Tâm lý học giải thích như thế nào về “tuesday”

0

Tâm lý học giải thích như thế nào về “tuesday” – người thứ 3 bị ảnh hưởng bởi điều gì khi luôn vô tình hoặc hữu ý nhắm vào những đối tượng đã/và đang ở trong một mối quan hệ khác?

CÁC NGHIÊN CỨU TÂM LÝ XUNG QUANH VẤN ĐỀ “TUESDAY”

  1. TRẢI NGHIỆM “GIẬT BỒ” THƯỜNG LIÊN QUAN MẬT THIẾT ĐẾN TRẢI NGHIỆM GIỚI TÍNH, VĂN HOÁ VÀ ẢNH HƯỞNG MẠNH MẼ CỦA KHUYNH HƯỚNG CÁ NHÂN

Theo một nghiên cứu từ International Sexuality Description Project (SCHMITT, 2004) được tham gia bởi gần 17.000 người từ 53 quốc gia khác nhau, họ đã cùng điền một bảng khảo sát về trải nghiệm của họ trong vấn đề sự hấp dẫn lãng mạn trong tình cảm.

Và “mate poaching” – những người thường bị hấp dẫn bởi các mục tiêu là “hoa đã có chậu” thường đến từ các nền văn hoá Châu Âu, Nam Mỹ và tương đối ít xuất hiện ở Châu Phi và Châu Á (who knows!). Theo đó, kết quả khảo sát cho thấy đàn ông ở các nền văn hoá ở trên nói rằng họ thường dễ dàng rơi vào tình trạng là một “người thứ 3” hơn hoặc thường “khó chống cự” bởi sự tiếp cận của một người khác giới khi đang ở trong mối quan hệ hơn. Tuy nhiên, ở những nơi có sự bình đẳng nam-nữ thì vấn đề “người thứ 3” không có quá nhiều khác biệt lắm – cả 2 giới đều có khả năng ngoại tình/hoặc khiến người khác ngoại tình như nhau.

  1. NGƯỜI NGOẠI TÌNH SẼ TIẾP TỤC NGOẠI TÌNH?

Rất nhiều người hay khuyên một người vừa bị mất người yêu vào tay “tuesday” rằng: rồi kẻ thứ 3 cũng sẽ bị đá thôi vì người phụ tình bao giờ cũng sẽ tiếp tục phụ người khác! Và câu nói ấy, thực sự được chứng minh bằng khoa học. Một nghiên cứu từ Mỹ và Úc đã thực hiện khảo sát trên 138 người đang trong các mối quan hệ tình cảm. Họ tìm ra kết quả: những người bị “săn” bởi người yêu hiện tại khi đang yêu một người khác đã trả lời rằng: họ ít cam kết và chịu trách nhiệm cũng như ít chung thuỷ hơn, và cảm thấy không quá hài lòng với mối quan hệ hiện tại. Cũng như họ nói rằng họ vẫn tiếp tục có hứng thú với các đối tượng “tiềm năng” khác. Kết quả này hoàn toàn ngược lại với những người tham gia nghiên cứu không-bỏ-người-yêu-theo-người-thứ-3

Vậy nên nếu bạn đang muốn làm TUESDAY, watch out!

  1. “NGƯỜI THỨ BA” hay “TUESDAY” THƯỜNG MANG CÁC ĐẶC ĐIỂM RẤT GIỐNG NHAU

Một nghiên cứu từ nhà nghiên cứu Golberg (1992) dựa trên các bài kiểm tra “Mô hình tính cách 5 yếu tố” (Big Five Personality Model) và “ 7 mô hình quyến rũ trong tình dục” (Schmitt & Buss, 2000) đã tìm ra rằng những “Trà xanh” hay “tra nam” gọi tương tự là tuesday – (Mate poaching) những người thích săn các đối tượng đã ở trong một mối quan hệ với người khác thường có các đặc điểm giống nhau như:

– Disagreeable: kiểu tính cách hoài nghi và dễ bất mãn với người khác. Họ coi trọng bản thân hơn việc để ý đến người khác cảm nhận như thế nào.

– Unconscientious: họ hay hành động theo cách tự phát, vô thức và không suy nghĩ trước về kết quả/hậu quả của việc họ làm.

– Unfaithful: không chung thuỷ, không trung thành hoặc không đáng tin cậy

– Erotophilic: họ đều “thoáng” và thoải mái khi nói về tình dụ.c

Tuy nhiên, không có nghiên cứu nào nói rằng những người có các tính cách trên đều sẽ thành kẻ thứ 3. Các nghiên cứu trên chỉ tìm ra đặc điểm chung thường thấy của những người đã từng là người thứ 3, và không phải là tất cả mọi người đều như vậy!

Một nghiên cứu khác cho ra kết quả rằng nếu “tuesday” và người mà họ nhắm đến nếu là bạn bè, hay có mối quan hệ thân thiết càng lâu (trên 1 năm) thì có lẽ người đó sẽ khó phản bội tuesday hơn (Mogilski, J. K. & Wade, T. J. (2003)

TẠI SAO CÁC “TUESDAY” LẠI BỊ ÁM ẢNH VÀ CUỐN HÚT BỞI NHỮNG NGƯỜI KHÔNG HỀ “AVAILABLE”

  1. “Tuesday” thiếu đi sự đồng cảm với người khác…

Thuyết gắn bó trong tâm lý học giải thích rằng con người chúng ta thường sẽ thể hiện tình cảm và các hành vi trong cuộc sống dựa theo mối quan hệ của ta và bố mẹ khi còn nhỏ. Cho nên những người lúc nhỏ trải qua một cuộc sống với sự ngờ vực về tình yêu thương, thiếu an toàn và luôn sợ hãi bị bỏ rơi trong các mối quan hệ, họ sẽ thường hành động thiếu đi sự đồng cảm trong cuộc sống sau này. Và tất nhiên, rất nhiều người trải qua ám ảnh quá khứ nhưng lại không thực hiện các hành vi trái với đạo đức, nhưng có lẽ đối với những người này, tiêu chuẩn “đạo đức” của họ khác biệt với những người khác. Như đặc điểm đã nêu ở trên, dường như họ bốc đồng và dễ hành xử thiếu suy nghĩ hơn trong cuộc sống – và ở đây là việc không suy nghĩ đến cảm nhận của người khác.

Một người có ít đồng cảm với người khác, họ sẽ không có khả năng suy nghĩ cho người khác và hiểu cảm giác đau khổ của người khác, nên họ sẵn sàng làm những chuyện gây ra tổn thương như là, trở thành người thứ 3, một “tuesday” sẵn sàng cướp mất người yêu của người khác.

Sự đồng cảm này có thể giải thích thông qua phân tâm học của Freud, khi mà một người luôn bị những ám ảnh tổn thương đeo bám, họ sẽ tự biến bản thân thành nạn nhân. Họ luôn có những lời nói tiêu cực ám ảnh bên trong tâm trí, khiến nó điều khiển hành vi và suy nghĩ của họ.

Vì luôn nghĩ mình là nạn nhân, mình luôn chịu tổn thương ấm ức, mình luôn đau khổ và bất hạnh, nên họ bị nó che mất đi sự đồng cảm của họ với những cá nhân khác trong xã hội. Không những mất đi sự đồng cảm, họ còn dễ tỏ ra ghen tị với những điều mà người khác có mà họ không có được, khiến họ có mong muốn đạt được nó mà không hề có cảm giác tội lỗi, vì họ nghĩ rằng họ xứng đáng so với những gì mà họ đã chịu đựng.

Điều này cũng tương đồng với cảm giác và nhận thức của những người mang trong mình khuynh hướng ái kỷ. Một nghiên cứu cũng cho kết quả rằng những người có tính ái kỷ thường cho kết quả đã từng làm những hành động không không chung thuỷ trong một mối quan hệ (26% ở Bắc Mỹ; 8% ở Nam Mỹ; 27% ở Châu Phi và 5% ở Á). (David P. Schmitt et al., 2017)

  1. “NGƯỜI THỨ 3” THƯỜNG LÀ PHỤ NỮ? CÂU TRẢ LỜI LÀ KHÔNG-CHẮC-CHẮN

Theo nghiên cứu của Davies và các đồng sự (2006), những người tham gia khảo sát là đàn ông thường cho rằng “cảm giác thử thách khi cố gắng quyến rũ một người rời bỏ người yêu để theo mình” với mục đích tìm kiếm họ như một mục tiêu tì.nh dục ngắn hạn hoặc một mối quan hệ gần gũi thân xác dài hạn hơn là một mối quan hệ gắn kết thấu hiểu lâu dài.

Nghiên cứu tâm lý học tiến hoá của loài người dường như đã từng nhận ra điều này ở nam giới. Theo đó, vì con đực có khả năng tạo ra lợi ích sinh sản lớn hơn con cái nếu như nó có nhiều “bạn tình” hơn. Theo đó, nam giới có thể đã tiến hoá một tâm lý thúc đẩy họ ở tình thế sẵn sàng hơn cho việc thực hiện và theo đuổi các thách thức và rủi ro liên quan đến việc thu hút những mối quan hệ liên quan đến tình dụ.c ngắn hạn hoặc dài hạn, và ở các mối quan hệ mà bạn tình không “thuộc về” họ khiến họ có cảm giác hồi hộp và cảm giác “giật gân” hơn. Một kết quả khác ủng hộ điều này, cho thấy nam giới thường đánh giá cao ích lợi của việc đạt được “cái tôi” khi thành công “săn trộm” bạn tình của một người khác.

Cũng theo sự tiến hoá của con người, phụ nữ dường như nói rằng họ cảm thấy “cảm giác tội lỗi, nhục nhã và thấy mình như làm điều ảnh hưởng lên “hình ảnh” của mình” khi trở thành một người “đập chậu cướp hoa”. Theo đó, đàn ông dường như phát triển một tâm lý thúc đẩy họ tránh việc cam kết lâu dài với một người phụ nữ nổi tiếng về mặt tìn.h dụ.c hoặc lăng nhăng (Buss,1989). Từ đó, phụ nữ có thể ít thực hiện hành vi đó hơn nam giới vì sợ rằng mình sẽ bị mang hình tượng xấu.

