Trần Thanh Ngân – Nữ thạc sĩ Việt lan toả sức mạnh của lãnh đạo truyền cảm hứng

0

Thạc sĩ Trần Thanh Ngân giành học bổng toàn phần và tốt nghiệp chương trình lãnh đạo tại Đại học Harvard, cô gái Việt đang không ngừng lan toả tới cộng đồng kỹ năng lãnh đạo truyền cảm hứng.

Sinh năm 1987 tại Hà Nội, Trần Thanh Ngân tốt nghiệp cử nhân Dược sĩ, Đại học Dược Hà Nội. Cô gái Việt giành đồng thời 2 học bổng thạc sĩ: học bổng Eramus Mundus của Liên minh Châu Âu cho ngành quản lý y tế và học bổng toàn phần của Quỹ Giáo dục Việt Nam VEF chuyên ngành dịch tễ và dược học tại Đại học Alabama, Mỹ. Sau đó Ngân tiếp tục theo đuổi bậc tiến sĩ chuyên ngành dược tại Đại học Minnesota – ngôi trường đứng thứ 2 ở Mỹ về chương trình tiến sĩ dược.

Trần Thanh Ngân - Nữ thạc sĩ Việt lan toả sức mạnh của lãnh đạo truyền cảm hứng
Thạc sĩ – Dược sĩ Trần Thanh Ngân tốt nghiệp chương trình lãnh đạo từ Harvard Kennedy School.

 

Với những trải nghiệm quý báu tại giảng đường đại học Mỹ, nữ thạc sĩ Trần Thanh Ngân tìm được chính mình ở các hoạt động lãnh đạo trong cộng đồng sinh viên quốc tế.

Cô gái Việt tài năng và nỗ lực vượt bậc đã xuất sắc trở thành sinh viên quốc tế duy nhất được bầu chọn vào hội đồng tuyển sinh chương trình tiến sĩ dược của Đại học Minnesota, Mỹ. Cảm hứng đó đã đưa Ngân tới một bước ngoặt mới, một hành trình mới.

Vẫn bằng nội lực mạnh mẽ, Ngân chinh phục thành công học bổng toàn phần chương trình lãnh đạo tại Đại học Harvard danh tiếng.

Với khát khao lan toả kỹ năng lãnh đạo truyền cảm hứng, nữ thạc sĩ Việt đã, đang tham gia chia sẻ kiến thức và kỹ năng lãnh đạo tới các nhà lãnh đạo trẻ ở nhiều quốc gia – giúp họ tìm được giá trị bản thân, tin tưởng vào nó và biết cách lan toả tới những người xung quanh để tạo nên những thay đổi tích cực trong cộng đồng.

Thạc sĩ Trần Thanh Ngân

Sinh năm: 1987

Quê quán: Hà Nội

Tốt nghiệp Chương trình Lãnh đạo, tổ chức & hành động, Đại Học Harvard, MA, Mỹ

Tốt nghiệp Chương trình thạc sĩ dịch tễ và dược học, Đại học Alabama ở Birmingham, Mỹ

Đào tạo trong chương trình tiến sĩ dược, Đại học Minnesota, Mỹ (ĐH đứng thứ 2 ở Mỹ về chương trình tiến sĩ dược)

Tốt nghiệp cử nhân Dược sĩ, Đại học Dược Hà Nội.

Thành tích nổi bật:

– Học bổng toàn phần chương trình lãnh đạo tại Đại học Harvard, Mỹ

– Học bổng toàn phần của Quỹ Giáo Dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation -VEF) do chính phủ Mỹ thành lập cho chương trình thạc sĩ, tiến sĩ tại các trường hàng đầu tại Mỹ.

– Học bổng Erasmus Mundus, một trong những học bổng danh giá nhất của Châu Âu do Liên Minh Châu Âu (European Commission) thành lập cho chương trình thạc sĩ ở các nước Châu Âu.

