Bài học Jack Ma: Từ kẻ lừa đảo đến ông chủ “mù” công nghệ trong làng khởi nghiệp
Theo tờ Forbes, ví dụ về nhà sáng lập Jack Ma của Alibaba cho thấy để xây dựng một đế chế thương mại điện tử không cần quá nhiều kiến thức chuyên môn, tài năng về toán học hay thậm chí là biết cách lên kế hoạch kinh doanh. Trên thực tế, điều quan trọng nhất của một nhà lãnh đạo thành đạt là tầm nhìn.
Jack Ma: Kẻ lừa đảo suốt 3 năm khởi nghiệp
Sinh năm 1964, Jack Ma không phải là một sinh viên xuất sắc. Ban đầu ông định hướng học tiếng Anh khi nhận ra tầm quan trọng của ngôn ngữ này với cuộc sống và sự nghiệp trong tương lai. Ở tuổi 12, Jack Ma đọc truyện tiếng nước ngoài và dậy vào 5 giờ sáng mỗi ngày để đạp xe đến các khách sạn quốc tế nhằm chờ khách du lịch và đề nghị trở thành hướng dẫn viên miễn phí cho họ. Đổi lại, những du khách này sẽ dạy ông tiếng Anh.
Thói quen này của ông được duy trì năm này qua năm khác, bất chấp thời tiết nắng mưa. Thậm chí Jack Ma còn làm quen được với một gia đình người Australia và được mời sang đó chơi. Chuyến đi này mở mang tầm mắt của ông khi nhận ra chất lượng sống ở nước ngoài hơn xa những gì có ở trong nước thời đó.
Với sự bền bỉ, trình độ tiếng Anh của Jack Ma đã tiến bộ nhanh chóng nhưng như đã nói ở trên, ông không phải một học sinh giỏi khi vẫn yếu môn toán học. Bản thân Jack Ma thậm chí đã thi trượt đại học môn toán với 1/120 điểm, lần thi thử thứ 2 là 19/120 điểm và cuối cùng cánh cổng đại học cũng đóng lại với ông do không đủ điểm thi.
Cuối cùng, Jack Ma cũng thu xếp để vào được trường sư phạm, nơi có tiếng tăm thấp nhất trong ngành giáo dục ở thành phố ông sống. Đến năm 1988, Jack Ma lấy bằng cử nhân và trở thành giáo viên dạy tiếng Anh.
Tuy nhiên, tầm nhìn của Jack Ma không dừng lại ở đó. Trong chuyến đi đến Seattle năm 1995, Jack Ma được những người bạn cho tiếp cận với Internet lần đầu tiên và làm thay đổi nhận thức của ông về con đường sự nghiệp sau này. Ngay lập tức, Jack Ma nhận ra vai trò không thể thiếu của Internet trong nền kinh tế và ông đã thành lập hãng China Yellow Pages cùng năm.
Dẫu vậy, tầm nhìn của Jack Ma về Internet trong những năm đầu gặp khá nhiều khó khăn. Bản thân ông đã tiêu gần hết số tiền hiện có cho việc duy trì công ty mới thành lập, bao gồm một phòng nhỏ và một chiếc máy tính cũ. Mặc dù vậy, vấn đề lớn nhất khi đó là không ai có thể truy cập được Internet tại quê hương Hàng Châu của Jack Ma khi đó và hầu như mọi người đều cho rằng động thái của Jack Ma là điên rồ.
Bất chấp những lời đàm tiếu, Jack Ma kiên trì với tầm nhìn của mình khi thuyết phục bạn bè về tiềm năng của Internet. Ông đề nghị mọi người trả phí để ông thiết kế trang web cho họ mặc dù người dân Trung Quốc thời đó hiếm khi tiếp cận được Internet.
