Bí mật thanh đại đao 500 năm tuổi của vua nhà Mạc, sánh ngang Thanh Long đao của Quan Vân Trường
Nặng gần ngang ngửa với Thanh Long đao của Quan Vân Trường, đại đao bất ly thân của vua Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung) là một trong vũ khí huyền thoại hiếm hoi còn sót lại của các bậc quân vương Việt Nam.
Tên thật là Mạc Đăng Dung (1483 – 1541), quê làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, nay là huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Ông là con của một gia đình nghèo làm nghề đánh cá. Cho đến nay, nguồn gốc dòng họ Mạc của ông vẫn còn là một vấn đề tranh cãi. Trong đó, luồng ý kiến Mạc Đăng Dung là cháu đời thứ 7 của trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thời Trần được đông đảo các nhà nghiên đồng ý bởi khoảng cách thế thứ từ Mạc Đĩnh Chi tới Mạc Đăng Dung là hợp lý (7 đời trong 200 năm).
Thời trẻ, nhà ông nghèo nhưng may trời phú cho có sức khỏe tốt và bản lĩnh hơn người nên ông đã đi đánh vật kiếm sống. Về sau, gặp thời vận Mạc Đăng Dung đã trúng Đô lực sĩ (còn được gọi là Võ trạng nguyên), được sung vào đội quân Túc Vệ cầm dù theo vua. Đây cũng là mốc mở đầu cho con đường công danh của ông.
Từ thân phận quân Túc Vệ, nhờ sự thật thà ngay thẳng Mạc Dung được vua phong cho làm Đô chỉ huy sứ vệ Thần Vũ. Năm 1511, ông được tiến phong tước Vũ Xuyên bá khi 29 tuổi. Năm 1516, triều đình sai Đăng Dung làm trấn thủ Sơn Nam, gia phong chức phó tướng Tả đô đốc.
Mạc Thái Tổ
Về sau, nhờ công lao dẹp loạn, tiêu diệt được phiến quân nổi dậy chống đối triều đình, Mạc Đăng Dung được phong làm Nhân quốc công rồi Thái phó. Lúc này binh quyền nằm cả trong tay, có thể kiểm soát toàn bộ triều đình.
Trải qua nhiều biến cố, tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai về kinh, ép vua Lê Cung Hoàng viết chiếu nhường ngôi, từ đó lập ra nhà Mạc. Việc Mạc Đăng Dung tiếm ngôi vua Lê bị các sử gia quy kết và buộc tội rất nghiêm khắc. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh lịch sử thời đại và cuộc tranh giành quyền lực chính trị thời Lê Mạc, điều đó cũng dễ hiểu.
Thanh đại đao bất ly thân của vua Mạc
Tương truyền, trước khi Mạc Đăng Dung ra làm quan, thợ rèn chính của một lò rèn đã đoán biết trước được sau này ông sẽ làm nên binh nghiệp, võ công lớn. Do vậy, người thợ rèn này đã đúc tặng cho Đăng Dung một thanh long đao và nói: “Cơ nghiệp sẽ dựng nên từ đây, cây đao này chỉ dành cho người có duyên, dùng nó sẽ làm nên sự lớn“.
Đúng như lời “tiên tri” của người thợ rèn, thanh đại long đao này đã giúp Mạc Đăng Dung đoạt chức vô địch trong cuộc thi tuyển dũng sĩ tại Giảng Võ đường ở Thăng Long thời Lê Sơ. Ngoài ra, thanh đại long đao này còn cùng ông xông pha trận mạc và bách chiến bách thắng trong các cuộc dẹp loạn: Cù Khắc Xương, Trần Công Vụ, Lê Quảng Độ, rồi Trần Thăng (ở Thái Nguyên, Lạng Sơn), Nguyễn Hoằng Dụ (Thanh Hóa).
Về sau khi Mạc Thái Tổ băng hà, đại long đao được đem về thờ ở lăng miếu làng Cổ Trai. Năm 1592, nhà Mạc thất thủ ở Thăng Long, Mạc Đăng Thận (cháu 4 đời của Mạc Đăng Dung), là người coi giữ lăng miếu, đã giả làm nhà buôn, mang theo long đao của Tiên đế xuống thuyền rời Đồ Sơn.