– Học bổng sinh viên xuất sắc tại Đại học Alabama

– Sinh viên quốc tế duy nhất được bầu chọn vào hội đồng tuyển sinh chương trình tiến sĩ dược của Đại học Minnesota

 “Con gái học nhiều làm gì?”

Phóng viên: Từ một cô cử nhân ngành Dược – Đại học Dược Hà Nội, động lực nào khiến chị nộp học bổng du học bậc thạc sĩ ở Mỹ và bí quyết gì giúp giành nhiều học bổng thạc sĩ, tiến sĩ danh giá?

Thạc sĩ Trần Thanh Ngân: “Không làm giảng dạy, nghiên cứu, điểm số không xuất sắc nhất trường, đừng có mơ có học bổng du học!” Câu nói đó cứ văng vẳng bên tai tôi. Rất nhiều người nói với tôi như vậy, người nào không muốn nói thẳng thì chỉ cười bảo “con gái học nhiều làm gì!”.

Cô giáo hướng dẫn đại học của tôi hỏi “em có muốn ở lại trường không?” tôi ngồi với cô trong phòng bộ môn của trường trong ngày tốt nghiệp đại học.

Tôi cũng thích công việc giảng dạy nhưng tôi thấy tôi chưa đủ kiến thức và trải nghiệm. Nhìn ra ngoài cửa sổ, tôi thấy bầu trời phía ngoài kia rộng lớn quá, tôi muốn được đi tới đó, tôi muốn được khám phá phía xa kia của chân trời. Tôi trả lời cô “dạ em muốn được đi cô ạ”.

Tôi tự mày mò tìm hiểu thông tin trên mạng, và quyết định sẽ nộp 2 học bổng: học bổng của chính phủ Mỹ và học bổng của Liên Minh Châu Âu. Đây là hai trong số những học bổng danh giá của chính phủ Mỹ & Châu Âu cho bậc sau đại học. “Nhiều các anh chị, các bạn mà tôi biết nộp học bổng này, họ đều có thành tích học tập nhất nhì trường, liệu có đến lượt mình?” – tôi tự hỏi.

Thực ra tôi không lo lắng nhiều khi nộp học bổng. Khi tôi viết bài luận cho học bổng, tôi chỉ ngồi và tưởng tượng đó như một cuộc hội thoại giữa tôi và các giáo sư trong hội đồng tuyển sinh.

Tôi sẽ nở nụ cười tươi, tôi sẽ hào hứng kể cho họ về những dự án tình nguyện, những dự án y tế cộng đồng mà tôi đã làm và đang ấp ủ, tôi sẽ kể cho họ về câu chuyện của tôi, về ước mơ của tôi. Tôi tin họ cũng sẽ nở nụ cười.

Tôi gửi hồ sơ đi, và trong lòng cảm thấy rất nhẹ nhõm. Hôm đó, buổi sáng tôi ngủ dậy, tôi không tin vào mắt mình khi nhận được email thông báo tôi nhận được học bổng của Liên Minh Châu Âu, và vài ngày sau đó là email thông báo được nhận vào học bổng chính phủ Mỹ. Tôi như vỡ oà.

Một điều mà tôi muốn chia sẻ với các bạn nếu muốn nộp học bổng, từ kinh nghiệm của tôi, và sau này tôi cũng ở trong hội đồng tuyển sinh chương trình tiến sĩ dược của trường Minnesota, hãy kể về câu chuyện của chính bạn, mọi người sẽ thấy hình ảnh của bạn qua câu chuyện bạn kể. Hãy cứ để cảm xúc tự nhiên của mình trong đó và sự chân thành, mọi thứ từ trái tim sẽ kết nối tới trái tim.

Trần Thanh Ngân - Nữ thạc sĩ Việt lan toả sức mạnh của lãnh đạo truyền cảm hứng
Thanh Ngân tích cực trong hành trình chia sẻ kỹ năng lãnh đạo tới các nhà lãnh đạo trẻ ở nhiều quốc gia.

 

– Được biết, nước Mỹ là nước dẫn đầu thế giới về y tế, và các chương trình đào tạo dược sĩ, bác sĩ ở Mỹ cũng khắt khe nhất thế giới. Chị có thể chia sẻ trải nghiệm thực tế của mình?

Nếu không được đào tạo ở Mỹ, thì bạn sẽ không được phép làm việc trực tiếp với bệnh nhân ở Mỹ. Khi xem các bộ phim về môi trường y khoa ở Mỹ như Grey’s Anatomy, tôi càng mong muốn được học tập và làm việc trong môi trường y khoa ở đây.

Đó cũng là ngành tôi chọn khi học lên chương trình tiến sĩ: chương trình Doctor of pharmacy (PharmD) ở Đại học Minnesota, trường trong top 2 chương trình đào tạo dược sĩ tốt nhất ở Mỹ.

Trong chương trình học ở đây, tôi đã được chứng kiến việc học đi đôi với hành như thế nào. Cứ sau mỗi bài học, chúng tôi được thực hành ngay sau đó, thực hành cách giao tiếp và truyền đạt thông tin với bệnh nhân. Chúng tôi được dạy cách đặt câu hỏi, cách dùng từ ngữ, được học về sự khác nhau trong văn hoá và tâm lý bệnh nhân.

Tôi làm việc ở khoa cấp cứu bệnh viện Fairview, ban ngày học ở trường, cuối tuần và đêm làm ở bệnh viện. Những sự khắt khe, vất vả, áp lực học tập và làm việc không ngừng nghỉ ở những môi trường y khoa tốt nhất đã rèn giũa tôi có được ngày hôm nay.

Và sau này, không chỉ kiến thức chuyên môn, mà những kỹ năng mềm, cách tư duy và góc nhìn cuộc sống của tôi đã thay đổi rất nhiều. Đó là điều quan trọng mà tôi đã nhận được để có thể thích nghi và phát triển bản thân ở bất kỳ môi trường nào.

Nhập viện vì lao lực vẫn không ngừng vươn lên khẳng định bản thân

– Với chương trình học nhiều áp lực như vậy, làm sao chị đạt nhiều thành tích ấn tượng trong môi trường học tập quốc tế như đạt học bổng sinh viên xuất sắc tại Đại học Alabama, là sinh viên quốc tế duy nhất được bầu chọn vào hội đồng tuyển sinh chương trình tiến sĩ dược của Đại học Minnesota?

Để tôi kể các bạn về câu chuyện khi tôi mới qua Mỹ.

“Thưa cô tại sao em chưa bao giờ được chọn để đại diện cho nhóm trong các buổi thảo luận”, tôi hỏi cô giáo trợ giảng trong chương trình thạc sĩ ở Mỹ. Ở lớp học, chúng tôi chia thành các nhóm và mỗi buổi sẽ có một bạn đại diện cho nhóm để trao đổi với các nhóm khác.

Cô nói “vì tiếng Anh của em không hoàn hảo, cô không muốn nhóm mình sẽ bị đánh giá thấp so với các nhóm khác”. Cổ họng tôi nghẹn lại, tôi không biết nói gì thêm nữa. Tôi không nghĩ đó đã là lý do để tôi không được chọn.

Trên đường tôi đi về nhà hôm đó, từng bước chân tôi nặng nề, gió của miền Nam nước Mỹ mạnh lắm, nó táp vào mặt tôi, và dường như nó có thể thổi bay nếu tôi không vững. Khi đó tôi mới qua Mỹ, mọi thứ đều mới mẻ với tôi, tôi thấy mình lạc lõng ở đây.

Tối hôm đó, tôi nghe điện thoại của bố, bố vẫn gọi hỏi xem tôi học hành thế nào, tôi ngập ngừng trả lời cho qua “vẫn ổn bố ạ”. Bố rất hào hứng nói “bố mẹ luôn tự hào về con”. Nghe câu đó xong, tôi chỉ muốn ngừng điện thoại thật nhanh chào bố, để bố không nhìn thấy tôi khóc.

Tôi nhớ hình ảnh bố tôi, bố làm kỹ sư cơ khí, làm việc hơn 10 tiếng dưới trời nắng đổ lửa, mồ hôi phủ bóng trên cơ thể gầy gò của bố, và lúc nào cũng nói “bố tự hào về con”.

Tối hôm đó tôi đã quyết định, hôm sau sẽ lên nói chuyện với cô giáo trợ giảng của tôi. Tôi nói với cô: “Thưa cô, tiếng Anh của em không hoàn hảo, vì đó không phải ngôn ngữ mẹ đẻ của em. Tiếng Anh của em không hoàn hảo, vì em chưa từng được học tiếng Anh ở các trung tâm Tiếng Anh tiêu chuẩn, gia đình em không có điều kiện đó. Thay vào đó, em đã học tiếng Anh bằng cách trao đổi với các bạn tình nguyện viên quốc tế, chúng em dạy học miễn phí cho các bạn nhỏ lang thang.

Em đã học tiếng Anh bằng việc làm việc với các tổ chức y tế quốc tế để mang thuốc và dịch vụ y tế miễn phí cho người ở vùng cao. Với em ngôn ngữ chưa từng là rào cản để em có thể mang những giá trị của mình tới cho mọi người. Em tin em có những kiến thức và trải nghiệm có ý nghĩa để chia sẻ với các bạn trong lớp”. Tình cờ giáo sư của tôi ngồi gần đó nghe được câu chuyện, bà đã tới và nói tôi sẽ làm đại diện trước lớp ở buổi học sau đó.

Trần Thanh Ngân - Nữ thạc sĩ Việt lan toả sức mạnh của lãnh đạo truyền cảm hứng
Ngân là một trong 3 sinh viên quốc tế duy nhất của khoá trong chương trình tiến sĩ dược (PharmD) của đại học Minnesota, một trong hai trường dược tốt nhất ở Mỹ.

 

Tôi đã mất một kỳ đầu tiên để làm quen mọi thứ, và sau đó tôi đã là đại diện cho trường giành giải thưởng trong cuộc thi về các dự án y tế của vùng. Tôi được học bổng sinh viên xuất sắc của khoa, và tốt nghiệp chương trình thạc sĩ xuất sắc.

Khi vừa hoàn thành đề tài nghiên cứu, vừa chuẩn bị tốt nghiệp thạc sĩ vừa thi các kỳ thi cho chương trình tiến sĩ dược, tôi đã không còn thời gian để nghỉ ngơi, đã có lúc phải vào bệnh viện vì quá sức.

Nhưng mọi cố gắng được đền đáp, khi tôi tiếp tục được nhận vào cả chương trình tiến sĩ Doctor of philosophy (PhD) và chương trình tiến sĩ dược Doctor of Pharmacy (PharmD) ở trường dược đứng top 2 nước Mỹ.

Ở chương trình PharmD, tôi là một trong 3 bạn học sinh quốc tế duy nhất của cả khoá ở cả hai cơ sở của trường. Và tôi cũng là sinh viên quốc tế duy nhất được bầu chọn vào hội đồng tuyển sinh chương trình tiến sĩ dược của Đại học Minnesota, cùng với các giáo sư trong hội đồng để phỏng vấn chọn các ứng viên cho chương trình tiến sĩ.

Trần Thanh Ngân - Nữ thạc sĩ Việt lan toả sức mạnh của lãnh đạo truyền cảm hứng
Ngân cùng các thạc sĩ, tiến sĩ đã tốt nghiệp tại Mỹ trong lễ tổng kết chương trình học bổng của Quỹ Giáo dục Việt Nam do Chính phủ Mỹ thành lập.

 

Lãnh đạo bằng cả “head” và “heart” để đạt “hand”

– Phải chăng đó chính những trải nghiệm vượt qua giới hạn, khẳng định bản thân tại giảng đường đại học trong tâm thế một sinh viên quốc tế đó là cơ duyên khiến chị theo đuổi chuyên sâu mảng đào tạo kỹ năng lãnh đạo?

Đôi khi mọi người vẫn nghĩ rằng người lãnh đạo là phải là người giỏi nhất về chuyên môn, phải luôn biết câu trả lời cho mọi tình huống, nhưng thực tế có rất nhiều khi chúng ta đã thấy ở xung quanh mình hoặc trong môi trường làm việc, kế hoạch được vạch ra rõ ràng từng bước a,b,c, nhưng không ai nghe theo và muốn làm theo. Bởi vì chúng ta thường chỉ tập trung vào phần “head – lý trí” để trả lời “how?- bằng cách nào?” mà chưa có phần “heart – cảm xúc từ trái tim” để mọi người hiểu “why? tại sao?”.

Bằng chứng khoa học về hoạt động của bộ não khi ra quyết định hành động đều được tác động bởi 2 yếu tố: cảm xúc và lý trí. Yếu tố nào mạnh hơn sẽ quyết định hành động theo hướng đó. Và một người lãnh đạo giỏi phải vận dụng và tác động được cả 2 yếu tố này.

Và làm sao để truyền động lực, kết nối mọi người để cùng thực hiện hành động với mình như các dự án kinh doanh hoặc cộng đồng, các startup, các thay đổi tích cực trong xã hội? Đó là kỹ năng public narrative: kỹ năng lãnh đạo truyền cảm hứng để cùng hành động.

Những điều tôi đã làm được vì tôi đã tin ở mình và tin vào những giá trị mà mình theo đuổi. Từ đó, tôi luôn mong muốn được chia sẻ và giúp các bạn trẻ tin ở giá trị của các bạn và học cách chia sẻ những giá trị tốt đẹp đó tới những người xung quanh.

Tôi may mắn được học các lớp về lãnh đạo của các giáo sư Harvard từ chương trình của Quỹ giáo dục Việt Nam. Sau đó, chúng tôi nhận được hỗ trợ từ Đại sứ quán Mỹ cho chương trình Public Narrative (kỹ năng lãnh đạo truyền cảm hứng), và được đào tạo một năm dưới sự hướng dẫn trực tiếp 1-1 của huấn luyện viên từ Harvard.

Tôi thấy được sức mạnh thực sự của việc lãnh đạo truyền cảm hứng qua những câu chuyện về giá trị của bản thân mình, từ đó kết nối mọi người để cùng tham gia với hành động với mình.

Điều đó khiến tôi muốn tìm hiểu thật sâu hơn nữa về kỹ năng này, và qua các dự án phi lợi nhuận của mình tôi đã nhận được sự hỗ trợ từ tổ chức Clicked, tổ chức NGO từ Nhật Bản, và tôi đã giành được học bổng toàn phần cho chương trình Lãnh đạo của Harvard Kennedy School.

Trần Thanh Ngân - Nữ thạc sĩ Việt lan toả sức mạnh của lãnh đạo truyền cảm hứng
Nữ thạc sĩ trong lễ tổng kết chương trình học bổng của VEF.

 

– Việc giành học bổng toàn phần chương trình kỹ năng lãnh đạo của chị ở Harvard Kennedy School đã cho chị những trải nghiệm tuyệt vời nào trong hành trình theo đuổi đam mê?

Tham gia chương trình đào tạo về Lãnh đạo, tổ chức & hành động của Đại học Harvard là một trải nghiệm rất tuyệt vời của tôi. Khoá học đã thay đổi tư duy về lãnh đạo của tôi rất nhiều. Tôi được dạy về cấu trúc hoàn chỉnh của tổ chức (organizing) và lãnh đạo (leadership) và được đào tạo kỹ năng lãnh đạo kết nối từ cảm xúc (heart) tới lý trí (head) để dẫn tới hành động (hand).

Trong chương trình, tôi được học trực tiếp giảng dạy từ giáo sư Marshall Ganz, một trong những giáo sư hàng đầu của Harvard về kỹ năng lãnh đạo. Ngoài việc học trên lớp, chúng tôi cũng được thực hành song song và thực hiện các dự án thực tế của mình.

Bên cạnh kiến thức về lãnh đạo, từ chương trình tôi còn được có cơ hội kết nối với các nhà lãnh đạo tuyệt vời tới từ nhiều quốc gia khác nhau: họ là các chính trị gia, các tổ chức chính phủ, các nhà sáng lập tổ chức và các tập đoàn. Những dự án và công việc họ đang làm khiến tôi vô cùng thán phục và ngưỡng mộ, và tôi được truyền cảm hứng rất nhiều từ các câu chuyện của các bạn trong chương trình.

Trần Thanh Ngân - Nữ thạc sĩ Việt lan toả sức mạnh của lãnh đạo truyền cảm hứng
Ngân và chị Tâm – VEF alumni cùng giảng dạy trong chương trình đào tạo kỹ năng lãnh đạo truyền cảm hứng (Public Narrative) cho các bạn của chương trình Vườn Ươm Liêm Chính (Vietnam Integrity School, tài trợ bởi Đại sứ quán Ireland).

 

Những nhà lãnh đạo “không chức danh”

– Được biết, chị đã giảng dạy về “Motivational Speech” (phát biểu truyền cảm hứng) và kỹ năng lãnh đạo cho rất nhiều các nhà lãnh đạo trẻ ở trên 20 quốc gia trên thế giới. Từ kinh nghiệm thực tế, theo chị đâu vấn đề thường gặp nhất khiến bạn trẻ khó khăn trong việc phát triển kỹ năng lãnh đạo?

Tôi đã rất vui được chia sẻ kiến thức và kỹ năng lãnh đạo tới nhiều nhà lãnh đạo trẻ ở nhiều quốc gia. Một điều mình thấy các bạn trẻ hay gặp phải đó là chưa thực sự biết được giá trị của bản thân và động lực bên trong của những việc mình đang muốn thực hiện.

Khi mình huấn luyện cho các bạn, đó cũng như một chương trình trị liệu tâm lý, để các bạn có cơ hội nhìn lại bản thân mình trong quá khứ, tìm được giá trị của bản thân, tin tưởng vào giá trị tốt đẹp đó, và biết cách lan toả nó tới những người xung quanh.

Nhiều khi các bạn nghĩ phải có nhiều kinh nghiệm, phải ở những vị trí cao như quản lý cấp cao hay giám đốc mới là những nhà lãnh đạo, còn các bạn còn trẻ, các bạn cũng không có quá nhiều điều nổi bật để nói, làm sao để truyền cảm hứng cho người khác.

Trần Thanh Ngân - Nữ thạc sĩ Việt lan toả sức mạnh của lãnh đạo truyền cảm hứng
Ngân luôn quan tâm tới các hoạt động về giáo dục cho các bé có hoàn cảnh khó khăn, 3 năm gắn bó với việc dạy học tại lớp học tình thương Rạch Ông Quận 7, TP. HCM.

 

Nhưng thực sự chúng ta không nhất thiết phải có một chức danh địa vị nào đó mới là một nhà lãnh đạo, mỗi các bạn đều có những câu chuyện, những giá trị riêng của bản thân mình để có thể truyền động lực cho những thay đổi tốt đẹp trong xã hội. Và khi các bạn được trang bị cho mình những kỹ năng này, nó sẽ giúp các bạn nhận thức được và biết cách lan toả các giá trị tốt đẹp cho cộng đồng và những thay đổi tích cực cho xã hội.

