7 tội lỗi của giáo dục bắt buộc – Peter Gray
Tôi đã từng nói “trường học là nhà tù”. Nói ra điều này khiến tôi không thoải mái chút nào vì trường học là một phần trong cuộc sống của tôi và của hầu hết những người mà tôi biết. Giống như phần lớn mọi người, tôi học 12 năm ở trường công lập. Mẹ tôi từng là giáo viên, người chị yêu quý của tôi cũng là giáo viên. Ngoài ra nhiều anh chị em họ và bạn bè thân thiết của tôi cũng là giáo viên. Làm sao tôi có thể nói rằng những con người tuyệt vời này – những người rất yêu trẻ và làm việc hết mình để giúp đỡ chúng – lại đang hoạt động trong một hệ thống cầm tù trẻ em?
Đôi khi tôi thấy mình vẫn phải nói lên sự thật dù sự thật đó khiến tôi hay người khác khó chịu. Chúng ta có thể sử dụng tất cả những lời hoa mỹ để nói về trường lớp, nhưng sự thật là ở Mỹ và những nước phát triển khác, trường học là nhà tù. Trẻ em trong độ tuổi nhất định (thường là từ 6 đến 16 tuổi) bị luật pháp bắt buộc phải đến trường, ở đó chúng sẽ được yêu cầu làm một số việc, những việc đó thường gần như là bắt buộc. Chúng không được tự đưa ra quy định. Nhà tù – theo định nghĩa chung – là bất kì nơi nào con người bị giam hãm bất tự nguyện và bị kìm hãm tự do.
Đôi khi người ta dùng từ “nhà tù” để ám chỉ một tình huống trong đó họ phải thực hiện những quy định và làm những việc không dễ chịu. Người trưởng thành có thể nói nơi họ làm việc là nhà tù, hoặc hôn nhân của họ là nhà tù. Nhưng trong những trường hợp đó, từ “nhà tù” vẫn chưa được sử dụng chính xác vì nó vẫn có sự tự nguyện. Một người không thể bị luật pháp ép buộc phải làm một công việc mà người đó không muốn làm hay phải cưới một người mà họ không muốn cưới. Nhưng việc bắt buộc trẻ em đến trường lại không phạm pháp; ngược lại các bậc cha mẹ nếu KHÔNG đưa con em mình đến trường mới là phạm pháp kể cả khi đứa trẻ không muốn đến trường. (ở Mỹ việc đến trường là bắt buộc về mặt luật pháp trừ khi cha mẹ đăng kí với chính quyền địa phương về một phương án giáo dục khác tại gia đình nhưng ở nhiều bang và nhiều đất nước điều này hoàn toàn KHÔNG được khuyến khích; còn tại Việt Nam có thể luật không bắt buộc nhưng phần lớn chính CHA MẸ buộc con cái phải đến trường từ lúc chúng còn rất nhỏ dù chúng có muốn hay không – lời người dịch). Bởi vậy, công việc và hôn nhân trong một số trường hợp có vẻ như là nhà tù, còn trường học thì thực sự là nhà tù.
“Giáo dục bắt buộc” nghe có vẻ nặng nề, nhưng một khi đã là “bắt buộc” thì người được “hưởng” chế độ giáo dục đó chẳng có sự lựa chọn nào khác. Nhưng giáo dục bắt buộc, và hệ quả là “sự cầm tù trẻ em” là một điều tốt hay điều xấu? Số đông thì tin rằng điều này tốt, nhưng tôi cho rằng đây là một điều xấu. Và tôi sẽ nêu ra 7 lý do để chứng minh điều tôi muốn nói, tôi gọi đây là 7 “tội lỗi” của giáo dục bắt buộc.
1. Phủ nhận sự tự do dựa vào độ tuổi
Trong một xã hội dân chủ, việc phủ nhận sự tự do của ai đó mà không có lý do chính đáng là sai trái. Để bỏ tù một người trưởng thành ta cần phải chứng minh trước toà án rằng người đó đã phạm tội hoặc là một mối đe doạ với chính bản thân họ hoặc người khác. Nhưng, chúng ta lại giam hãm trẻ em ở trường chỉ vì chúng đến tuổi phải thế. Đây là tội lỗi hiển nhiên nhất của giáo dục bắt buộc.
