn.
Hiện nay trên cương vị mới là Chủ tịch Hiệp hội Da Giày Việt Nam, với những lo toan được nhân lên nhiều lần, nhưng có thể nói: với hơn 40 năm cống hiến, tên tuổi ông Nguyễn Gia Thảo đã gắn liền với những thăng trầm của ngành da giầy Hải Phòng, những cống hiến của ông là bàn đạp tạo ra sức bật của hơn 30 doanh nghiệp khác. Thành phố Hải Phòng đã đặt ngành giầy dép là một ngành kinh tế mũi nhọn, với hàng trăm dây chuyễn sản xuất, thu hút vốn đầu tư gần hai trăm triệu USD, giải quyết công ăn việc làm cho 5 vạn người của thành phố và các tỉnh lân cận, tạo thu nhập hàng trăm tỷ đồng cho các ngành liên quan khác như xây dựng, vận tải, bưu chính viễn thông…
Nhìn xa, trông rộng
Nhờ dày dạn kinh nghiệm trong quản lý kinh tế cộng với tâm huyết không bao giờ vơi cạn, Tổng Giám đốc Nguyễn Gia Thảo là người có công lớn trong việc bồi dưỡng, đào tạo cho thế hệ trẻ. Ông dành nhiều thời gian cho việc hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho địa phương và ngành da giày Việt Nam. Với ông, việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có chuyên môn tay nghề cao, đạo đức nghề nghiệp tốt, trung thành với lợi ích của công ty là nhân tố quyết định sự phát triển.
Với tầm nhìn của một tổng giám đốc từng trải, ông đã thấy trước những rắc rối về quyền lợi của công nhân Việt Nam trong liên doanh hoặc quyền lợi của bên Việt Nam nên ngay từ đầu ông đã đưa ra những ràng buộc về điều khoản trả lương nhỡ việc trong hợp đồng, ràng buộc về tài sản qua việc yêu cầu đối tác phải hoặc là đem máy vào gia công hoặc bán chịu trừ dần vào giá gia công … Những việc ràng buộc này khiến đối tác phải cùng gắn chặt trách nhiệm với sự tồn tại của công ty. Mặt khác công ty lại không phải đầu tư máy móc thiết bị mà vẫn mượn được máy của bạn làm ăn, khắc phục được nguồn vốn và khai thác thị trường. Chính bằng những giải pháp này mà công ty trụ vững và phát triển vững mạnh.
Không chỉ tận dụng cơ hội vốn của đối tác nước ngoài, ông Thảo còn chú trọng vào các cơ hội liên doanh liên kết trong nước, tận dụng những cơ sở vật chất chưa được khai thác của các doanh nghiệp khác, rút ngắn tối đa giai đoạn đầu tư cơ bản.. Đặc điểm của ngành sản xuất giày dép là tính mùa vụ, tính thời trang cao, chu kỳ sản xuất ngắn, các đối tác đến công ty đặt quan hệ làm ăn thường có sẵn đơn đặt hàng. Do vậy, yêu cầu về nhà xưởng thường rất cấp bách. Nếu công ty đi xin cấp đất rồi mới xây nhà xưởng theo trình tự quan liêu thì vừa tốn tiền đầu tư, vừa kéo dài thời gian xây dựng sẽ lỡ mất đơn hàng và thời vụ tiêu thụ. Trong khi đó ở Thành phố Hải Phòng lại có rất nhiều nhà kho cũ bỏ không, có thể cải tạo thành những nhà xưởng sản xuất giầy. Trong hoàn cảnh như vậy, việc liên doanh liên kết vừa khỏi phải đầu tư tài chính vừa giải quyết được tình trạng lãng phí của các đối tác, hơn thế nữa, giải pháp này cũng cho phép triển khai đồng thời nhiều mặt bằng cho nhiều đối tác.
