Ấn tượng khó quên về anh Tư Xê!
Ba mục tiêu và ba phương châm
Gợi chuyện về ông Đoàn Văn Xê, anh Phạm Văn Mầu, nguyên Phó Trưởng Ban tuyên giáo, Chánh văn phòng Đảng ủy ĐSVN đã kể lại về người thủ trưởng của mình với ấn tượng rất sâu đậm. Anh bảo: “Hơn 40 năm công tác trong ngành Đường sắt, được tiếp xúc với nhiều vị lãnh đạo chủ chốt của ngành. Một trong những vị để lại ấn tượng khó quên, một tình cảm vừa mến phục vừa nuối tiếc, đó là Tiến sỹ Đoàn Văn Xê, người cầm lái ngành Đường sắt từ tháng 12-1988 đến tháng 9-1999.
Cuối năm 1988, sau khi hoàn thành nhiệm vụ cố vấn cho ngành GTVT nước bạn Campuchia trở về, Thứ trưởng Bộ GTVT Đoàn Văn Xê nhận quyết định kiêm chức Tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt. Lúc bấy giờ, ngành Đường sắt đang gặp nhiều khó khăn chồng chất. Nỗi lo việc làm và đời sống cho 65.000 CBCNV đã là một vấn đề nan giải.
Tiến sỹ Đoàn Văn Xê, người cầm lái ngành Đường sắt từ tháng 12-1988 đến tháng 9-1999. |
Ngành Đường sắt có tổng số hơn 3000 km thì chỉ có 98 km trên tuyến đường sắt Thống nhất chạy được tốc độ 60 km/h. Hàng nghìn km là đường sắt ray nhỏ, tà vẹt mục. Có hơn 500 đầu máy thì đa phần là đầu máy hơi nước hoặc diezen công suất nhỏ chế tạo từ những năm 50 của thế kỷ 20. Trong số toa xe hiện có thì 73% toa xe quá đát sử dụng và cũng chỉ có khoảng 70% toa xe có van hãm an toàn. Nạn mất cắp phụ tùng vật tư đường sắt, nạn hàng rong nhức nhối trên tàu dưới ga…
Phải bắt đầu từ đâu, bằng giải pháp nào, đó thực sự là những câu hỏi hóc búa với ban lãnh đạo ngành Đường sắt mà trước hết là người đứng mũi chịu sào- ông Đoàn Văn Xê.
Ngày 24-12-1988, sau 12 ngày trở lại với ngành, trước hội nghị CBCNV toàn ngành Đường sắt, ông Đoàn Văn Xê đã có bài phát biểu ngắn gọn nhưng cực kỳ tâm huyết đưa ra những mục tiêu cơ bản nhất để tiến hành công cuộc đổi mới ở ngành Đường sắt.
Đến nay nhiều người còn nhớ các mục tiêu: “Làm cho nhân dân bớt kêu, cán bộ ngành Đường sắt bớt khổ, nhà nước bớt gánh nặng với ngành”. Cùng với đó là phương châm hành động ba không: “Không quay lại tình trạng mất đoàn kết nội bộ; Không để một tổ chức, cá nhân nào có quyền lực không có trách nhiệm, có quyền lợi mà không làm nghĩa vụ; Không để một vật chất cụ thể nào không có người làm chủ cụ thể”. Những mục tiêu và phương châm ấy được đề ra vào thời điểm ấy đối với ngành Đường sắt thực sự có giá trị dẫn đường, nó đã được tập thể Ban lãnh đạo và toàn thể CBCNV tiếp nhận để trở thành quyết tâm chính trị của toàn ngành những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới.
Năm thành tựu đáng nhớ
Việc đề ra phương châm và mục tiêu đổi mới đúng đắn và có sức tập hợp cao đã khó, thực hiện có hiệu quả còn khó hơn nhiều. Trong những năm tại vị, ông Đoàn Văn Xê đã theo đuổi tới cùng bằng một quyết tâm và lòng hăng say hiếm có. Đến nay thành quả thì mọi người đã thấy, nhưng theo nhiều đồng nghiệp của ông, thời ông Đoàn Văn Xê có năm cái được hay năm thành tựu để đời. (Dĩ nhiên đây không phải là công lao của mình ông Đoàn Văn Xê mà là công lao của cả một thế hệ anh chị em Đường sắt đã kề vai sát cánh cùng ông).
Thứ nhất, trong điều kiện cơ sở hạ tầng đường sắt yếu kém, lạc hậu, nhà nước chưa có điều kiện đầu tư lớn, nhưng bằng cách phát huy cao độ nội lực sáng tạo của CBCNV cùng ý chí dám làm dám chịu trách nhiệm tới cùng, ngành Đường sắt đã liên tục thực hiện việc rút ngắn hành trình tàu khách trên các tuyến, tiêu biểu là tuyến Thống nhất từ 64 giờ được rút xuống còn 32 giờ tháng 5-1999.
Thứ hai, đã xây dựng và được các cơ quan nhà nước chấp nhận thuyết minh cơ sở kinh tế đặc thù của ngành Đường sắt, để bắt đầu từ năm 1995 ngành được hoạt động trên một “sân chơi bình đẳng” của cơ chế thị trường. Đã xây dựng những nội dung cơ bản Quy hoạch chiến lược phát triển ĐSVN đến năm 2020 để đến đầu năm 2002 làm cơ sở cho ngành thực hiện việc CNH-HĐH.
Tác giả trò chuyện với ông Đoàn Văn Xê |
Thứ ba, đã xây dựng và ban hành một hệ thống cơ chế quản lý nội ngành từng bước phù hợp với cơ chế thị trường theo định hướng XHCN. Làm cho ý thức làm chủ cụ thể đến với người lao động và ý thức kinh doanh của ngành Đường sắt không còn bó hẹp trên đôi ray cũ kỹ, lạc hậu.
Thứ tư, trong 10 năm đổi mới (1989-1999) thu nhập của người lao động trong ngành Đường sắt đã tăng lên gấp 3 lần. Nhiều công trình thể thao văn hóa được xây dựng, trong đó có nhà truyền thống và cuốn lịch sử ĐSVN. Phong trào xây dựng nhà ga, đơn vị theo tiêu chuẩn: “Chính quy- Văn hóa- An toàn” cũng được bắt đầu từ giai đoạn này.
Thứ năm, trong thời ông Đoàn Văn Xê tại vị, đã có một thế hệ cán bộ trẻ được ông đào tạo khá bài bản, trưởng thành lên thay thế lớp đàn anh đảm trách nhiệm vụ tiếp tục đưa ĐSVN đi trên con đường đổi mới.
Nhiều thành tích như vậy, chả lẽ ông Đoàn Văn Xê không có khiếm khuyết gì? Trả lời câu hỏi của tôi, một bạn đồng nghiệp của ông bảo: “Có chứ, làm người sao tránh hết những thiếu sót, sai lầm.
Nhưng thôi hãy học thói quen khi nghĩ về ai chỉ nên nhớ đến những điều tốt đẹp mà họ đã có, vì những điều tốt đẹp mới có sức sống bền lâu hơn cả đời người ”. Ông Đoàn Văn Xê đã vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng với nhiều người trong ngành GTVT, ấn tượng về ông Tư Xê thật khó quên.