3 lỗi tư duy khiến cuộc sống của bạn luôn bế tắc, khó lòng thăng tiến hay vươn xa được
Làm sao để có thể cân bằng những suy nghĩ tiêu cực và suy nghĩ tích cực?
Thực tế, việc kiểm soát những gì chúng ta nghĩ không giúp ích cho sức khỏe tinh thần mỗi người. Càng cố thao túng ý nghĩ, ta càng tự đưa bản thân vào tròng, bởi bộ não có ý chí mạnh mẽ hơn ta tưởng.
Cố nhồi nhét những điều ta muốn vào não bộ sẽ không có tác dụng hoặc không kéo dài được lâu. Có một sự thật rằng: Con người không phải lúc nào cũng luôn có những ý nghĩ tốt đẹp, tích cực và họ không nên thế. Chúng ta có hàng nghìn thứ phải suy nghĩ, bao gồm cả những điều tiêu cực, chính những điều này giúp con người nhìn nhận thế giới khách quan và có những quyết định sáng suốt, thực tế hơn.
Về bản năng, tâm trí luôn muốn phàn nàn, nghi ngờ, chỉ trích… giúp con người không mơ tưởng quá viển vông. Nhưng đôi khi, chính nó khiến con người trở nên tự ti, mặc cảm, không dám thử thách, lúc nào cũng chỉ biết “than thân trách phận”. Những lúc này, bạn cần sử dụng những mẹo tâm lý để điều chỉnh lại tư duy của bản thân.
Thay vì hỏi những câu như: “Làm sao để tránh những suy nghĩ tiêu cực?”, hãy hỏi mình: “Phải làm gì để nâng cao nhận thức, tránh khỏi những bẫy tâm lý thường ngày?”.
Trang Psychology Today đã liệt kê 3 bẫy tâm lý hay lỗi tư duy thường gặp:
Tư duy nhị nguyên
“Bài phát biểu của mình hỏng vì luận điểm không rõ ràng”.
“Mọi người xung quanh có đôi có cặp, còn tôi cô đơn vì tôi không xứng đáng được yêu thương”.
“Ba mẹ người ta hoàn hảo vì luôn ủng hộ cho ước mơ con cái họ, còn ba mẹ tôi lại ngăn cản, chì chiết, phá hỏng đam mê”.
Những suy nghĩ như vậy có từng tồn tại trong tâm trí bạn? Đừng lo, bạn không hề cô đơn. Bản năng của con người luôn khiến chúng ta so sánh với người khác. Từ nhỏ, chúng ta học khái niệm “cao lớn” bằng cách so với những thứ, những người “thấp bé” hơn, hay “già” thì đối nghịch với “trẻ”. Lúc nào cũng hoặc cái này hoặc cái kia, hoặc “trắng” hoặc là “đen”. Chẳng trách tại sao khi ta thấy mọi người có vẻ tốt hơn mình thì tức là bản thân đang không bằng người khác, kém cỏi hơn và trở nên mặc cảm.
Nhưng chẳng lẽ không có sự tương đối đâu đó giữa một bài phát biểu hoàn hảo và một diễn văn lủng củng? Chẳng lẽ việc không độc thân hay kết hôn là định nghĩa cho việc bạn có xứng đáng được yêu thương? Như vậy chẳng phải cũng đồng nghĩa với việc bạn không bao giờ được mắc sao lầm sao?
Cách để tránh lỗi tư duy nhị nguyên
Bước đầu tiên là hãy tôn trọng những suy nghĩ tiêu cực này, mục tiêu không phải cố thuyết phục bản thân rằng bạn đang ổn trong khi hoàn toàn ngược lại. Cần biết nhận định đúng tình hình và phân tích kỹ lưỡng.
Trong ví dụ bố mẹ không ủng hộ cho ước mơ của bạn, đó có thể vì họ có kinh nghiệm sống hơn nên không muốn bạn phải lao đầu vào chỗ khổ sở. Bố mẹ có lẽ không khuyến khích niềm đam mê đó, nhưng họ ủng hộ, giúp đỡ trong những khía cạnh khác, như: nuôi nấng, giáo dục bạn từ bé, làm hình mẫu noi gương, dạy dỗ bạn từ những điều cơ bản nhất…Họ có thể đã đã sai trong cách truyền đạt khi cố khuyên nhủ, nhưng việc đó không đồng nghĩa với ba mẹ đang phá hỏng cuộc đời bạn.
