Cách phát âm tiếng anh chuẩn (lời khuyên của một người từ 0 điểm tiếng anh đến tiến sĩ tại mỹ)

0

Phát âm là một kỹ năng khó đối với tất cả những người học ngoại ngữ. Cái khó của nó là ở chỗ để nói giỏi, việc “học chay” (chỉ học trên sách vở) thôi không đủ mà phải qua quá trình giao tiếp tích cực, không ngại nói sai và sửa sai thì mới có thể tiến bộ được.

Vì thế người học phải vượt qua nhiều rào cản như: địa lý (để đến được với người bản ngữ hay người nói chuẩn để luyện giao tiếp), tâm lý (để vượt qua được cảm giác ngại ngùng ban đầu khi nói), tài chính (để có thể đầu tư vào học nói một cách bài bản)… Khó khăn là vậy nên không phải ai cũng có đủ điều kiện để học giao tiếp tiếng Anh ngay từ đầu. Điều này dẫn đến việc kỹ năng nghe-nói, đặc biệt là phát âm trở thành điểm yếu lớn của nhiều người Việt khi dùng tiếng Anh.

Tôi hiểu điều này hơn ai hết. Vì chính tôi đã từng nhận điểm 0 môn Phát Âm tiếng Anh (pronunciation) năm đầu Đại học. 

Đúng vậy, chính là tôi! Đến điểm 1 hay điểm 2 còn không được lên nổi mà phải ngậm ngùi với một con số 0 tròn trĩnh.

Nhận điểm 0 môn Phát Âm tiếng Anh là một cú sốc lớn với tôi ở thời điểm đó vì 12 năm phổ thông tôi đều đạt học sinh giỏi và từng đỗ đại học với điểm thi tiếng Anh khá cao. Cú sốc này lớn tới mức nó làm tôi từng muốn bỏ Đại học và thi lại một trường khác/khoa khác không dùng tiếng Anh vì tôi không thể chịu nổi cảm giác thất vọng với bản thân và xấu hổ với thầy cô, bạn bè mỗi khi mở miệng nói tiếng Anh. Thực tế, tôi đã từng nghỉ học hơn 3 tuần liền, trốn ở nhà và vùi đầu vào tivi cả ngày để quên đi mọi thứ.

Nhưng may mắn là thời gian “thất học” này tình cờ lại giúp tôi phát hiện ra một phương pháp học tiếng Anh mới, độc đáo, phù hợp với mình và từ đó cải thiện khả năng giao tiếp tiếng Anh rõ rệt. Thật không thể ngờ là từ xuất phát điểm thấp như vậy, ngày nay tôi đã có bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ tại những trường Đại học danh tiếng và có công việc làm ổn định tại Mỹ. Tất cả đều là nhờ ngày đó tôi may mắn kéo kịp bản thân ra khỏi “vũng lầy” của nỗi thất vọng và nỗ lực vượt khó để thay đổi tương lai.

Tôi kể lại câu chuyện đặc biệt này trong video dưới đây:

BỐN LỜI KHUYÊN ĐỂ CẢI THIỆN KHẢ NĂNG PHÁT ÂM TIẾNG ANH

Trải qua những năm tháng khó khăn từ điểm 0 tiếng Anh tại Việt Nam cho đến Tiến sĩ tại Mỹ, tôi đã học được nhiều bài học đắt giá để nâng cao kỹ năng nói tiếng Anh. Dưới đây là những điều quan trọng nhất tôi đúc kết được:

1. NÓI CHẬM LẠI, CHÚ Ý MẶT CHỮ VÀ CÁCH ĐÁNH VẦN VỚI TỪ MỚI

Tôi từng nghe rất nhiều người nước ngoài nhận xét là: “Người Việt nói tiếng Anh quá nhanh!” khiến họ không thể nào theo kịp và hiểu hết nội dung nói. Sau một thời gian quan sát, tôi nhận ra đúng là nhiều người Việt (có cả bản thân tôi trong đó) có thói quen nói lướt, nói không nhả hết từng âm của một từ. Đặc biệt, đối với từ càng dài và khó đọc thì ta lại càng dễ đọc lèo lèo cho nhanh với suy nghĩ là nói nhanh như vậy thì người đối diện sẽ không bắt kịp lỗi, nghe qua có vẻ trôi chảy hơn. Hoặc nhiều người cũng vì tâm lý hồi hộp nên nói nhanh hơn khi tiếp xúc với người nước ngoài. Nhưng thực chất, càng nói chậm lại, chú ý phát âm hết các âm trong một từ chuẩn xác thì người nghe mới dễ hiểu được.

Gốc rễ của vấn đề này, theo tôi, là vì khi bắt đầu học tiếng Anh tại Việt Nam, chúng ta không được dạy cách “đánh vần”—hay nói đúng hơn là cách chẻ nhỏ một từ ra nhiều âm khác nhau—để biết tại sao từ này nó đọc ghép âm với nhau thành ra như vậy. Ví dụ, khi tôi đi học, cô giáo chỉ dạy quả táo (apple) đọc là “áp-pồ”, thế thôi là hết, không có giải thích gì thêm. Nhưng nếu đúng ra mà nói, cô giáo nên chậm lại và giải thích, apple đọc như vậy là vì nó có hai vế: AP+ PLE = APPLE và dạy đọc đúng từng âm một trước khi ghép lại thành từ.

Điều này tạo thói quen xấu cho người học là mỗi khi gặp một từ mới, đặc biệt là những từ dài, thì phản ứng đầu tiên thường là bật ra cả từ (lèo lèo bất kể sai đúng) mà không chậm lại, chẻ nhỏ từng vế một để đọc nhẩm cho chuẩn trước khi phát âm cả từ. Ngoài ra, việc không để ý mặt chữ cũng dẫn đến việc dễ bị nhầm cách phát âm giữa từ này với từ kia vì không nhớ nó có bao nhiêu phụ âm và nguyên âm, lặp lại bao lần….

Vì vậỵ, lời khuyên của tôi là mỗi khi bạn gặp phải một từ mới, dài và khó đọc, hãy chậm lại một chút để chẻ nhỏ từng phần của từ đó ra, nhẩm xem từng phần đọc là gì và ghép lại trước khi phát âm. Điều này không đảm bảo 100% bạn sẽ phát âm chuẩn nhưng chắc chắn sẽ tránh nhiều sai sót và giúp cho người nghe dễ hiểu hơn là kiểu phát âm “lèo lèo” nuốt chữ.

2. CHÚ Ý VÀO ÂM CUỐI 

Âm cuối (ending sound) là trở ngại với rất nhiều người Việt nói tiếng Anh, bao gồm cả giáo viên tiếng Anh và người dùng tiếng Anh nhiều năm. Lý do lớn nhất là vì cách phát âm tiếng Việt không có âm cuối như tiếng Anh nên ta không có thói quen để ý âm cuối và dễ quên nó khi đang trong cuộc hội thoại nhanh. Nhiều giáo viên trong nước khi dạy học trò cũng nói sai và nói thiếu âm cuối, khiến cho học trò quen nói thiếu và lâu dần không có phản xạ nói âm cuối.

Tuy nhiên, âm cuối hết sức quan trọng. Cũng như hệ thống dấu mũ của Việt Nam giúp ta phân biệt các từ nhìn hao hao nhau nhưng có cách phát âm khác nhau (như “chi, chị, chì, chỉ”) thì âm cuối trong tiếng Anh cũng giúp người nghe hiểu được là bạn đang nói từ gì. Ví dụ như hồi tôi làm thực tập ở Đài Loan, một bạn làm cùng người Hà Lan đã phàn nàn rằng: “Tại sao mấy đứa Châu Á hay nói “ask” (hỏi) thành “ass” (mông—theo cách nói hơi tục tĩu) quá vậy? Nghe ghê quá” Đó chỉ là bởi vì thiếu âm “k” cuối khi phát âm từ “ask”. Đúng là sai một ly mà đi một dặm!

Nếu nói đúng được âm cuối thì việc nói những âm nối (linking sound) cũng được dễ dàng và tự nhiên hơn. Vì một khi bạn đã nói chuẩn từng âm rồi thì khi nối âm giữa hai từ sẽ tự nhiên chuẩn mà không cần phải nhớ luật lệ nào cả. Bởi vậy, thay vì học phát âm ghép từ, nối từ một cách máy móc thì hãy luyện tập âm cuối để giải quyết luôn cả vấn đề âm nối.

3. TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG NGHE

Rất nhiều người cho rằng yếu phát âm thì chỉ tập trung đi học nói thôi nhưng không biết rằng nghe và nói phải đi liền với nhau. Từ kinh nghiệm của chính bản thân mình và sau nhiều năm đi dạy học, tôi nghiệm ra rằng học trò nào nói kém thì khả năng nghe kém cũng rất cao. Giống như những bạn bị khiếm thính từ nhỏ thì cũng rất dễ bị câm hoặc phát âm khó nghe (mặc dù thanh quản bình thường) vì tai các bạn không nghe được tốt để lặp lại một cách chuẩn xác.

Bởi vậy, để nói chuẩn thì trước hết phải nghe tốt. Khi bạn đã nghe tốt rồi thì tự khắc khả năng lặp lại và cách bắt chước âm điệu cũng sẽ tốt lên. Lấy bản thân tôi làm ví dụ, trong thời gian 3 tuần nghỉ học ở nhà cày phim Mỹ không phụ đề từ sáng tới tối, mặc dù không có ý định dùng đó làm phương tiện học tiếng Anh nhưng khi trở lại trường lớp, trình độ nói tiếng Anh của tôi khá lên hẳn là vì tôi nghe tốt hơn. Ngoài ra, vì cày phim Mỹ quen nên ngay cả khi ở Việt Nam, giọng tiếng Anh của tôi đã rất Anh-Mỹ (thay vì giọng Anh-Anh hay Anh-Úc như nhiều thầy cô dạy ở trường) bởi vì tôi nghe quen và bắt chước âm giọng này nhiều hơn cả.

Do vậy, việc học cả 4 kỹ năng nghe- nói-đọc-viết thành thạo là rất quan trọng vì các kỹ năng này có thể bổ trợ cho nhau rất nhiều, đặc biệt là “combo” tiếng Anh giao tiếp: nghe và nói.

4. ĐẨY TIẾNG ANH RA NGOÀI ĐỜI SỐNG

Tôi đã từng viết cả một bài dài về việc đẩy tiếng Anh ra ngoài đời sống, nên sẽ không viết thêm nhiều nữa. Tuy vậy, tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng: học tiếng Anh chỉ để phục vụ việc kiểm tra trên lớp và thi đại học thôi (như tôi ngày xưa) thì rất dễ rơi vào cảnh biến tiếng Anh thành ngôn ngữ “chết” chỉ có trong sách vở. Để có thể nói tiếng Anh giỏi, ta nhất thiết phải “sống” với tiếng Anh, ăn tiếng Anh, ngủ tiếng Anh, đẩy bản thân vào những môi trường nói tiếng Anh thường xuyên thì mới có thể tiến bộ được.

Bản thân tôi khi còn đi học ở Việt Nam, gia đình cũng không có điều kiện cho đi học giáo viên bản ngữ hay trung tâm Anh ngữ xịn gì cả. Thời đó công nghệ còn lạc hậu, thậm chí tôi còn phải mua thẻ thư viện ở Hội đồng Anh và Trung tâm Hoa Kỳ chỉ để đến đó xem BBC và CNN; để nghe VOV tiếng Anh còn phải mua CD với băng cát-sét về nghe, tua đi tua lại chục lần. Ngày nay, để nghe được người bản ngữ nói tiếng Anh đã trở nên quá dễ dàng qua YouTube, podcast, truyền hình cáp… Bạn cần phải tận dụng những công nghệ này!

Ngoài ra, khi học đại học, một điều giúp tôi nâng cao khả năng tiếng Anh thêm rất nhiều, đó là làm tình nguyện với người nước ngoài và tham gia các khoá học trao đổi với sinh viên ngoại quốc. Ban đầu chỉ bắt đầu với những chương trình nhỏ do trường/khoa tổ chức; dần dần tôi ham làm tình nguyện và học tiếng Anh hơn nên tham gia nhiều tổ chức như VPV, AIESEC, Habitat for Humanity… để có điều kiện giao tiếp nhiều hơn. Những chương trình này cũng khiến tôi mở mang thêm rất nhiều, gặp được nhiều người bạn tốt và làm cho cuộc đời tuổi trẻ của mình có ý nghĩa hơn.

BONUS: HỌC TIẾNG ANH VỚI MỘT TÂM THẾ TỐT

Một điều nho nhỏ nữa mà tôi muốn chia sẻ với các bạn để nói được tiếng Anh tốt, đó là: Bạn cần phải bắt đầu với một tâm thế tốt.

Khi còn trẻ, trở ngại lớn nhất khiến tôi ngại nói tiếng Anh chính là bản thân mình. Tôi sợ mình nói sai, nghĩ mình “kém cỏi hơn người khác” vì “không có năng khiếu tiếng Anh”, rồi nghĩ mình là “công dân hạng hai” so với “Tây” nên mỗi khi gặp người nói giỏi tiếng Anh hay người nước ngoài là tôi rụt rè sợ rúm ró. Sau này nghĩ lại, chính vì sự tự ti, tư duy yếu thế, tiêu cực này mà tôi tự hạ thấp và làm hạn chế khả năng của mình. Trong quá trình đi dạy học ở cả Việt Nam và nước ngoài, tôi cũng từng gặp không biết bao nhiêu học trò cũng đi học với một tâm thế yếu ớt như vậy. Điều này không có lợi cho việc học ngoại ngữ, nhất là nói tiếng Anh!

Bạn nên nghĩ rằng, dù mình nói tiếng Anh còn chưa giỏi nhưng ít nhất mình cũng biết được sơ sơ một ngoại ngữ. Còn trong khi đó, rất, rất nhiều người Mỹ mà tôi gặp chỉ nói được một thứ tiếng duy nhất là tiếng Anh mẹ đẻ. Vì vậy, bạn không có gì phải cảm thấy yếu thế hơn khi đứng cạnh người nước ngoài cả. Chúng ta cần trau dồi để nói tiếng Anh tốt hơn nhưng hãy làm điều đó với một tư thế “ngẩng cao đầu” nhé. Một khi bạn đã tự tin vào bản thân mình thì bạn đã nắm chắc được hơn 50% chiến thắng rồi!

Một tiết dạy của tôi tại trường đại học ở Mỹ.

Học ngoại ngữ là việc cả đời. Thật vậy. Ngày nay sau 12 năm từ lần đầu đặt chân đến nước Mỹ, lấy chồng người Mỹ, có học vị cao, có việc làm tại Mỹ và không gặp trở ngại gì lớn trong giao tiếp rồi, nhưng bản thân tôi vẫn đang học hàng ngày. Thỉnh thoảng có những từ mà theo thói quen (không được chỉnh từ nhỏ) tôi vẫn nói sai và lập tức sử dụng những “bí quyết” phía trên để tự điều chỉnh lại. Tôi vẫn tập nói hàng ngày, tập nói những từ khó hơn và tập nói trong những văn cảnh phức tạp, dưới áp lực lớn hơn. Thậm chí ngay cả chồng tôi—người dùng tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ—thì đôi lúc cũng có những từ chuyên ngành anh ấy không chắc phát âm đúng không và cũng phải Google như tất cả chúng ta mà thôi.

Bởi vậy, bạn đừng tự tin khi mình chưa nói chuẩn nhé. Hãy cứ nói, hãy cứ nói sai, và hãy cứ sửa lại để nói đúng hơn vào lần sau. Chúng ta cùng cố gắng!

Đừng quên xem video để nghe thêm ví dụ về cách phát âm bạn nhé:

Thegioibantin.com | VinaAspire News

Nguồn: Chi Nguyễn

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