Sức mạnh của Khuôn mẫu và Nguyên tắc
Ảnh: Chúng ta vượt lên trên những thách thức khi chúng ta nhận ra khuôn mẫu của thành công và thất bại cũng như những nguyên.. [+]
Cách đây nhiều năm về trước, khi vợ chồng tôi lần đầu tiên về chung một nhà với 3 đứa con từ cuộc hôn nhân trước, chúng tôi đã gặp phải một rắc rối. Bọn trẻ phàn nàn rằng tôi đã tắm quá nhiều vào buổi sáng, khiến chúng đi học muộn. Sau một lúc suy nghĩ, tôi nhận ra rằng tôi thực sự là thủ phạm. Nhưng tại sao tôi lại làm như này? Có phải do ích kỷ hay vô cảm?
Câu trả lời đến trong một thoáng ký ức. Cha mẹ của tôi sống trong thời thơ ấu đầy khó khăn và phải chịu đủ thiệt thòi để giữ cho môi trường gia đình được êm ấm. Trên thực tế, đôi khi, tôi cảm thấy quá êm ấm. Vào những dịp như thế, tôi khao khát sự đơn độc. Vì vậy, một cách mà tôi đã tạo ra thời gian riêng tư cho mình đó là tắm thật lâu. Cho dù cha mẹ tôi muốn gần gũi như thế nào đi nữa thì họ cũng đủ tỉnh táo để tôn trọng sự riêng tư trong phòng tắm!
Vậy điều gì đã xảy ra trong ngôi nhà mới của tôi? Gia đình thân thiết mà tôi đang gầy dựng với người vợ mới, đôi khi, gợi lên những cảm giác “quá gần gũi”. Theo bản năng, tôi đã phản ứng như cách tôi đã làm trong quá khứ. Bằng cách lặp lại khuôn mẫu của chính mình trong quá khứ, tôi đã vô tình tạo ra một cuộc xung đột mới.
Một trong những đóng góp to lớn của Freud cho tâm thần học và tâm lý học là việc phát hiện ra thứ mà ông gọi là “sự cưỡng bách lặp đi lặp lại”. Nhìn bề ngoài, có vẻ như chúng ta có vô số vấn đề và xung đột. Tuy nhiên, thường thì những điều này rơi vào một khuôn mẫu: chúng ta lặp lại các cách đối phó có thể đã có hiệu quả trong quá khứ, nhưng giờ chúng đã tồn tại lâu hơn sự hữu ích của chúng. Ví dụ, trong quá khứ, tôi có thể đã đối phó với xung đột bằng cách né tránh và rút lui khỏi tình huống. Bây giờ tôi gặp xung đột trên thị trường tài chính khi các vị thế biến động chống lại tôi và tôi tránh né và rút lui thay vì quản lý rủi ro đúng cách. Theo một nghĩa chặt chẽ, không chỉ những xung đột trong quá khứ của chúng ta ảnh hưởng đến hoạt động hiện tại của chúng ta, mà còn là cách đối phó trong quá khứ của chúng ta. Khi chúng ta không thể thừa nhận một cách có ý thức và đối mặt với quá khứ, chúng ta vô thức quay lại những cách xử lý đã lỗi thời. Freud nhận ra rằng chúng ta phá vỡ những mô thức lặp đi lặp lại này thông qua nhận thức có ý thức và có chủ ý để nhận thức được hoàn cảnh hiện tại là một phần của mô hình cuộc sống lớn hơn. Để thay đổi những mô hình này, trước tiên chúng ta cần đứng ngoài chúng và trở thành người quan sát chúng.
