Em có hạnh phúc không?
Em biết không, mỗi khi đặt chân đến một vùng đất mới, chứng kiến cảnh vật ở đó làm tâm hồn mê mẩn như ngất lịm, anh luôn thầm cảm ơn năm tháng đôi mươi. Thời điểm ấy có một chuỗi những lựa chọn đưa anh đến đam mê hiện tại. Rồi anh bất giác nghĩ đến cậu em nhỏ của mình. Anh cầu mong em cũng may mắn tìm ra con đường mà mỗi bước chân em đi là mỗi giây phút em vừa trăn trở, hồi hộp, vừa run lên vì sung sướng và tự do. Thế nên anh vẫn thường góp nhặt những kinh nghiệm ở từng chặng đường đã qua vào lá thư tay, chờ một ngày em đủ trưởng thành và thấu hiểu.
Anh từng ở tuổi 25, từng loay hoay với biết bao nỗi băn khoăn như em. Anh mừng là chúng ta đã chọn thách thức chứ không đứng yên bất động, mặc cuộc đời đẩy xô. Lẽ thường tình người ta sẽ kỳ vọng một người anh sẽ dìu dắt em mình. Thế nhưng, anh không nghĩ mình muốn tước đi ở em thứ đặc quyền mà người ta vẫn gọi là lạc lối ở những năm tháng thanh xuân. Anh cũng chẳng thể cầm tay chỉ lối cho em bởi mỗi chúng ta đều có lộ trình riêng. Anh chỉ muốn em biết rằng tuy em chưa tìm được điều khiến em hạnh phúc thì cũng đừng nên lo lắng quá, em nhé! Mọi thứ vẫn đang diễn ra theo trình tự của nó. Em hãy cứ tiếp tục lạc lối thêm ít lâu nữa, miễn là em ghi nhớ những điều sau:
Thứ nhất, hãy biết chế ngự nỗi sợ và học cách bình ổn chúng. Từ sâu trong tâm khảm, ai cũng mang trong mình những nỗi sợ vô hình. Nỗi sợ cố hữu ấy hình thành và theo chúng ta lớn lên: sợ những người ta chưa biết, sợ những người ta đã quen, sợ cô đơn nhưng lại sợ trải lòng mình, sợ trở thành một kẻ vô danh nhưng cũng sợ cả áp lực mà một kẻ đầy anh vọng phải gồng gánh trên vai. Chúng ta vẫn sợ thử thách, sợ đổi thay, sợ thất bại và sợ phải làm lại từ đầu. Nhưng nghĩ lại mà xem, ở thời điểm của em, em có gì để mất mà phải sợ chứ! Ta bước vào đời sống này bằng hai bàn tay trắng và cuối cùng ra đi cũng với hai bàn tay trắng. Vậy nên sống mà không phiêu lưu là thiệt thòi. Em thích được một lần nghỉ việc để leo núi ở Himalaya, anh ủng hộ. Em muốn trốn nhà lên vùng rừng núi đi tình nguyện, anh cũng cổ vũ. Em thử một lần mặt đối mặt với nỗi sợ của mình xem, rồi em sẽ thấy nỗi sợ đó nhỏ nhoi lắm. Con người chúng ta có những sức mạnh phi thường hơn nhiều. Để anh kể em nghe một câu chuyện về Osho – một vị thiền sư người Ấn. Lúc nhỏ ông rất sợ bóng tối vì nghĩ trong đó có nhiều ma. Nỗi sợ này gây nhiều phiền toái cho cuộc sống của ông. Một đêm, ông lấy hết can đảm để xông vào căn phòng tối tăm, mắt nhắm nghiền, tay chân căng cứng, đợi bọn ma đến bắt mình qua thế giới bên kia. Đợi mãi, đợi mãi, ông chẳng thấy ma đâu, chỉ thấy bóng tối dẫn trở nên quen thuộc khi mắt đã điều tiết để thấy được mọi vật xung quanh. Thế là từ đó ông không còn sợ bóng tối nữa. Em chưa bước ra thế giới ngoài kia, em chẳng biết mình thích ứng được với điều gì. Em chưa bắt tay vào làm những việc em chưa từng, em sẽ chẳng rõ thứ em thực sự đam mê hay vì điều gì mà phấn đấu.
