3 câu chuyện hay “nhắc khéo” bạn về cách đối xử với mọi người xung quanh
Những câu chuyện này sẽ gợi cho bạn những suy nghĩ rất hay về cách ứng xử tình người
Câu chuyện 1:
Lúc còn là một thiếu niên, một lần, tôi được cha dẫn đi xem xiếc. Khi nhập vào hàng người đang xếp dài trước quầy vé, tôi chú ý đến một gia đình đứng ngay trước chúng tôi. Họ có đến những 8 đứa trẻ mà đứa lớn nhất có lẽ chưa đến 12 tuổi. Nhìn dáng vẻ những đứa bé ấy có thể đoán được gia đình chúng không giàu có.
Quần áo chúng không phải loại đắt tiền nhưng sạch sẽ và tươm tất. Và đó là những đứa trẻ biết cách cư xử. Cứ nhìn cái cách từng 2 đứa một nắm tay nhau xếp hàng sau bố mẹ chúng thì rõ. Chúng nói huyên thuyên một cách đầy phấn khích về những chú hề, những con voi và những trò xiếc khác mà chúng sẽ được xem tối nay. Rõ ràng chúng chưa từng đến rạp xiếc bao giờ. Buổi tối ngày hôm nay thật sự rất đặc biệt với cả 8 đứa trẻ ấy.
Cha mẹ chúng đang đứng ở đầu hàng với vẻ mặt hãnh diện nhất mà họ có thể. Người phụ nữ nắm lấy tay chồng, nhìn ông một cách dịu dàng. Ngay lúc ấy, người bán vé ngẩng lên và hỏi người đàn ông số vé ông ta cần. Người đàn ông trả lời đầy hứng khởi: “Cho tôi 8 vé trẻ con, 2 vé người lớn để tôi có thể dẫn cả nhà mình vào xem xiếc.”
Nhưng, khi người bán vé báo giá của 10 chiếc vé, bàn tay người vợ đột ngột rời khỏi tay chồng, đầu bà ta gục xuống. Mặt người đàn ông hơi tái đi. Ông ta tiến lại quầy vé gần hơn và hỏi : “Anh nói giá bao nhiêu?”
Người bán vé bình thản lập lại giá của 10 chiếc vé, nhưng người đàn ông không có đủ tiền. Làm sao ông ta có thể quay lại và bảo với 8 đứa con của mình rằng ông ấy không đủ tiền để dẫn chúng vào xem xiếc?
Chứng kiến tất cả những gì xảy ra, cha tôi lặng lẽ lấy từ trong túi ra tờ 20 đô và thả xuống đất. Sau đó, ông cuối xuống nhặt lên và vỗ vai người đàn ông, nói rất tự nhiên: “Xin lỗi, thưa ông, cái này vừa rơi ra từ túi ông”.
Người đàn ông hiểu những gì đang diễn ra. Ông không cầu xin của bố thí nhưng rõ ràng ông có thể đoán đây là sự giúp đỡ trong một tình huống ngặt nghèo. Bối rối trong giây lát rồi ông ấy nhìn thẳng vào mắt cha tôi, chụp lấy tay cha bằng cả hai bàn tay như muốn vắt kiệt tờ 20 đô, một giọt nước mắt rơi lặng lẽ xuống má, đôi môi mấp máy một cách khó khăn: “Cảm ơn, cảm ơn ông rất nhiều. Điều này thật sự ý nghĩa với gia đình tôi lúc này”. Sau khi nhìn cả gia đình người đàn ông khuất sau cánh cổng rạp xiếc, tôi và cha đón xe buýt về nhà, đơn giản bởi vì số tiền còn lại trong túi cha không đủ để mua vé cho hai cha con. Thật sự thì chúng tôi cũng chẳng dư dả gì! Nhưng tôi không hề giận cha. Những gì cha đã làm lúc đó đáng giá hơn cả ngàn buổi xem xiếc.
Câu chuyện 2:
Theo một truyện cổ, Nasruddin là hiện thân của những người độc thân khó tính. Trong một buổi trà dư tửu hậu, khi được hỏi lý do vì sao ông không lập gia đình, Nasruddin giải thích như sau:
“Suốt thời thanh niên, tôi đã dành trọn thời gian để tìm kiếm người đàn bà hoàn hảo. Tại Cairo, thủ đô của Ai Cập, tôi đã gặp người đàn bà vừa đẹp, vừa thông minh, với đôi mắt đen ngời như hạt ô-liu, nhưng người đàn bà này lại không dịu dàng chút nào. Tôi đành bỏ Cairo để đi Baghdad, thủ đô Iraq, tôi tìm thấy người phụ nữ vừa đẹp, vừa thông minh, vừa dịu dàng, độ lượng song nàng và tôi không bao giờ đồng quan điểm về bất cứ chuyện gì.
