Chiến lược kinh doanh của tỷ phú giàu thứ 23 Nhật Bản tại Việt Nam

0

Chiến lược NIDEC là sẽ biến Việt Nam từ chỗ là nơi đặt các phân xưởng sản xuất hàng hóa đơn thuần thành một trung tâm nghiên cứu công nghệ hàng đầu khu vực.

Chủ tịch Tập đoàn NIDEC Shigenobu Nagamori đặt ra chiến lược kinh doanh 100 năm tại Việt Nam. (Ảnh: Hữu Thắng/Vietnam+) Chủ tịch Tập đoàn NIDEC Shigenobu Nagamori đặt ra chiến lược kinh doanh 100 năm tại Việt Nam. (Ảnh: Hữu Thắng/Vietnam+)
Nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt Nam-Nhật Bản và được sự cộng tác của Tập đoàn Truyền thông Nikkei, phóng viên TTXVN tại Nhật Bản đã có cuộc phỏng vấn riêng Chủ tịch Tập đoàn NIDEC, ông Shigenobu Nagamori, về chiến lược kinh doanh của NIDEC tại Việt Nam.
Là nhà sáng lập nên hãng môtơ tổng hợp số một thế giới, ông Nagamori, 69 tuổi, hiện nằm trong số ít những tỷ phú hàng đầu của Nhật Bản và được trang mạng của Tạp chí Forbes xếp thứ 23 trong danh sách 50 người giàu nhất Nhật Bản năm 2013.
Giới kinh doanh toàn cầu đánh giá cao khả năng nhạy bén trong kinh doanh của ông Nagamori, đặc biệt là một số thương vụ thâu tóm đình đám (M&A) của ông trước đây trong bối cảnh kinh tế Nhật gặp nhiều khó khăn do đồng yen tăng giá.
Xin ông cho biết với mục tiêu trở thành hãng sản xuất môtơ hàng đầu thế giới, NIDEC hiện tại đang đề ra chiến lược kinh doanh nào? Và Việt Nam nằm ở đâu trong chiến lược này của Tập đoàn?
Chủ tịch Shigenobu: Tôi sáng lập nên NIDEC từ năm 1973. Trải qua 40 năm, công ty đã có bước trưởng thành vượt bậc. Doanh số của tập đoàn trong thời gian qua lên tới 8,8 tỷ USD. Sang năm, con số này có thể lên tới 10 tỷ USD.
NIDEC hiện nay có nhà máy tại 33 quốc gia và khoảng 160.000 lao động. Chúng tôi sản xuất từ những loại môtơ cỡ nhỏ cho đến loại có kích thước vô cùng lớn và hiện là hãng sản xuất môtơ tổng hợp số 1 thế giới.
Dự kiến đến năm 2030, chúng tôi sẽ có nhà máy tại hơn 75 quốc gia. NIDEC đã xuất hiện tại hầu hết các nước khu vực châu Á. Hiện chỉ còn có ba nước chúng tôi chưa đặt chân tới là Triều Tiên, Lào và Myanmar nhưng chúng tôi sẽ sớm có mặt tại Myanmar và Lào trong tương lai gần.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của NIDEC bao trùm hầu như toàn bộ khu vực châu Á. Chiến lược châu Á hiện giữ vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược toàn cầu của chúng tôi bởi đây là khu vực sẽ có bước phát triển nhanh trong tương lai. Trước đây, khu vực này chỉ là công trường sản xuất thì nay lại thị trường tiêu thụ rất nhiều sản phẩm của NIDEC.
NIDEC đã có mặt tại Việt Nam từ thập niên 1990. Trong thời điểm đó, nhiều công ty coi Trung Quốc là thị trường trọng điểm nhưng chúng tôi đã đầu tư vào Việt Nam nhanh hơn so với bất kỳ nơi nào.
