Dại cũng chết mà khôn cũng chết, biết mới sống
Trang Tử dẫn một đoàn môn sinh lên núi thăm bằng hữu.Đến chỗ rừng sâu heo hút, thấy đám tiều phu đang đốn cây. Trang Tử hỏi: – Vì sao các anh chặt hết mấy cây kia, chỉ lưu lại mỗi một cây to này?
Tiều phu nói:
– Cây này xem bề ngoài đẹp đẽ vậy chứ vô dụng lắm, chẳng xài được gì cả!
Trang Tử quay đầu ngó môn sinh bảo:
– Cây này nhờ vô dụng mà được lưu lại, các anh phải học theo như vậy!
Đi qua núi, trời sắp sụp tối, Trang Tử dẫn môn sinh đến nghỉ đêm nơi nhà người bạn.
Người bạn đã lâu không gặp Trang Tử, mừng rỡ sai con:
– Hãy mau giúp cha làm thịt chim đãi khách!
Con cầm dao lên, hỏi cha:
– Nhà mình có hai con chim, nên giết con nào?
Người cha bảo:
– Tất nhiên là con không biết hót!
Nói xong, người cha mỉm cười bảo Trang Tử:
– Con tôi khờ quá, có vậy mà cũng hỏi, con chim không biết hót thì vô dụng quá, giữ lại làm chi?
Trang Tử quay đầu bảo môn sinh:
– Con chim được sống là nhờ biết hót, các anh phải học tập điều này.
Sáng hôm sau, các trò không nhịn được, hỏi Trang Tử:
– Thưa thầy, chiều qua vào rừng, thấy cây vô dụng được chừa lại, thầy bảo học nó. Rồi đến lượt con chim, nhờ có tài mà được sống, thầy cũng bảo học nó. Lời thầy dạy thực mâu thuẫn quá, rốt cuộc chúng con phải theo bên nào? – Hữu tài hay vô tài? Hữu dụng hay vô dụng?
Trang Tử cười to, nói:
– Các anh phải dùng trí phán đoán, tùy thời mà cư xử, ứng biến chứ! Hễ thấy cần hiển tài thì phô tài, cần vô dụng thì hiện vô dụng. Còn bình thường thì hãy trụ ở giữa hữu và vô, vậy thôi.
(Kể theo Trang Tử Sơn Mộc)
Trang Tử là một vị thầy được đời tôn xưng là bậc hiền trí, cư xử ôn nhu dịu dàng. Người trí thì không chấp chặt hay thiên về một bên. Giữa vô dụng và hữu dụng họ đều khéo rút ra phương pháp hay để sống. Bao giờ cũng thức thời, khéo nắm bắt cơ hội để ứng xử thích hợp. Tùy lúc mà họ thể hiện có tài hay vô dụng. Dù không phải là bậc toàn trí toàn năng, song giữa hữu và vô tài họ luôn nhận định sáng suốt và thể hiện phù hợp.
Thực ra đúng, sai; phải, quấy; tốt, xấu; tài và bất tài… đều tùy thuộc vào sự uyển chuyển, tỉnh sáng của tâm. Phật pháp vốn là pháp bất định, nếu sống cứ chấp chặt một bên, ứng xử không hợp lúc hợp thời thì dễ chuốc lấy tai họa, khổ lụy. Bởi vậy, người trí tuy hay nhìn vào nội tâm, song ứng đối với ngoại giới luôn nhanh lẹ, khế cơ khế thời. Đôi lúc thấy như hay, đôi lúc nhìn như dở! Họ tùy duyên, song lại bất biến! Điểm chính là tâm tư phải bình an, tĩnh lặng thì mới có được sự hành xử sáng suốt, ít lỗi lầm.
Người ta thường nói, dại cũng chết mà khôn cũng chết, biết mới sống. Biết chính là tuệ giác biết tùy lúc tùy thời ứng xử nhịp nhàng. Không trụ, không chấp sống an nhiên, tùy duyên tiếp vật, lợi mình và lợi người v.v… chính là minh triết trong cuộc sống mà mỗi người cần phải thực tập để thành tựu.
Nguồn: internet