Chuyện cuối tuần: Nếu được chọn, ai cũng “ước” sếp mình như những vị Vua trên bàn cờ vua
Tướng trên bàn cờ tướng chỉ loanh quanh trong “cung” của mình, còn Vua trên bàn cờ vua có thể tung hoành khắp bàn cờ mà không cần “vệ sỹ” kế cận.
Có rất nhiều bộ phim hay, nổi tiếng thường có những trận chiến được mô tả qua chính những ván cờ, được thua cũng được thể hiện luôn trên bàn cờ. Cờ không còn đơn thuần là cuộc đấu trí của 2 nhân vật, mà có khi còn là cả cuộc chiến. Điều này không chỉ thể hiện ở những bộ phim về võ thuật, về binh lược mà cả những bộ phim về kinh doanh.
Do vậy, có những người thường xuyên chơi cờ để nâng cao tư duy, tăng cao khả năng sáng tạo và đặc biệt là tính “tĩnh” của bản thân. Một “cao nhân” đã từng rút ra nhiều bài học rất hay từ chính những quân cờ tướng, cờ vua, và chia sẻ để mọi người cùng suy ngẫm.
Bài học về tư duy lãnh đạo
Một trong những bài học về tư duy nhân sự qua cách chơi cờ đó là tư duy lãnh đạo. Tướng – quân cờ quan trọng nhất trong bàn cờ tướng lại chỉ đi loanh quanh trong một khoảng không gian hẹp, luôn phải có hai con sĩ bảo vệ hai bên. Và Tướng thật sự sẽ rất nguy cấp khi quân sĩ tử nạn. Còn Vua trong bàn cờ vua lại rất năng động, tự mình đi khắp bàn cờ và có thể tham gia chiến đấu mà không cần thiết phải có “vệ sỹ” kế cận.
Trong kinh doanh, những lãnh đạo không năng động, không sáng tạo, chăm chăm ngồi một chỗ chỉ tay chờ nhân viên mang thành quả về thì cũng như những ông Tướng trên bàn cờ tướng, không chịu vận động và tạo những bước đi đột phá cho nhân viên và công ty. Những vị lãnh đạo này cũng là những người có khả năng chiến đấu, khả năng chống cự thấp nhất.
Nếu được lựa chọn, chắc chắn ai cũng mong “sếp” của mình như những vị Vua trên bàn cờ vua, xông pha đó đây, tự mình có thể tạo nên những bước đột phá trong công việc. Là những lãnh đạo không chỉ ngồi yên, mà lúc cần cũng có thể tự mình tham gia vào những chỗ khó khăn nhất, động viên tinh thần nhân viên làm việc.
Tuy nhiên, nếu là 1 người thích chơi cờ tướng, hẳn bạn cũng không quên rằng cờ tướng cũng có luật 2 tướng không thể “mặt đối mặt” mà không có một quân nào ngăn cản ở giữa – hay còn hiểu là không thể “lộ mặt tướng”. Điều này cũng có nghĩa, nếu Tướng nào chiếm được “lộ” chính giữa thì có thể khiến tướng đối phương mất tới 2/3 cung của mình mà không cần phải xâm nhập thực địa. Trong kinh doanh cũng vậy, có những vị sếp dù quanh năm không thể hiện mình, nhưng có những hoàn cảnh đặc biệt tác động thì họ cũng có thể vùng lên, tạo nên sự khác biệt, gây dựng lại niềm tin cho nhân viên.
Thuật dùng người
Trên bàn cờ tướng cũng như cờ vua, Tốt là nhiều nhất, cũng là lớp “thấp” nhất trên, là quân cờ luôn luôn nằm trong diện “bị hy sinh” khi cần. Đây là bài học về tư duy nhân sự đắt giá.
Con tốt trong cờ tướng khi vượt qua nguy hiểm, sang sông giết địch, được “thăng tiến” một chút để có thể tự do tung hoành hơn, nhưng nếu cứ vẫn tiến lên đi đến cuối bàn cờ thì nó thành vô dụng, không còn khả năng lùi bước hay còn gọi là Tốt lụi. Cũng vậy, khá nhiều nhân viên cấp dưới dễ trở thành con tốt trên bàn cờ nhân sự. Chỉ những sai sót nhỏ họ cũng có khả năng bị đổ lỗi, bị đưa ra làm bia đỡ đạn.