“Trả nợ” cộng đồng
Đó là cách nói của Tổng Giám đốc Nguyễn Gia Thảo về việc làm từ thiện của mình. Ông thường nói: “So với những người con của Tổ Quốc đã để lại xương máu ngoài chiến trường, mình còn may mắn hơn nhiều”, có lẽ vì ý thức được điều đó nên ông luôn gương mẫu đi đầu trong mọi khó khăn, thách thức, có trách nhiệm cao với công việc, ông cũng là người luôn gương mẫu trong thực hành tiết kiệm, liêm chính và chí công vô tư. Từ những phẩm chất tốt đẹp này của người lãnh đạo, ông đã xây dựng được một tập thể đoàn kết, nhất trí trong mọi hành động cũng như đường lối của công ty. Đây là cơ sở để bản thân ông cũng như tập thể công ty “trả nợ” cộng đồng. Ông nói: “Làm từ thiện là thay xã hội “trả nợ” cho cộng đồng, cho những người đã hy sinh một phần xương máu của mình cho Tổ quốc, những con người thiệt thòi bất hạnh trong cuộc sống. Mình còn sống còn phải trả nợ”. Là người đã sống qua hai cuộc chiến tranh, hơn ai hết ông hiểu được nỗi bất hạnh mất mát của những gia đình phải chịu hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại.
Với kinh nghiệm và sự năng động, từ năm 1993 ông Nguyễn Gia Thảo đã được tín nhiệm tham gia HĐQT của hai công ty Kai Nan và Giant-V, ông đã dành hầu hết thu nhập cá nhân mỗi tháng trên 10 triệu đồng để tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện và công tác hậu phương quân đội. Danh sách làm từ thiện của ông ngày càng dài thêm những tên địa chỉ tập thể, cá nhân có hoàn cảnh khó khăn, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam. Đến nay, tổng số tiền trợ giúp thường xuyên của ông đã lên tới 1.193.720.000 đồng, ông cũng đang trợ dưỡng thường xuyên cho một số đối tượng như: Hội từ thiện Hải Phòng; TNXP huyện Vĩnh Bảo; các cháu nạn nhân chất độc màu da cam … số tiền 11.950.000 đồng/tháng, số tiền trợ cấp đột xuất cũng lên tới 1.163.600.000 đồng. Tấm lòng thơm thảo của ông đã “lây” sang những người mà ông có mối quan hệ, các chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng được ông vận động tham gia hoạt động nhân đạo như ông LIN – người Đài Loan – công tác tại công ty Giant- V hàng tháng ủng hộ làng trẻ Hoa Phượng đỏ số tiền là 200 USD, ông TED NAKATA đại diện Công ty VICTO-LTD người Nhật Bản đã đến UBND TP Hải Phòng tặng 10.000 USD khuyến khích các cháu học sinh nghèo học giỏi của thành phố. Người thân trong gia đình cũng được ông vận động tham gia công tác nhân đạo, như công ty Đỉnh Vàng của Tổng Giám đốc Nguyễn Kim Thuý, niềm tự hào của doanh nhân nữ Việt Nam với những nhà máy giầy tầm cỡ lớn nhất khu vực phía Bắc, từ năm 2000 đến nay cũng được cha vận động trợ dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng huyện Vĩnh Bảo và các cháu nạn nhân chất độc màu da cam hàng tháng số tiền 10.300.000 đồng, tổng số tiền trợ giúp đến nay đã lên tới 510.400.000 đồng. Như vậy, trong những năm qua cá nhân ông Nguyễn Gia Thảo cùng các thành viên trong gia đình đã tham gia trợ giúp với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng.