2. Một mặt nuôi dưỡng sự hổ thẹn, mặt khác nuôi dưỡng sự ngạo mạn.
Bắt buộc người khác làm một việc gì đó là điều không dễ dàng gì. Hiện nay chúng ta không sử dụng roi để đánh học sinh như xưa nữa. Nhưng thay vào đó, ta có một hệ thống không ngừng kiểm tra, chấm điểm và xếp hạng học sinh. Do đó chúng ta bóp méo hệ thống cảm xúc của con người về niềm kiêu hãnh và nỗi hổ thẹn để thúc đẩy trẻ học tập. Nếu đứa trẻ nào học kém hơn bạn bè, chúng sẽ bị làm cho phải xấu hổ; còn đứa nào học giỏi hơn thì sẽ được hãnh diện. Về mặt tâm lý học, sự hổ thẹn sẽ khiến một số trẻ từ bỏ mọi cố gắng và trở thành các học sinh yếu kém (chưa tệ lắm), hoặc kẻ hay bắt nạt bạn bè (tệ), hoặc sử dụng và buôn bán ma tuý (rất tệ). Những đứa trẻ có điểm số cao thì cảm thấy tự hào thái quá, dẫn đến ngạo mạn và khinh bỉ số đông là những đứa trẻ có điểm thấp hơn; và tệ hơn cả là dẫn đến khinh bỉ luôn những giá trị và tiến trình dân chủ.
3. Can thiệp vào sự phát triển khả năng hợp tác và nuôi dưỡng
Chúng ta là một loài sống tập thể, sinh ra để hợp tác. Trẻ em luôn muốn giúp đỡ bạn bè một cách rất tự nhiên, cả khi ở trường chúng cũng vậy. Nhưng hệ thống xếp loại và đánh giá học sinh dựa trên sự cạnh tranh của chúng ta lại hoạt động ngược lại mong muốn hợp tác này của trẻ. Một học sinh mà giúp đỡ bạn cùng học quá nhiều thì cả hai đều bị cho là gian lận. Đứa trẻ nào hiểu được điều này mà muốn thành công ở trường thì sẽ trở thành những người thành công nhưng tàn nhẫn. Ngoài ra, việc phân lớp dựa vào tuổi làm tăng tính cạnh tranh và sự bắt nạt và hạn chế sự phát triển khả năng nuôi dưỡng ở trẻ. Trong lịch sử loài người, những trẻ em lớn luôn học cách chăm sóc và giúp đỡ các trẻ nhỏ hơn khi chúng tương tác với nhau. Ở trường trẻ em không có cơ hội như vậy.
4. Can thiệp vào sự phát triển trách nhiệm và định hướng cá nhân
Về mặt sinh học trẻ em có thể tự chịu trách nhiệm với việc học tập của mình. Các hoạt động vui chơi và khám phá của trẻ cho phép chúng học hỏi về thế giới xung quanh cũng như về các mối quan hệ xã hội. Chúng suy tư về tương lai của chính mình và đi các bước cần thiết để chuẩn bị cho tương lai đó. Khi giam hãm trẻ em ở trường hay bất kì môi trường nào do người lớn điều khiển và khi giao bài tập để chúng làm cho khỏi phải “ngồi không”, chúng ta tước đi cơ hội và thời gian chúng cần để gánh vác trách nhiệm này. Hơn nữa, hệ thống giáo dục còn đưa ra một thông điệp, lúc gián tiếp lúc trực tiếp, rằng: “nếu làm theo những gì được yêu cầu ở trường, mọi thứ sẽ ổn cả”. Những đứa trẻ nào tin vào thông điệp này sẽ không tự nhận giáo dục là trách nhiệm của bản thân chúng nữa. Có thể chúng sẽ lầm tưởng rằng những kiến thức cần phải học để sau này thành công đã có người khác lên danh sách hết rồi, vì vậy chúng không cần phải nghĩ ngợi hết. Nếu cuộc sống sau này của những đứa trẻ đó không ổn cho lắm, chúng sẽ có thái độ cho rằng mình chính là nạn nhân và có suy nghĩ kiểu như: “trường học/ cha mẹ/ xã hội đã lừa mình, chính vì thế mà bây giờ đời mình mới khổ thế này đây”.
