Quy tắc “Nếu – thì”, bí mật giúp bạn đạt được thành công bền vững
Quy tắc này rất đơn giản nhưng hiệu quả nó đem lại thật sự ngoài sức tưởng tượng của bạn. Bạn có khả năng thành công cao hơn 2-3 lần nếu sử dụng kế hoạch “nếu – thì” so với nếu bạn không sử dụng.
(*) Bài viết là chia sẻ của Tiến sĩ Heidi Grant Halvorson.
Tôi là người chẳng bao giờ hứng thú với việc tập thể dục. Khi bắt đầu trưởng thành, tôi đã từng rất nhiều lần tự nhủ rằng mình sẽ biến thể dục trở thành một phần cuộc sống của mình song tất cả đều thất bại. Tôi luôn lấy được một lý do nào đó để bào chữa cho việc không thực hiện lời hứa của mình.
Và rồi, đến năm ngoái, tôi đã bắt đầu thay đổi và thành công, duy trì đến nay với tần suất tập 3 lần/tuần. Chưa bao giờ tôi cảm thấy sức khỏe của mình tuyệt như thế.
Cuối cùng, điều gì đã giúp tôi làm được việc khó khăn đó? Câu trả lời chính là một kế hoạch đơn giản.
Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến điều này từ trước đây nhưng tôi không muốn nói về bất kỳ một kế hoạch cụ thể nào ở đây. Ý tôi là “lập kế hoạch nếu – thì”, một kỹ thuật hữu ích giúp bạn chống lại sự cám dỗ và xây dựng thói quen tốt.
Hãy tưởng tượng mục tiêu của bạn trong năm mới để cải thiện sức khỏe và vóc dáng chính là giảm cân. Hầu hết mọi người sẽ lập một kế hoạch như sau: “Ăn ít hơn, tập thể dục nhiều hơn.”
Đối với người mới bắt đầu, điều này gần như không đủ cụ thể. Bạn sẽ ăn ít hơn bao nhiêu, ăn gì? Bạn sẽ tập thể dục như thế nào, tần suất ra sao? Các cụm “nếu – thì” phiên bản của kế hoạch này sẽ giải thích rõ ràng và chính xác những gì bạn cần làm trong từng tình huống cụ thể.
Nếu X xảy ra thì mình sẽ làm Y.
X có thể là thời gian và địa điểm, chẳng hạn như thứ Hai lúc 9 giờ sáng hoặc có thể là một sự kiện, chẳng hạn như sự xuất hiện của thực đơn món tráng miệng tại một nhà hàng. Y là hành động cụ thể bạn sẽ thực hiện bất cứ khi nào X xảy ra.
Vì vậy, trong ví dụ nêu trên, bước đầu tiên bạn cần biến vế “ăn ít hơn” trở thành một cái gì đó cụ thể giống như “Khi thực đơn món tráng miệng đến, tôi sẽ bỏ qua nó và gọi cà phê.”
Bước 2, biến vế “tập thể dục nhiều hơn” thành “Tôi sẽ tập thể dục trong 1 giờ tại phòng tập vào các ngày Thứ Hai, Thứ Tư và Thứ Sáu trước giờ làm việc.”
Thật đơn giản phải không? Quy tắc này rất đơn giản nhưng hiệu quả nó đem lại thật sự ngoài sức tưởng tượng của bạn. Bạn có khả năng thành công cao hơn 2-3 lần nếu sử dụng kế hoạch “nếu – thì” so với nếu bạn không sử dụng.
Trong một nghiên cứu, 91% những người sử dụng kế hoạch “nếu – thì” để thực hiện việc tập thể dục thành công, trong khi đó số thành công ở những người không lập kế hoạch chỉ 39%.
Peter Gollwitzer, nhà tâm lý học từ Đại học New York (Mỹ), người đầu tiên nêu rõ sức mạnh của việc lập kế hoạch “nếu – thì”, gần đây đã xem xét kết quả từ 94 nghiên cứu sử dụng kỹ thuật này và nhận thấy tỷ lệ thành công cao hơn đáng kể cho mọi mục tiêu bạn có thể nghĩ đến, từ việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng thường xuyên hơn đến tránh những suy nghĩ rập khuôn, máy móc.
Những kế hoạch này sẽ hoạt động một cách rất hiệu quả bởi chúng nói ngôn ngữ của bộ não bạn: ngôn ngữ của những trường hợp bất thường.
Con người rất giỏi trong việc mã hóa thông tin theo các thuật ngữ “Nếu X, thì Y” và sử dụng quá trình này (thường là vô thức) để hướng dẫn hành vi của chúng ta. Quyết định chính xác khi nào và ở đâu bạn sẽ hành động theo mục tiêu của mình sẽ tạo ra mối liên hệ trong não bạn giữa tình huống hoặc dấu hiệu (nếu) và hành vi cần tuân theo (thì).
Giả sử, bạn thường quên gọi điện cho vợ để thông báo việc về muộn và điều này khiến vợ bạn rất phiền lòng. Hãy lập cho mình kế hoạch “nếu – thì”.
“Nếu bây giờ là 5 giờ chiều và tôi vẫn đang làm việc thì tôi sẽ gọi điện cho vợ”.
Bây giờ tình huống “5 giờ chiều và tôi vẫn đang làm việc” được chuyển trực tiếp trong não bạn đến hành động “gọi điện cho vợ”.
Dưới nhận thức của bạn, não của bạn bắt đầu quét môi trường, tìm kiếm tình huống trong phần “nếu” trong kế hoạch của bạn. Cuối cùng, khi phần “nếu” trong kế hoạch của bạn xảy ra, phần “thì” sẽ tự động thực hiện theo sau. Bạn không cần phải theo dõi mục tiêu một cách có ý thức, có nghĩa là kế hoạch của bạn sẽ được thực hiện ngay cả khi bạn đang bận tâm vào việc gì đó.
Quy tắc “nếu – thì” rất đơn giản và mang lại hiệu quả cao. Bạn sẽ không còn bối rối với việc ghi nhớ các dự định và tính toán xem đâu là thời điểm thích hợp để hành động.
Bài gốc: https://www.psychologytoday.com/intl/articles/201101/the-science-success-the-if-then-solution
Nguồn: https://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/quy-tac-neu-thi-bi-mat-giup-ban-dat-duoc-thanh-cong-ben-vung-d257146.html
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin
Nguồn : https://tamlyhoctoipham.com/quy-tac-neu-thi-bi-mat-giup-ban-dat-duoc-thanh-cong-ben-vung