Trong tâm lý học tích cực đương đại, người ta thừa nhận rằng chúng ta lặp lại các mô thức thành công cũng như các mô thức xung đột. Sự lặp lại của các khuôn mẫu vấn đề được kích hoạt bởi sự lo lắng, thứ gợi trong ta phương pháp được mã hóa về mặt cảm xúc mà ta từng dùng để đối phó trong quá khứ. Sự lặp lại những thành công của chúng ta được kích hoạt bởi một trạng thái rất khác, được gọi là “dòng chảy”. Khi đắm mình trong trải nghiệm có ý nghĩa và mãn nguyện, chúng ta sẽ bước vào trạng thái tập trung cao độ. Trong “khu vực” đó, thời gian có thể trôi qua mà chúng ta không có nhận thức tỉnh táo và chúng ta trải nghiệm niềm vui, sự sáng tạo và năng suất cao. Những gì được kích hoạt bởi trạng thái mới này cũng là cách đối phó của chúng ta, nhưng trong trường hợp này, đó là cách đối phó dựa trên thế mạnh của chúng ta. Ví dụ: gần đây tôi đã theo dõi một nhà giao dịch chăm chú theo dõi một cổ phiếu nào đó, đắm chìm sâu vào biến động của nó trong từng khoảnh khắc. Đến một lúc, ông thốt lên rằng hành vi của cổ phiếu này giống như một cổ phiếu khác mà ông đã giao dịch hơn một năm trước. Anh ta đã tiến hành một giao dịch trên cơ sở đó và kiếm được lợi nhuận tuyệt vời từ vị thế này.
Trong cả hai trường hợp, các khuôn mẫu hành vi dựa trên xung đột và thành công, sự lặp lại của cách đối phó của chúng ta được kích hoạt bởi sự thay đổi trạng thái ý thức của chúng ta. Chính trạng thái lo lắng đã gợi lên sự lặp lại của việc tôi ở trong phòng tắm kéo dài. Chính trạng thái của dòng chảy đã gợi lên sự lặp lại của một mô hình hành động thành công cho nhà giao dịch. Nhiều khuôn mẫu trong hành vi của chúng ta được mã hóa như một phần của trải nghiệm cảm xúc. Việc khơi gợi những cảm xúc đó gợi lên những khuôn mẫu: đôi khi tốt hơn, đôi khi tệ hơn.
Tư duy trong những khuôn mẫu
Với cơ sở này, chúng ta có thể đánh giá cao thứ được gọi là “tâm lý giao dịch” tóm gọn lại thành một bộ công cụ và hiểu biết để: a) tránh các khuôn mẫu suy nghĩ / cảm giác / hành vi dựa trên việc đối phó với xung đột trong quá khứ và b) hình thành các khuôn mẫu liên quan đến những thành công của chúng ta. Phần lớn tâm lý giao dịch có thể được mô tả như một phương tiện để nhận biết sự lo lắng, thất vọng và hoài nghi trong thời gian thực; lùi lại và nhận ra các mẫu hành vi không thích hợp liên quan đến việc đối phó trong quá khứ; và sau đó nỗ lực để bước vào vùng mà chúng ta có thể vận dụng các điểm mạnh. Nói theo một cách khác, tâm lý giao dịch cho phép chúng ta chuyển từ việc tập trung vào các mô thức thị trường sang nhận thức về các vấn đề và các mô thức giải pháp của chính chúng ta.
Theo ví dụ trên về nhà giao dịch đã minh họa, việc tư duy theo khuôn mẫu là trọng tâm của việc quản lý tiền bạc, cho dù các khuôn mẫu đó được bắt nguồn từ định lượng hay định tính, cho dù chúng cố định dựa theo các nguyên tắc cơ bản kinh tế vĩ mô hay hành động giá, hay bất kể là chúng liên quan đến các sự kiện bị chi phối bởi yếu tố kích thích hoặc hành vi của nhà đầu tư dài hạn. Nếu mọi tình huống thị trường được xem vô tiền khoán hậu, chúng ta sẽ không có cơ sở để giao dịch hoặc đầu tư vốn. Mọi quyết định chấp nhận rủi ro đều là giả định của nhận thức về một hình mẫu gắn liền với cơ hội. Vì vậy, ví dụ, trong tác phẩm của Peter Brandt, những kiểu mẫu đó được xác định dưới dạng cấu hình biểu đồ. Trong cuốn Diary of a Professional Commodity Trader, Brandt nói rõ rằng biểu đồ không được sử dụng như quả cầu pha lê hoặc công cụ dự đoán mà là cách để định hình các giả thuyết về hành vi thị trường mang lại lợi thế lớn hơn so với rủi ro, như trong các trường hợp đột phá từ các khu vực bị đình trệ. Brian Shannon cũng định hình các ý tưởng bằng cách sử dụng các biểu đồ, nhưng trên nhiều khung thời gian và liên quan đến nhiều điểm tham chiếu được lấy từ giá trung bình có trọng số theo khối lượng (volume-weighted average price). JC Parets kiểm tra các mô thức về sức mạnh và điểm yếu tương đối trên nhiều thang đo để định hình hiện tại dựa theo quá khứ.