Trong khi đó, con tốt trong cờ vua sau khi đã phấn đấu tích cực, liều mình xông pha đi đến tận cùng đất địch thì được tôn vinh công trạng và đãi ngộ xứng đáng. Lúc đó nó có quyền biến thành bất kỳ quân cờ nào có đẳng cấp cao hơn, trừ vua. Đây cũng là những nhân sự dưới quyền những vị lãnh đạo sáng suốt. Họ luận công ban thưởng xứng đáng cho những gì nhân viên làm được. Họ sẵn sàng cất nhắc, đề cử những nhân viên có năng lực để họ rộng đường phát triển. Và cũng vì thế, những nhân viên đó ngày càng tích cực, sáng tạo và cống hiến hết mình, gắn bó hết mình với công ty.
Xuất phát điểm của bạn có thể thấp. Bạn có thể không phải là thiên tài… Nhưng chỉ cần thực sự nỗ lực và kiên trì theo đuổi đam mê đến cuối cùng – bạn sẽ thành công! Henry Ford từng nói “Bạn nghĩ bạn không thể hoặc có thể. Bạn đều đúng“. Chỉ cần bạn tự tin vào chính mình và dám thử thách, dám chinh phục bạn sẽ như quân Tốt có sức mạnh phong cấp vô song để chiếm lĩnh mọi Thành công.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng có bài thơ về học đánh cờ: “Lạc nước, hai xe đành bỏ phí – Gặp thời, một tốt cũng thành công”.
Bài học về tư duy chủ động
Trong cờ tướng, rất nhiều “chiến binh” thường xuyên bị hạn chế năng lực, ví dụ như quân tượng không thể qua sông, quân pháo thì cần ngòi mới ăn được đối phương, quân mã cũng bị cản trong một số trường hợp nhất định.
Đây cũng là biểu hiện của những nhân viên luôn luôn “làm 5 nhận lương 10”, những nhân viên chỉ muốn làm một nửa năng lực nhưng lại luôn muốn nhận lương cao. Không những vậy, đây cũng là hình ảnh của 1 vị “sếp” cố chấp, luôn muốn xem mình là trung tâm và luôn kìm hãm sự phát triển của các nhân tài bởi sợ họ sẽ “công thành” vượt qua vị trí của mình. Đấy cũng là rào cản cho sự phát triển của nhân viên của những vị lãnh đạo có tư duy hạn hẹp.
Còn trên bàn cờ vua, các quân mã không bị cản, quân tượng có thể đi khắp bàn cờ, quân xe và quân hậu tung hoành ngang dọc, linh hoạt, chủ động và tự do. Đây cũng là môi trường làm việc năng động, phù hợp cho nhân viên phát triển khả năng, tư duy và óc sáng tạo trong công việc. Nếu mỗi nhân viên đều như những quân xe, quân hậu, quân pháo, quân tượng trên bàn cờ vua thì chắc chắn công ty sẽ không ngừng phát triển.
Trên bàn cờ vua, quân Tượng mang trong mình phong thái của một nhà hoạch định chiến lược. Tượng đặc biệt phát huy năng lực trong cờ mở – khi thị trường trở nên rõ ràng, thông thoáng. Còn khi cục diện rơi vào “thế bí”, Mã lại là cánh tay đắc lực với vô số phương án xuất quân, xâm nhập vào thành trì đối phương. Còn Xe như những người nắm giữ tài chính cho doanh nghiệp, luôn vững chãi, kiên trì. Hình tượng quân Xe trên bàn cờ vua cũng là hình 1 thành lũy vững chắc khó bị công phá. Thêm sự hỗ trợ từ CEO Hậu – người nắm quyền điều binh khiển tướng, bố trí nhân sự và cũng sẵn sàng xông pha sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp cho doanh nghiệp.
Bài học về tư duy hỗ trợ
Trong cờ tướng, chỉ có 2 con tốt may mắn đứng trước con xe là có sự bảo vệ của cấp lãnh đạo ngay từ đầu, các con tốt còn lại đều phải nằm trong vùng nguy hiểm, không được bảo vệ bởi những quân tướng lãnh phía sau.