Tính đến nay, NIDEC đã đầu tư khoảng hơn 600 triệu USD vào thị trường Việt Nam và đang đặt mục tiêu đầu tư khoảng 1 tỷ USD vào Việt Nam. Chiến lược đối với Việt Nam của chúng tôi là sẽ biến địa bàn này từ chỗ là nơi đặt các phân xưởng sản xuất hàng hóa đơn thuần thành một trung tâm nghiên cứu công nghệ hàng đầu khu vực.
Chúng tôi sẽ có năm công ty con thuộc tập đoàn ở khu công nghệ cao của Việt Nam. Hiện tại, thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm nhưng chúng tôi cũng đang tiến ra Hà Nội. Tốc độ đầu tư sẽ tăng nhanh và trong tương lai vốn đầu tư của NIDEC rót vào Việt Nam sẽ vượt qua con số 1 tỷ USD.
– Hiện nay NIDEC đã và sẽ sản xuất những sản phẩm nào ở Việt Nam? NIDEC dự kiến sẽ triển khai số lượng các nhà máy ở Việt Nam với năng lực sản xuất đến đâu và trong bao lâu?
Chủ tịch Shigenobu: Chiến lược của chúng tôi hoàn toàn khác biệt so với các doanh nghiệp khác. Nhiều công ty bước vào thị trường Việt Nam đều nghĩ rằng vì đất nước các bạn có giá nhân công rẻ nên có thể sản xuất được hàng hóa giá rẻ. Trong khi đó, chúng tôi lại xác định sẽ ở lại Việt Nam lâu dài ngay cả khi giá nhân công sau này tăng và giá trị đồng nội tệ tăng.
Khi kinh tế Việt Nam phát triển thì đồng tiền Việt Nam cũng sẽ tăng giá trị cùng với sự phát triển của đất nước. Chúng tôi đặt ra chiến lược sản xuất kinh doanh tại Việt Nam với tầm nhìn 50-100 năm.
NIDEC đặt chân vào thị trường Việt Nam với phương châm kinh doanh là sản xuất những sản phẩm thiết yếu cho các công ty Việt Nam trong tương lai. Không chỉ sản xuất những sản phẩm công nghệ thấp, chúng tôi sản xuất cả sản phẩm công nghệ cao cần thiết cho Việt Nam. Chúng tôi muốn cống hiến cho quá trình xây dựng đất nước Việt Nam trong 30-50 năm sau.
Với tầm nhìn lâu dài, NIDEC sẽ không rời khỏi Việt Nam ngay cả khi giá nhân công tăng và giá đồng nội tệ mạnh lên, chúng tôi sẽ tiếp tục đặt nền móng kinh doanh và đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam để chuẩn bị cho thời điểm Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm của NIDEC.
Thay vì chỉ quan tâm đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực theo số đông, chúng tôi sẽ đầu tư mạnh, tuyển dụng lao động và mang đến Việt Nam kỹ thuật tiên tiến nhất, góp phần cho quá trình xây dựng đất nước.
Do cú sốc tài chính Lehman Brothers, chúng tôi đã tạm lùi kế hoạch đôi chút nhưng hiện nay thì NIDEC đang đẩy nhanh hoạt động đầu tư, từ nay tập đoàn sẽ thiết lập cơ chế hoạt động của một doanh nghiệp tổng hợp bao gồm không chỉ các nhà máy mà cả hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) và mạng lưới phân phối hàng hóa, phát triển nguồn nhân lực. Chúng tôi sẽ chuyển các công nghệ và sản phẩm thiết yếu sang Việt Nam.
Hiện NIDEC đã chuyển khá nhiều bộ phận sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, sắp tới là Thái Lan, Campuchia và Lào. NIDEC sẽ hình thành lên một mạng lưới ở Đông Nam Á mà ở đó Việt Nam sẽ đóng vai trò trung tâm. Quy mô sản xuất có thể sẽ vào khoảng 20.000-30.000 nhân công nhưng vì việc tuyển dụng số lượng lớn người như vậy ở Việt Nam không dễ nên chúng tôi đang tính việc xây dựng các nhà máy tự động hóa sử dụng robot, thay đổi phương thức sản xuất để trong trường hợp giá nhân công tăng thì vẫn duy trì được sức cạnh tranh.