Lần tới, khi tâm trí bạn cố tạo ra một câu chuyện, hãy dừng lại, ngẫm nghĩ và nhìn vào một bức tranh lớn hơn, để có thể thấy những sự lựa chọn, nhận định khác.
Kết luận vội vàng
“Cô ấy không nghe máy của tôi là vì vẫn đang giận tôi”.
“Nếu mình không viết hết các thành tích đạt được thì sẽ không được tuyển vào công ty”.
“Bác sỹ có biểu hiện không tốt lắm khi nhìn báo cáo sức khỏe của tôi, chẳn hẳn tôi bị bệnh rất nghiêm trọng”.
Bộ não con người làm việc nhanh hơn cái miệng. Việc này rất hữu ích, giúp chúng ta suy nghĩ cẩn trọng trước khi phát ngôn điều gì đó. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khi chưa đủ thông tin, chính não bộ cho rằng bạn đã biết mọi thứ. Điều này gây nên sự lo lắng và chúng ta có thể sẽ xử sự để lời suy đoán của mình thành sự thật, vì nghĩ rằng dù cố đến mấy thì cũng sẽ vậy thôi.
Ví dụ, bạn nghĩ rằng không ai trong câu lạc bộ thích mình hết, bạn sẽ trở nên tự ti và cố trốn mình trong góc phòng. Mọi người khi thấy bạn như vậy càng khó tiếp cận và làm quen hơn, càng khiến bạn cảm thấy mặc cảm, một vòng luẩn quẩn cứ thế lặp lại.
Cách tránh việc kết luận vội vàng
Nếu đang cảm thấy tiêu cực, chán nản về vấn đề nào đó, hãy tự hỏi bản thân mình có khả năng đọc suy nghĩ mọi người hay du hành thời gian không hay đó chỉ là những suy đoán vô căn cứ. Hãy nhớ rằng, dù đúng hay không nỗi lo đó có thể chưa thành hiện thực. Đừng dành thời gian cho những suy đoán viễn vông, thay vào đó hãy tìm những bằng chứng cụ thể và phương pháp giải quyết.
Tư duy đổ lỗi
“Mỗi khi tôi mất ngủ, cả ngày hôm sau sẽ không thể làm việc hiệu quả được”.
“Vợ tôi chẳng bao giờ rửa bát đũa sau khi ăn. Cô ấy thật vô trách nhiệm”.
“Tôi không thể vẽ, tất cả những gì tôi biết là vẽ hình que”.
Bộ não con người là một luật sư biện hộ giỏi. Một cách vô thức, con người có thói quen khẳng định một việc và cố tìm ra lý do để bảo vệ cho ý kiến đó. Trong ví dụ việc mất ngủ, giấc ngủ tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc nhưng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho nó. Hãy dừng việc tìm ra một cái cớ để biện minh cho lỗi lầm bản thân.
Cách tránh tư duy đổ lỗi
Có thể bạn không có tài năng hội họa bẩm sinh, nhưng bạn đã bao giờ cố hết sức vẽ một bức tranh hoàn thiện? Picasso sẽ chẳng bao giờ trở thành một họa sĩ đại tài nếu ông liên tục nói với bản thân rằng mình không thể.
Khi cảm thấy bất lực trước khó khăn nào đó, hãy nghĩ xem bạn có đang nhìn nhận vấn đề với một cái bịt mắt. Hãy luôn tin vào khả năng bản thân và cố gắng nỗ lực hết sức, có lẽ chính bạn cũng không ngờ về sức chịu đựng của mình đấy.
*Tham khảo Psychology Today
An Phương
Theo Trí thức trẻ
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Nguồn : https://tamlyhoctoipham.com/3-loi-tu-duy-khien-cuoc-song-cua-ban-luon-be-tac-kho-long-thang-tien-hay-vuon-xa-duoc
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin