Người khổng lồ ngã quỵ, bài học cho người nhỏ

0

Tập đoàn Nine West Holdings, công ty sở hữu thương hiệu giày dép Nine West, vừa đệ đơn xin phá sản tại Mỹ, nối dài thêm danh sách hàng trăm nhà bán lẻ đã ra đi trong thời gian qua. Những thành trì hàng chục năm sụp đổ vì sức mạnh của trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo… dường như đã trở nên bình thường hơn bao giờ hết. Và chuyện của những gã khổng lồ ở nước Mỹ xa xôi đó đang đem đến những bài học và cơ hội cho những doanh nghiệp bán lẻ nhỏ tại Việt Nam.

Danh sách dài thêm

Tin tức về việc đệ đơn phá sản của Nine West trở thành đề tài nóng trên các mặt báo trong và ngoài nước. Theo CNN, hồ sơ phá sản cho thấy tập đoàn Nine West Holdings nợ hơn 1 tỉ đô la Mỹ và có kế hoạch bán hai thương hiệu con là Nine West và Bandolino cho Authentic Brands Group để lấy tiền trả nợ. Nine West hy vọng sẽ tiếp tục hoạt động bình thường ở 800 cửa hàng tại 57 quốc gia trong quá trình phá sản, tái cơ cấu.

Không rõ hy vọng này của Nine West có thành hiện thực được hay không nhưng nhà bán lẻ đồ chơi lớn nhất nước Mỹ, Toys “R” Us thì đã không làm được điều đó. Hồi đầu tháng 3 vừa qua, Toys “R” Us đã phải thông báo đóng cửa toàn bộ 800 cửa hàng tại Mỹ sau sáu tháng đệ đơn xin phá sản để chuyển nợ và tái cơ cấu, hồi tháng 9-2017. Toys “R” Us cũng đã đóng cửa toàn bộ cửa hàng ở Anh và dự kiến đóng hàng trăm cửa hàng khác trên toàn cầu.

Nine West và trước đó Toys “R” Us là hai trong số 300 doanh nghiệp bán lẻ ở Mỹ đã phải đóng cửa các điểm bán của mình, không chỉ tại quốc gia xuất phát (Mỹ) mà còn tại nhiều nước khác trong năm 2017, năm được coi là “đen tối” nhất trong lịch sử ngành bán lẻ cho đến hiện tại. Có hàng loạt cái tên có thể nhắc đến như Radio Shack (chuỗi cửa hàng điện tử có từ năm 1921), Payless Shoes (chuỗi cửa hàng giày dép dành cho gia đình có từ năm 1956)… Theo CNN, đã có hơn 7.000 cửa hàng đóng cửa tại Mỹ trong năm 2017, con số kỷ lục trong lịch sử ngành.

Và sự đi xuống của người này là sự đi lên của người kia. Các thương hiệu bán lẻ truyền thống sụp đổ nhưng có hàng loạt “đế chế mới” được xây lên với mô hình kinh doanh tiên tiến. Nhìn vào danh sách 25 công ty bán lẻ hàng đầu thế giới theo vốn hóa thị trường năm 2017 do Earn & Young thống kê sẽ thấy hàng loạt sao đổi ngôi. Tổng vốn hóa thị trường đã lên mức 1.927 tỉ đô la Mỹ và đứng đầu là Amazon với vốn hóa hơn 391 tỉ đô la Mỹ. Vị trí số một này vốn của Wal-mart hồi năm 1999 (với 183 tỉ đô la Mỹ), và nay, nhà bán lẻ lớn của Mỹ này đã phải xuống vị trí thứ ba, xếp sau cả đối thủ của Amazon là Alibaba (với 258 tỉ đô la Mỹ). Cũng trong danh sách này, có tới 12 thương hiệu mới với chiều dài phát triển của nhiều công ty còn chưa vượt quá 10 năm.

Các thương hiệu bán lẻ truyền thống kinh doanh sa sút rồi phải đóng cửa đều có một nguyên nhân chung là đấu chọi không lại với các nhà bán lẻ trực tuyến như Amazon hay các nhãn hiệu mới ra đời nhưng sử dụng mô hình kinh doanh hiện đại với những công nghệ như thực tế ảo (VR); trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT)… Khách hàng được chiều lòng bởi nhiều thứ mới mẻ, thấu hiểu đến tận đường tơ, kẽ tóc đã không còn muốn đi đến các trung tâm thương mại. Các nhà bán lẻ truyền thống vì vậy phải vật lộn đủ cách để sinh tồn và hệ quả là sinh thêm cả đống nợ. Kết cục là phải đệ đơn xin phá sản để bán tài sản lấy tiền trả nợ cùng với hy vọng sẽ có ngày trở lại.

Một số chuyên gia phân tích, các nhà bán lẻ truyền thống với lịch sử hàng chục, hàng trăm năm, được xem là những ông lớn, những thành trì, đã thay đổi không kịp với những đổi thay của người tiêu dùng. Bởi vì “thuyền lớn, quay đầu khó” và quan trọng không kém là đã ngủ quên trên đỉnh cao chiến thắng.

Kinh nghiệm cho doanh nghiệp nhỏ

Ngành bán lẻ Việt Nam, theo nhìn nhận của giới chuyên gia, vẫn đang đi sau so với nhiều quốc gia khác trong khu vực, từ tốc độ tăng trưởng, thị phần về doanh thu đến mức độ thâm nhập thị trường của kênh phân phối hiện đại. Nếu so với Mỹ, đất nước đang có sự đổi ngôi nhanh chóng kể trên thì khoảng cách càng xa. Nhưng, không phải vì thế mà các doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam có thể đứng ngoài xu hướng phát triển, không chịu sức ép của những mô hình kinh doanh tiên tiến.

Thương mại điện tử tại Việt Nam dù mới bắt đầu phát triển trong một vài năm trở lại đây nhưng tốc độ tăng trưởng lại đang ở mức dẫn đầu trong khu vực. Các trang thương mại điện tử hàng đầu như Lazada, Tiki hay Zalora hầu hết báo lỗ nhưng đứng đằng sau đều là những gã khổng lồ như Alibaba, JD.com. Thanh toán điện tử bùng nổ trong năm 2017 với hàng loạt ứng dụng như Samsung Pay, Momo… khi tỷ lệ điện thoại thông minh chiếm tới hơn 50% tổng số người dùng điện thoại, kết nối Internet khắp nơi. Cửa hàng tự động không nhân viên cũng đã có ở Việt Nam (chuỗi Toromart).

Dù ít, dù nhiều, các cửa hàng, siêu thị đang phải chia sẻ khách hàng với các trang thương mại điện tử, những người kinh doanh trực tuyến qua mạng xã hội Facebook, Zalo giống như cách họ đã và đang lấy đi khách của chợ truyền thống. Các nhà bán lẻ hiện đại, dù hơn hẳn các nhà kinh doanh tại chợ vì công nghệ nay cũng đã phần nào thành phương thức truyền thống.

Cũng vì thế, để tránh tình cảnh đã xảy ra với hàng loạt tên tuổi lẫy lừng của ngành bán lẻ Mỹ như Toys “R” Us hay mới nhất là Nine West, các nhà bán lẻ tại Việt Nam phải đẩy nhanh hơn nữa quá trình đầu tư cho công nghệ nhằm tiếp cận, phục vụ, thấu hiểu người tiêu dùng hơn. Ông Nguyễn Quốc Toàn, Phó tổng giám đốc Công ty Earn & Young Việt Nam (EY), lãnh đạo ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ khu vực Đông Dương, cho rằng nếu không muốn bị bỏ lại phía sau, thậm chí đào thải khỏi thị trường, doanh nghiệp bán lẻ không còn thời gian để trì hoãn hay thờ ơ với công nghệ kỹ thuật số. Đây là lúc các doanh nghiệp không còn được phép hỏi “khi nào sẽ phát triển năng lực kỹ thuật số?” mà chỉ có thể đặt câu hỏi “phát triển như thế nào?”.

Nhưng, ở một góc nhìn lạc quan hơn, các chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, sự đổi ngôi kể trên cũng đồng thời khẳng định, không gì là không thể. Đây chính là cơ hội cho những người đi sau tái định nghĩa lại ngành và vươn lên bằng cách ứng dụng công nghệ mới, tạo lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, điều lưu ý ở đây là cần phải thúc đẩy quá trình này vì “cửa sổ vàng” chỉ trong khoảng ba năm (trước khi công nghệ trở nên phổ cập, đơn giản với tất cả). Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nhìn lại mình, hiểu rõ mình muốn gì, khách hàng của mình là ai, đang cần những gì để tìm và ứng dụng công nghệ phù hợp. Mục tiêu lớn nhất phải là giúp khách hàng mua sắm tiện lợi hơn, trải nghiệm tốt hơn.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp từ trải nghiệm thực tế, bà Nguyễn Linh Trang, Phó giám đốc kế hoạch tổng hợp của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), đơn vị hiện sở hữu nhiều mô hình bán lẻ, từ đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng thực phẩm tiện lợi đến cửa hàng 24/7, tại một hội thảo mới đây cho rằng điều quan trọng nhất khi thay đổi không chỉ là quyết tâm mà còn cần tới sự dũng cảm của ban lãnh đạo cùng kế hoạch chiến lược dài hơi từ trên xuống dưới. Bởi lẽ, đầu tư cho công nghệ khó lòng nhìn thấy ngay kết quả trong ngày một, ngày hai mà cần thời gian. Việc không có kết quả ngay sẽ rất dễ làm dao động người lãnh đạo, nhất là khi việc kinh doanh ở những mảng truyền thống vẫn đang mang lại doanh thu chính.

Hiện bà Trang đang phụ trách về mảng dữ liệu khách hàng. Với gần 20 năm hoạt động trên thị trường bán lẻ Việt Nam, có được dữ liệu về hàng triệu khách hàng, Saigon Co.op đang “đào mỏ vàng” này để biến thành lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, không phải dữ liệu nào cũng có thể sử dụng được do thói quen tiêu dùng của khách hàng đã thay đổi, nhu cầu về hàng hóa của các thế hệ cũng đã đổi khác.

Theo các chuyên gia, trong cuộc đấu tranh sinh tồn này của các doanh nghiệp, Nhà nước cần thể hiện vai trò định hướng, thiết kế chính sách; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới, tạo hệ sinh thái để cho các dự án khởi nghiệp về công nghệ trong ngành bán lẻ, tài chính phát triển, tạo ra những ứng dụng phù hợp với quy mô của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.

Thegioibantin.com | Vina Aspire News

Nguồn: thuongtruong24h.vn

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