[Chuyện thương hiệu] Lamborghini: Từ hãng máy kéo thành huyền thoại siêu xe nhờ lời chế giễu của Ferrari

0

Từ một công ty máy kéo, Lamborghini đã chuyển sang sản xuất siêu xe vì không muốn bị Ferrari coi thường. Đến nay, cuộc chiến giữa 2 thương hiệu nổi tiếng ngành ôtô này vẫn chưa hề chấm dứt.

Triển lãm ôtô Turin (Italia) năm 1963 là sự kiện đánh dấu giấc mơ mà Ferruccio Lamborghini ấp ủ nhiều năm thành hiện thực. Sau khi chiêu mộ nhiều nhà thiết kế tài năng, bao gồm Gian Paolo Dallara và Franco Scaglione, cùng 4 tháng làm việc căng thẳng, ông đã giới thiệu trước truyền thông chiếc Lamborghini đầu tiên, 350 GTV.

Dù sự kiện gặp một vài trục trặc, trong đó bao gồm cả việc xe chưa được lắp ráp động cơ, sản phẩm được nhiều người ủng hộ và ghi nhận là dấu mốc ra đời của hãng siêu xe này.


Lamborghini 350 GTV. Ảnh: Lamborghini.

Những năm sau đó, Lamborghini dần phát triển thành biểu tượng của sự giàu có và xa xỉ. Xe của hãng xuất hiện từ phim ảnh đến video âm nhạc. Những ngôi sao như Jay Leno, Nicholas Cage và Ja Rule đều lái Lamborghini.

Nếu chỉ nhìn vào sự hào nhoáng và quyến rũ bên ngoài những chiếc siêu xe, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng Ferruccio Lamborghini – “cha đẻ” của thương hiệu này xuất thân là chủ một hãng máy kéo.

Ferruccio Lamborghini sinh năm 1916 tại một thị trấn nhỏ tên là Renazzo di Cento, nằm ở vùng Emilia Romagna của Italia. Cha mẹ ông là nông dân và khuyến khích con trai giúp đỡ công việc gia đình, đặc biệt là khi làm việc với các thiết bị nông trại. Điều này giúp Ferruccio sớm có tình yêu với máy móc và từ khi còn trẻ, ông đã nuôi dưỡng niềm đam mê với ôtô và môtô tốc độ cao.

Vào thời điểm Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra, Lamborghini theo học trường kỹ thuật tại Học viện Fratelli Tadia gần Bologna và nổi tiếng với tài sửa chữa mọi thứ. Sau khi được điều tới đảo Rhodes của Hy Lạp làm thợ máy tại công ty hàng không Regia Aeronautica, Ferruccio kết hôn với người vợ đầu – bà qua đời khi sinh con vào năm 1947.

Một số người nói rằng trong chính tuần trăng mật của mình, Ferruccio đã nảy ra ý tưởng chế tạo máy kéo từ những chiếc xe quân đội cũ khi ông đi ngang qua bãi xe bọc sắt đang sắp bị phá bỏ.


Ferruccio Lamborghini. Ảnh: Lamborghini.

Lamborghini Trattori ra đời năm 1948 sau khi Ferruccio tạo ra một chiếc máy kéo cho cha ông, sử dụng phụ tùng từ một số phương tiện khác nhau và động cơ Morris 6 xy-lanh. Mẫu xe đầu tiên Lamborghini lắp ráp được gọi là Carioca nhưng đến năm 1950, hãng mới tự làm hoàn toàn chiếc máy kéo đầu tiên (trừ động cơ Morris) và được gọi là L33.

Bắt đầu bằng việc chỉ sản xuất một số ít máy kéo vào năm 1949, đến giữa thập niên 50, nhà máy Lamborghini Tractor ở Pieve di Cento đã trở thành một trong những nhà sản xuất thiết bị nông nghiệp thành công nhất Italia.

“Máy kéo Lamborghini. Hoàn toàn khác biệt” là khẩu hiệu hiện vẫn gắn liền với Lamborghini và được đánh giá là rất phù hợp nếu xét đến tính “độc” trong những cỗ máy của hãng và cả cá nhân người sáng lập.

