“Trùm bỉm sữa” Bibo Mart: Cú bẻ lái tích hợp lợi ích trong hệ sinh thái công nghệ
Khởi nghiệp bằng tấm lòng người mẹ, đến khi xây dựng được hệ thống cửa hàng mẹ và bé dẫn đầu trên thị trường, bà Trịnh Lan Phương – CEO Bibo Mart lại bất ngờ chuyển mình nhắm tới đích… công nghệ.
CEO Bibo Mart là ai?
CEO Trịnh Lan Phương, chủ tịch HĐQT – TGĐ Bibo Mart, trước khi bắt đầu hành trình với Bibo Mart đã từng có thời gian làm việc trong lĩnh vực quản trị nhân sự của nhiều tổ chức lớn như tập đoàn FPT, Ngân hàng thế giới, Vietnam mobile…
Từ bỏ công việc văn phòng an phận, bà chủ xinh đẹp của Bibo Mart quyết tâm khởi nghiệp với mong muốn các gia đình Việt có thể tiếp cận các sản phẩm mẹ và bé một cách tiện lợi hơn.
Quay lại thời kỳ 2005, 2006 trên thị trường Việt Nam chỉ có hai kênh bán hàng cho mẹ và bé phổ biến: kênh truyền thống là các cửa hàng kiot nhỏ dọc các chợ, các con phố và kênh phân phối trong các siêu thị lớn.
Trong khi kênh thứ nhất có quy mô nhỏ, phần lớn kinh doanh theo hình thức cá thể, hộ gia đình thì kênh thứ hai, dù có nhiều mặt hàng hơn, quy mô lớn hơn nhưng khách hàng cũng chỉ đến chọn đồ, mua sắm chứ không nhận được sự tư vấn để thực sự thấu hiểu công dụng của sản phẩm.
Tại thời điểm đó, chị Phương đang nghỉ sinh em bé thứ hai và sớm nhận ra những khó khăn mỗi lần muốn mua đồ cho con khi chị thường xuyên phải chạy đi chạy lại nhiều nơi, thậm chí mất nửa ngày để sắm sửa đồ dùng cần thiết. Từ đó ý tưởng về một mô hình bán lẻ đồ cho mẹ và bé ra đời.
Sự nghiệp của CEO Bibo Mart
Bắt đầu hành trình với số vốn “khiêm tốn” 130 triệu đồng và một diện tích nhỏ 64m2 tại khu đô thị Mỹ Đình 2, Bibo Mart đã từng bước từng bước tìm đường đến với khách hàng.
Chặng đường khởi nghiệp khá gian nan bởi thịt trường bán lẻ Việt Nam lúc bấy giờ còn thiếu rất nhiều điều kiện như con người, nền tảng công nghệ, năng lực quản trị. Theo chị Phương, “đứa con tinh thần” đầu tay của chị đã mất 5 năm từ 2009-2014 để chuẩn bị nguồn lực, từ tài chính, con người, công nghệ và hệ thống quản trị.
Việt Nam chưa có các trường đào tạo sẵn sàng cung ứng ngành nhân lực bán lẻ có chất lượng cho Việt Nam. Tuyển dụng nhân sự có chất lượng, đào tạo bài bản về ngành, có thể bắt nhịp công việc được ngay thực sự là một thách thức lớn.
Năm 2009 được xem là một bước chuyển mình lớn của Bibo Mart khi chị Phương quyết định thế chấp sổ đỏ ngân hàng, dồn tiền mở cửa hàng thứ hai tại phố Sơn Tây, Hà Nội. Mô hình này được đầu tư toàn diện với tất cả tâm huyết và giống tới 90% so với mô hình thành công hiện tại.
– Advertisement –
Bibo Mart thứ hai tại Hà Nội không chỉ cung cấp sản phẩm mà còn chú trọng đến đến sự đa dạng về mặt hàng, giá cả, dịch vụ, trải nghiệm khách hàng, đầu tư về mặt hình ảnh truyền thông…
Với sự đầu tư và tâm huyết lớn, cửa hàng thứ hai của chị Phương thật may mắn đã thành công ngoài mong đợi. Trong vòng 6 tháng chị thu hồi toàn bộ vốn đầu tư, trả nợ ngân hàng và có một khoản tích lũy để mở cửa hàng Bibo Mart thứ 3 tại phố Trần Duy Hưng
Bên cạnh đội ngũ đi cùng trong suốt hơn 10 năm phát triển, “nữ tướng” Bibo Mart đã chiêu mộ thành công nhiều chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệp trong ngành bán lẻ thế giới, điều hành các chuỗi nổi tiếng như 7-Eleven, Walmart, Dairy Farm…
Sự thành công và những bước chuyển mình của Bibo Mart
Từ 2-3 cửa hàng nhỏ tại Hà Nội thuở sơ khai, hiện chuỗi siêu thị đồ mẹ và bé Bibo Mart đã có mặt ở hầu hết các tỉnh thành, đội ngũ hơn 2000 nhân viên.
