Để khởi nghiệp, chỉ chuyên môn thôi là chưa đủ.
Để khởi nghiệp, chỉ chuyên môn thôi là chưa đủ. Có phải chúng ta vẫn thường vận hành mọi việc như vậy không? Một người giỏi làm bánh, và người đó nghĩ rằng mình có thể mở hiệu bánh? Một người giỏi may vá, thế là người đó nghỉ việc công ty và mở xưởng may riêng của mình? Hãy cẩn thận! Đó có thể là một sai lầm lớn!
Kiềng ba chân để khởi nghiệp thành công
Rất nhiều người cho rằng chỉ cần có chuyên môn là họ đã có thể khởi nghiệp. Đó là một sai lầm nghiêm trọng khi họ bỏ qua hai yếu tố sau:
Một là năng lực lãnh đạo.
Điều đó có nghĩa là quy mô của doanh nghiệp rất nhỏ bé vì nó phụ thuộc hoàn toàn vào bạn. Thậm chí, bạn còn sức khỏe thì bạn làm bánh, nếu bạn ốm đau bệnh tật thì doanh nghiệp của bạn sẽ dừng lại theo bạn. Để thành công hơn, rõ ràng bạn cần xây dựng và chuẩn hóa nên cả một hệ thống kinh doanh, bạn phải biết cách để kiểm soát hệ thống đó.
Bạn cũng cần biết cách để thu hút được nhiều người về làm việc với mình, khơi gợi năng lực tiềm tàng ở họ để họ chiến đấu hết mình, phát huy tối đa tiềm năng khi làm việc với bạn. Khi đó bạn sẽ đào tạo và phát triển họ. Để doanh nghiệp không chỉ có một mình bạn là thợ làm bánh, mà sẽ có 10-20-30 người thợ như vậy. Khi bạn điều hành tốt, hệ thống sẽ phát triển và bạn sẽ có nhiều cơ sở làm bánh, nhiều chi nhánh khác nhau. Và cho dù bạn có tạm nghỉ một thời gian thì doanh nghiệp của bạn vẫn chạy ổn. Đó là năng lực lãnh đạo – điều hành.
Hai là, bạn còn phải có năng lực kinh doanh. Ở đây cụ thể là năng lực làm sao để có được khách hàng.
Doanh nghiệp không chết vì không có sản phẩm tốt nhất thế giới. Doanh nghiệp chết vì không có đủ khách hàng.
Bạn cần phải biết cách bán hàng, tiếp thị, chăm sóc khách hàng, thực thi chiến lược – chiến thuật – kế hoạch hành động của mình, Quản lý tốt tài chính để thực thi các việc trên, để lấy được khách hàng. Trong một doanh nghiệp, người trả lương cho nhân viên không phải là ông chủ, cũng chẳng phải cổ đông, suy cho cùng, đó chính là khách hàng.
Ba là, năng lực về sản phẩm
Ba năng lực này có mối liên hệ mật thiết với nhau. Năng lực sản phẩm giúp đảm bảo chất lượng, khiến cho việc bán hàng dễ dàng hơn. Năng lực kinh doanh giúp đưa sản phẩm đến nhiều người hơn. Năng lực lãnh đạo giúp phát triển đội ngũ thực thi các nhiệm vụ liên quan đến sản phẩm, kinh doanh, từ đó gia tăng quy mô thành công của doanh nghiệp. Đây chính là “kiềng ba chân” của khởi nghiệp thành công.
-Theo nhận định của doanh nhân Tạ Minh Tuấn
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: CafeBiz