5. Kết nối sự học tập với sự sợ hãi, miễn cưỡng và khổ ải
Với rất nhiều học sinh, trường lớp tạo ra một mối lo âu tột độ liên quan đến việc học tập. Các học sinh học đọc chậm hơn các em khác một chút cảm lấy lo lắng khi phải đọc trước mặt người khác. Các bài kiểm tra khiến cho các học sinh cảm thấy lo lắng. Nỗi sợ thất bại và sự xấu hổ nếu thất bại cũng khiến một số em lo âu tột cùng. Ở trường đại học nơi tôi dạy, mà nơi đây cũng là một trường khá danh tiếng, nhiều sinh viên rất lo lắng về môn toán bởi vì khi ở trường phổ thông chúng từng bị làm bẽ mặt trong khi học môn này. Có một nguyên tắc cơ bản về mặt tâm lý học, đó là: sự lo âu cản trở việc học tập. Việc học tập xảy ra nhiều nhất khi con người ở trong trạng thái vui vẻ, nhưng đã lo lắng thì khó mà vui vẻ được. Giáo dục bắt buộc khiến việc học tập trở thành một công việc. Bởi vậy lẽ ra việc học tập, là thứ mà đứa trẻ nào cũng khao khát, lại biến thành một công việc nặng nhọc mà chúng luôn muốn né tránh bất kỳ khi nào có thể.
6. Cản trở tư duy phân tích lý luận
Có lẽ một trong những mục đích chung nhất của giáo dục là phát triển tư duy phân tích lý luận. Nhưng dù các nhà giáo dục có mất công nói gì đi chăng nữa thì hầu hết các học sinh – kể cả những học sinh xuất sắc – đều tìm cách né tránh việc phân tích lý luận các bài tập của chúng. Chúng biết rằng việc của chúng ở trường là đạt điểm số cao và suy nghĩ phân tích chỉ là việc làm phí thời gian. Để đạt điểm cao, chúng cần phải tìm hiểu xem giáo viên muốn chúng nói điều gì và rồi nói lại điều đó. Tôi đã nghe nhiều sinh viên và học sinh nói với nhau như thế khi chúng ở ngoài lớp học. Tôi đã cố gắng rất nhiều để phát triển tư duy phân tích lý luận ở bậc đại học, tôi đã phát triển một hệ thống giảng dạy để làm điều này, tôi viết nhiều bài báo và lên tiếng ở nhiều hội nghị giáo dục. Thế nhưng, sự thật vẫn là, hệ thống đánh giá theo điểm số trong nền giáo dục của chúng ta là một sức mạnh cực lớn chống lại những cuộc tranh luận chân thật và tư duy phân tích lý luận. Trong một hệ thống mà chúng ta – những giáo viên – là người cho điểm đánh giá, thì hầu như chẳng có học sinh sinh viên nào lại đi phân tích hoặc thậm chí nghi ngờ những điều mà ta giảng; nếu ta muốn khơi gợi sự phân tích bằng cách chấm điểm sự phân tích thì chúng ta cũng chỉ nhận được sự phân tích giả dối mà thôi.