Ngoài ra, NIDEC cũng sẽ đưa người Việt Nam sang Nhật Bản đào tạo về công nghệ cao rồi trở lại làm việc tại các trung tâm R&D và phòng thí nghiệm. Với tầm nhìn 100 năm, chúng tôi quyết định tiến vào thị trường Việt Nam để xây dựng một doanh nghiệp hùng mạnh ở đây. Tôi cho rằng đây là quan điểm hoàn toàn khác với các doanh nghiệp nước ngoài hiện nay ở Việt Nam.
Chiến lược kinh doanh của tỷ phú giàu thứ 23 Nhật Bản tại Việt Nam (1)
 
– Ông nhìn nhận thế nào về thị trường nội địa của Việt Nam? NIDEC dự kiến sẽ triển khai doanh nghiệp mới ở Việt Nam như thế nào theo mô hình “China plus One”?
Chủ tịch Shigenobu: Việt Nam hiện nay chưa phải là một thị trường lớn. Trước tiên, chúng tôi sẽ xây dựng nhà máy ở Việt Nam, tuyển dụng thật nhiều lao động, đảm bảo cho họ một công ăn việc làm và thu nhập cao. Chúng tôi đang xây dựng các nhà máy mới ở vùng sâu vùng xa, phát triển mạng lưới khắp cả nước và góp phần vào tăng trưởng GDP ở Việt Nam.
Khi lương của người lao động tăng, thu nhập được cải thiện, họ sẽ mua xe, sắm đồ điện tử, mua máy ảnh, máy tính và các sản phẩm công nghệ. Điều này tạo thành một vòng tuần hoàn mà ở đó các sản phẩm của NIDEC cũng được tiêu thụ. Vì vậy, trước hết là vào thời điểm hiện nay, chúng tôi cần phải xây dựng thật nhiều nhà máy ở Việt Nam.
Chúng tôi dự đoán sự phát triển của Việt Nam trong vòng 10-20 năm tới để mang đến những sản phẩm và nhu cầu thiết yếu. Là một doanh nghiệp nên NIDEC cũng phải gia tăng lợi nhuận nhưng chúng tôi cần tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh ở Việt Nam tới 100 năm sau.
Việc trở thành một doanh nghiệp quan trọng đối với Việt Nam là vấn đề hệ trọng của chúng tôi. Chúng tôi không khai thác thị trường Việt Nam mà muốn NIDEC trở thành doanh nghiệp góp phần cho sự phát triển của Việt Nam.
Vào thời điểm hiện nay, các lãnh đạo tại 10 công ty con trong tập đoàn NIDEC ở Việt Nam đều là người Nhật nhưng trong 10-20 năm tới, toàn bộ các chức danh giám đốc và phó giám đốc sẽ do người Việt Nam đảm nhiệm. Mục tiêu sau cùng của chúng tôi là người Nhật sẽ rút về nước và bản địa hóa các công ty của NIDEC ở Việt Nam.
Các công ty thuộc tập đoàn ở châu Âu và Mỹ cách đây 20-30 năm hiện nay hầu như không còn người Nhật nào, tất cả người bản địa tham gia điều hành công ty. Ở Việt Nam, quá trình này sẽ diễn ra nhanh hơn một chút. Trong 10 năm tới, hàng ngũ lãnh đạo doanh nghiệp ở Trung Quốc sẽ do người Trung Quốc điều hành. Ở Việt Nam cũng vậy, đội ngũ này sẽ hoàn toàn được Việt Nam hóa và do người Việt Nam vận hành.
Hiện tại, gần 90% sản phẩm ở Việt Nam được xuất ra nước ngoài nhưng tôi hy vọng đến một lúc nào đó, một nửa sản phẩm sẽ được xuất khẩu và nửa còn lại được tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Hiện nay, căng thẳng ngoại giao giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật. Vậy NIDEC có tính đến việc phải cân bằng giữa rủi ro và lợi ích tại thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam hay không?