Tất nhiên, đối với các nhà giao dịch, không phải tất cả cách tư duy theo khuôn mẫu đều xảy ra trong quá trình phân tích kỹ thuật. Jason Goepfert tìm ra rằng các khuôn mẫu tâm lý trong các thị trường có liên quan đến chuyển động thị trường có định hướng, như trong trường hợp gần đây khi ông nhìn nhận sự bi quan trên thị trường chứng khoán. Mặt khác, Jeff Miller, tóm tắt một loạt các dữ liệu kinh tế, tìm kiếm các khuôn mẫu và chủ đề trên các chỉ báo kinh tế. Rob Hanna xem xét các mô hình hành vi giá thông qua lăng kính định lượng, tìm kiếm các mối quan hệ lịch sử có liên quan đến kết quả giao dịch thuận lợi. Hãy lưu ý rằng tất cả những cách này đều là những cách thu nhận một lượng lớn thông tin thị trường và sắp xếp chúng theo những cách có thể có ý nghĩa.
Dưới góc độ tâm lý giao dịch, những nhà đầu tư và nhà giao dịch gặp phải hai vấn đề. Vấn đề đầu tiên dễ nhận thấy hơn, đó là sự kiện thị trường kích hoạt các khuôn mẫu của chúng ta dẫn đến các quyết định giao dịch sai lầm và làm chúng ta quên đi các khuôn mẫu được mô tả bởi các nhà nghiên cứu nói trên. Vấn đề thứ hai vi tế hơn. Chúng ta có thể không bị rơi vào trạng thái bỏ chạy hoặc chiến đấu, nhưng mức độ mất tập trung, buồn chán hoặc năng lượng của chúng ta có thể khiến chúng ta thoát ra khỏi khu vực mà chúng ta có thể nhận thức và hành động theo những khuôn mẫu của rủi ro và phần thưởng này. Nói cách khác, thách thức của chuyên gia giao dịch không chỉ là sự thái quá về mặt cảm xúc, mà còn là sự thiếu vắng của trạng thái “dòng chảy”. Dùng phép suy luận tương tự, nếu nhà giao dịch là người dùng kính hiển vi dò tìm các khuôn mẫu thị trường, thì các vấn đề có thể xảy ra nếu kính hiển vi bị hỏng và nếu nó đang hoạt động bình thường nhưng người dùng mất tập trung. Đây là lý do tại sao nhiều nhà giao dịch đã tận dụng việc thực hành thiền định trong các thời khoá chuẩn bị của họ. Họ nhận ra rằng hiệu suất cao nhất không chỉ đòi hỏi sự kiểm soát những cảm xúc tiêu cực, mà còn phải nâng cao sự chú ý và năng lực của chúng ta để duy trì hoạt động “trong vùng của mình”.
Từ Khuôn mẫu đến Nguyên tắc
Trong một bài đăng đáng chú ý, Ray Dalio của Bridgewater Associates viết rằng một trong những nguyên tắc quan trọng nhất để thành công là suy nghĩ một cách có nguyên tắc. Ông mô tả các nguyên tắc như thấu kính mà qua đó chúng ta nhận thức thế giới, ông giải thích rằng, “Khi một người nhìn mọi thứ qua lăng kính nguyên tắc này, người ta sẽ thấy rằng hầu hết mọi thứ xảy ra lặp đi lặp lại vì những lý do khá giống nhau.” Ví dụ, trong công trình nghiên cứu về các cuộc khủng hoảng nợ lớn, ông cho thấy các xu hướng tài chính theo chu kỳ lớn như thế nào – và sự điều hướng của chúng – là một chức năng của các quyết định do các cơ quan tài chính và tiền tệ đưa ra. Hãy chú ý cách tư duy nguyên tắc được Dalio mô tả là khả năng nhận thức và hành động theo các khuôn mẫu. Có nghĩa là, khi điều gì đó xảy ra lặp đi lặp lại (một khuôn mẫu) và chúng ta có thể xác định được cơ sở thực tế (tức là nguyên nhân – kết quả) cho sự tái diễn này, chúng ta thấy rằng khuôn mẫu bản thân nó cũng lặp lại chính khuôn mẫu đó và có ý nghĩa, không phải một điều ngẫu nhiên xảy ra. Dalio giải thích, suy nghĩ có nguyên tắc là một cách hiệu quả để đối phó với thực tế, bởi vì nó là cơ sở cho lý do tại sao mọi thứ xảy ra như vậy.
Từ góc độ này, tâm lý giao dịch tối ưu kết hợp một chiều kích thứ ba, bên cạnh khả năng tránh các khuôn mẫu vấn đề và tối đa hóa tư duy liên quan đến hành động tối ưu. Chiều thứ ba này là khả năng chuyển các khuôn mẫu thất bại và thành công của chúng ta thành các nguyên tắc cụ thể để định hướng hành động của chúng ta. Nói cách khác, tâm lý giao dịch hiệu quả cho phép chúng ta sống một cuộc sống có nguyên tắc hơn: những người ít phản ứng hơn với sự lên xuống của các sự kiện diễn ra từng thời điểm, từng ngày và có nhiều khả năng điều hướng một cách có ý nghĩa và có mục đích. Tâm lý hành động được cải thiện như vậy cho thấy rằng mọi thứ chúng ta làm, bên trong và bên ngoài thị trường, đều có thể là cơ hội để trau dồi các khuôn mẫu thành công và tránh các khuôn mẫu thất bại. Vì vậy, cuộc sống tự nó trở thành một loại phòng tập thể dục tinh thần, trong đó chúng ta di chuyển từ trạm này sang trạm khác – xuyên suốt sự nghiệp.
Tác giả: Brett Steenbarger
Tôi là Phó Giáo sư Lâm sàng về Khoa học Tâm thần và Hành vi tại Đại học Y khoa SUNY Upstate ở Syracuse, NY. Tôi làm việc với tư cách là một huấn luyện viên hiệu suất cho các nhà quản lý và giao dịch danh mục đầu tư của quỹ đầu cơ và đã viết một số cuốn sách về tâm lý giao dịch. Tôi cũng đã viết hàng chục chương sách và các bài báo trên tạp chí được bình duyệt về chủ đề các cách tiếp cận vắn tắt để thay đổi nhận thức, hành vi và cảm xúc và gần đây đã xuất bản một cuốn sách về giao dịch và tâm linh. Với tư cách là tác giả của blog TraderFeed, tôi đề cập đến tâm lý của các nhà giao dịch và thị trường, nhấn mạnh các nghiên cứu và ứng dụng gần đây trong tâm lý học và tài chính hành vi. Bạn có thể liên lạc với tôi tại steenbab tại aol dot com.
Dịch bởi: Phạm Thành
Nguồn: https://www.forbes.com/sites/brettsteenbarger/2019/08/17/trading-psychology-the-power-of-patterns-and-principles/?sh=2e092cb7d542&fbclid=IwAR3IhXtSRXxVinKADu_6HeMeo_lxyv6dubRqrwn0bdcPlZRTpJ-xflssCUQ
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin
Nguồn : https://tamlyhoctoipham.com/tam-ly-giao-dich-suc-manh-cua-khuon-mau-va-nguyen-tac