Từ trải nghiệm của The KAfe: Làm sếp thì phải cô đơn, vì chẳng nhân viên nào cần họ trở thành bạn
Khi trở thành sếp, bạn cần biết đẩy nhân viên khỏi vòng an toàn, thúc đẩy họ bằng các kỳ vọng không ngừng, thay vì cố tạo ra môi trường thân thiện, hạnh phúc. Sự cô đơn giống như món quà kèm theo chiếc ghế quyền lực, điều mà cả founder The KAfe hay CEO MOG đều phải thừa nhận.
Dưới đây là câu chuyện của Chris Myers – người từng là CEO và founder của một công ty startup – viết trên tạp chí Forbes chia sẻ về cách mà một nhà lãnh đạo thực sự phải trải qua khi ngồi trên chiếc ghế quyền lực.
Thời mới đi làm, Chris Myers chỉ là một nhân viên bình thường. Khi đó, anh chàng làm việc dưới trướng của một người luôn khinh khỉnh nhân viên của mình. “Cho dù bạn có làm gì đi chăng nữa, anh ta cũng chẳng bao giờ hài lòng”.
Khi tinh thần của cả nhóm Chris bị tổn thương, anh dành nhiều thời gian để giải mã hành vi của vị sếp nọ. Mặc cho mọi cố gắng, Chris cuối cùng buông xuôi và cho rằng mình chẳng bao giờ có thể hiểu được vì sao vị sếp lại luôn giữ thái độ như vậy với nhân viên của mình.
Ký ức đó hằn sâu trong tâm trí Chris đến nỗi nhiều năm sau, khi tự mở riêng một công ty, anh đã thầm hứa không bao giờ trở thành bản sao của kiểu lãnh đạo như vậy. Chris muốn tạo ra môi trường mà ở đó mọi người cảm thấy mình được trao quyền, được đánh giá cao và hạnh phúc khi làm việc nhóm.
Thế nhưng, mọi cố gắng xây dựng một môi trường hoàn hảo đã chệch đường. Thay vì thúc đẩy nhóm, Chris làm mọi cách để kết bạn với mọi nhân viên. Dù tránh được mọi xung đột, đặt ra những kỳ vọng mơ hồ nhưng những gì Chris đạt được chỉ là thất bại.
Cuối cùng, Chris nhận ra rằng: Nhân viên cần một người lãnh đạo, chứ không phải một người bạn.
Lãnh đạo giống như làm cha mẹ, cho quà nhiều con cái sẽ hư hỏng
Khi bạn là cha mẹ, bạn yêu con nhiều đến nỗi luôn muốn mua quà, làm theo mọi điều chúng muốn. Điều cám dỗ là, càng cho quà nhiều, con cái càng yêu hơn khiến bạn ngày càng sa lầy vào việc mua quà, đáp ứng nhu cầu.
Nhưng việc nuôi dạy con cái vốn không phải trò vui, đó phải là trách nhiệm dạy chúng trưởng thành theo năm tháng, tự đứng vững và đạt được thành công của riêng mình. Điều đó cần có kỷ luật, sự cống hiến và cả những quyết định khó khăn. Cũng có nghĩa, nếu muốn những điều tốt nhất cho con, bạn phải là phụ huynh, trước khi là bạn của chúng.
Logic tương tự được áp dụng khi quản lý một tập thể. Là một lãnh đạo, đôi lúc bạn sẽ cảm thấy nhóm tốt khi mọi người được nghỉ ngơi, thoải mái và vui vẻ và bản thân được nhìn nhận như một vị sếp vui tính. Nhưng giống như nuôi dạy con cái, việc lãnh đạo đòi hỏi nhiều hơn thế, bởi sẽ không thể giúp đội nhóm phát triển, trưởng thành và đạt được mục tiêu nếu không thúc đẩy họ.
Nếu không đặt ra những kỳ vọng cho nhóm, đẩy nhân viên ra khỏi vùng an toàn, yêu cầu mọi người có trách nhiệm, điều ấy chứng tỏ bạn đang thất bại trong vai trò quan trọng nhất của một nhà lãnh đạo. Cố gắng trở thành bạn tốt với mọi nhân viên về cơ bản chỉ là một hành động ích kỷ trên cương vị làm sếp mà thôi.
Tránh xung đột chỉ làm mọi việc thêm tồi tệ
Chẳng ai muốn làm điều sai trái. Sự khác biệt trong nhận thức và tư duy là khởi nguồn cho những hành vi gây thất vọng hoặc không đạt được mục tiêu đặt ra. Với kinh nghiệm của bản thân, tôi nhận thấy việc tránh một xung đột vào thời điểm nó cần xảy ra chỉ giống như tránh vỏ dưa lại gặp đá tảng, là nguyên nhân đẩy mọi chuyện tồi tệ hơn.
Thay vào đó, người lãnh đạo cần truyền đạt yêu cầu và kỳ vọng của mình với cấp dưới càng rõ càng tốt. Ví như ở công ty tôi, không phải vấn đề nếu phần lớn mọi người chỉ làm việc ở văn phòng từ 8h30 đến 17h30. Nhưng với số ít khác, do đặc thù công việc, họ cần đến văn phòng muộn nhất lúc 8h.
Tôi từng phải tự đấu tranh với bản thân rất nhiều về vấn đề này. Ban đầu, tôi hy vọng mọi người tự hiểu và làm đúng, thay vì đưa ra tiêu chuẩn và các chế tài cụ thể. Kết quả là việc tránh nói một cách trực tiếp, tránh động chạm đến bất cứ ai khiến tôi trở nên hèn nhát, còn kỷ luật công việc mất tính hiệu quả.
Lẽ ra lúc đó việc tôi cần chỉ là làm một động tác đơn giản: Nói chuyện với các thành viên, giải thích tình hình và cho họ biết tôi mong họ thực hiện đúng những điều mình muốn như thế nào. Chỉ vì tránh xung đột, tôi khiến nhân viên mơ hồ, nhầm lẫn, khiến chính họ và bản thân thất vọng.
Chấp nhận cô đơn khi là lãnh đạo
Mọi người vẫn tán đồng với nguyên lý lãnh đạo hình kim tự tháp, nơi vị vua ngồi trên đỉnh và được hỗ trợ bởi các thành viên, đội ngũ trong nhóm – những người cố gắng làm vị vua của mình hài lòng. Nhưng đỉnh cao của nghệ thuật lãnh đạo lại là mô hình kim tự tháp ngược, nơi toàn bộ tổ chức dựa vào một lãnh đạo duy nhất để hỗ trợ nỗ lực của họ.
Và thế là làm sếp phải chấp nhận cô đơn. Bạn sẽ bị loại tên trước nhất ra khỏi danh sách những người tham gia buổi tụ tập của nhân viên, đẩy mọi người lên trước trong khi mình đi sau hối thúc. Tất cả điều đó đòi hỏi tính kỷ luật, sự hy sinh và lòng can đảm.
Đôi lúc, ngay cả khi đã làm điều đúng đắn nhất cho cả nhân viên và tập thể, bạn vẫn bị ghét bỏ. Đơn giản đó là do nhân viên cần một người lãnh đạo, chứ không phải bạn bè.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Theo cafef.vn