Trong suốt nhiều năm, Bibo Mart liên tục dẫn đầu về doanh số bán lẻ ngành mẹ bé tại Việt Nam. Doanh nghiệp cũng tiên phong trong việc phối hợp các chuyên gia y tế, các nhà khoa học xây dựng phòng Lab, đồng hành với các nhà sản xuất trong nước phát triển các sản phẩm phù hợp với trẻ em Việt Nam, sẵn sàng cho việc mở rộng quy mô, tăng trưởng ngoạn mục trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, với sự tham gia và chuyển giao kinh nghiệm từ Mr Henry Neilson, cựu CEO của Walmart, cũng là thành viên tư vấn trong ban Hội đồng quản trị, Bibo Mart đã xây dựng được quy trình vận hành chuỗi bán lẻ, cung ứng theo tiêu chuẩn Quốc tế.
Việc mời về các chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán lẻ, công nghệ, quản trị… bà Phương nhắm đến xây dựng nền móng vận hành cả ngàn cửa hàng bởi độ phủ của hệ thống cửa hàng là tiêu chí được mặc định khi đánh giá sức ảnh hưởng của thương hiệu bán lẻ.
Hàng trăm triệu USD được chi để mời các chuyên gia đến từ các hãng bán lẻ hàng đầu thế giới về ngồi cùng nhau. Bà Phương và cộng sự đã mất khoảng 6 tháng để xây dựng bản chiến lược nhằm trả lời câu hỏi: “Làm sao chiếm lĩnh tuyệt đối thị trường?”.
Tuy nhiên, khi họp các cố vấn bà Phương trăn trở: “Sau khi dẫn đầu thị trường sẽ là gì?”. Thật bất ngờ khi câu trả lời đó là: “Sau khi dẫn đầu sẽ là sự bão hòa rồi thoái trào”.
Kinh nghiệm của các hãng bán lẻ lớn trên thế giới là vậy, hệ thống bán lẻ vật lí phát triển đến một con số nhất định sẽ bão hòa rồi thoái trào. Thoái trào ở đây là không còn sự phát triển cơ học về số lượng cửa hàng.
Nhưng điều bà Phương sợ nhất là đến lúc đó mình đã gây nhiều tổn thương cho các doanh nghiệp, các cửa hàng khác trên thị trường mẹ và bé. Còn riêng với Bibo Mart sẽ không còn giữ được mục tiêu ban đầu đã đặt ra.
Cú bẻ lái chiến lược
Tuy đau đớn nhưng bức tranh về mô hình bán lẻ đã được bà Phương chuyển hướng: Giai đoạn đầu phải tập trung vào củng cố chiều sâu của mô hình, ngưng việc mở rộng và hướng đến tầm xa là dự đoán và đón đầu xu hướng.
Để làm được điều này, Bibo Mart đã đầu tư một kiến trúc hạ tầng công nghệ đồng bộ như Big Data, Automation, Subscreption, IOT, AI… cũng như đầu tư xây dựng mô hình mới F2C (Factories to Customers – Từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng) với mục tiêu trở thành một hệ sinh thái số, giúp kết nối các đối tác, khách hàng, nhà sản xuất… khai thác nguồn lực hiện có trong xã hội mang lại lợi ích cho các bên tham gia hệ sinh thái.
Bạn có thể hình dung, một bà mẹ mua sữa cho con và được ghi nhận trên hệ thống. Hệ thống sẽ tự động tính toán là với lượng sữa như vậy đứa trẻ dùng được bao nhiêu ngày, đến ngày sữa hết hệ thống sẽ tự động nhắn tin cho bà mẹ. Nếu bà mẹ đồng ý mua tiếp loại sữa đang dùng thì chỉ một chạm khoảng 5 phút sau có sữa giao tận nhà.
Bibo Mart hoạt động như mô hình của các siêu ứng dụng hiện nay, đó là một cửa hàng bán lẻ sử dụng nền tảng công nghệ số: gần với khách hàng nhất và có mặt hàng khách yêu cầu sẽ nhận lệnh và chuyển hàng đến nhanh nhất.
Như vậy, các cửa hàng bán lẻ sử dụng nền tảng của Bibo Mart có thể là bất kỳ doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nào có nhu cầu…
Định vị lại nền tảng doanh nghiệp
Việc Bibo Mart đang rất thành công trên thị trường bán lẻ truyền thống lại quyết định chuyển hướng thành một doanh nghiệp với nền tảng số mà ở đó chưa nhìn lợi nhuận rõ ràng khiến không ít người hoài nghi.
Theo lời bà Trịnh Lan Phương; “Người đứng đầu phải có tầm nhìn xa hơn những gì đang diễn ra. Có thể những hành động, quyết định của họ tại thời điểm hiện tại bị nhiều người cho là mơ hồ, phi thực tế… Như ông chủ Faceboook, mục tiêu ban đầu khi làm ra mạng xã hội lớn nhất thế giới này có phải là để kiếm tiền đâu…”.
Với chiến lược của Bà thì các “đối thủ” của Bibo Mart hiện nay cũng có thể sử dụng hệ sinh thái của Bibo Mart để kinh doanh. Điều này có đi ngược lại với lí thuyết về thị trường cạnh tranh không thưa bà?
Theo tôi thị trường 100 triệu dân của Việt Nam chỉ nên có khoảng 10.000 cửa hàng vật lí là phù hợp. Hiện nay nếu tính cả các cửa hàng nhỏ lẻ của hộ kinh doanh, cá nhân… thì con số đã gần đủ rồi.
Nếu Bibo Mart quyết tâm mở thêm cửa hàng vật lí thì chắc chắn sẽ có nhiều cửa hàng nhỏ lẻ khác, thậm chí nhiều sẽ có doanh nghiệp bán lẻ trên thị trường mẹ và bé bị đóng cửa do không cạnh tranh được.
Thay vì triệt tiêu các của hàng đang đem lại nguồn sống cho nhiều gia đình tại sao chúng ta lại không phát triển nền tảng công nghệ để hỗ trợ họ, biến họ thành đối tác của mình?.
Với tôi, không có lí thuyết cạnh tranh nào cho việc triệt tiêu người khác để mình phát triển lớn mạnh…
Bà từng nói định vị mình sẽ là một nhà đầu tư. Vậy các khoản đầu tư của Bà nói riêng và của Bibo Mart nói chung đang được hướng đến lĩnh vực nào?
Như tôi đã nói, hiện chúng tôi đã đầu tư xây dựng mô hình mới F2C (Factories to Customers – Từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng). Tôi sẽ đầu tư vào các nhà sản xuất dưới nhiều hình thức khác nhau.
Có một thực tế “đau lòng” là người tiêu dùng Việt Nam đang trả quá nhiều tiền cho những sản phẩm nguồn gốc nước ngoài. Điều này bắt nguồn một phần từ tâm lí tiêu dùng, còn phần lớn là do chất lượng sản phẩm.
Ví dụ, một hộp sữa sản xuất tại New Zealand có giá tại nhà máy là 160.000 đồng nhưng khi về đến cửa hàng bán lẻ Việt Nam có giá khoảng 640.000 đồng và đến tay người tiêu dùng với giá khoảng 700.000 đồng.
Khoảng cách giữa 160.000 đồng với 700.000 đồng nó quá lớn và đó là lí do để chúng tôi quyết định trở thành nhà đầu tư tài chính để giảm biên độ này xuống.
Đội ngũ R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm) của chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu các sản phẩm tốt, được ưa chuộng của nước ngoài và liên kết với các nhà sản xuất tại Việt Nam để sản xuất ra sản phẩm tương tự hoặc tốt hơn, phù hợp với người Việt Nam hơn và với gía thành rẻ hơn. Liên kết ở đây không chỉ là đầu tư tài chính cho nhà sản xuất mà còn đầu tư máy móc, công nghệ, nhân lực, đầu tư phát triển sản phẩm…
Bibo Mart hoạt động trên cơ sở data-driven, nghĩa là điều khiển bằng dữ liệu, các dữ liệu này bao gồm thông tin, tương tác và hành vi mua hàng của khách hàng, việc phân tích dữ liệu sẽ dự đoán được hành vi mua sắm của khách hàng trong tương lai.
Hệ thống dữ liệu cho phép dự báo sản lượng tiêu thụ trước 2 năm, do đó nguyên phụ liệu và kế hoạch sản xuất cũng được hoạch định từ sớm, giúp cho tất cả các bên tham gia đều có thể chuẩn bị nguồn lực tốt nhất.
Hệ thống của Bibo Mart sẽ không có kho hàng, không có xe mà chúng tôi liên kết với các đối tác tạo thành một hệ sinh thái.
Ví dụ, khi một cửa hàng bán lẻ hoặc một khách hàng báo lên hệ thống nhu cầu về một sản phẩm, với số lượng cụ thể thì nhà máy sản xuất ở Bắc Ninh có thể nhận được thông tin và đưa vào sản xuất ngay. Sau đó hệ thống sẽ phân loại và báo cho xe tải gần nhất đến nhận hàng chở thẳng đến các cửa hàng bán lẻ hoặc đến tận nhà khách hàng…
Ở đây chúng tôi tiết kiệm được khâu nhập kho, phân loại, xuất kho tại nhà máy và nhập kho, phân loại, vận chuyển đến của hàng bán lẻ ở từng khu vực.
– Bà Phương tâm tư –
Nguồn: Tổng hợp
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Nguồn : https://tapchidoanhnhan.org/quan-tri/quan-tri-chien-luoc/trum-bim-sua-bibo-mart-cu-be-lai-tich-hop-loi-ich-trong-he-sinh-thai-cong-nghe.html
Vina Aspire là nhà cung cấp các giải pháp, dịch vụ CNTT, An ninh mạng, bảo mật & an toàn thông tin tại Việt Nam. Đội ngũ của Vina Aspire gồm những chuyên gia, cộng tác viên giỏi, có trình độ, kinh nghiệm và uy tín cùng các nhà đầu tư, đối tác lớn trong và ngoài nước chung tay xây dựng.
Các Doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu liên hệ Công ty Vina Aspire theo thông tin sau:
Email: info@vina-aspire.com | Tel: +84 944 004 666 | Fax: +84 28 3535 0668 | Website: www.vina-aspire.com
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin