Sếp Coca-Cola, Hitachi, Lenovo bật mí kinh nghiệm chuyển đổi số
Theo đại diện lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia như Coca-Cola, Hitachi, Lenovo, chuyển đổi số không phải vấn đề công nghệ mà là thay đổi tư duy kinh doanh, cách vận hành với sự nỗ lực của ban lãnh đạo và toàn bộ nhân sự trong doanh nghiệp.
Nếu từ khóa của năm 2017 và 2018 là “cách mạng công nghiệp 4.0” thì từ khóa của 2019 chính là “chuyển đổi số”. Nhiều chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số chính là phương cách nhanh và hiệu quả nhất để các doanh nghiệp Việt bước vào cuộc chơi 4.0.
Theo khảo sát năm 2018 của IDC, chuyển đổi số đang trở thành chiến lược mới tại các doanh nghiệp Việt Nam. Gần 90% doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển đổi số với các bước khác nhau, trong khi hơn 30% lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát xem chuyển đổi số là vấn đề sống còn.
Không chỉ các con số của IDC mà chuyên gia đến từ các công ty hàng đầu thế giới đang hoạt động ở Việt Nam cũng cho rằng, chuyển đổi số tại Việt Nam mới chỉ có số lượng chứ chưa có chất lượng. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hiểu rõ, thật sự chuyển đổi số là làm những gì nên có rất nhiều dự án không có sự tham gia của ban lãnh đạo.
Ban lãnh đạo phải là người tham gia đầu tiên
“Giáo sư David L.Rogers từng cho rằng, chuyển đổi số không phải là về công nghệ mà về chiến lược và sự đổi mới trong ý thức. Tại Việt Nam, nhiều dự án chuyển đổi số thất bại vì các lãnh đạo doanh nghiệp vẫn đứng ngoài cuộc.
Trong rất nhiều dự án, ban quản trị, giám đốc IT và cả giám đốc công nghệ thông tin (CIO) đều hiếm khi tham dự. Từ những dự án chuyển đổi số mà chúng tôi thực hiện, 90% dự án thành công là nhờ sự tham gia của ban lãnh đạo và nhân sự cao cấp trong bộ phận liên quan”, ông Nguyễn Chí Đức – Giám đốc Votiva Việt Nam, chuyên gia có 20 năm kinh nghiệm trong chuyển đổi số nhận định.
Dù tự làm hoặc thuê công ty tư vấn, ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng nên dành ra từ 6 tháng đến 1 năm để làm việc chung với ban dự án. Nếu doanh nghiệp không có vị trí CIO thì cần thuê một CIO ở bên ngoài có đủ năng lực và sức mạnh.
Ngoài ra, thay vì cố sức làm một cái gì đó thật lớn, hãy bắt đầu từ những dự án nhỏ kiểu thử nghiệm. Với dự án nhỏ, thất bại nhanh thì cũng sửa nhanh. Sau khi vài dự án nhỏ thành công, sẽ thuyết phục ban lãnh đạo tham gia dễ hơn. Tóm lại, muốn chuyển đổi số thành công cần lôi kéo sự tham gia của ban lãnh đạo và đi từng bước nhỏ, truyền thông đến từng nhân viên.
Để lôi kéo lãnh đạo vào cuộc, ông Lui Sieh – Trưởng bộ phận tư vấn, cố vấn CIO Công ty SynergySynq cho rằng, ban chuyển đổi cần thể hiện rõ: nhiệm vụ như thế nào, kết quả sẽ là gì, kế hoạch – nhiệm vụ cụ thể, khách hàng là ai và giá trị mà họ muốn nhận lại.
Mặt khác, doanh nghiệp và ban lãnh đạo cần có tinh thần chuẩn bị chiến thắng: tinh thần hành động, chuẩn bị kỹ càng vì chuyển đổi số như một cuộc chạy đua marathon, nếu không lên kế hoạch rõ ràng và chuẩn bị chi tiết có thể bị chết giữa hành trình.
Chuyển đổi số là phải chuyển đổi tất cả, từ mô hình kinh doanh, cách vận hành, cách tiếp cận khách hàng… Sau khi thuyết phục và lôi kéo được ban lãnh đạo tham gia cùng, IT chính là bộ phận cần phải chuyển đổi đầu tiên, ông Lui Sieh kết luận.
Ông Nguyễn Văn Giáp – Giám đốc Lenovo Việt Nam
Còn theo ông Nguyễn Văn Giáp – Giám đốc Lenovo Việt Nam, ngay từ bước đầu tiên – chuyển đổi số bộ phận IT, nếu làm tốt đã có thể giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí hoạt động.
“Mỗi công ty đều có nhiều thế hệ nhân viên làm việc cũng những kỳ vọng, năng lực, chuyên môn khác nhau tạo ra những người dùng khác nhau. Có người chỉ dùng những thứ cơ bản như word – excel, có những người phải dùng những phần mềm thiết kế phức tạp buộc phải có máy tính có tính năng – sức mạnh lớn. Có người công việc cần phải ngồi cố định ở công ty như telesale, nhưng cũng có người phải thường xuyên ra ngoài như đội kinh doanh và bán hàng”, ông Giáp miêu tả.