 

– Đào tạo về kỹ năng lãnh đạo truyền cảm hứng tại nhiều quốc gia, liệu chị còn nhớ những trường hợp tiêu biểu học trò của mình đã thay đổi ngoạn mục, trở thành những nhà lãnh đạo trẻ tài ba?

Tôi còn nhớ câu chuyện của Ava Johnson, cô là Mỹ gốc Á. Cô lớn lên trong một môi trường gia đình khắc nghiệt và bạo hành từ bố của cô. Điều này làm cho cô luôn muốn thoát ra khỏi môi trường đó, nhưng cô không biết được mình phải bắt đầu từ đâu và mình xứng đáng được đối xử như thế nào.

Qua lớp học, cô đã biết cách dùng câu chuyện của mình để kết nối và truyền sức mạnh cho những người phụ nữ. Từ đó cô đã kêu gọi mọi người tham gia dự án về bảo vệ quyền cho phụ nữ và sau này được United Nation Women hỗ trợ.

Hay câu chuyện của Audrey, nhà sáng lập một startup về công nghệ của USA. Cô đã học được cách truyền cảm hứng qua câu chuyện của mình về đam mê lập trình của cô và những thay đổi tích cực cô mong muốn mang lại cho xã hội. Nhờ đó, cô đã thu hút được rất nhiều người giỏi cùng chia sẻ giá trị với cô về làm việc với start up của mình và cũng đã gọi được vốn đầu tư lớn cho công ty.

Rồi câu chuyện của Huy Nguyễn, bạn có nền tảng trong lĩnh vực sinh học, nhưng lại mong muốn được làm việc trong lĩnh vực data. Bạn đã nộp học bổng để đi du học chương trình thạc sĩ về lĩnh vực này, nhưng 15 lần nộp học bổng đều thất bại. Huy được các thầy cô và những người anh chị mà Huy rất ngưỡng mộ giới thiệu tới học khóa học Public Narrative Leadership.

Huy là học sinh đặc biệt, bạn học đi học lại khóa học rất nhiều lần. Và mỗi lần học bạn lại biết vận dụng nó tốt hơn. Bạn đã biết cách để truyền thông điệp của bản thân mình qua câu chuyện của mình, lần đầu tiên bạn dám kể về những khoảnh khắc tổn thương của mình, và bài học từ đó. Bài luận đã giúp Huy nhận được học bổng thạc sĩ của University of Technology Sydney, Úc để thực hiện ước mơ thay đổi ngành data của mình.

– Ngoài công việc trong lĩnh vực y tế, và việc giảng dạy kỹ năng lãnh đạo, chị dành thời gian cho điều gì?

Ngoài công việc chính, tôi cũng rất quan tâm và tham gia các hoạt động cộng đồng, đặc biệt các chương trình liên quan tới giáo dục cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện được tới trường, tham gia quyên góp và đi dạy các bé ở lớp học tình thương Q7 (ban ngày các bé đi làm phụ gia đình, buổi tối các bé tới học ở lớp học tình thương). Tôi đã gắn bó với các bé gần 3 năm từ khi tôi về Việt Nam.

Tôi là dân khoa học, học chuyên toán từ nhỏ, nhưng cũng rất thích nghệ thuật. Một trong những sở thích cá nhân của tôi chụp hình và làm mẫu ảnh. Qua mỗi bức ảnh cũng là cách tôi nói về chính mình ở những góc cảm xúc khác nhau.

Một sở thích khác của tôi là đọc sách, đặc biệt là các cuốn sách của những người phụ nữ truyền cảm hứng. Một ngày nào đó, tôi cũng muốn viết một cuốn sách kể về những người phụ nữ đầy cảm hứng mà tôi đã may mắn được gặp trong cuộc đời mình. Trần Thanh Ngân - Nữ thạc sĩ Việt lan toả sức mạnh của lãnh đạo truyền cảm hứng

 

Tìm câu trả lời cho chính mình trước khi muốn tác động cộng đồng

– Lan toả sức mạnh của lãnh đạo truyền cảm hứng tới bạn trẻ nhiều nước, chị có định đem nó về với các bạn trẻ ở quê hương Việt Nam?