Ferruccio được cho là người mạnh mẽ và quyết đoán. Ông tự hào là một người dễ gần, thậm chí đã tự tay pha trà mời các phóng viên khi họ tới phỏng vấn ở Tuscan Vineyard, nơi ông sống những năm cuối đời với công việc làm rượu nho và sân golf. Ferruccio cũng là người không sợ rủi ro và những chiếc máy kéo thể hiện sự khao khát cải tiến của ông.

Với những người đam mê xe hơi, nhắc đến Lamborghini, điều đầu tiên mà họ nghĩ đến thường liên quan đến Ferrari.

Câu chuyện bắt đầu khi Ferruccio – khi đó đã trở nên giàu có nhờ kinh doanh máy kéo – nhiều lần phải đến Maranello để khắc phục sự cố liên quan đến những chiếc siêu xe Ferrari mà ông sở hữu.

Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “Thoroughbred and Classic Cars” vào năm 1991, “cha đẻ” Lamborghini kể lại câu chuyện này.

“Tất cả các xe Ferrari của tôi đều gặp vấn đề về bộ ly hợp. Khi lái xe bình thường, mọi thứ đều ổn. Nhưng khi xe tăng tốc đột ngột thì khớp ly hợp bị trượt, nó không đủ khả năng thực thi nhiệm vụ”, ông nói.

“Tôi phải thường xuyên đến Maranello để sửa hoặc thay mới nó (bộ ly hợp). Mỗi lần như vậy, chiếc xe bị lấy đi trong vài giờ và tôi không được phép xem họ sửa chữa. Lỗi này mãi vẫn không khắc phục được, vì vậy tôi quyết định nói chuyện với Enzo Ferrari. Tôi đã phải đợi ông ấy rất lâu. ‘Ferrari, xe của ông là đồ bỏ đi’ – Tôi phàn nàn. Ông ấy rất tức giận và nói ‘Lamborghini, ông có thể lái máy kéo nhưng sẽ không bao giờ biết điều khiển một chiếc Ferrari đúng cách’. Đó là lý do tôi quyết định tạo ra một chiếc ôtô hoàn hảo”, Ferruccio nhớ lại.


Lamborghini xuất phát từ công ty máy kéo và sản xuất siêu xe bắt nguồn từ tham vọng “dạy cho Ferrari một bài học”. Ảnh: Lamborghini.

Với Enzo Ferrari, tình huống này không phải hiếm gặp. Một trong những câu nói nổi tiếng của ông là “Khách hàng không phải lúc nào cũng đúng”. Người sáng lập Ferrari thậm chí đã dành cả một chương trong cuốn tự truyện của mình mang tên “My Terrible Joys” để viết về khách hàng, trong đó nói rằng một số người có vẻ quan tâm đến màu sơn của xe Ferrari hơn là chất lượng kỹ thuật.

Năm 1963, Automobili Lamborghini S.p.A. chính thức được thành lập ở Sant’Agata Bolognese, một ngôi làng nhỏ nẳm giữa Bologna và Modena. Đội ngũ kỹ sư đầu tiên là những người cũ của Ferrari.

Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, đến nay cùng với Ferrari, Lamborghini trở thành một trong những hãng siêu xe nổi tiếng nhất hành tinh.

 Thời đại của Ferruccio và Enzo đã qua, nhưng cuộc chiến giữa Lamborghini và Ferrari vẫn tiếp diễn. Những cuộc tranh cãi nên mua “Bò rừng” (Lamborghini) hay “Ngựa hoang” (Ferrari) vẫn thường xuyên diễn ra.

Huyền thoại âm nhạc Mỹ Frank Sinatra, một tín đồ của “Bò rừng” từng nói “Bạn mua Ferrari khi muốn trở thành ai đó. Bạn mua Lamborghini khi muốn thể hiện mình là ai đó”. Còn Sergio Marchionne, cựu CEO Ferrari chẳng ngần ngại khẳng định “nhiều người mua Lamborghini vì không thể sở hữu xe Ferrari”.

Thegioibantin.com | Vina Aspire News

Nguồn: cafebiz.vn

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