Doanh nhân – Người học trò không bao giờ tốt nghiệp
Tôi là doanh nhân và tôi yêu công việc của mình. Mỗi ngày trôi qua, tôi đều tự hỏi: Ngày hôm nay, mình đã học được điều gì. Có những điều hết sức giản đơn nhưng ngẫm lại rất thấm thía. Doanh nhân lớn lên qua từng cuộc họp do mình chủ trì hoặc tham gia, qua những lần ngồi xét kỷ luật nhân viên hoặc những buổi café sáng với bậc đàn anh, đàn chị. Là doanh nhân cũng sẽ có nhiều lần “cắp cặp” đến trường hoặc tham dự hội thảo. Đi học là cách làm mới mình tốt nhất! Vừa nghe diễn giả hoặc thầy, cô giáo trình bày vừa suy nghĩ ngay mình sẽ áp dụng điều vừa học vào công việc như thế nào. Có vài lần ngay sau buổi học, doanh nhân gọi điện thoại ngay về công ty, yêu cầu anh A, phòng B phải thực hiện chuyện này, chuyện kia là những điều vừa lĩnh hội được. Doanh nhân đi học không chỉ nhằm mục đích nâng cao kiến thức cho mình mà còn có suy nghĩ, học để về truyền đạt, chia sẻ lại với nhân viên!
Doanh nhân phải học cách chấp nhận cuộc sống. Cuộc sống vốn đa dạng, phức tạp và không công bằng. Những “lệ” không thành luật, những “ thực tế khách quan”, những mảng màu tối sáng của xã hội là những chuyện mà doanh nhân đối diện hàng ngày và học cách chấp nhận nó. Có một câu nói rất hay mà doanh nhân đồng cảm “ Cái gì thuộc về con người đều không xa lạ với tôi!”.
Doanh nhân vì doanh nghiệp và vì mình, phải học cách thể hiện và khẳng định bản thân. Sự thể hiện này đôi khi cũng cần sự giúp sức của truyền thông nhưng vẫn trên nền tảng là trí tuệ, năng lực và trái tim của người làm kinh doanh. Những hào quang giả hiệu, những trò lố lăng gây shock, những hư danh luôn chấp chới bay xung quanh. Doanh nhân phải tỉnh táo lắm mới không để vướng vào và để thương hiệu cá nhân của mình thật sự có giá trị và phù hợp với phong cách sống mà mình đã chọn.
Là doanh nhân tức là phải học cách quản trị gia đình một cách tốt nhất. Những cuộc chiêu đãi, những chuyến công tác xa luôn bứt người doanh nhân ra khỏi tổ ấm của mình. Doanh nhân phải học cách bù đắp tình yêu thương cho con, luôn cho thấy mình hiện diện bên con trong khi đi công tác xa nhà. Là doanh nhân tức là thường xuyên hôn con khi con đã ngủ say vì mình về nhà muộn; là mua cho con bao thứ đồ chơi hiện đại đắt tiền như là sự chuộc lỗi; là luôn nói “Yes” trước gần hết những yêu cầu của con! Là doanh nhân với những mối quan hệ trong gia đình, luôn phải đứng trước sự kỳ vọng và mong mỏi của người thân. Doanh nhân mặc nhiên được xem là người nhiều tiền, thành đạt nên có trách nhiệm vật chất với những người thân trong gia đình là đương nhiên dẫu đôi khi doanh nhân không có nỗi một triệu đồng trong ví và sắp đến ngày đáo hạn ngân hàng nhưng chưa biết xoay sở ra sao!
Doanh nhân tức là phải học cách làm việc, sống chung với những người ghét mình. Trong doanh nghiệp và các mối quan hệ bên ngoài, chắc chắn doanh nhân bị vài người ghét, nhất là nhân viên dưới quyền. Nhưng doanh nhân không có lựa chọn nào khác ngoài việc hiểu, chấp nhận và sống chung với sự ghen ghét đó. Doanh nhân bản lĩnh sẽ nhìn thấy điều tốt đẹp, thế mạnh của người ghét mình để sử dụng hoặc cộng tác mà bỏ qua những hiềm khích, thị phi.
