5 câu chuyện ngắn giúp ta luôn mỉm cười
Thay vì mong cầu một cuộc sống suôn sẻ không khúc mắc, chúng ta hãy tập suy nghĩ đơn giản hơn để đẩy lùi phiền muộn, qua 5 câu chuyện ngắn dưới đây.
Câu chuyện số 1:
Một bà lão rất hay khóc. Trời mưa khóc, không mưa cũng khóc. Có người hỏi:
– Sao bà hay khóc vậy?
– Lão có 2 đứa con gái, con chị bán giày vải, con em bán dù. Trời nắng ráo, lão thương con em không bán được dù, còn trời mưa lão lo cho con chị khó bán được giày vải.
– Bà nên nghĩ rằng trời đẹp, cô chị sẽ bán được giày, còn khi trời mưa cô em sẽ bán được dù.
Từ đó, bà không còn khóc nữa.
Lời bàn: Buồn vui, khổ lạc, lợi hại sẽ tùy thuộc vào cách nhìn, cách nghĩ của mỗi người.
Câu chuyện số 2:
Đệ tử mang mối nghi ngờ đến hỏi Thầy:
– Lời dạy của sư tổ và giáo lý không giống nhau?
Người Thầy trả lời:
– Khi vịt lạnh, chúng lội xuống nước. Khi gà lạnh, chúng đậu trên cây.
Lời bàn: Cùng một mục tiêu những mỗi loài có cách riêng của chúng. Nếu cứ khăng khăng bám chặt vào một phương pháp, có thể bạn sẽ không đi đến đích.
Câu chuyện số 3:
Thi sĩ Bạch Cư Dị tham kiến một thiền sư về đạo:
– Hàng ngày làm gì để sống hòa với Đạo?
– Tránh làm điều dữ, làm càng nhiều điều lành càng tốt, thanh lọc ý mình.
– Điều này thì đứa trẻ lên 3 cũng nói được.
– Một đứa trẻ lên 3 cũng nói được nhưng một ông lão 80 chưa chắc làm xong.
Lời bàn: Có rất nhiều việc đơn giản và hợp lý đến mức ai cũng hiểu nhưng không mấy người theo đuổi.
Câu chuyện số 4:
Cá nhỏ: Em nghe người ta nói về biển, ai sống ở biển là hạnh phúc lắm. Anh biết biển ở đâu không?
Cá lớn: Bao quanh ta là biển.
Cá nhỏ: Sao em không thấy?
Cá lớn: Biển là nơi ta sống. Từ trong ra ngoài ta đều là biển. Ta sống trong biển và rồi sẽ chết trong biển. Biển bao la cùng khắp nên ngươi không thấy là phải!
Lời bàn: Đừng vọng tưởng hạnh phúc ở một nơi xa xôi và xem thường thứ gần gũi. Hạnh phúc không phải là thứ được tìm thấy, hạnh phúc là thứ được nhận thấy.
Câu chuyện số 5:
Một vị tướng đang say sưa ngắm chiếc tách cổ thì suýt làm rơi nó, may mắn ông đã giữ lại được. Ông nghĩ: “Ta chỉ huy hàng vạn quân, xông pha trận mạc không sợ gì, nay lại ủy mị sợ làm rơi chiếc tách”.
Nhận ra chính chiếc tách trói buộc mình vào lo sợ, ông vứt ngay nó xuống đất.
Lời bàn: Vật chất đương nhiên là quan trọng, nhưng khi quá chấp vào nó, những được mất hơn thua, khi đó ta vẫn tự trói mình vòng lẩn quẩn của niềm vui – nỗi buồn. Vì vậy, nên chăng ta chọn một thái độ thích hợp để đón nhận nó.
—
Nguồn: Jack, vungtauHR.com