Tại sao một số người lại bực bội khi thấy kẻ khác tốt bụng hơn mình

0

Những điểm chính

  • Những phản ứng trước một bài báo đang lan truyền trên mạng gần đây cho thấy đôi lúc người giàu lòng nhân ái cũng bị phán xét khắt khe.
  • Mọi người có thể nhìn nhận tiêu cực về người nhân ái nếu họ hiểu lầm động cơ của người đó hoặc tin rằng họ đã quá phô trương.
  • Phản ứng tiêu cực cũng bắt nguồn từ cảm giác kém cỏi, thiếu khả năng hoặc ngờ vực những ai giúp đỡ người xa lạ.
  • Càng ý thức hơn về những hiểu lầm về lòng tốt có thể giúp người ta biết trân quý người nhân ái.

Nguồn: Lisa/Pexels

Một bài báo gần đây trên Thời báo New York có tựa đề Who is the Bad Art Friend? (Ai là kẻ đạo văn?) mô tả cuộc chiến pháp lý giữa hai nhà văn. Một bên là người hiến thận vô vụ lợi đăng tải trải nghiệm của cô trong một nhóm Facebook riêng tư. Còn bên kia thì đăng một câu chuyện ngắn bị cáo buộc là ăn cắp một số ý tưởng từ những bài đăng của người hiến thận kia.

Câu hỏi trọng tâm được nêu lên trong bài báo có vẻ là một nhà văn có quyền rút ra từ cuộc sống của người khác trong chừng mực nào. Song nhiều độc giả lại chẳng mấy quan tâm đến chuyện đạo văn, mà họ hứng thú với người hiến thận nhiều hơn.

Một số người bày tỏ lòng ngưỡng mộ hoặc cảm thông, trong khi kẻ khác lại có cảm giác người hiến thận quá phô trương và thích thu hút sự chú ý, khiến cho hành động hào phóng của cô ấy bị giảm giá trị. Một nhóm người, bao gồm một số nhà văn nổi tiếng, thậm chí còn đưa quan điểm này đi xa hơn, khi dùng những từ như “quái vật,” “đáng ghê tởm,” “Kẻ ái kỷ,” và “thái nhân cách” để mô tả về cô ấy trên Twitter.

Mặc dù câu chuyện trên NYT chứa đựng những yếu tố có thể định hình nhận thức của người hiến tách biệt với cách mà cô ấy tiếp cận với việc hiến tặng, song những người hiến thận khác cũng thấy mình cũng gặp phải phản ứng tiêu cực (bên cạnh những người ủng hộ họ) khi hiến tặng thận. Nghiên cứu cho rằng chuyện mọi người nhìn nhận về hành động tốt bụng bằng thái độ hoài nghi và thù địch là khá phổ biến, bất luận người có hành động tốt đó là ai.  

Điều gì giúp lý giải về những phản ứng tiêu cực đó? 4 yếu tố sau đây có thể đóng một vai trò trong chuyện này.

1. Hiểu lầm về động cơ

Thật khó để những người không hiến thận hiểu được động cơ đằng sau hành vi của người hiến tặng. Nếu chúng ta không thể hình dung nổi việc muốn thực hiện một hành động vô cùng nhân đạo chỉ vì chính nó, thì ta hay giả định rằng hẳn phải có động cơ mờ ám nào ở đây. Nhưng bộ não con người lại hoạt động theo những cách khác nhau, và những gì có vẻ kỳ lạ đối với người này có thể là điều bình thường đối với người khác.

Đối với nhiều người hiến thận, nỗi đau khổ của những người xa lạ thực sự khiến họ cảm nhận khác, kích hoạt những phản ứng thấu cảm trong não bộ của họ theo những cách giống như cách mà người khác có thể phản ứng trước nỗi đau của người thân yêu. Vì vậy khi người hiến thận giải thích động cơ của họ là muốn giúp người đang khổ sở, chúng ta có thể tin lời của họ. Nếu họ chỉ đang tìm cách thu hút sự chú ý hay sự tán dương thì họ có thể tìm ra nhiều cách ít gây tổn thất cho mình.

Cho nên, ngay cả khi một người vị tha cảm thấy tuyệt vời về bản thân thì điều đó cũng không có nghĩa rằng hành động của họ là ích kỷ. Sự thật là một hành động bác ái có thể đem đến lợi ích cá nhân là một điều tốt—cảm giác càng tốt đẹp thì con người càng có nhiều khả năng làm việc đó, và họ càng ít có khả năng xem đấy là gánh nặng hoặc gây kiệt quệ.