Hiện tại, Lenovo đang áp dụng tỷ lệ 70%, tức chỉ thuê chỗ đủ cho 70% nhân viên của họ làm việc, sau này tỷ lệ đó có thể còn thấp xuống chỉ còn 50%. Đây là giải pháp lý tưởng không chỉ cho Lenovo mà còn cho các công ty muốn có “không gian làm việc nhỏ nhưng hiệu suất vẫn cao”.
Kinh nghiệm cụ thể từ Coca-Cola, Hitachi
Từ kinh nghiệm thực tiễn về chuyển đổi số tại Coca-Cola, ông Rahul Shinde – CIO Coca-Cola Beverages Vietnam cũng nghĩ rằng, chuyển đổi số nên bắt đầu từ lãnh đạo.
“Trong tất cả, chuyển đổi văn hóa là khó nhất, vì thế, quá trình chuyển đổi số nên bắt đầu từ lãnh đạo. Vì lãnh đạo của Coca-Cola hiểu khá nhiều về công nghệ, nên trong dự án chuyển đổi số của chúng tôi, tất cả cùng nhìn về một hướng, lãnh đạo dễ dàng hiểu về những gì chúng tôi giải thích là sẽ làm. Họ giúp chúng tôi chuyển đổi về văn hóa, giải quyết nhiều vấn đề phát sinh khác trong doanh nghiệp suốt quá trình chuyển đổi số.
Làn sóng số hóa cũng khiến những “gã khổng lồ” như Coca Cola phải vươn mình thay đổi
Người Việt thích ứng việc thay đổi công nghệ rất nhanh. Tuy nhiên, không ít nhân viên của chúng tôi lo sợ việc chuyển đổi số sẽ làm họ mất việc, thế nên, chúng ta cần nhìn vào thay đổi và chia sẻ để họ hiểu. Thúc đẩy chuyển đổi văn hoá phải bắt đầu từ trên cao, dựa vào kịch bản kinh doanh thực tế và cần tất cả mọi người tham gia. Chuyển đổi số không thể thành công trong 1 đêm mà cần nhiều thời gian”, ông Rahul Shinde tiết lộ.
Sứ mệnh của Coca-Cola ở thời điểm hiện tại cũng giống như 130 năm trước đây: duy trì trải nghiệm đồng nhất cho khách hàng và mục tiêu là mỗi người, ai cũng sẽ dễ dàng chạm vào một chai/lon Coca-Cola; chỉ là cách thức thực hiện khác nhau mà thôi.
Hiện tại, mục tiêu của Coca-Cola chính là khách hàng có thể dễ dàng mua được 1 chai/lon Coca-Cola sau mỗi cú click/chạm, đồng thời còn phát triển thêm danh mục sức uống sức khỏe để phù hợp với thời cuộc.
Công nghệ tiến hóa, buộc ông lớn nước giải khát này cũng phải ứng dụng những công nghệ mới để số hóa khách hàng, nhà cung cấp và cả bên trong nội bộ nhằm phát triển và duy trì thị trường. Công nghệ 4.0 cho phép Coca-Cola có thể ‘may đo’ những tấm áo riêng cho từng thị trường, chiến lược kinh doanh – cách tiếp cận khách hàng ở từng nước sẽ phụ thuộc vào những số liệu mà họ thu thập được trong hệ thống của mình ở nước đó.
Khác với Coca-Cola, từ kinh nghiệm của mình, lãnh đạo Hitachi thấy, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là mảng ngân hàng vẫn chưa biết cách chuyển đổi số. Theo ông, các doanh nghiệp trong ngành ngân hàng vẫn chưa tạo ra được những sản phẩm có tính sáng tạo đột biết cũng như chưa biết cách sử dụng lượng dữ liệu mà mình có.
Ông Genady Chybranov – CTO của Hitachi Vantara
“Rất nhiều ngân hàng Việt Nam đang rất tích cực trong chuyển đổi số, nhưng hầu hết sản phẩm họ đưa ra là tương đối giống nhau, cũng là mobile banking hay các khoản vay online. Nếu trong 1 tòa nhà có 3 ngân hàng, thì thật khó để quyết định lựa chọn cái nào. Theo tôi, bây giờ các ngân hàng nên tư duy, không phải mình có thể bán như thế nào mà là khách hàng muốn mua như thế nào”, ông Genady Chybranov – Giám đốc công nghệ (CTO) của Hitachi Vantara chia sẻ.
Các doanh nghiệp cần sử dụng AI và big data (dữ liệu lớn) để tiếp cận khách hàng tốt hơn bằng cách cá nhân hóa và phân tách ra từng phân khúc – độ tuổi cụ thể. Ví dụ, với người lớn tuổi có thể sử dụng email để thông báo một chương trình khuyến mãi nào đó, nhưng với người trẻ tuổi thì nên gửi qua mạng xã hội.
Nhưng vị lãnh đạo này nhận xét rằng, hầu hết doanh nghiệp Việt chưa khai thác được data có sẵn, nhiều doanh nghiệp chỉ lấy dữ liệu qua website và fanpage, mà quên lấy ở clip hoặc telesale. Hoặc nữa, kể cả khi có được big data mà nếu không dùng thuật toán đúng cũng chưa chắc rút tỉa ra được kiến thức hay những con số có lợi cho việc cá nhân hóa khách hàng.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: theleader.vn