7. Hạn chế sự phong phú về mặt kĩ năng, kiến thức và lối tư duy
Bằng việc bắt buộc mọi trẻ em học chương trình giống nhau, chúng ta hạn chế cơ hội theo đuổi những đam mê của riêng chúng. Chương trình học ở trường chỉ đại diện cho một phần rất nhỏ trong số rất nhiều những kĩ năng và kiến thức cần thiết cho xã hội. Chẳng ai có thể học được dù chỉ một mẩu nhỏ kiến thức của toàn nhân loại. Vậy tại sao lại bắt ép tất cả học cùng một mẩu kiến thức giống y hệt nhau? Tôi đã quan sát trẻ em ở trường Sudbury Valley (Massachussets, Mỹ) và trẻ em trong các gia đình áp dụng unschooling; khi được tự do, chúng sẽ đi theo những con đường mới, đa dạng và không đoán trước được. Chúng phát triển những niềm đam mê với đầy nhiệt tâm, làm việc chăm chỉ để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mà chúng yêu thích, và rồi tìm cách kiếm sống chính bằng việc theo đuổi đam mê của mình. Các học sinh bị ép buộc học theo chương trình tiêu chuẩn hầu như không có thời gian để theo đuổi đam mê, và nhiều trẻ học được bài học rằng niềm đam mê của chúng không thực sự quan trọng; điều quan trọng là điểm số trên bài kiểm tra kia. Một số trẻ chấp nhận bài học này, nhưng một số thì không.
Danh sách những “tội lỗi” này không hề mới. Tôi đã nói chuyện với nhiều giáo viên và họ đều ý thức được những ảnh hưởng nghiêm trọng của giáo dục bắt buộc. Nhiều giáo viên rất cố gắng để những ảnh hướng đó không trở nên quá nghiêm trọng. Họ cố gắng cho trẻ em tự do vui chơi nhiều nhất có thể, họ cố giảm thiểu sự lo lắng ở trẻ và không để cho chúng phải hổ thẹn khi thất bại; họ cố gắng để cho lũ trẻ hợp tác và thấu hiểu nhau, họ cố gắng phát triển tư duy phân tích ở trẻ. Nhưng hệ thống giáo dục chống lại họ. Công bằng mà nói, các giáo viên cũng không được tự do dạy những điều họ muốn dạy, y như học sinh không được tự do học những điều chúng muốn học (nhưng giáo viên có thể bỏ việc, còn trẻ em không thể bỏ học; bởi vậy giáo viên vẫn không bị cầm tù như trẻ em).
Tôi phải thêm vào đây rằng con người, đặc biệt là những đứa trẻ, có khả năng thích nghi tuyệt vời và vô cùng sáng tạo. Nhiều học sinh tìm cách vượt qua những cảm xúc tiêu cực mà giáo dục bắt buộc gây ra cho chúng và tập trung vào những cảm xúc tích cực. Chúng chiến đấu với những sự sai trái của trường học. Chúng tìm cách hợp tác, vui chơi, giúp đỡ nhau vượt qua cảm giác hổ thẹn và lấy lại sự tự tin, chiến đấu với sự bắt nạt, tư duy lý luận, và dành thời gian theo đuổi đam mê thực sự của chúng kể cả khi việc đó bị cản trở bởi việc học tập ở trường. Nhưng để đạt được nhưng điều này mà vẫn theo kịp với những đòi hỏi của trường lớp tốn rất nhiều công sức, nhiều trẻ đã không thành công. Phần lớn thời gian của trẻ được dùng vào việc làm các bài tập vô nghĩa và làm theo chỉ thị của trường, vì vậy thời gian để tự học chẳng còn là bao.
Cuối cùng, tôi muốn khẳng định lại một lần nữa rằng: chúng ta không thể không đưa con em mình tới trường và coi như thế là xong. Trẻ em có thể tự học hỏi, nhưng người lớn chúng ta có trách nhiệm tạo điều kiện tốt nhất có thể để trẻ em được học hỏi tự do ở trong đó.
Tác giả: Peter Gray – Free to Learn
Nguồn: https://www.psychologytoday.com/us/blog/freedom-learn/200909/seven-sins-our-system-forced-education
Dịch bởi: http://unschool.vn/7-toi-loi-cua-giao-duc-bat-buoc-peter-gray.html
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin
Nguồn : https://tamlyhoctoipham.com/7-toi-loi-cua-giao-duc-bat-buoc-peter-gray