Hối tiếc giúp con người hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn

0

Tác giả nổi tiếng người Mỹ Daniel H. Pink trong quyển sách mang tựa đề Sức mạnh của sự hối tiếc: Nhìn lại quá khứ sẽ giúp chúng ta tiến lên như thế nào(1) nói rằng, hối tiếc là cảm xúc lành mạnh và là phần không thể thiếu của con người, giúp chúng ta theo hướng đi đúng đắn trên con đường kiếm tìm hạnh phúc và vươn lên những đỉnh cao nhân văn mới.

Theo các nhà trị liệu tâm lý, hối tiếc là “cảm giác ngượng ngùng kết hợp với một số hành động hoặc không hành động mà một người đã tiến hành dẫn đến kết quả không được như mong muốn”. Với các nhà lý thuyết quản lý, hối tiếc được tạo ra bởi sự so sánh giữa kết quả thực tế và kết quả đã xảy ra nếu người ra quyết định đưa ra một lựa chọn khác. Theo các triết gia, đó là cảm giác không hài lòng liên quan đến suy nghĩ về quá khứ, cùng với việc xác định một đối tượng và thông báo về xu hướng hành xử theo một cách nhất định trong tương lai.

Lẽ đương nhiên, hối tiếc không phải lúc nào cũng tốt. Để hối tiếc quá lâu trong lòng hoặc lặp đi lặp lại thất bại trong tâm trí có thể gây ra tác dụng xấu và đôi khi nỗi đau ban đầu có thể quật ngã chúng ta trong giây lát. Chỉ khi được xử lý đúng cách, hối tiếc mới có thể làm cho chúng ta tốt hơn

(Theo Daniel H. Pink)

Tác giả Daniel H. Pink cho rằng sở dĩ những định nghĩa như trên dài dòng và khó hiểu là vì hối tiếc là một quá trình bắt đầu với hai khả năng khác nhau trong tâm trí con người. Chúng ta có thể thăm lại quá khứ và tương lai trong suy nghĩ và có thể kể câu chuyện về một điều gì đó chưa bao giờ thực sự xảy ra. Con người vừa là nhà du hành thời gian dày dạn vừa là người sáng tác chuyện ngụ ngôn khéo léo. Hai khả năng này kết hợp với nhau để tạo thành chuỗi xoắn kép trong nhận thức khiến chúng ta luôn hối tiếc.

Thấy hối tiếc – một phần của cuộc sống

Trong dự án mang tên “The American Regret Project” khởi sự vào năm 2020 để khảo sát thái độ của người Mỹ về sự hối tiếc, Daniel H. Pink và các cộng sự đã đặt câu hỏi với 4.489 người như sau: “Thường bao lâu thì bạn nhìn lại quá khứ và ước mình đã làm khác đi?”. Chỉ 1% số người được hỏi nói rằng mình không bao giờ làm việc này và không quá 17% hiếm khi làm điều đó. Trong khi đó, khoảng 43% cho biết họ làm điều này thường xuyên hoặc mọi lúc. Nhìn chung, 82% nói rằng hoạt động này là một phần trong cuộc sống của mình.

Phát hiện nói trên cũng không khác khám phá trước đây của nhiều nhà nghiên cứu. Năm 1984, giáo sư ngành xã hội học người Mỹ Susan Shimanoff đã ghi lại cuộc trò chuyện hàng ngày của một nhóm sinh viên chưa tốt nghiệp và các cặp vợ chồng đã kết hôn. Bà xử lý các bản ghi âm và xác định các từ thể hiện hoặc mô tả cảm xúc rồi lập một danh sách gồm những cảm xúc – tích cực và tiêu cực – mà mọi người đề cập đến thường xuyên nhất. Tất cả những cảm giác như hạnh phúc, phấn khích, tức giận, ngạc nhiên và vui sướng đều xuất hiện trong tốp 20. Nhưng cảm xúc tiêu cực phổ biến nhất – và là cảm xúc phổ biến nhất của bất kỳ loại nào – chính là “hối tiếc”. Cảm xúc duy nhất được nhắc đến thường xuyên hơn hối tiếc là “tình yêu”.

Năm 2008, các nhà tâm lý học xã hội Colleen Saffrey, Amy Summervill và Neal Roese của trường Quản lý Kellogg thuộc Đại học Northwestern, Mỹ kiểm tra mức độ phổ biến của cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống của con người. Họ cho những người tham gia khảo sát xem một danh sách gồm chín cảm xúc là tức giận, lo lắng, buồn chán, thất vọng, sợ hãi, tội lỗi, ghen tị, hối tiếc và buồn bã. Sau đó, họ hỏi mọi người một loạt câu hỏi về vai trò của những cảm xúc này trong cuộc sống. Cảm xúc mà những người tham gia cho biết đã trải qua nhiều nhất là hối tiếc. Cảm xúc mà họ trân trọng nhất cũng là hối tiếc.