Trải qua bao thăng trầm, biến cố thất lạc vào năm 1821, đến năm 1930 thanh đại đao mới được tìm thấy. Lúc này nó đã bị han gỉ đi khá nhiều nhưng vẫn còn nặng tới 25kg, dài 2,55m (cán dài 1,6m, lưỡi dài 0,95m). Theo ước tính, khi còn mới, nó phải nặng tới 30kg, ngang ngửa Thanh Long Yển Nguyệt Đao của Quan Vân Trường năm xưa.
Thanh Long Yển Nguyệt Đao của Quan Vân Trường là một binh khí huyền thoại. Nó là loại binh khí có mũi nhọn, cán dài, lưỡi có hình tựa bán nguyệt, trên đao có khắc hình con rồng. Lưỡi đao cũng vô cùng sắc, có thể phản chiếu rõ ánh trăng để soi sáng bàn rượu. Tương truyền, khi Thanh Long Yển Nguyệt Đao vừa được rèn xong, bỗng nhiên gió bão bắt đầu nổi lên, sau đó từ trên không trung rơi xuống 1780 giọt mưa máu. Các nho sĩ ở đó đã phân tích rằng, đó chính là máu của Thanh Long (con rồng màu xanh). Vì lý do đó mà nó đã được gọi với cái tên Thanh Long Yển Nguyệt Đao, và nó đã giết 1780 người.
Ngày nay, thanh đao của vua Mạc Đăng Dung được đặt trang trọng trong tú kính ở Thái miếu trong Khu tưởng niệm Vương triều Mạc tại xã Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng. Vào dịp tết, con cháu họ Mạc từ khắp cả nước lại nườm nượp đổ về nơi đây để chiêm bái Thái Tổ Minh Cao Hoàng đế Mạc Đăng Dung.
Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ học Việt Nam khẳng định, đây là binh khí duy nhất của một danh tướng, cũng như một vị vua dưới thời phong kiến Việt Nam vẫn còn lưu lại đến ngày nay. Trải qua 500 năm tuổi và 90 năm bị ăn mòn do chôn giấu dưới lòng đất nhưng cơ bản thanh long đao vẫn giữ được hình dạng và kích thước không khác nhiều so với lúc ban đầu, dù bị sứt mẻ và gỉ sét nhiều chỗ.
Theo anh Ngô Minh Khiêm, Trưởng ban quản lý di tích Vương triều Mạc cho biết: “Hiện nay, cả châu Á chỉ còn 2 binh khí được lưu thờ là vật thái bảo, gồm thanh long đao của Tống Thái Tổ nhà Bắc Tống và thanh long đao của Mạc Thái Tổ, đang được lưu giữ ở đây”.
Thegioibantin.com
Theo: Daikynguyen, Bảo Nguyên
—
Nét đặc sắc trong giáo dục và văn hoá Nhà Mạc
Đến hôm nay, từ góc nhìn của các nhà khoa học lịch sử trong nước và đặc biệt là nước ngoài, chúng ta có thể khẳng định rằng: Nhà Mạc là nhà cách mạng – nhà cải cách trong lịch sử Việt Nam, dám mạnh dạn chọn con đường đổi mới toàn diện để đưa dân tộc và đất nước lên một tầm cao mới.
Di sản của cách mạng và đổi mới mà các vương triều Mạc để lại gần như đầy đủ trên các phương diện: Hành chính – luật pháp, chính trị – kinh tế, sản xuất hàng hoá, xuất – nhập khẩu…
Nhưng giới hạn trong bài này, tôi chỉ có nguyện vọng nhỏ nhoi là mở ra một góc nhìn nhận, suy ngẫm và đánh giá trung thực và khách quan về giáo dục và văn hoá nhà Mạc.
1. Nhà sử học – Giáo sư người Mĩ John Whimore – thầy học của Giáo sư – Tiến sĩ Keith Taylor, tác giả cuốn “The Birth of Vietnam” sự sinh thành của Việt Nam” nổi tiếng, đã khẳng định: Cái gì nhà cải cách Hồ Quý Ly thất bại thì Mạc Đăng Dung và con cháu đã làm được (theo Giáo sư Trần Quốc Vượng). Trước nhà Mạc, các vương triều nhà Trần, nhà Lý và các vua Lê anh minh đã phát triển nền giáo dục và văn hoá Đại Việt đến một tầm cao xứng đáng, rực rỡ.
Nhưng muốn gì, từ các sử liệu của ta cũng như nước ngoài, mà đặc biệt là các sử liệu của Trung Quốc, chúng ta vẫn cảm nhận: Giáo dục – văn hoá trước nhà Mạc là giáo dục, văn hoá cung đình, phục vụ cung đình, phục vụ các hoàng thân quốc thích, các cận thần – quan lại của nhà vua và dòng họ.
Chẳng thế mà, chỉ có con cháu vua quan, dòng họ thế lực cầm quyền mới được học hành đến nơi đến chốn, mới được thi cử để kế tục làm quan – “Con vua thì lại làm vua – con sãi ở chùa thì quét lá đa”.
Đến thời Mạc Đăng Dung – và nhất là giai đoạn Mạc Đăng Doanh làm vua, giáo dục đã có những thay đổi lớn lao. Ngoài việc tiếp tục rèn giũa con cháu dòng họ để phục vụ đất nước, các vương triều Mạc đã nhận ra và xác định: sự nghiệp là của thần dân thiên hạ, lấy dân làm gốc, mạnh là ở dân và suy cũng ở dân. Với cách nhìn đó, nhà Mạc đã xác định rõ mục tiêu giáo dục: “Phải nâng cao dân trí – nâng cao trình độ hiểu biết và nhận thức của dân chúng thì nước mới mạnh và bền vững! Nước có dâng lên thì con thuyền triều đại mới nổi lên!”.
Bởi vậy, các văn sĩ, trí thức, các nhà khoa học thời Mạc không nhất thiết bắt buộc phải phục vụ triều đình. Họ có quyền tự do lựa chọn con đường và sự nghiệp của mình. Trong sử Việt, thường nhắc đến thời Mạc có một lớp sĩ phu về ở ẩn chung chung cũng chưa hẳn đúng, từ “ẩn” ở đây là ẩn trong nhân dân, trong cộng đồng xã hội. Họ ẩn để dạy dỗ con em nhân dân, con em lao động lầm than là số đông, là động lực chính để phát triển xã hội, mà tiêu biểu trong số họ là trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Chính sự lăn lộn với quần chúng, với thôn làng mà ngày nay trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm được giới triết học trong và ngoài nước tôn vinh là nhà triết học hàng đầu của Việt Nam!
Thời nhà Mạc, việc dạy học, thi cử được khuyến khích phát triển cao độ. Các trung tâm giáo dục, các Văn Miếu địa phương được hình thành và xây dựng khắp nơi. Đặc biệt Văn Miếu Mao Điền – Hải Dương đã toả sáng trí tuệ và được xếp đứng đầu Văn Miếu hàng tỉnh!
Chính trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ trạng nguyên năm 1535 tại Văn Miếu Mạo Điền này.
Trong 65 năm trị vì ở Thăng Long và gần 100 năm về chiến khu Cao Bằng, nhà Mạc đã đào tạo và tổ chức thi cử từ cung đình và từ nhân dân số lượng trạng nguyên, tiến sĩ không kém gì nhà Lê. Nhưng điều cốt lõi ở đây là nhà Mạc đã mạnh dạn kết hợp được tinh thần dân tộc và thời đại một cách hài hoà, bền vững mà không còn bị trói buộc bởi chế độ quân chủ nho giáo thời Lê sơ, tự do thi tuyển, công bằng và cởi mở, không còn phân biệt đẳng cấp xã hội hay giới tính. Chính vì vậy, suốt thời kì lịch sử phong kiến Việt Nam, chỉ một lần xuất hiện trong thời nhà Mạc tiến sĩ nữ duy nhất Nguyễn Thị Duệ – là bà chúa Sao Sa mà sau này nhân dân vẫn thờ phụng, tôn sùng!
Chính sự giải phóng sức sáng tạo, phát huy dân chủ mà nhà Mạc đã cống hiến cho dân tộc nhiều tiến sĩ, trạng nguyên, nhiều hiền tài quốc gia.