Hết người này đến người khác, người được điều này lại thiếu điều kia. Tôi đã từng tưởng mình sẽ không bao giờ tìm được người phụ nữ lý tưởng cho cuộc đời mình. Thế rồi, một hôm, tôi gặp được nàng, người phụ nữ cuối cùng trong cuộc tìm kiếm của tôi. Nàng kết hợp tất cả những đức tính mà tôi hằng mong muốn. Nàng đúng là người hoàn hảo, nhưng cuối cùng tôi đành phải sống độc thân suốt đời vì người phụ nữ ấy cũng đang đi tìm một người đàn ông lý tưởng mà dưới mắt nàng, tôi là người đàn ông còn quá nhiều thiếu sót.”
Lời bàn:
Người đàn ông độc thân trong câu chuyện trên đây đã quên một trong những quy luật cơ bản của cuộc sống là luật thích nghi. Thay vì bắt người khác và cuộc sống phải thích nghi với chúng ta, chính chúng ta phải tìm cách thích nghi với cuộc sống và người khác.
Tâm lý thông thường của con người là đòi hỏi người khác hơn là đòi hỏi chính bản thân mình. Chúng ta đòi hỏi người khác phải thế này, thế kia nhưng chính chúng ta quên rằng chúng ta chưa làm được những điều mà người khác trông chờ nơi chúng ta.
Câu chuyện 3:
Một gia đình nông dân nọ mua một cái bẫy chuột và lắp đặt trong nhà. Chuột thấy vậy nên rất lo lắng cho sự an nguy của mình.
Mỗi ngày Chuột lại càng thêm căng thẳng, đến mức gặp ai nó cũng nhờ giúp đỡ.
Một hôm, Chuột tìm đến Gà Mái tìm một lời khuyên bổ ích, nhưng Gà Mái chẳng tỏ vẻ chú ý gì:
“Chuyện bẫy chuột đó là chuyện của cậu, có liên quan gì đến tôi đâu! Tôi còn phải lo đẻ trứng nữa đây.”
Chuột lại tìm đến Lợn, Lợn dửng dưng:
“Rõ ràng cái bẫy chuột là muốn lấy mạng của cậu, đâu có phải là lấy mạng tôi đâu? Cậu nói với tôi làm gì! Tôi còn phải lo ăn để tăng kí đây.”
Chuột đem chuyện nói với Bò, Bò tức giận và bảo:
“Bẫy chuột là để bẫy cậu, nó làm sao gây hại cho tôi được! Thôi đi chỗ khác đi, để tôi một mình, tôi đang cần điều trị bệnh mất ngủ đây..”
Chuột rất hoang mang, vì lo lắng cho tính mạng của mình nên sức khỏe giảm sút.
Nghe được tin này thì Rắn mừng thầm, nó vốn thích thịt chuột, và lên kế hoạch sẽ tấn công bất ngờ tại tận hang chuột trong nhà người nông dân, và tranh thủ xem mặt mũi cái bẫy chuột nó ra làm sao.
Nửa đêm hôm đó, người vợ nghe thấy có tiếng sập bẫy, liền vội vàng chạy ra xem. Nhưng hóa ra chiếc bẫy chuột sập vào đuôi của một con rắn. Rắn rất tức giận, và cắn vào chân bà chủ nhà.
Người vợ sau khi bị Rắn cắn thì sức khỏe giảm sút rất nhanh. Người chồng phải giết con gà mái để tẩm bổ cho vợ. Nhưng bệnh tình của bà vẫn không khá lên mà ngày một nặng hơn. Rất nhiều bà con, bạn bè đến thăm. Người chồng đành phải giết lợn để thiết đãi khách, xem như một lời cảm tạ. Cuối cùng người vợ vẫn không qua khỏi và mất. Người chồng chẳng còn cách nào khác phải bán con bò để an táng cho vợ. Thế là cả Bò, Lợn, và Gà Mái đều bị chết, chỉ vì cái bẫy chuột …
Một chiếc bẫy chuột dường như chẳng liên quan gì đến gà, lợn, bò, nhưng cuối cùng vẫn gây cho chúng những hậu quả nghiêm trọng. Chuyện đáng bàn là nếu gà, lợn, bò giúp đỡ chuột từ trước thì có lẽ mọi chuyện đã khác. Đó chính là cái giá phải trả cho sự vô tâm, thờ ơ của chúng.
Sống trong một tập thể, chúng ta phải biết quan tâm lẫn nhau, đừng nên có tư tưởng việc đó không liên quan đến mình nên kệ, bởi cuối cùng mình cũng sẽ gặp phải hậu quả giống như Gà, Lợn, Bò mà thôi.
Nguồn: vungtauHR.com