Còn trong cờ vua, tất cả các con tốt đều được bảo vệ và hỗ trợ phía sau bởi một hoặc vài tướng lĩnh cấp cao như xe, tượng mã, hậu – không con nào bị nguy hiểm hơn con nào, thể hiện sự công bằng trong đãi ngộ. Nhờ đó con tốt trong cờ vua có thể tự tin tiến lên phía trước không chỉ 1 mà 2 ô vì luôn tin rằng khi mình xông pha vì mục tiêu chung thì phía sau luôn có cấp trên ủng hộ.
Nếu một nhân viên luôn cảm thấy phía sau mình là sự ủng hộ của tập thể, của các lãnh đạo thì họ sẽ tự tin trong mọi công việc, họ cũng tin rằng mình sẽ nhận lại những gì xứng đáng với công sức mình bỏ ra. Còn những nhân viên không nhận được sự ủng hộ từ phía sau, họ chắc chắn sẽ “bàn lùi” trong mọi vấn đề, luôn giữ mình trong “vỏ bọc” an toàn nhất có thể mà không cố bứt phá để gánh lấy nguy hiểm 1 mình.
Bài học về sự bình đẳng, tôn trọng người tài
Trên bàn cờ tướng, cạnh vua là 2 con sĩ chỉ biết loanh quanh cạnh tướng để bảo vệ, đại diện cho hình ảnh những người chỉ lo nịnh nọt cạnh lãnh đạo, không có thực tài nhưng lại được lãnh đạo cất nhắc cho ở gần bên. Những quân sĩ cũng như những vị quân sư, hay đơn giản hơn là những “trợ lý” bên cạnh lãnh đạo. Nếu có chiến công, những “công trạng” của họ cũng thầm lặng nhất.
Còn trong cờ vua, đứng cạnh quân Vua là Hậu – một trong những quân cờ thế lực nhất trên bàn cờ ngoài Vua. Hậu có thể đi ngang, dọc, chéo khắp nơi trên bàn cờ, có thể thoắt ẩn thoắt hiện ngay cuối bàn cờ để hỗ trợ tối đa cho Vua và các quân khác.
Một doanh nghiệp nếu có 1 CEO quyền lực và năng động như Hậu sẽ hoàn toàn yên tâm cả trong khâu bố trí nhân lực, tư duy lãnh đạo và hỗ trợ nhân viên. Quân Hậu cũng được nhận lại những gì tương xứng nhất khi những nhân viên dưới quyền luôn cố công bảo vệ Hậu để nhận lại những đặc quyền nhất định mà Hậu làm cho họ. Những nhân viên này luôn ý thức được rằng hỗ trợ lãnh đạo, hỗ trợ công ty là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của chính mình.
Nhân ngày 8/3 cũng nêu thêm rằng, chỉ trong cờ vua mới có quân Hậu, là quân đại diện cho phái nữ duy nhất trên bàn cờ, và cũng là quân có năng lực mạnh nhất. Điều này thể hiện sự tôn trọng khả năng của người phụ nữ, khi có thực tài thì dù là phụ nữ vẫn có thể đảm nhiệm được trọng trách quan trọng trong xã hội.
Hiện trên thương trường, không ít những lãnh đạo nữ đã nổi danh không khác gì nam giới, họ đảm trách nhiều vị trí quan trọng trong những tập đoàn lớn.
Bài học về sự tin tưởng
Những người yêu mến môn cờ vua cũng sẽ biết đến luật “Nhập thành” dù phương án này rất hiếm khi dùng đến. “Nhập thành” là khi quân vua rời khỏi vị trí của mình và di chuyển qua 2 ô về phía quân xe tham gia nhập thành, và sau đó di chuyển quân xe tới ô mà quân vua vừa di chuyển qua sao cho nó nằm ngay bên cạnh quân vua.
Những lãnh đạo giám tiến hành bước “nhập thành” cũng là những lãnh đạo đặt niềm tin tuyệt đối vào nhân viên. Đây là bước đi mạo hiểm nhưng cũng là bước đi bất ngờ để tạo nên đột phá mới trong công việc.
Tào Tháo nổi tiếng đa nghi nhưng lại có triết lý “Dùng người thì phải tin, mà đã không tin thì không dùng“.