Tóm lại, thời Mạc – Giáo dục lần đầu tiên trở thành nền giáo dục nhân dân, giáo dục vì nhân dân, vì nâng cao dân trí và kiến thức cộng đồng xã hội với tiêu chí: Nước dâng thì thuyền dâng! Đó là cội nguồn và khai sáng nền giáo dục nhân dân của chúng ta hôm nay!
2. Cũng như giáo dục, nhà Mạc đã tiên phong trong sự nghiệp đưa văn hoá về với nhân dân, về với cội nguồn nơi chính nó được sinh ra.
Các vương triều trước, văn hoá chủ yếu phục vụ trong cung đình, cho vua chúa, quan lại, những lễ hội mang nặng lễ hội cung đình, các màn trình diễn múa hát, chầu văn, hát xoan, hát lượn đều phục vụ tầng lớp trên, đẳng cấp thượng lưu.
Để văn hoá và lễ hội về với cộng đồng dân cư, điều đầu tiên nhà Mạc đã khuyến khích phát triển hàng loạt các đình làng, là nơi để dân làng tụ họp tổ chức các hoạt động văn hoá, vui chơi, lễ hội mang nét riêng, bản sắc riêng của địa phương mình, thành trung tâm sinh hoạt văn hoá và tâm linh cộng đồng làng xã (như nhà văn hoá hiện nay).
Các nhà nghiên cứu khoa học và khảo cổ đã xác định những ngôi đình xây dựng thời Mạc như: Đình Thụy Phiên, Đình Tây Đằng, Hữu Lũng, Lỗ Hạnh, Thổ Hà, Đình Là, Đình Yên Sở… Ở các ngôi đình này, những nghệ nhân thời Mạc đã để lại nghệ thuật chạm khắc gỗ tinh xảo và độc đáo bản sắc nhà Mạc.
Gốm sứ nhà Mạc – một sản phẩm văn hoá độc đáo thời Mạc đã tôn vinh nền văn hoá Việt ra nước ngoài, đã đưa đất Đại Việt lên bản đồ thế giới.
Từ thế kỷ XVI, các thương đoàn Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đã vào ra cảng Đò Mè để trao đổi hàng hóa và ăn hàng gốm sứ Chu Đậu nhà Mạc…
Gốm sứ Chu Đậu nhà Mạc không những kế thừa những tinh hoa của thời Trần – Lý, mà còn phát triển, sáng tạo để trở thành một sản phẩm thuần Việt, mang hồn Việt, không còn phụ thuộc vào gốm sứ Trung Hoa.
Bởi vậy, ngày nay, trên nhiều bảo tàng nổi tiếng thế giới đó cú sưu tập các sản phẩm gốm, sứ nhà Chu Đậu nhà Mạc.
Một điểm nhấn khác của văn hoá nhà Mạc là Mĩ thuật thời Mạc. Trong cuốn sách “Mĩ thuật thời Mạc”, các tác giả đã khẳng định: “Mĩ thuật thời Mạc là một thời kì có những bước ngoặt to lớn trong lịch sử mĩ thuật dân tộc. Đó là thời kì nền nghệ thuật dân tộc trở về với bản thế, về với truyền thống sau ngót một thế kỉ hướng ngoại….
Đó cũng là thế kỉ chấn hưng Phật giáo sau hàng trăm năm bị ức chế bởi chủ trương dương Nho ức Phật của nhà Lê sơ. Phật giáo tuột khỏi tay các vương hầu quý tộc, tràn về các làng quê…
… Trong cơn biến động lịch sử, mĩ thuật Mạc như đang vặn mình chuyển hoá từ nơi cung đình sang miền dân dã. Diện mạo của nó chứa chất nhiều yếu tố khác nhau, cái kế thừa thuần thục, dễ nhận; cái mới bắt đầu bỡ ngỡ, khó tin. Chất sang quý kèm với chất bình dân. Vẻ trang nghiêm đi cùng nét phóng túng. Mĩ thuật Mạc đa dạng và khác thường là thế!”.
3. Một nét lạ và độc đáo khác của nhà Mạc đó là văn hoá ngoại giao đạt đến đỉnh cao. Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng như người bạn vong niên của ông, trạng nguyên Giác Hải đã làm rạng rỡ trí tuệ Việt, là 2 vị trạng nguyên sáng giá nhất của triều Mạc và của mọi thời đại Việt Nam (Giáo sư Trần Quốc Vượng).