 
Chủ tịch Shigenobu: Chúng tôi đã có mặt tại 33 quốc gia và ở mỗi nước đều có mặt tốt và mặt xấu. Trung Quốc có vấn đề riêng nhưng cũng có cả những mặt tốt. Chúng tôi đang phân tán các rủi ro bằng cách tiến ra các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.
Việc thâm nhập vào Việt Nam có điểm đặc biệt so với các nước mà chúng tôi từng đầu tư trước đây. Đó là kỷ niệm của tôi khi gặp nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Nếu như không có sự ủng hộ từ lãnh đạo cấp cao, NIDEC có thể đã không gia tăng đầu tư ở thị trường này. Chính những tình cảm nồng ấm từ nguyên Chủ tịch nước đã tạo cho tôi cảm giác thân thiết với Việt Nam và vững tâm đầu tư kinh doanh ở nước này.
Nhật Bản và Trung Quốc có nhiều vấn đề về ngoại giao nhưng hoạt động của doanh nghiệp lại không gặp vấn đề gì lớn. Tuy vậy, đầu tư của chúng tôi vào Việt Nam từ nay sẽ nhiều hơn ở Trung Quốc. Cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp của Việt Nam giờ đây đang hoàn thiện và chúng tôi có thể cống hiến cho công cuộc xây dựng đất nước của các bạn.
Hiện Việt Nam chưa bước vào tình trạng phát triển đầy đủ về công nghệ và nguồn nhân lực nhưng đây không phải là một lời chê bai mà chúng tôi xác định đây là cơ hội để NIDEC đào tạo và điều hành nhằm đóng góp cho Việt Nam.
NIDEC hiện nay có liên kết làm ăn với doanh nghiệp nào ở Việt Nam không? Có ý định tìm kiếm đối tác mới hay muốn hợp tác với các doanh nghiệp đó trong lĩnh vực nào? Tập đoàn NIDEC có ý định tiến hành một thương vụ M&A nào trong tương lai hay không?
Chủ tịch Shigenobu: Hiện nay, chúng tôi sẽ chuyển giao công nghệ và sản phẩm từ Nhật Bản sang Việt Nam. Tiếp đó, chúng tôi sẽ đưa các tu nghiệp sinh sang Nhật Bản làm việc từ 1-2 năm, nếu doanh nghiệp Việt Nam nào muốn sản xuất một sản phẩm cùng chúng tôi hay muốn liên kết kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong tương lai thì có thể thành lập liên doanh với NIDEC.
Ở Trung Quốc, ban đầu NIDEC không có mô hình liên kết như vậy nhưng thời gian gần đây chúng tôi cũng đang hình thành xu hướng này.
Khi Việt Nam trở thành một thị trường kinh doanh mặt hàng như của chính tôi thì tôi nghĩ hình thức liên doanh liên kết này là khả thi. Tôi cho rằng xu hướng này sẽ hình thành trong vòng 10 năm tới. Vì chúng tôi là doanh nghiệp công nghệ cao nên có thể sẽ phải mất một khoảng thời gian nhất định. Các doanh nhân trẻ ở Việt Nam đang ngày càng đông và có thể chúng tôi sẽ liên kết với họ để thâm nhập thị trường.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tính đến mô hình ủy thác sản xuất sản phẩm cho một doanh nghiệp ở Việt Nam sau đó chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp đó để họ có thể sản xuất và bán ở thị trường trong và ngoài nước.
Nhật Bản trước đây cũng học hỏi kỹ thuật từ Mỹ và châu Âu nên mới có các công ty lớn như ngày nay. Các công ty của Việt Nam sẽ không chỉ cần đến vốn đầu tư nước ngoài mà còn có cơ hội học hỏi công nghệ của Nhật Bản và bán sản phẩm trong nước bằng chính nguồn lực có được.
Một đất nước sẽ khó vươn lên nếu chỉ dựa duy nhất vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Những thanh niên du học nước ngoài trở về nước hợp sức với các doanh nghiệp như chúng tôi để cùng nhau vươn lên sẽ là viễn cảnh tốt đẹp nhất cho Việt Nam.