Tôi luôn mong muốn được giúp thế hệ lãnh đạo trẻ Việt Nam được tiếp cận với những kiến thức và kỹ năng lãnh đạo mới trên thế giới để các bạn có thể trở thành những nhà lãnh đạo hiệu quả, có tầm ảnh hưởng và truyền cảm hứng, đóng góp cho những thay đổi tích cực cho xã hội.

Dự án đào tạo của Vietnam Next Generation Leaders xuất phát từ chương trình được bảo trợ bởi Đại sứ quán Mỹ và tổ chức NGO Clicked từ Nhật Bản, cũng nằm trong mục đích đó của tôi, mang những chương trình lãnh đạo từ Harvard tới các nhà lãnh đạo trẻ Việt Nam.

Qua các chương trình giảng dạy, chính bản thân tôi cũng được học hỏi và truyền cảm hứng rất nhiều từ các câu chuyện của các bạn học viên. Nhìn thấy những ảnh hưởng các bạn mang lại cho nhóm của các bạn, cho công ty, tập đoàn, hoặc các tổ chức xã hội các bạn tham gia, đó là động lực khiến tôi muốn tiếp tục dự án này.

Trần Thanh Ngân - Nữ thạc sĩ Việt lan toả sức mạnh của lãnh đạo truyền cảm hứng

 

– Nếu có lời khuyên dành cho các bạn trẻ trong thời buổi Cách mạng công nghiệp 4.0 với những thay đổi rất nhanh chóng mọi mặt, thạc sĩ sẽ khuyên gì với tư cách một chuyên gia về kỹ năng lãnh đạo?

Với sự thay đổi rất nhanh chóng của xã hội hiện nay, những kiến thức các bạn học được ở trường sẽ trở nên lạc hậu rất nhanh chóng nếu như các bạn không chịu khó học hỏi những điều mới và thích ứng với môi trường mới. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng mở ra cho các bạn rất nhiều cơ hội để học hỏi.

Trần Thanh Ngân - Nữ thạc sĩ Việt lan toả sức mạnh của lãnh đạo truyền cảm hứng
Ngân duyên dáng với tà áo dài truyền thống đi lễ chùa trong lần trở về Việt Nam.

 

Các bạn cũng không cần phải đi đâu xa, ở ngay tại Việt Nam, ở ngay trong chính ngôi nhà mình, các bạn cũng có thể tiếp cận với những chương trình học tập của các trường đại học lớn trên thế giới, gặp gỡ và chia sẻ với những người giỏi ở khắp các nước qua các kênh online. Hãy trang bị cho mình những kỹ năng mềm cần thiết để có thể thích nghi và đáp ứng thật nhanh với sự thay đổi trong bất kỳ môi trường nào.

Năng lực của bạn có được từ kiến thức, kỹ năng và thái độ của bạn. Nhưng thái độ là yếu tố quan trọng nhất, khi có được thái độ đúng thì kiến thức và kỹ năng đều có thể học hỏi được.

Trước khi bắt đầu làm gì, hãy tự hỏi bản thân mình tại sao mình muốn làm điều đó? và khi bạn có câu trả lời cho mình, hãy lan tỏa động lực đó tới những người xung quanh.

Cảm ơn Thạc sĩ Thanh Ngân vì cuộc trò chuyện!

Thế giới bản tin

Vina Aspire – Vì cộng đồng phát triển

Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/nu-thac-si-viet-tai-my-lan-toa-suc-manh-cua-lanh-dao-truyen-cam-hung-20201106002152060.htm

Nguồn bài viết Dân trí
Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