Việt Nam nổi lên là “thiên đường” sản xuất mới tại Đông Nam Á
Theo Brand Finance - một hãng định giá thương hiệu của Anh, Việt Nam đang nổi lên là "thiên đường" sản xuất mới tại Đông Nam Á.
Dấu ấn kinh tế Việt Nam sau khủng hoảng “kép”
Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm 2020 – một năm có quá nhiều những khó khăn thách thức với Việt Nam và cả thế giới. Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng quá lớn, quá khốc liệt đối với nền kinh tế trong năm nay. Hơn 90.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.
Không chỉ dịch bệnh, năm 2020 cũng là một năm dồn dập thiên tai ở nước ta. Khó khăn chồng khó khăn là vậy, tuy nhiên nhìn lại 1 năm qua, kinh tế Việt Nam vẫn nổi lên với những điểm sáng. Việt Nam còn là một trong số ít các quốc gia được quỹ tiền tệ thế giới IMF dự báo sẽ tăng trưởng dương trong năm nay.
Dự kiến đến hết năm tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 2,5 – 3%. Trong khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy nặng nề, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vẫn đạt mức cao. Xuất siêu ước tính đạt mức kỷ lục 20 tỷ USD. Hay dự trữ ngoại hối tính đến tháng 9 đã đạt 92 tỷ USD, cao hơn 13 tỷ USD so với cuối năm ngoái. Dự kiến, đến cuối năm dự trữ ngoại hối có thể lên đến 100 tỷ USD.
Trong khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy nặng nề, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vẫn đạt mức cao. Ảnh minh họa – Báo Đầu tư)
Với những kết quả tích cực trên, tờ Nông thôn ngày nay gọi đây là những dấu ấn của kinh tế Việt Nam. Tờ báo chỉ ra rằng, một trong những điểm sáng đáng ghi nhận của Việt Nam trong năm nay đó là giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh, dự kiến đạt hơn 90% kế hoạch, mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Ngay từ đầu năm, vốn đầu tư công được Chính phủ xác định là bệ đỡ là hướng đi để giảm sốc cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, năm nay cũng là năm Việt Nam đã gặt hái nhiều thành công về kinh tế đối ngoại. Việt Nam đã ký kết được những Hiệp định quan trọng là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam -EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP. Những kết quả nền kinh tế đạt được trong bối cảnh khó khăn của năm nay có dấu ấn không thể phủ nhận trong công tác điều hành của Chính phủ.
IMF trong báo cáo mới đây cũng đã nhận định, Việt Nam đã kiềm chế được đại dịch bằng những biện pháp sớm, quyết liệt và sáng tạo. Chính phủ còn sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho khu vực tư nhân và thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam tăng nhanh nhất thế giới
Theo báo cáo Thương hiệu Quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) của hãng định giá thương hiệu Anh Brand Finance, và có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020, đi ngược xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do đại dịch COVID-19.
Báo điển tử Chính phủ dẫn nhận định của Brand Finance cho biết, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng gần 30% so với năm ngoái, lên tới gần 320 tỷ USD. Nhờ đó Việt Nam đã tăng hạng 9 bậc, leo lên vị trí thứ 33 trong top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.
Tờ Giáo dục Thời đại nhấn mạnh: Đơn vị đưa ra nhận định này là Brand Finance – một tổ chức “định giá thương hiệu” uy tín ở Anh Quốc, không phải những nhận định chủ quạn. Tờ báo phân tích, phải đặt trong bối cảnh cả thế giới đang tê liệt vì dịch bệnh mới thấy rõ được công tác điều hành của Chính phủ hiệu quả như thế nào, để có được thành tựu như vậy.
Trong khi phần lớn nền kinh tế các nước đều tăng trưởng âm, Việt Nam lại tăng trưởng dương. Giá trị thương hiệu quốc gia cũng phải được tính luôn vào đột phá này. Có thể sau cơn đại dịch kinh hoàng này, thế giới lại phải nhìn Việt Nam dưới một lăng kính khác như họ đã từng “nhìn” nước ta thời chiến tranh.
Ngành nông nghiệp là cứu cánh, bệ đỡ rất quan trọng của nền kinh tế
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, ngành này năm nay đã đạt được những thành tích nổi bật. Đó là tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 2,65%, gần bằng với tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, ngành nông nghiệp Việt Nam đang tiếp tục là cứu cánh, là bệ đỡ rất quan trọng của nền kinh tế. Khi thế giới hiện nay có tới 1 tỷ người bị thiếu lương thực do COVID-19, nông nghiệp một lần nữa đóng vai trò sống còn trong bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Không những thế, nông nghiệp Việt Nam còn trở thành điểm tựa an ninh lương thực cho nhiều nước, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay đã soán ngôi đầu của Thái Lan và Ấn Độ về khối lượng và về giá bán.
“Nông nghiệp vượt gian khó, lập kỷ lục” là hàng title lớn được tờ Nông nghiệp Việt Nam đăng tải ngay trên trang nhất. Tờ báo đã điểm tên một loạt những điểm sáng của ngành nông nghiệp trong năm nay đó là xuất khẩu nông lâm thủy sản năm nay đã đạt kỷ lục mới, bất chấp những khó khăn thách thức.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả năm đạt 41,2 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm ngoái. Trong lĩnh vực trồng trọt, sản xuất lúa cả nước đã được mùa, được giá toàn diện trên cả nước. Trong lĩnh vực chăn nuôi, sau hai năm chống chọi với dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại chưa từng có, đến nay cả nước đã có trên 96% số xã không có dịch. Đây là điều kiện cơ bản để tổ chức tái đàn, tăng đàn. Hiện nay, tổng đàn lợn cả nước đã đạt trên 26 triệu con.
Ngành nông nghiệp là cứu cánh, bệ đỡ rất quan trọng của nền kinh tế. Ảnh minh họa – Dân trí.
Thời điểm này, Dự thảo Nghị quyết số 01 của Chính phủ đang gấp rút được hoàn thiện để kịp đưa ra lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương. Hội nghị dự kiến được tổ chức vào tuần tới. Đây là bước chuẩn bị cần thiết cho năm 2021.
Dự thảo Nghị quyết số 01 – Nghị quyết mang tính xương sống, là kim chỉ nam cho việc chỉ đạo, điều hành kinh tế – xã hội của năm 2021. Thực tế, năm nào vào thời điểm này, Dự thảo Nghị quyết 01 cũng sẽ được xây dựng, đưa ra thảo luận. Tuy nhiên, năm nay, câu chuyện có phần đặc biệt hơn. Không phải chỉ vì năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm mới, mà còn vì Việt Nam đang ở thời điểm rất đặc biệt.
Tờ Đầu tư phân tích, kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 2,6 – 3% trong năm nay. Tuy đó là kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, song không thể phủ nhận đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Điều này đòi hỏi phải có các biện pháp điều hành đặc biệt hơn, quyết liệt hơn, chủ động hơn và sẵn sàng thích ứng với bất kỳ cú sốc hay sự xoay chuyển nhanh chóng nào của nền kinh tế.
Một bối cảnh đặc biệt của nền kinh tế đòi hỏi phải có một bản nghị quyết cũng đặc biệt. Một Nghị quyết số 01 trúng, đúng và hiệu quả sẽ giúp chúng ta có một năm 2021 thành công hơn, bắt đầu tiến trình phục hồi nền kinh tế như dự báo của nhiều tổ chức quốc tế.
Thegioibantin.com | Vina-Aspire News