Chiêu thức nhỏ giữ chân nhân sự: Thay vì mua quà tặng trẻ ngày 1/6, CEO Việt yêu cầu tất cả lãnh đạo ngưng tiếp khách trong 2 giờ, để tiếp chuyện con các nhân viên từ cấp thấp nhất
Chiêu thức nhỏ giữ chân nhân sự: Thay vì mua quà tặng trẻ ngày 1/6, CEO Việt yêu cầu tất cả lãnh đạo ngưng tiếp khách trong 2 giờ, để tiếp chuyện con các nhân viên từ cấp thấp nhất.
Tại tọa đàm “Vươn tầm nội lực – Hội nhập toàn cầu” tổ chức bên lề sự kiện khởi động Giải thưởng Vietnam HR Awards 2018, các diễn giả đều đồng tình với quan điểm cho rằng doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp “cá lớn” nhờ sự sáng tạo và linh hoạt.
Nếu cứ dùng cách tăng lương để giữ người, hôm nay bạn tăng 10 – 15% để “câu” người của đối thủ, thì ngày mai cũng có DN khác tăng lương 10 – 15% để “giật” người của bạn. Câu chuyện “tăng lương giật người” cứ thế chẳng bao giờ chấm dứt. Sao không sáng tạo những thứ giá trị để nhân viên thấy rằng những điều đó quan trọng hơn mức tăng 15% mà DN nào đó ngoài kia đang offer?
Lãnh đạo ngưng tiếp khách trong 2 giờ đồng hồ để tiếp những vị khách nhí đáng quý của nhân viên
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Năm 2005, sau khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam , bà Đàm Bích Thủy đã áp dụng một chính sách rất đơn giản nhưng thời điểm ấy chưa có ai làm, thậm chí nhiều người đã cho rằng bà “bị điên mới làm chuyện này”.
Tết thiếu nhi 1/6, đã thành thông lệ, hầu hết các công ty đều dành một khoản tiền mua quà cho các em nhỏ. Bộ phận nhân sự sẽ mua quà, gói lại và giao cho bố mẹ để tặng lại các con.
Năm ấy, tân Giám đốc ANZ Việt Nam đề nghị phòng HR bỏ chuyện tặng quà. Thay vào đó, bà yêu cầu tất cả ngừng tiếp khách ngân hàng trong 2 tiếng đồng hồ để tiếp con nhân viên.
“Tôi không tin những gói quà này có ý nghĩa. Vấn đề không nằm ở giá trị đồng tiền, nhưng chắc gì gói quà bạn mua phù hợp với con bạn A, bạn B?”, bà Thủy, nay là Hiệu trưởng ĐH Fullbright Việt Nam kể lại.
Tất cả con các nhân viên từ cấp thấp nhất được mời đến công ty, đội ngũ lãnh đạo sẽ trò chuyện, giới thiệu với các cháu về từng chỗ bố mẹ cháu ngồi, bố làm gì, mẹ làm gì…
“Không có gì động đến tình cảm của nhân viên bằng việc con cái biết công việc họ làm hàng ngày và cảm thấy rất tự hào. Cuối mỗi ngày bố mẹ đi làm về, con đều hỏi hôm nay chỗ bố ngồi có gì, bàn chỗ mẹ làm sao không”.
“Đó là việc đơn giản nhưng có tác động tới người lao động lớn hơn rất nhiều. Điều này đòi hỏi người làm HR đặt mình vào vị trí người lao động để hiểu việc gì cần. Đấy là lý do vì sao chúng tôi nói về lợi thế của các doanh nghiệp nhỏ. Các bạn có rất nhiều dư địa để nghĩ ra những cách làm sáng tạo, tác động đến tình cảm, tâm tư người lao động nhiều hơn rất nhiều việc gói quà, mua đồ chơi vào ngày 1/6”, bà Thủy nhắn nhủ.
Với các DN lớn đã phát triển, bà Thủy cho rằng thay vì chỉ chú trọng đến việc tăng mức độ lương thưởng, các nhà quản trị HR nên nhìn xa hơn và mạnh dạn hơn trong việc “xé rào” các đề xuất về chính sách nhân sự để không chỉ đảm bảo nhu cầu, quyền lợi của nhân viên, mục tiêu của DN mà không đi ngược lại những quy định chung nhất của công ty mẹ quản lý.
Không quan tâm đến con người thì đừng làm sếp!
Chia sẻ về trách nhiệm của người lãnh đạo trong chính sách đối với nhân sự, bà Thủy cho rằng với một ngành dịch vụ, điều tất yếu là phải làm việc với con người, dù có muốn tránh thế nào đi nữa.
“Quan điểm của tôi là nếu đội ngũ lãnh đạo không quan tâm đến vấn đề con người thì có lẽ không nên có người ấy ngồi ở vị trí leadership trong công ty”.
“Có nhiều người nói Tôi rất giỏi làm sản phẩm thì thôi miễn cho tôi việc deal với con người. Nhưng trên thực tế anh làm sản phẩm mà không biết nhân viên Sales làm gì, nghĩ gì, vậy khi đẩy họ ra tương tác với khách hàng họ sẽ hành xử thế nào”, bà Thủy đặt vấn đề.
Bà cũng cho rằng vấn đề con người phải là vấn đề được tất cả lãnh đạo trong công ty cảm thấy đây là vấn đề của chính mình, rất thiết thực với mình.
Quan điểm của tôi là nếu đội ngũ lãnh đạo không quan tâm đến vấn đề con người thì có lẽ không nên có người ấy ngồi ở vị trí leadership trong công ty
“Nếu chỉ nghĩ outsource tất cả vấn đề nhân sự cho bộ phận HR từ tuyển đến đuổi, tôi không nghĩ đấy là chuyện giữ được nhân viên lâu dài. Nhân viên sẽ nhìn thấy ngay, sẽ quay vòng, và sẽ rất khó để duy trì một nét văn hóa ở công ty”, bà Thủy nói.
Cũng theo các diễn giả, ở bất kỳ một quy mô DN nào thì người lãnh đạo cũng đóng một vai trò quan trọng. Hình tượng của người lãnh đạo sẽ tạo ra những tác động rất “ép phê” tới từng nhân viên cũng như thái độ làm việc và cống hiến của họ.
Vì thế, các chính sách nhân sự hiện tại cần chú ý tạo được cơ hội tương tác trực tiếp và thường xuyên giữa lãnh đạo công ty và nhân viên các cấp, từ đó tạo sự kết nối lan tỏa giữa toàn thể DN. Bởi chỉ khi từng nhân viên, dù ở cấp bậc nào, tin rằng họ đang được lắng nghe, DN mới có thể tạo được thái độ và tinh thần làm việc tích cực, theo một mục tiêu chung.
Giải thưởng Vietnam HR Awards 2018 do Talentnet phối hợp cùng Báo Lao động & Xã hội vừa chính thức khởi động với nhiều cải tiến mới phù hợp cho mọi loại hình doanh nghiệp tham gia. Những điểm mới của mùa giải năm nay bao gồm: cơ cấu và hạng mục mới, phương pháp chấm giải chuyên sâu được bổ sung phần Khảo sát nhân viên và các quyền lợi thiết thực hơn cho doan nghiệp (DN) tham gia và thắng giải.
Ngoài sự ghi nhận hợp pháp cùng sự tư vấn từ hội đồng thẩm định dày dạn kinh nghiệm, ngay từ lúc đăng ký tham gia và trong suốt quá trình thi, DN đã có thể được học hỏi và tự đánh giá lại chiến lược nhân sự của mình so vơi các công ty trên thị trường và thông qua Khảo sát nhân viên để rút ra được những “tư liệu” hoàn thiện chiến lược HR trong tương lai.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: cafef.vn