Bất chấp biến động của ngoại tệ, NIDEC vẫn phát triển hoạt động kinh doanh mạnh mẽ ở nước ngoài. Việc đồng yen cao trước đây và đồng yen giảm giá như hiện nay có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh của NIDEC ở nước ngoài?
Chủ tịch Shigenobu: Có nhiều sản phẩm mà chúng tôi sản xuất ở Việt Nam và mang về Nhật Bản tiêu thụ. Đây là ảnh hưởng không tốt của đồng yen rẻ. Ngược lại, sản phẩm sản xuất ở Việt Nam xuất sang châu Âu lại có lợi. Như vậy, tác động này mang tính hai mặt. Đối với chúng tôi, đồng yen rẻ hay đồng yen đắt thì đều đạt được điểm hoà vốn nên dù đồng yen biến động ra sao thì vẫn tạo được cơ chế có lợi cho kinh doanh.
Khi mở rộng sản xuất tại 33 quốc gia, có nước có đồng nội tệ mạnh có nước lại yếu nhưng tính bình quân thì chúng tôi đang tạo ra mô hình doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi biến động tiền tệ.
Các công ty của chúng tôi ở Việt Nam có ba loại hình kinh doanh. Đó là sản xuất để xuất khẩu ra nước ngoài, sản xuất để mang về Nhật Bản tiêu thụ và sản xuất để bán tại Việt Nam. Đương nhiên, khi sản xuất tại Việt Nam và mang về Nhật thì đồng yen rẻ sẽ ảnh hưởng bất lợi đến kinh doanh. Tuy nhiên, nếu bán ở Việt Nam thì lại hòa vốn và khi bán ở nước ngoài thì lại thu lời nhờ đồng yen rẻ. Khi cân bằng giữa yếu tố lợi và hại từ đồng yen rẻ thì về tổng thể, những doanh nghiệp toàn cầu như chúng tôi không bị ảnh hưởng là bao.
Những người khởi nghiệp và khao khát làm giàu ở Việt Nam ngày càng đông. Là doanh nhân thành đạt và được ngợi ca trên những tạp chí hàng đầu của Mỹ như ”Forbes,” ông có thể chia sẻ đôi điều về con đường đi đến thành công của ông không? Ông có thể có đôi lời tâm huyết dành cho thế hệ trẻ Việt Nam, những người đang mang trong mình khao khát lập nghiệp không ạ?
Chủ tịch Shigenobu: Là người Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản thì điều kiện để trở thành một người thành công đều giống nhau. Điểm chung lớn nhất của họ đó là “làm việc một cách chăm chỉ.” Bill Gates của Microsoft hay Steve Jobs của Apple đều như vậy. Họ đều làm việc chăm chỉ gấp nhiều lần người khác. Có nghĩa là bạn giàu hay nghèo đều phụ thuộc vào nỗ lực của chính bạn. Lười biếng và kiếm tiền một cách không chính đáng thì không thể lâu bền được. Nếu muốn dài lâu thì việc tìm kiếm lợi nhuận một cách đúng đắn là vô cùng quan trọng.
Tôi nghĩ ở Việt Nam cũng vậy thôi. Bất động sản tăng giá, mọi người đổ xô mua nhà để kiếm lời. Thế nhưng, như tôi đã nói, nguồn gốc của lợi nhuận nằm ở chỗ “phải làm việc chăm chỉ,” nghĩa là phải đổ mồ hôi, phải nỗ lực thì chúng ta mới thu được lợi nhuận một cách bền vững. Những người chạy theo một sự bùng nổ nhất thời, kiếm tiền theo cách không chính đáng có thể sẽ giàu lên nhanh chóng nhưng cũng sớm rơi vào cảnh “trắng tay.”
Tôi đã thành lập NIDEC được 40 năm nay và đã làm việc một cách chăm chỉ. Tôi luôn dậy sớm hơn tất cả mọi người trong công ty, làm việc đến tối mịt và thậm chí cả vào ngày nghỉ. Nếu không nỗ lực thì đồng tiền sẽ nhanh chóng rời xa bạn và đồng tiền kiếm được bằng nỗ lực hết mình sẽ luôn gắn chặt với bạn.
Các công ty thành công ở Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều và tôi nghĩ Việt Nam trong tương lai cũng sẽ có nhiều bạn trẻ khởi nghiệp và giàu có, nhưng điều kiện để trở nên thành công cũng giống như với Âu-Mỹ và Nhật Bản, chúng ta phải trải qua quãng thời gian lao động chăm chỉ và phấn đấu hết sức mình. Nếu không hiểu rõ điều đó mà chỉ muốn kiếm tiền một cách đơn giản và an nhàn, không tốn một giọt mồ hôi nào thì ta sẽ không thể đi đến thành công được.
Tôi cho rằng Việt Nam hiện là nơi có rất nhiều cơ hội để làm giàu. Và một khi chúng ta làm việc chăm chỉ thì ở bất kỳ đâu cũng nhìn ra cơ hội. Ở đất nước đang trong giai đoạn phát triển và đi lên, cơ hội kinh doanh là vô kể. Trước tiên, bạn cần thực hiện ngay những gì mà bản thân mình muốn làm. Hãy quyết tâm theo đuổi quyết định đó đến cùng. Bạn chớ nhìn xem người khác đang làm ra sao mà hãy hoàn thành tốt phần việc của mình. Trong vòng 10-20 năm nữa, Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, chúng ta cần sớm nhìn ra các cơ hội làm ăn lớn ở đất nước này.
Một điểm lưu ý nữa là càng những việc khó khăn và gian khổ thì thành công sẽ càng lâu bền. Trong tương lai, các ngành chế tạo, phát triển công nghệ và sản xuất hàng hóa ở Việt Nam sẽ vô cùng quan trọng cho tăng trưởng của quốc gia.
Thời gian gần đây, ở Việt Nam người ta hay nói đến việc kiếm tiền qua bất động sản và tiền tệ. Nhiều doanh nhân trẻ đang chạy theo xu hướng này nhưng đó tuyệt đối không phải vấn đề mấu chốt cho tương lai của Việt Nam.
Một quốc gia sẽ khó phát triển nếu không tự sản xuất được bất kỳ thứ gì. Bạn phải sản xuất ra những sản phẩm và phát triển những sản phẩm tốt ở ngay trong nước. Thế hệ trẻ Việt Nam phải dám thử thách với những công việc có tính nền móng cho quốc gia như vậy. Khi công ty lớn mạnh và thành công thì cá nhân chúng ta cũng sẽ có thu nhập cao.
Vì vậy, tôi cho rằng các bạn trẻ Việt Nam cần tìm những ngành nghề có vai trò thiết yếu đối với đất nước với tầm nhìn dài hạn 10, 20, 30 hoặc thậm chí 50 năm sau mà không phải là ngành nghề chỉ giúp kiếm lời trong khoảng thời gian ngắn rồi nghỉ hẳn. Đó cũng là điều mà tôi muốn nhắn nhủ đến thế hệ trẻ ở Việt Nam.
– Gần đây, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm kiếm cơ hội làm ăn ở Myanmar. Giữa Việt Nam và Myanmar, ông nhận thấy ở đâu có nhiều cơ hội làm ăn hơn?
Chủ tịch Shigenobu: Tôi xin khẳng định rằng ở Việt Nam có rất nhiều cơ hội làm ăn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nhiều doanh nghiệp và vốn đầu tư nước ngoài.
Thủ tục đầu tư rườm rà hiện vẫn là một trở ngại. Nhưng điều đáng lưu tâm hơn cả là việc lãng quên các doanh nghiệp nước ngoài từng có đóng góp trong thời kỳ đầu mà chỉ coi trọng những doanh nghiệp mới đến đầu tư. Điều này vô hình trung có thể sẽ khiến các doanh nghiệp cũ cảm thấy nản chí mà tính đến việc chuyển hướng đầu tư sang thị trường khác. Bài học này ở Trung Quốc đã quá rõ ràng. Các công ty Nhật đã rút khỏi Trung Quốc để đầu tư ồ ạt vào Việt Nam.