Các cuộc nghiên cứu sau đó ở nhiều nước thế giới cũng cho kết quả tương tự. Một khảo sát năm 2016 đã theo dõi các lựa chọn và hành vi của hơn một trăm người Thụy Điển cho thấy rằng những người tham gia cuối cùng hối tiếc khoảng 30% về quyết định của họ mà họ đã đưa ra trong tuần trước. Hầu hết các công trình nghiên cứu đều cho thấy rằng hối tiếc có mặt ở khắp mọi nơi và trải dài trên mọi lĩnh vực của cuộc sống. Đó cũng chính là lý do khiến nhiều chuyên gia tuyên bố rằng hối tiếc là một thành phần thiết yếu trong trải nghiệm của con người.

Hối tiếc – lợi ích và những lựa chọn

Năm 2022, giáo sư tâm lý học xã hội người Mỹ Adam Galinsky cùng ba đồng nghiệp đã khảo sát hành vi của một số nhà đàm phán đã chấp nhận lời đề nghị đầu tiên. Họ yêu cầu những nhà đàm phán này đánh giá xem mình có thể làm tốt hơn bao nhiêu nếu đưa ra đề nghị cao hơn. Kết quả cho thấy nếu càng hối hận về quyết định của mình thì những người này càng dành nhiều thời gian chuẩn bị cho cuộc đàm phán tiếp theo.

Một nghiên cứu liên quan của Đại học California Berkeley và Đại học Ohio cho thấy rằng khi những người nhìn lại các cuộc đàm phán trước đó và nghĩ về những mình hối tiếc vì đã không làm – chẳng hạn như không mạnh dạn đề nghị điều có lợi hơn – thì họ đã đưa ra quyết định tốt hơn trong cuộc đàm phán sau này.

Trong một thử nghiệm khác, các nhà nghiên cứu đã cho những người tham gia khảo sát giải đáp mười câu đố chữ (anagram). Sau khi giả vờ phân loại kết quả, họ nói với những người này rằng chỉ có một nửa câu đố được giải đáp với giọng điệu trêu chọc. Họ nói với những người tham gia khảo sát: “Nhắm mắt lại và suy nghĩ về hiệu suất trên các câu đố so với việc bạn có thể đã thể hiện tốt hơn như thế nào. Hãy dành một phút và đánh giá sinh động hiệu suất của bạn so với cách bạn có thể đã hoạt động tốt hơn”. Kết quả cho thấy những người biết hối tiếc đã đạt kết quả giải đáp câu đố tốt hơn những người không hối tiếc.

Một lợi ích khác là hối tiếc khiến con người cảm thấy trải nghiệm sống của mình sâu sắc hơn. Tác giả Pink kể lại ông đã dành bốn năm để lấy bằng cử nhân ở Đại học Northwestern. Ông hài lòng với thời gian học đại học vì đã lĩnh hội được rất nhiều điều và có nhiều bạn tốt. Nhưng đôi khi ông tự hỏi cuộc sống của mình sẽ ra sao nếu không thể vào đại học hoặc theo học một trường khác. Và vì một lý do kỳ lạ nào đó, những suy nghĩ này thường khiến ông hài lòng hơn với trải nghiệm trong khoảng thời gian ngắn ngủi trong môi trường đại học.

Năm 2010, một nhóm các nhà khoa học xã hội đã yêu cầu một tập hợp các sinh viên chưa tốt nghiệp của Đại học Nothwestern suy nghĩ phản thực (counterfactual) về việc chọn trường học và bạn bè trong thời gian học đại học. Khi tưởng tượng rằng mình đang theo học một trường đại học khác hoặc rơi vào một nhóm bạn bè khác, những sinh viên này cũng có những cảm nhận tương tự như tác giả Pink. Nghiên cứu kết luận: suy nghĩ phản thực mang lại cho cả trải nghiệm cuộc sống và các mối quan hệ với ý nghĩa lớn hơn và sâu sắc hơn.

Lẽ đương nhiên, theo Daniel H. Pink, hối tiếc không phải lúc nào cũng tốt. Để hối tiếc quá lâu trong lòng hoặc lặp đi lặp lại thất bại trong tâm trí có thể gây ra tác dụng xấu và đôi khi nỗi đau ban đầu có thể quật ngã chúng ta trong giây lát. Chỉ khi được xử lý đúng cách, hối tiếc mới có thể làm cho chúng ta tốt hơn nhưng điều này tùy thuộc vào sự lựa chọn của chúng ta. Dựa trên phân tích của các nhà tâm lý, ông đã đúc kết sự lựa chọn của con người khi hối tiếc như sau:

Với những người theo lựa chọn 1, cảm xúc không có ý nghĩa gì và chỉ là sự khó chịu nên tốt hơn hết nên gạt sang một bên hoặc bỏ chúng vào quên lãng. Người theo lựa chọn 2 lại bị cuốn hoàn toàn theo cảm xúc. Theo các nhà tâm lý, đối với những cảm xúc tiêu cực, hối tiếc quá nhiều sẽ rất nguy hiểm, đôi khi rất tàn khốc và có thể dẫn đến sự gặm nhấm triền miên, làm suy giảm nghiêm trọng tâm trạng và tái phát lỗi lầm trong quá khứ và kìm hãm sự tiến bộ trong tương lai. Hối hận quá mức có liên quan đến một loạt các vấn đề sức khỏe tâm thần – nổi bật nhất là trầm cảm và lo lắng, cũng như rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).

Thế nhưng, theo Pink, chính những cảm giác tiêu cực mới thúc đẩy chúng ta thay đổi. Ông viết: “Chúng ta cần nhiều cảm xúc tích cực trong danh mục đầu tư của mình. Tuy nhiên, quá coi trọng các khoản đầu tư theo cảm tính của chúng ta với quá nhiều tính tích cực lại mang đến những nguy hiểm riêng. Sự mất cân bằng này có thể kìm hãm khả năng học hỏi, phát triển và hạn chế tiềm năng của chúng ta. Đó là vì cảm xúc tiêu cực cũng rất cần thiết. Chúng giúp chúng ta tồn tại”. Như vậy, lựa chọn 3 là hợp lý theo đó chúng ta không né tránh nhưng cũng không đắm mình trong cảm xúc và dùng nó như chất xúc tác cho hành vi trong tương lai.

Phương cách ứng phó với hối tiếc

Qua khảo sát trên trang web www.worldregretsurvey.com, tác giả Daniel H. Pink đúc kết rằng con người chúng ta thường phải đương đầu với bốn điều hối tiếc cốt lõi, gồm nền tảng; dũng cảm; đạo đức và kết nối với những chi tiết mô tả như trong ảnh 1.

Ông cũng đưa ra những cách thức đơn giản để giúp con người đương đầu, ứng phó và vượt qua áp lực tâm lý khi hối tiếc. Chẳng hạn khi hối tiếc về một hành động nào đó thì bạn hãy xin lỗi, sửa chữa và cố gắng khắc phục. Bạn có thể tư duy theo kiểu “Ít nhất thì…” để tưởng tượng rằng tình hình có thể tồi tệ hơn thế và trân trọng rằng điều này đã không xảy ra. Đối với bất kỳ sự hối tiếc nào, tác giả đưa ra quy trình giúp vượt qua như sau: 1. Tự bạch – hồi tưởng và chia sẻ niềm hối tiếc với người khác hay viết ra để riêng mình đọc. 2. Tự thông cảm – bình thường hóa và hóa giải niềm hối tiếc bằng cách đối xử với bản thân như với người và 3. Tự giãn cách – phân tích lập chiến lược về những bài học đã rút ra bằng cách để cách xa thời gian, không gian hay qua cách thể hiện.

Tác giả Daniel H. Pink cho rằng việc dự đoán điều hối tiếc sẽ giúp con người ra quyết định tốt hơn. Chẳng hạn, nếu không đối mặt với một trong bốn điều hối tiếc cốt lõi như đã nêu, bạn sẽ nhanh chóng có những lựa chọn, không mất thời gian đoán già đoán non và tiếp tục đi tới. Nếu đang đối mặt với một trong bốn điều hối tiếc cốt lõi, hãy tự dự đoán cho mình một điểm cụ thể trong tương lai và tự hỏi bản thân lựa chọn nào sẽ giúp bạn xây dựng nền tảng vững chắc nhất, chấp nhận rủi ro hợp lý, làm điều đúng đắn, hoặc kết nối với những người khác.

Theo Pink, cuộc đời như một cây quyết định vô tận (endless decision tree) nơi con người bắt buộc phải chọn một con đường để loại trừ tất cả những thứ khác. Ông viết: “Cuộc sống hàng ngày của chúng ta bao gồm hàng trăm quyết định – một số quyết định quan trọng đối với hạnh phúc của bản thân và nhiều quyết định không quan trọng. Hiểu được sự khác biệt có thể tạo ra tất cả sự khác biệt. Nếu chúng ta biết chúng ta thực sự hối tiếc điều gì, chúng ta sẽ biết mình thực sự trân trọng điều gì. Cho dù đó là cảm xúc có thể khiến con người phát điên, bối rối ngượng ngùng nhưng hối tiếc là con đường dẫn đến một cuộc sống tốt đẹp hơn”.

———

Tác giả: Lê Hữu Huy — Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

(1) “The Power of Regret: How Looking Backward Moves US Forward”, Riverhead Books, 2022.

Theo https://thesaigontimes.vn/hoi-tiec-giup-con-nguoi-huong-den-mot-cuoc-song-tot-dep-hon/?fbclid=IwAR2HFpjmsDlwpYX3iWFjHqpnJboP8huD7eaPAK-c5x2cgS_wDO5grmQEn7g

Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin

Nguồn : https://tamlyhoctoipham.com/hoi-tiec-giup-con-nguoi-huong-den-mot-cuoc-song-tot-dep-hon

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