TS Võ Trí Thành: Phụ nữ có hơn 140 sắc thái xúc cảm còn đàn ông chỉ có 28, nên logistics là ngành rất hợp với phụ nữ
Cũng theo ông, ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ lãnh đạo nữ trong các doanh nghiệp logistics đang cao hơn so với nam giới.
Logistics là ngành gắn liền với vận tải, giao nhận nên thường khi nghĩ đến logistics, nhiều người hay liên tưởng đến hình ảnh của những nhân viên nam hay các lãnh đạo nam. Tuy nhiên theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) có một điểm đặc biệt ở mảng logistics Việt Nam mà ngay cả các CEO trong ngành cũng ít người biết: Đa phần người làm chủ là phụ nữ, các tập đoàn logistics của Việt Nam thường do nữ giới đứng đầu.
“Bởi ngành logistics là ngành rất hợp với phụ nữ”, TS. Thành chia sẻ tại Tọa đàm “Khởi nghiệp cùng Logistics” tổ chức ở Hà Nội cách đây không lâu.
Ông lý giải bản chất logistics rất đa ngành, là ngành kết nối, giữ vai trò cảm biến cho tất cả các đối tác, trong khi “phụ nữ không khác gì cái cảm biến cả”.
“Đàn ông chi có 28 sắc thái xúc cảm, trong khi phụ nữ có 148 sắc thái. Xúc cảm ấy khiến phụ nữ trong cùng một lúc làm được nhiều việc. Ví như đàn ông chỉ đọc báo thì thôi xem TV, đã xem TV thì thôi đọc báo. Còn phụ nữ làm tất cả mọi việc, vừa kho thịt, nhặt rau, xem TV, nấu cơm, vừa gõ máy tính, chat chit cùng một lúc”.
“Tỷ lệ lãnh đạo nữ làm chủ lớn hơn là điều rất đặc biệt của ngành logistics Việt Nam”, ông Thành nhấn mạnh.
Trên thực tế, xu hướng lãnh đạo nữ trong ngành logistics vượt trội hơn so với lãnh đạo nam có thể xem là một phần của xu hướng chung hiện nay, khi Việt Nam đứng thứ 2 châu Á về tỷ lệ phụ nữ làm doanh nghiệp.
Theo một báo cáo do Grant Thornton quốc tế vừa công bố ngày 7/3 vừa qua, với 36%, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ nữ lãnh đạo cấp cao đứng thứ hai châu Á, trong đó bốn vị trí hàng đầu thường được phụ nữ đảm nhận trong doanh nghiệp là giám đốc tài chính (36%), giám đốc điều hành (30%), giám đốc nhân sự và giám đốc marketing (25%).
Tỷ lệ này còn cao hơn một số quốc gia phát triển như Singapore (33,04%), Hàn Quốc (29,89%), Ấn Độ (28,16%), Nhật Bản (15,43%)…
Tuy nhiên phụ nữ Việt Nam cũng đối diện với một số trở ngại cao hơn mặt bằng chung của thế giới như thiếu cơ hội phát triển nghề nghiệp, thiếu cơ hội xây dựng các mối quan hệ hay phải chịu trách nhiệm chăm lo gia đình ngoài công việc nhiều hơn,…
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: cafef.vn