Làm gì để có cuộc sống hạnh phúc

0

5 đặc điểm của những người có cuộc sống hạnh phúc.

 

Đức Đạt Lai Lạt Ma hay nói rằng ‘Mục đích của cuộc sống là hạnh phúc’ (the purpose of lives is to be happy). Nhưng câu hỏi đặt ra là cái gì làm cho chúng ta hạnh phúc? Tiền tài? Vật chất? Danh vọng? Hoá ra, có cả một khoa học gọi là ‘Science of Happiness’ (Khoa học về hạnh phúc) chuyên nghiên cứu về các yếu tố liên quan đến hạnh phúc, và dưới đây là 5 đặc điểm của những người hạnh phúc.
 
Trước khi liệt kê 5 đặc điểm hạnh phúc, xin mở ngoặc để nói thêm rằng hạnh phúc ở đây là hiểu theo nghĩa tiếng Anh ‘happiness’. Hạnh phúc theo nghĩa này là một trạng thái tinh thần và cảm tính tích cực hay vui vẻ.
Có khi nào bạn tự hỏi tại sao có những người không khá giả mấy mà sống rất hạnh phúc và an nhiên. Ngược lại, có những người tuy giàu có và cuộc sống có vẻ sang chảnh, nhưng hình như họ không hạnh phúc, lúc nào cũng căng thẳng. Đó là câu hỏi đã làm tốn rất nhiều thời giờ của các nhà hiền triết và giới khoa học. Kết quả nghiên cứu khoa học về hạnh phúc phác hoạ một bức tranh về những người có cuộc sống hạnh phúc với những đặc điểm sau đây [1]:
 
• Họ là những người chi tiền để mua trải nghiệm thay vì mua đồ vật;
• Họ tập trung vào việc vun bồi những mối quan hệ tốt;
• Họ có thu nhập đủ để có cuộc sống thoải mái;
• Họ trân quý thời gian hơn là tiền bạc;
• Họ có lối sống điều độ và lành mạnh.

 

Để tôi giải thích thêm 5 đặc điểm trên theo kinh nghiệm và quan sát của mình.
 
Đặc điểm 1: Mua trải nghiệm hơn là mua đồ vật.
Nếu bạn có 100,000 đôla bạn sẽ làm gì? Đó là câu hỏi của người host chương trình gameshow trên đài truyền hình số 9 (Úc) hay hỏi những người trúng giải. Đa số câu trả lời, ngạc nhiên thay, không phải là để mua xe cộ hay mua nhà, mà là đi du lịch qua những nơi nổi tiếng. Có người nói là sẽ xây một căn phòng giống như phòng đọc sách của các bậc thượng lưu thời thế kỉ 19! Nói cách khác, họ không dùng tiền để mua đồ vật, mà là mua trải nghiệm. Tiếng Anh gọi là ‘experiential purchases’ [2].
 
Điều này có vẻ nhất quán với kết quả nghiên cứu. Nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng những người chi tiền để mua trải nghiệm thường hạnh phúc hơn những người chi tiền để mua đồ vật. Thật vậy, những chuyến đi của tôi đến những đất nước như Ý, Pháp, Campuchea và Saudi Arabia là những kỉ niệm khó quên trong đời. Cứ mỗi lần lấy mấy tấm hình chụp trước đền Đế Thiên và Đế Thích là tôi cảm thấy mình thật may mắn và hạnh phúc đã đến đây để chiêm ngưỡng sự kì vĩ của công trình kiến trúc và một dân tộc đã chịu quá nhiều đau khổ.
 
Mà, cũng chẳng riêng gì tôi, hãy nhìn những tấm hình trên fb của các bạn hay đi du lịch. Họ không chỉ đi ‘ngao du’ mà còn học hỏi về văn hoá ở nơi họ tới và có trải nghiệm. Nhìn họ rất rạng rỡ và viên mãn. Họ tiêu tiền đúng cách để mua trải nghiệm và họ hạnh phúc.
 
Đặc điểm 2: Đủ tiền để trang trải nhu cầu căn bản.
Có tiền nhiều có thể mua hạnh phúc không? Đây là câu hỏi làm bận tâm rất nhiều nhà hiền triết và giới nghiên cứu khoa học. Có nhiều người nghĩ rằng tiền càng nhiều thì mức độ hạnh phúc càng cao. Nhưng tại sao có những gia đình nghèo khó mà họ vẫn hạnh phúc như thường. Kết quả nghiên cứu khoa học cung cấp cho chúng ta một bức tranh khác.
 