Thứ hai, hãy biết lắng nghe tiếng nói bên trong mình. “Tiếng nói bên trong” là gì? Đó đơn giản là điều mà con Tim em mách bảo. Em thích làm gì nhất? Em làm gì giỏi nhất? Và cuối cùng, điều gì khiến em hạnh phúc nhất? Câu trả lời nằm ở giao điểm của 3 câu hỏi trên. Hãy cho mình khoảng thời gian lắng đọng, một mình chiêm nghiệm những điều đã qua. Khi tâm hồn không bị xáo động là lúc em lắng nghe Tim mình rõ nhất. Nên nhớ, chỉ có điều trái Tim mách bảo mới làm ta hạnh phúc. Lý trí thì ngược lại, luôn là thứ làm ta mệt mỏi vì những suy tính, đắn đo. Lý trí chỉ nên là một “bề tôi trung thành” của trái Tim mà thôi!
Thứ ba, hãy điểm mặt những kẻ thù gây trở ngại trên con đường của em. Hãy chọn chơi với những người bạn có suy nghĩ tích cực, có năng lượng sống tốt. Hạn chế giao du với ai em cho rằng luôn làm cuộc sống em trở nên mệt mỏi, bi quan hay người khiến em trở nên kém tin tưởng vào bản thân mỗi khi em ở gần họ. Vì dù ít hay nhiều, chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi môi trường sống xung quanh. Nếu mình không cảm hóa họ được thì đừng để họ kéo mình xuống vũng lầy. Và nên nhớ kẻ thù lớn nhất chính là bản thân em đó. Phải biết vượt qua những cơn lười biếng, hay tham vọng thấp bé tầm thuường để có thể đuổi kịp giấc mộng lớn.
Thứ tư, chuẩn bị thật tốt cho sự thay đổi. Khi em đã thấy được con đường cho mình rồi, hãy từ tốn ngồi xuống vạch ra từng chặn đường đế đi đến đó. Hãy chia nhỏ ra và cụ thể hóa chúng, mỗi chặn cần những gì và tốn bao lâu để hoàn thành. Hãy viết hoặc thậm chí vẽ nó ra giấy chứ đừng chỉ nghĩ trong đầu hay tâm sự nó với bất kỳ ai vì “lời nói gió bay” em à. Phải kiên trì thực hiện kế hoạch của mình. Đừng xao nhãng!
Cuối cùng, không lúc nào là quá sớm hay quá trễ để bắt đầu cả. Dù khó khăn là không tránh khỏi, chỉ cần lạc quan, em sẽ tìm được niềm vui trong hành trình đi tìm chính mình. Anh đã đọc được ở một quyển sách rằng: “Nếu coi đời người dài một ngày 24 tiếng, chẳng hạn sống đến 80 tuổi đi, thì 25-30 tuổi chỉ mới khoảng 7 giờ sáng. Đó mới là lúc chúng ta chuẩn bị ra khỏi nhà, đi học, đi làm, với một số người khác thậm chí còn chưa ngủ dậy. Thực ra không lúc nào là quá muộn.” (Rando Kim). Chúng ta sống Theo cách mình nghĩ, anh tin vậy. Và anh chưa bao giờ dừng tự hỏi bản thân thực sự muốn gì. Anh tin em cũng sẽ như thế, hãy bắt đầu một ngày bằng cách thay đổi những tiêu cực và bắt tay vào làm điều mình cho là đam mê đích thực. Hãy thức tỉnh ngay hôm nay, dù em có 25,35 hay 45 tuổi, miễn cho rằng mình trẻ thì mình vẫn trẻ. Khi gặp lại, anh sẽ không hỏi em đã “nhà lầu, xe hơi gì chưa?” đâu, mà hãy chuẩn bị tinh thần trả lời câu hỏi của anh: “Dạo này, em có hạnh phúc không?”
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: Tâm Bùi