2. Cho rằng hành động nhân ái nên được thực hiện âm thầm và giấu kín danh tính.

Những ai chưa quen với một loại hình vị tha cụ thể nào đó có thể giữ quan điểm sai lầm về những việc liên quan đến nó. Ví dụ, họ có thể chưa biết rằng việc chia sẻ thông tin về một ca hiến thận thường được khuyến khích như một cách để giáo dục và truyền cảm hứng cho người khác—cũng như mời gọi sự giúp đỡ.

Nếu không hiểu được bối cảnh rộng này, người ta có thể diễn giải những bài đăng trên mạng xã hội hoặc những sự kiện công khai là một nỗ lực đầy toan tính ích kỷ để tìm kiếm sự công nhận của xã hội, trong khi thực tế thì việc nâng cao nhận thức và tuyên dương những người hiến thận là một cách quan trọng để gia tăng số ca hiến thận. Rất nhiều người đang cần ghép thận ngoài kia so với số lượng thận hiến tặng vô cùng ít ỏi.

3. Cảm thấy bị phán xét hoặc cảm giác kém cỏi bất lực

Người ta có thể mang cảm giác rằng những kẻ tốt bụng vị tha kia đang xem thường họ vì họ không thể đưa ra lựa chọn tương tự, ngay cả khi điều này không đúng. Nghiên cứu phát hiện thấy cảm giác kém cỏi khi so sánh với một “người làm được việc tốt”có thể đe dọa đến lòng tự trọng của con người, điều đó có thể khiến cho họ chê bai, gièm pha người làm việc tốt hòng vô hiệu hóa mối đe dọa và cảm thấy tốt đẹp hơn về bản thân. Có một lý do mà thuật ngữ “người làm việc tốt” thường được dùng theo nghĩa xúc phạm.

Một cách khác để vô hiệu hóa mối đe dọa đó có thể là cần nhận ra có nhiều cách khác nhau để làm người tốt, và hành động vị tha của người khác không làm chúng ta trông tệ hại kém cỏi—quả thực nó không nhắm đến chúng ta.

4. Những người vị lợi đa nghi 

Nghiên cứu cho rằng con người có thể ít tin tưởng vào một số kiểu người bác ái nào đó—những người tập trung vào việc tối đa hóa lợi ích cho số đông—vì họ sợ rằng mình sẽ trở thành người bạn hay người yêu không trung thành. Những kiểu người vị tha này có thể bỏ ra khá nhiều thời gian và nguồn lực để phục vụ cho những người xa lạ, trái ngược với việc dành ưu tiên cho các mối quan hệ thân thiết, một quyết định mà người ta có thể phản đối.

Nhưng trước khi chúng ta phán xét nặng nề những con người tốt bụng ấy, chúng ta nên cân nhắc đến cảm giác của mình nếu như ta đang cần thứ gì đó mà mối quan hệ gần gũi của ta không thể mang lại (chẳng hạn như quả thận phù hợp); những lúc đó, một người xa lạ mà hào hiệp có thể thay đổi mọi thứ, và chúng ta sẽ thấy biết ơn vì họ có mặt trên đời.

Bài học rút ra là gì?

Lần tới nếu bạn thấy mình hơi ngờ vực khi ai đó dường như có chút thỏa mãn với hành động nhân ái của họ, hãy hỏi bản thân chuyện đó làm bạn bực mình như thế nào. Họ đang gây hại thay vì giúp đỡ? Hay họ chỉ đang giúp đỡ theo cách mà bạn còn chưa hiểu được? Họ có khiến bạn cảm thấy xấu hổ vì không làm được như họ, hay chỉ là đang chia sẻ điều gì đó mà họ đam mê?

Chúng ta không cần phải bắt chước hay ca ngợi mọi hành động tốt đẹp mà ta thấy, nhưng ý thức về  quan niệm sai lầm làm nền tảng cho sự khó chịu của ta, có thể giúp chúng ta suy ngẫm và cảm kích những con người giàu lòng nhân ái theo một cách khác.

 

Tài liệu tham khảo

Everett, J. A. C., Faber, N. S., Savulescu, J., & Crockett, M. J. (2018). The costs of being consequentialist: Social inference from instrumental harm and impartial beneficence. Journal of Experimental Social Psychology, 79, 200–216.

Marsh, A. A., Stoycos, S. A., Brethel-Haurwitz, K. M., Robinson, P., VanMeter, J. W., & Cardinale, E. M. (2014). Neural and cognitive characteristics of extraordinary altruists. Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America, 111(42), 15036–15041.

Minson, J. A., & Monin, B. (2011). Do-gooder derogation: Disparaging morally motivated minorities to defuse anticipated reproach. Social Psychological and Personality Science, 3(2), 200-207.

 

Nguồn: Psychology Today

Thế giới bản tin | Vina Aspire News

Nguồn : https://tamlyhoctoipham.com/tai-sao-mot-so-nguoi-lai-buc-boi-khi-thay-ke-khac-tot-bung-hon-minh

Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