Một nhóm nghiên cứu ở ĐH Princeton (Angus Deaton và Daniel Kahneman) phân tích dữ liệu của 450,000 người do công ti thăm dò ý kiến Gallup và Healthways và có những phát hiện rất thú vị [3]:
(a) ở những người có thu nhập từ 30,000 USD đến 60,000 USD thì mối liên quan giữa thu nhập và cái mà họ gọi là ’emotional well being’ gần như tuyến tính, có nghĩa là thu nhập càng cao thì hạnh phúc càng cao. (Về mặt phương pháp luận thì cái thang điểm ’emotional well being’ không trực tiếp đo lường về hạnh phúc, nhưng nó tương quan cao với hạnh phúc).
 
(b) Nhưng ở nhóm có thu nhập 75,000 USD trở lên thì ’emotional well being’ không còn tăng nữa. Nói theo ngôn ngữ dịch tễ học là mức độ hạnh phúc đạt mức ‘plateau’ ở thu nhập 75,000 USD. Phát hiện này có vẻ nhứt quán với nhiều nghiên cứu trước: mức độ hạnh phúc cao nhứt hay thấy ở người có thu nhập từ 70,000 đến 90,000 USD.
Kết quả trên là chỉ áp dụng cho người Mĩ, nơi mà thu nhập bình quân là khoảng 33,000 USD (?). Như vậy, kết quả này cho thấy nếu người có thu nhập cao gấp 2 lần trung bình thì họ hạnh phúc. Họ không cần thu nhập bạc triệu USD, càng không nghĩ đến tỉ USD, để hưởng hạnh phúc.
 
Đặc điểm 3: Trân quí thời gian hơn tiền bạc.
Giữa thời gian và tiền bạc, bạn quí cái nào? Một số người bạn của tôi qua đây (Úc) từ thời tị nạn cho đến nay hầu như không có ngày nghỉ ‘holiday’, mà chỉ làm việc. Họ làm hết ngày này sang ngày khác, 10 giờ mỗi ngày và 7 ngày mỗi tuần. Họ mê công việc, chớ không hẳn mê tiền. (Dĩ nhiên, làm nhiều giờ thì cũng có thêm thu nhập). Nhưng một số bạn, nhứt là ở tuổi 50, họ bắt đầu làm ít lại và hưởng thụ cuộc sống bằng cách đi du lịch. Họ không ham làm ‘overtime’ để kiếm tiền nữa; họ đã ổn định cuộc sống và cảm thấy phải tận hưởng những năm tháng còn lại của cuộc đời.
 
Một nghiên cứu của ĐH Harvard [4] theo dõi 1000 sinh viên sau khi đã tốt nghiệp, và kết quả cho thấy những người trân quí thời gian hơn là trân quí tiền bạc có xu hướng hạnh phúc hơn trong sự nghiệp. Họ nghĩ rằng quĩ thời gian có giới hạn, nên phải tiêu thời gian một cách có ý nghĩa hơn là chỉ làm ra tiền. Điều này không có nghĩa là họ lười biếng hay ham chơi, mà chỉ nói lên rằng họ biết cân bằng giữa thời gian và thu nhập, hay họ không phí thời gian để kiếm thêm tiền mà họ không cần thiết.
 
Đặc điểm 4: Vun bồi những mối quan hệ tốt và loại bỏ những kẻ xấu
Chúng ta đều là những ‘động vật xã hội’, hiểu theo nghĩa ‘social animal’. Loài động vật này sống theo đàn, và do đó chúng ta sống trong cộng đồng. Hai chữ ‘cộng đồng’ ở đây hiểu theo nhiều nghĩa: cộng đồng dân tộc, cộng đồng nghề nghiệp, cộng đồng bạn bè, v.v. Cộng đồng thì có người này, kẻ kia, đúng như trong phim ‘The Good, the Bad, the Ugly’ (Thiện, Ác, Xấu Xí). Người hạnh phúc là người gần với kẻ thiện, và tránh xa kẻ ác và xấu tánh [5].
 
‘Drop the negative people in your life’ (hãy loại bỏ kẻ xấu trong cuộc sống của bạn). Đó là thông điệp. Trong nhóm bạn fb của tôi, có một em tôi từng gặp ngoài đời, đó là một bác sĩ thông minh, khẳng khái, trung trực với bạn bè; em ấy bị bọn DLV quấy rầy hoài, nên sau này quyết định ‘block’ tất cả những kẻ xấu. Còn một anh bạn tôi có chủ trương mà sau này tôi cũng làm theo: block tất cả những ai nói xấu người khác sau lưng họ, vì anh ấy cho rằng đó là thái độ của kẻ xấu. Và, họ rất hạnh phúc vì không mất công và thì giờ để theo đuổi những tranh cãi vô ích. Loại bỏ những kẻ như vậy là tự nhiên năng lượng tích cực (positive energy) trong người sẽ tăng lên.
 
Thành ra, người sống hạnh phúc là người biết vun bồi các mối quan hệ chất lượng cao và biết loại bỏ các mối quan hệ với những ‘trái táo thúi’. Những trái táo thúi này chỉ thích nói xấu và nói chuyện tiêu cực, và theo thời gian họ tạo nên một năng lượng tiêu cực cho chúng ta. Do đó, học theo những người hạnh phúc, chúng ta thẳng thừng loại bỏ những kẻ xấu khỏi danh sách bạn bè, và tìm người tử tế mà chơi. Câu nói ‘gần mực thì đen, gần đèn thì sáng’ muôn đời vẫn đúng.
 
Đặc điểm 5: Ăn uống ngon miệng và luyện tập thể dục.
Hết nghiên cứu này đến nghiên cứu khác về hạnh phúc đều chỉ ra một thực tế là những người (a) duy trì thói quen hàng ngày đúng thời khoá biểu; (b) ăn uống lành mạnh; và (c) luyện tập thể dục thường xuyên.
 
Những đặc điểm trên đều có nguyên do khoa học. Nói ngắn gọn, cơ thể chúng ta chịu sự chi phối của các hormone. Những hormone quan trọng chi phối đến tâm sinh lí chúng ta là cortisol, melatonin, oxytocin, dopamine, endorphin, và serotonin. Mỗi sáng khi nồng độ cortisol tăng cao thì chúng ta phải thức dậy. Nếu melatonin tăng thì đó là tín hiệu cho thấy chúng ta cần đi ngủ. Khi oxytocin dâng cao là khi người ta yêu nhau, do đó hormone này còn có tên là hormone tình yêu và tin tưởng. Khi chúng ta được khen thưởng thì dopamine sẽ tăng cao. Còn serotonin thì được mệnh danh là hormone hạnh phúc.
 
Điều thú vị là 90% dung lượng serotonin được sản xuất từ dạ dày. Do đó, ăn uống ngon miệng có hiệu ứng làm cho chúng ta … hạnh phúc (hài lòng). Một số thực phẩm có thể làm tăng serotonin là bún, bánh hỏi, phở, phó mát, sữa, trứng, thịt bò, thịt gà, cá hồi, v.v. Một số trái cây có thể làm tăng serotonin là xoài, măng cụt, chôm chôm, dâu, dưa hấu, sầu riêng, cam, táo, v.v.
 
Luyện tập thể dục cũng tăng serotonin. Ai cũng biết thể dục hàng ngày giúp cho người ta có giấc ngủ tốt, giảm căng thẳng, và tăng cường hệ miễn dịch. Đó là những quan sát từ nhiều nghiên cứu, nhưng không ai biết chắc chắn cơ chế nào mà thể dục có hiệu quả tuyệt vời như thế. Tuy nhiên, những kết quả đó cũng đủ để khuyến khích luyện tập thể dục thường xuyên.
 
Tóm lại, 5 đặc điểm ở những người có cuộc sống hạnh phúc là vun bồi trải nghiệm, vun bồi tình thương, thu nhập đủ trang trải các nhu cầu căn bản, tiêu thời gian hợp lí, và lối sống điều độ và lành mạnh. Đó cũng là 5 bài học giúp cho chúng ta — các bạn và tôi — có cuộc sống viên mãn hạnh phúc.
 
Thegioibantin.com | VinaAspire News
Nguồn bài viết Cấy Nền Radio
Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