Những việc làm của ông xuất phát từ tấm lòng, sự vô tư trong sáng là bởi tình thương yêu đồng loại, là bản tính nhân ái và hơn cả là sự cảm thông của một con người đã nếm trải qua mọi đắng cay ngọt bùi, thấu hiểu lẽ đời sống sao cho ra sống. Năm 1984, khi vận động CB, CNV tham gia ủng hộ người nghèo, ông đã từng nổi tiếng với câu nói: “Không ai có thể nghèo đi hay giàu lên chỉ vì một bát phở”. Thời điểm ấy, nhà máy có một nữ công nhân tên là Cơi mắc bệnh hiểm nghèo, trong khi bên nách chị còn hai đứa con nhỏ mà gia đình lại quá khốn khó, bao nhiêu đồ đạc tài sản có thể bán được đã bán hết lấy tiền thuốc thang. Ông Thảo một mặt cùng Công đoàn nhà máy phát động chương trình quyên góp từ thiện, một mặt yêu cầu các đơn vị tận thu phế liệu bán lấy tiền hỗ trợ cho chị Cơi. Ngặt ở chỗ lúc ấy chưa có văn bản quy chế nào cho phép làm từ thiện kiểu ấy nên có một số người cho rằng việc này sai chính sách, ông Thảo nói: ” Nếu ai thắc mắc thì cứ ung thư đi sẽ được hưởng như cô Cơi”.. Ông nghĩ chính sách là từ tấm lòng mà ra, có nhiều người quan niệm việc làm từ thiện là để tích đức cho đời sau, nhưng ông Thảo lại có suy nghĩ khác, đối với ông nghĩ như vậy là vẫn mang nặng tư tưởng ích kỷ cho mình, từ thiện là cộng đồng, là góp phần cho sự tăng trưởng của xã hội, là trả nợ ân nghĩa với cộng đồng, phải vô tư thoáng đạt có mục đích thiết thực chứ không phải vì ý đồ trừu tượng nào cả. Ông nói: “ Nếu giúp người khó trong xã hội chỉ vì mong để kiếp sau được hưởng thì vô hình dung mình đã mang oản chuối vào chùa cúng để xin kiếp sau được nghèo đi mà nhận lòng từ thiện của người khác hay sao?”. Thực sự triết lý này làm cho nhiều người phải ngỡ ngàng. Còn ông vẫn tiếp tục lặng lẽ tìm kiếm các địa chỉ cần giúp đỡ để mong làm vơi đi phần nào những khốn khó bất hạnh của người khác. Và, số tiền ông Nguyễn Gia Thảo làm từ thiện đã là cả một gia tài lớn nhưng bản thân ông vẫn sống cần kiệm với hàng núi công việc phải giải quyết hàng ngày. Tấm gương về sự hy sinh quên mình cho cộng đồng của ông xứng đáng để cho lớp hậu sinh noi theo, đó chính là một trong những động lực để chúng ta tiến nhanh tới mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Những điều không giản đơn
Hơn 40 năm gắn bó với Công ty Da Giầy Hải Phòng, mặc dù tuổi đã cao nhưng bầu nhiệt huyết của ông Nguyễn Gia Thảo vẫn không hề giảm, hiện nay với cương vị là Chủ tịch Hiệp hội Da Giầy Việt Nam, trách nhiệm cho sự tồn tại và phát triển của ngành da giầy đang đè nặng đôi vai ông. Ghi nhận những đóng góp của ông đối với nền công nghiệp nước nhà, trong những năm qua Nhà nước và các ngành, các tổ chức xã hội đã tặng ông nhiều phần thưởng cao quý, và ông đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, một minh chứng cho cả cuộc đời phấn đấu không biết nghỉ của ông. Ông phấn đấu hết mình tuyệt nhiên không phải vì những tấm huân, huy chương. Trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước, thời kỳ chuyển mình của đất nước nói chung và của mỗi cá nhân, mỗi đơn vị nói riêng đòi hỏi một sự quyết đoán, sự dũng cảm trong khi lựa chọn con đường đi cho mình. Trong bước chuyển mình đó, người ta cũng phải biết chấp nhận những thất bại, khổ đau để từ đó bước tiếp những bước vững chắc hơn. Nhưng, cái đích vinh quang chỉ đến với những con người mang theo cái tâm trong sáng trong hành trang của mình. Có một điều không hề giản đơn: những việc ông Nguyễn Gia Thảo đã, đang và sẽ làm thì không thể có huân, huy chương nào có thể nói hết.
Nguồn: giaithuong.vn, Phan Anh – Doanh nhân Việt Nam xưa và nay