Có thể nói, Thái Lan đã làm việc này khá tốt. Họ luôn coi trọng các doanh nghiệp có mặt ở Thái từ rất sớm. Mặc dù giá nhân công ở Thái Lan tăng nhưng Chính phủ Thái luôn có chính sách ưu đãi thuế nên các doanh nghiệp Nhật vẫn đủ sức cạnh tranh và làm ăn tốt.
Một điều nữa là ở Thái Lan dù khó tuyển dụng lao động và giá nhân công ở nước này cũng khá cao nhưng doanh nghiệp nước ngoài vẫn cứ ùn ùn đổ về. Nguyên nhân chính là do chính sách thu hút đầu tư đúng đắn của chính phủ nước này.
Thái Lan hiện nay đang bất ổn về chính trị và từng xảy ra trận lũ lịch sử, nhưng các doanh nghiệp hoàn toàn không rời bỏ thị trường. Nhìn chung, Chính phủ Thái Lan đã hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là các doanh nghiệp có thâm niên làm ăn lâu dài ở nước này.
Bạn biết đấy, có câu “câu cá rồi thì phải cho cá ăn mồi.” Không thể câu được rồi mà bỏ đói con cá. Những doanh nghiệp bước chân vào thị trường trước tiên cần phải được hỗ trợ và quan tâm nhiều hơn so với các vị khách mới đến.
Phải thừa nhận Myanmar là một thị trường đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ đặt chân vào thị trường Myanmar trong tương lai.
Hiện nay, với nguồn nhân lực đã được đào tạo, những doanh nghiệp có mặt ở Việt Nam gần 20 năm trước sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn vào Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu không biết cách giữ chân những doanh nghiệp cũ mà chỉ còn lại các doanh nghiệp mới đến thì Việt Nam sẽ vấp phải tình huống nan giải. Khi các doanh nghiệp cũ rời khỏi thị trường, các doanh nghiệp mới sẽ khó lòng làm thay đổi diện mạo nền kinh tế.
Những công ty chỉ đóng vai trò lắp ráp sản phẩm cho dù họ có đến đông bao nhiêu đi nữa cũng không thể giúp đất nước mạnh lên. Bởi lẽ khi đó, sản phẩm tự sản xuất trong nước không có và chúng ta sẽ phải nhập toàn bộ sản phẩm từ nước ngoài để lắp ráp. Ví dụ như một doanh nghiệp mới đầu tư dây chuyền lắp ráp điện thoại di động, khi xảy ra bất trắc, họ sẽ lập tức rời bỏ thị trường. Vậy là chấm hết!
Trong khi đó, ngành sản xuất công nghệ cao như của chúng tôi hoạt động kinh doanh từ nền móng bên trong của đất nước các bạn. Những công ty nào chú trọng đầu tư thiết bị một cách kỹ lưỡng, sản xuất trọn vẹn các sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực, sở hữu bộ phận R&D và làm ra các sản phẩm hết sức trọng yếu mới chính là những doanh nghiệp góp phần thúc đẩy công nghệ của Việt Nam phát triển.
Tôi có cảm giác dường như các bạn đang quá chú trọng đến hoạt động sản xuất theo chiều rộng mà ở đó người ta chỉ lắp ráp các bộ phận nhập từ Trung Quốc, Thái Lan và các nước trên thế giới. Theo tôi, đây là một xu hướng bất lợi. Việt Nam cần phải sớm nhận ra điều này. 
Ở Thái Lan, người ta hậu đãi các doanh nghiệp cũ và trên cơ sở đó, họ kêu gọi thêm các doanh nghiệp mới đầu tư vào. Như vậy mới thực sự bền vững.
Những gì tôi nói ở trên chính là một thông điệp vô cùng quan trọng muốn gửi đến các bạn.
Vietnam+
Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