Là doanh nhân tức là phải học cách sống chung với stress. Stress đến từ bốn phương tám hướng, từ cạnh tranh khốc liệt của thị trường, từ sự yếu kém của nhân viên, từ vài chính sách vĩ mô chưa phù hợp, từ sự bất bình đẳng trong kinh doanh, từ áp lực vốn vay và cả từ sự không êm ấm trong gia đình. Chưa kể là, làm doanh nhân tức là chấp nhận sống với những giây phút cô đơn. Cô đơn trong các quyết định quan trọng mà không thể chia sẽ với ai như đề bạt, kỷ luật cán bộ; quyết định thực hiện những thương vụ có rủi ro cao và những quyết định có gắn với chữ “Không”! Với các áp lực như vậy, doanh nhân vẫn phải cười nói, vẫn phải mạnh mẽ để nhân viên vững lòng, vẫn phải dịu dàng với con để con luôn trong sáng, thơ ngây. Mà cám dỗ xung quanh doanh nhân nhiều lắm. Những cuộc nhậu li bì bên chiến hữu, những trận “tỷ thí” đỏ đen là cách mà không ít doanh nhân xả stress bên cạnh những người khác chọn cách chơi thể thao, đọc sách, đi du lịch, tập yoga để vượt qua áp lực công việc! Và những chuyến công tác nếu có dư dả chút ít thời gian cũng sẽ là những chuyến đi du lịch thú vị, giúp doanh nhân giải tỏa bao áp lực.
Là doanh nhân, đặc biệt là nam doanh nhân ngoài tiệc tùng triền miên còn phải học cách “ nhậu bị động”! Có rất nhiều lần tự hứa với lòng là hôm nay “nghỉ nhậu” nhưng vì mối quan hệ, vì nể nang, vì chuyện làm ăn, đành “bấm bụng” đến nhà hàng. Và một khi đã uống vào rồi thì rất khó mà dừng lại. Sức khỏe vì vậy mà cũng lụi tàn đi. Ông Chu Dung Cơ có một câu nói rất hay đại ý là “Tiền bạc rồi sẽ là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khỏe là của mình”. Hơn ai hết doanh nhân nhận thức rất rõ điều này. Doanh nhân bây giờ cũng phải học cách “ quản trị bản thân” mà quan trọng nhất là quản trị sức khỏe của mình. Từ golf, tennis, cầu lông đến bơi lội, đá bóng, đi bộ… rồi những lần khám bịnh định kỳ 6 tháng, 1 năm là cách mà nhiều doanh nhân đang thực hiện. Doanh nhân rất cần bề ngoài nên sức khỏe kém, thần sắc không tốt, chắc chắn sẽ gây lo lắng cho mọi người!
Doanh nhân còn phải học cách yêu thương và chia sẻ với mọi người xung quanh nhất là những mảnh đời bất hạnh, thiếu may mắn. Sự sẻ chia đó có ý nghĩa nhất vẫn là dành cho những người công nhân, nhân viên còn nghèo khó trong doanh nghiệp của mình và sau đó lan rộng ra đến những người cần sẻ chia trong xã hội. Ngân sách dành cho hoạt động xã hội của mỗi doanh nghiệp là có hạn mà sự hiệu triệu sẻ chia thì lúc nào cũng có nên việc chọn lựa đối tượng, rồi “ của cho không bằng cách cho” luôn làm doanh nhân đau đầu. Tôi biết, rất nhiều người đã phải sử dụng tiền túi của mình để làm công tác xã hội vì ngân sách doanh nghiệp không kham nổi!
Doanh nhân còn phải học cách yêu nước theo kiểu của mình. Không quá tự tôn dân tộc, không quá huyễn hoặc mình nhưng vẫn luôn tự hào là con Rồng cháu Tiên. Trong hoạt động giao thương quốc tế, trong những diễn đàn, hội nghị đa phương, doanh nhân vẫn phải thể hiện được sự chuyên nghiệp, sự năng động và trách nhiệm với màu cờ sắc áo của mình. Trong những lần nhìn lá cờ Việt Nam được vinh danh, bay phấp phới trên đấu trường quốc tế, doanh nhân cũng là những người rớt nước mắt đầu tiên. Phải so kè, cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài mỗi ngày, tinh thần tự hào dân tộc càng ngày càng được hun đúc trong tâm khảm của doanh nhân Việt.
Là doanh nhân tức là phải học hàng ngày rất nhiều điều từ công việc, khách hàng, đối tác, nhân viên và nhà trường, sách vở! Cho nên, tôi tâm niệm: doanh nhân là người học trò không bao giờ tốt nghiệp!
Thegioibantin.com
Tác giả: Nguyễn Tuấn Quỳnh – Saigon Books