Trạng nguyên Giác Hải với kiệt tác – bài thơ “Vịnh Bèo” nổi tiếng dùng để đối đáp với Đại tướng Mao Bá Ôn nhà Minh, và chỉ với một loại vũ khí trí tuệ – văn hoá thơ, mà làm cho Mao Bá Ôn phải ra lệnh rút 60 vạn quân Minh rời khỏi biên giới Đại Việt – Trung Hoa. Một bài thơ đánh tan ý đồ xâm lăng của 60 vạn quân Minh hùng hổ thì đó thật là đỉnh cao của văn hoá ngoại giao nhà Mạc.
Con cháu nhà Mạc, dòng họ Mạc và xuất xứ từ đại gia đình Mạc tộc có thể ngẩng cao đầu tự hào: Suốt một thời kì hơn 150 năm nhà Mạc trị quốc và làm đế vương, không có một bóng quân Minh nào trên dải đất Đại Việt, không có một tên khâm sứ ngoại bang nào hiện diện nơi cung đình, triều chính; lần đầu tiên và cả sau này, chỉ các vương triều nhà Mạc không phải cống nộp bất cứ lễ vật quý hiếm, của ngon vật lạ nào cho nhà Minh. Đó là một điều hi hữu. Đó là hào khí Đại Việt. Đó là độc lập tự do! (vậy mà đã có một nhóm người đến hôm nay vẫn gán cho nhà Mạc tội bán nước).
4. Cuối cùng, còn một nét văn hoá đặc trưng độc đáo của nhà Mạc cũng rất đáng trân trọng: Đó là văn hoá bảo tồn nòi giống.
Trong dòng sử Việt, cuộc di dân có kế hoạch và tự phát, cuộc thay tên đổi họ để duy trì dòng họ là độc đáo và độc nhất, rầm rộ nhất và khắc nghiệt nhất!
Sau khi nhà Mạc thất thủ ở Thăng Long năm 1592 và tại chiến khu cách mạng Cao bằng 1685 vua Lê, chúa Trịnh tàn phá, thiêu huỷ một cách điên loạn các thành quả của nhà Mạc xây dựng và tôn tạo cùng toàn bộ thư tịch, văn bản, sử sách của nhà Mạc…
Man rợ và tàn bạo hơn chúa Trịnh còn truy sát, diệt tận gốc con cháu nhà Mạc, bất kể già trẻ, gái trai…
Bởi vậy, để bảo tồn nòi giống, dòng tộc, con cháu họ Mạc thời đó với ý chí tồn tại mãnh liệt đã sáng tạo nên một văn hoá thay tên, đổi họ thật đa dạng – khoa học và sinh động, hiệu quả.
Như giáo sư Trần Quốc Vượng chứng minh: Họ bế tày hoá (“Kinh già Hoá Thổ”) ở Cao Bằng, họ Bùi ở quê hương Nguyễn Trãi – Nhị Khê – Thường Tín, các họ có đệm chữ Đăng (Phạm Đăng, Phan Đăng, Trần Đăng, Lê Đăng…) hay từ Mạc đổi sang Hoàng (Huỳnh) ở miền Trung…
Nhiều hoành phi, câu đối không những được ngầm mã hoá để sau này dựa vào đó con cháu tìm về cội nguồn, mà còn ngụy trang, hình thức hoá thật khéo léo: bóc lớp sơn son thiếp vàng bên ngoài sẽ lộ rõ nguồn gốc họ Mạc, hay cạo đi lớp vôi quét bên ngoài sẽ lộ diện gia phả các chi họ Mạc…
Chính nhờ nét văn hoá độc đáo thay tên đổi họ đó mà ngày nay trên mọi miền Tổ quốc Việt Nam yêu quý và một số nơi trên thế giới đều có mặt con cháu họ Mạc, hàng ngàn chi họ đến nay đã được khẳng định dần, hàng trăm họ khác nhau nhưng đều xuất phát từ gốc Mạc, dòng dõi nhà Mạc!
Thegioibantin.com
Nguồn: Phạm Đức Hùng, vanhien.vn