Sau khi nhận được thông tin về doanh nghiệp, Jack Ma thiết kế trang web và gửi chúng qua đường bưu điện đến Seattle. Tại đây, công ty đối tác sẽ đưa lên web bản thiết kế của Jack Ma rồi chụp lại ảnh màn hình gửi trở lại Trung Quốc để ông cho khách hàng xem làm bằng chứng.
Thậm chí với sự nỗ lực và tài thương thuyết, Jack Ma đã khiến một số công ty tại quê nhà đồng ý chi tới 20.000 Nhân dân tệ (khoảng 2.400 USD thời kỳ đó) cho những bản web mà ngay bản thân họ cũng chưa chắc được xem trực tiếp qua Internet.
“Tôi bị đối xử như kẻ lừa đảo trong suốt 3 năm đó”, Jack Ma nhớ lại quãng thời gian khó khăn khi mới khởi nghiệp.
Nghĩ lớn, làm lớn
Quãng thời gian bị đối xử như kẻ lừa đảo của Jack Ma tồn tại suốt vài năm cho đến khi ông tìm được một hướng đi mới cho Internet. Năm 1999, Jack ma thành lập đoàn Alibaba với mô hình thương mại điện tử. Tại thời điểm này, Internet đã dần phổ cập hơn nhưng công việc kinh doanh của Jack Ma vẫn không hề dễ dàng.
Ban đầu, công ty của ông chỉ có 7 nhân viên và họ phải tự mua đi bán lại trong tuần đầu tiên để chứng minh trang web thương mại điện tử của Alibaba có hoạt động. Sang tuần thứ 2, khách hàng bắt đầu đăng bán trên website của công ty và chính Jack ma đã mua lại toàn bộ những gì họ bán. Hai căn phòng trụ sở nhỏ của Alibaba chật ních những món đồ mà Jack Ma mua lại từ khách hàng mà chẳng dùng. Tất cả cũng chỉ để chứng minh trang web của hãng hoạt động tốt.
Rõ ràng, Jack Ma ngay từ đầu đã nghĩ lớn và đặt mục tiêu vô cùng tham vọng cho tầm nhìn của mình. Không lâu sau khi thành lập doanh nghiệp, Jack Ma đã trả lời báo chí rằng: “Chúng tôi không chỉ muốn trở thành hãng lớn nhất Trung Quốc mà còn muốn trở thành số 1 trên thế giới.”
Sự tự tin về tầm nhìn của Jack Ma khiến nhiều người bất ngờ. Cũng năm 1999, ông cho thực hiện một cuộc họp có quay phim lại nhằm làm tư liệu sau này. Trong buổi họp đó, Jack Ma đã tái khẳng định đối thủ cạnh tranh của Alibaba không chỉ nằm ở Trung Quốc mà còn ở Thung lũng Silicon.
“Trong 5-10 năm tới, Alibaba sẽ trở thành công ty như thế nào?…Chúng ta nên định hình Alibaba trở thành một website quốc tế”, Jack Ma nói.
Xin được nhắc lại rằng vào năm 1999, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn chưa đủ khả năng cạnh tranh với các tập đoàn công nghệ quốc tế. Thời kỳ này nền kinh tế tỷ dân vẫn chỉ nổi tiếng với mảng gia công, sản xuất để xuất khẩu…
Để có thêm vốn, Jack Ma đã cố gắng kêu gọi đầu tư từ thung lũng Silicon nhưng cũng tương tự những nhà sáng lập công nghệ nổi tiếng khác, Jack Ma chẳng có một kế hoạch kinh doanh cụ thể nào cả. Tư tưởng của Jack Ma thời kỳ này là “Nếu bạn lên kế hoạch, bạn sẽ thua còn nếu bạn không hoạch định cụ thể, bạn sẽ thắng.”
Mặc dù các nhà đầu tư khó tiếp nhận được tư tưởng của Jack Ma nhưng bằng tài thương thuyết cũng như sự tự tin của mình, ông đã thuyết phục được giám đốc của Goldman Sachs phụ trách thị trường Trung Quốc rót 5 triệu USD cho dự án.
“Chúng tôi chưa có một kế hoạch kinh doanh cụ thể. Nếu bạn coi Yahoo là một cỗ máy tìm kiếm, Amazon là một hiệu sách, eBay là nơi đấu giá thì Alibaba là một khu chợ điện tử. Cả yahoo và Amazon đều là những mô hình chưa hoàn hảo và chúng tôi đang tìm kiếm hướng đi tốt nhất”, Jack Ma nói với các nhà đầu tư.
“Tôi không giỏi về kỹ thuật”
Câu chuyện của Jack Ma là một bài học đáng giá cho mọi nhà khởi nghiệp khi thái độ chấp nhận những ý tưởng mới, luôn sẵn sàng thích ứng những mô hình kinh doanh mới quan trọng hơn các kiến thức trong sách hay ở trường học.
“Không quan trọng bạn có bằng MBA hay không, phần lớn những sinh viên tốt nghiệp MBA đều không thực sự hữu dụng trừ phi họ quên hết những gì được học ở trường và thành khẩn học những kiến thức mới từ cuộc sống. Trường học chỉ dạy bạn lý thuyết trong khi khởi nghiệp cần sự uyên bác. Điều này chỉ có được nhờ những kinh nghiệm xương máu từ thực tế, còn kiến thức thì bạn hoàn toàn có thể học được nhờ làm việc chăm chỉ”, Jack Ma nói.
Thậm chí dù là ông chủ của một trong những hãng thương mại điện tử lớn nhất thế giới nhưng Jack Ma cũng thừa nhận vào năm 2014 rằng mình chẳng giỏi kỹ thuật.
“Tôi không giỏi về công nghệ. Tôi được dạy để trở thành giáo viên và điều nực cười là hiện tôi đang điều hành một trong những công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc hay thậm chí là trên thế giới nhưng lại chẳng biết nhiều về máy tính. Tất cả những gì tôi biết về máy tính là gửi, nhận thư điện từ và lướt web”, Jack Ma cười nói.
Sau thành công của Alibaba, Jack Ma tiếp tục những hướng đi mới với Taobao, trang chợ điện tử với khách hàng cá nhân lớn nhất Trung Quốc. Khi mới trình bày kế hoạch, Jack Ma đã gặp phản đối rất lớn từ cả trong và ngoài công ty bởi khi đó Alibaba vẫn chưa đem lại nhiều lợi nhuận như hiện nay. Hơn nữa, thời điểm đó mảng thương mại điện tử vẫn còn khó kêu gọi đầu tư ở Trung Quốc và việc đầu tư vào mảng mới được coi là mạo hiểm khi Alibaba vẫn chưa thống trị được thị trường thương mại điện tử doanh nghiệp (B2B) vốn có.
Dẫu vậy, Jack Ma lại đúng một lần nữa khi khi đánh bật đối thủ eBay tại Trung Quốc vào năm 2007. Trước đó vào năm 2004, Jack Ma đã thành lập Alipay, một trong những hãng thanh toán trực tuyến lớn nhất thế giới hiện nay.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Jack Ma đã luôn cởi mở với những tư tưởng mới và luôn có một tầm nhìn rộng.
“Từ những ngày đầu, các nhà khởi nghiệp đã phải hiểu được rằng họ sẽ đương đầu với khó khăn và thất bại nhiều hơn là thành công. Thời điểm khó khăn nhất của tôi vẫn chưa tới đâu nhưng rồi nó sẽ đến sớm thôi. Gần 10 năm khởi nghiệp cho tôi thấy các thử thách chẳng thể rũ bỏ bởi những điều khác mà bạn phải tự giải quyết chúng. Những nhà khởi nghiệp thành công phải có khả năng đối mặt với thất bại mà không bào giờ từ bỏ”, Jack Ma trần tình vào năm 2004.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News