Ngày nay, việc trao quyền lead cho 1 cá nhân để họ tự quyết trong chính dự án của họ đã không còn hiếm. Trong chức trách và chuyên môn của mình, những lãnh đạo cấp cao sẽ đề bạt những CEO nhỏ hơn cho từng bộ phận, dự án do họ đảm trách. Những CEO này sẽ tự “giải tán” khi công việc đó hoàn thành, và họ sẽ có cơ hội phấn đấu để được làm CEO những lần tiếp theo.
Bài học về lợi ích khi làm việc theo nhóm
Trên bàn cờ tướng bạn cũng không thể quên Pháo – một trong những quân cờ năng động ngang ngửa với xe. Cũng như xe, pháo có thể di chuyển rất rộng trên bàn cờ. Tuy nhiên, khi “ăn” quân khác pháo cần 1 chút hỗ trợ “làm nòng”. “Nòng” cho pháo có thể dùng từ quân mình hoặc chính quân đối thủ.
Đây cũng là tư duy, tinh thần làm việc theo nhóm, nếu 1 nhóm hỗ trợ tốt cho nhau, làm bàn đạp cho nhau để cùng tiến thì chắc chắn công việc sẽ sớm được hoàn thành. Còn nếu “việc ai người nấy lo” thì chắc chắn cũng như pháo kia, không thể tự mình “ăn” quân địch.
Không chỉ làm việc theo nhóm, kể cả những đối thủ cũng hoàn toàn có thể trợ giúp nhau như là pháo có thể mượn “nòng” từ đối phương. Trong kinh doanh, cạnh tranh là điều cần thiết, nhưng hỗ trợ nhau cùng phát triển lại càng cần thiết hơn. Có những bài học đắt giá về bán hàng đã từng xảy ra.
Lấy ví dụ, 2 cửa hàng cạnh nhau cùng bán 1 loại hàng hóa. Có 1 khách hàng vào cửa hàng A đặt mua số lượng lớn hàng. Trong thời gian ngắn A không thể cấp đủ số hàng đó, trong khi cửa hàng B bên cạnh cũng có loại hàng đó (và nếu 1 mình B cũng không thể đủ hàng). Kịch bản xảy ra, nếu A không kết hợp cùng B, hoặc B không chịu hỗ trợ cho A “mượn” hàng, thì chắc chắn đơn hàng lớn sẽ rơi vào tay C, D E nào khác, và cả A, B đều không được lợi gì. Và còn mất nhiều hơn nữa trong tương lai khi mất đi một khách hàng tiềm năng.
Nếu B hỗ trợ hết mình, cho A “mượn” số hàng cần thiết, thì đến một ngày nào đó khi B cần, chắc chắn A cũng sẽ là cái “nòng” cho B tiến lên. Người xưa thường có câu “buôn có bạn, bán có phường” cũng là việc hỗ trợ nhau lúc cần thiết trong kinh doanh. Do vây, trên bàn cờ tướng, nếu 2 pháo cùng công, hỗ trợ cho nhau, cùng làm “nòng” cho nhau – hay còn gọi là PHÁO GÁNH – sẽ nhân 3, nhân 4 sức mạnh.
Những quân tốt trên bàn cờ vua cũng vậy, khi chúng liên kết với nhau sẽ tạo nên những sức mạnh không tưởng, chúng có thể bảo vệ cả vùng đất rộng lớn trước và sau lưng chúng. Cũng vậy, nếu một nhóm làm việc đoàn kết, cùng hỗ trợ tốt cho nhau thì không những sức mạnh tăng lên, mà khả năng “uy hiếp” đến đối phương cũng lớn hơn rất nhiều.
Người chơi cờ là một nhà kinh doanh, có thể vừa chơi cờ vừa đóng vai một quân trên bàn cờ, hoặc có thể thích thú điều binh khiển tướng để những quân binh trên bàn cờ “choảng” nhau theo dự tính của mình. Tuy nhiên chiến thắng của một ván cờ đòi hỏi sự phối hợp của tất cả lực lượng.
Ngạn ngữ Ai-len có câu “Xong ván cờ, tướng hay tốt đều về chung một hộp”.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: thuongtruong24h.vn