Thế nhưng, ở một khảo sát khác từ Ph.D Melissa Burkley trên psychologytoday thực hiện trên các sinh viên đại học của cô. Kết quả cho thấy: những cô gái độc thân bày tỏ hứng thú với những chàng trai đã có người yêu (90%) hơn những chàng vẫn độc thân (59%). Ở sinh viên nam, câu trả lời họ không quá khác biệt giữa người độc thân và đã có người yêu. Cho nên đây là lí do nên đánh giá khách quan về vấn đề này – không có gì hoàn toàn đúng và không có gì hoàn toàn sai, và nó có phụ thuộc vào những lý do bên dưới.

Cảm giác sảng khoái mà não bộ tiết ra khi một người ở trong mối quan hệ đầy tính phiêu lưu.Theo đó, khi người ta quyết định tham gia vào một mối quan hệ không được xã hội công nhận, từ đó họ phải thực hiện các hành vi lén lút sẽ khiến họ có cảm giác phiêu lưu hơn. Và các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine dường như tăng cao khi ta đạt được một thành tích nào đó – là cảm giác được “nhận thưởng” cực kì hào hứng và sảng khoái. Đó cũng là cảm giác mà một người nhận được khi đạt được một mục tiêu mà họ cho rằng như một thành tích trong cuộc sống.

Theo Tiến sĩ Melissa, những người thích “đập chậu cướp hoa” dường như cảm nhận được cảm giác rằng họ “tốt hơn” người khác khi có thể quyến rũ người bạn đời của người đó.

  1. HỌ CHO RẰNG “NHỮNG NGƯỜI ĐÃ GẮN BÓ VỚI NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ ĐÃ ĐƯỢC SÀNG LỌC LÀ MỘT BẠN TÌNH TỐT – CHO NÊN HỌ LÀ MỘT ĐỐI TƯỢNG ĐÁNG “KHAO KHÁT”

“Nhiều người lại thích ăn những thứ đồ ăn ngon mà không thích tự nấu” hoặc những câu nói nổi tiếng được lan truyền trong xã hội như “ người đàn ông tốt/phụ nữ tốt rất khó kiếm” – khiến những cuộc “tranh dành” này có thêm động lực để xảy ra. Vì ai cũng dường như muốn tìm kiếm điều tốt nhất cho mình – tuy nhiên, không phải ai cũng dùng những hành vi tương tự nhau để làm điều đó.

Tâm lý học giải thích việc này bằng thuyết tiến hoá khi con người chọn bạn tình, thường thì họ sẽ chọn một người nào đó mà họ thấy rằng người đó có vẻ như là có chức năng và biết cách làm một người bạn tình, một người yêu mà họ mong muốn. (Melissa Burkley Ph.D., 2009)

Có nghĩa là có nhiều người thường sẽ tự mình tìm hiểu và khám phá xem một người nào đó có thể làm tốt vai trò của một người bạn trai/bạn gái hay không trong quá trình yêu nhau. Nhưng nhiều người lại thích “ăn những thứ đồ ăn ngon mà không cần nấu”. Đồ ăn trong đĩa của người khác lúc nào nhìn cũng ngon hơn, kiểu họ nghĩ rằng nếu như có một người nào đó yêu và mong muốn anh ta, vậy thì chắc chắn rằng anh ta có gì đó tốt đẹp thì mới được yêu như vậy.

Có những người mà họ lại có suy nghĩ như thế này “tại sao lại phải tìm người yêu trong khi tôi có thể lấy người yêu của người khác?” – Một đối tượng mà họ nhìn thấy rằng người đó có khả năng làm một người bạn trai tốt, một người phù hợp với tiêu chí bạn tình của họ. Thế nên tuesday muốn có được thứ tốt đẹp của người khác, và họ tin rằng người mà họ chiếm lấy được chắc chắn là người có kinh nghiệm và có khả năng cũng như giỏi việc làm một người bạn tình tốt, mà lại chẳng cần phải đào tạo hay chờ đợi “con ếch biến thành hoàng tử”.

Đây cũng dễ dàng giải thích được vì sao mà nhiều vụ ngoại tình lại thường là người quen, vì một người đã luôn nhìn thấy bạn trai/bạn gái của một người quan tâm và chăm sóc bạn mình. Họ thấy anh ta/cô ta thực hiện những hành động mà họ luôn ao ước có được, như một hình mẫu trong mơ họ luôn yêu thích – nay hiện diện trước mắt mình. Nên nhiều khi họ bảo rằng không thể “kiềm chế” được mà lỡ trót yêu mất người đã là bạn trai/chồng/vợ/bạn gái của người khác.

  1. TRAUMA BONDING – MỐI LIÊN KẾT VỚI SANG CHẤN TINH THẦN

Một lý lí giải nữa liên quan đến quá khứ có thể tạo ra tính cách và mong muốn trở thành một kẻ thứ 3 của một người, đó là tiềm thức họ luôn tiếp cận hoặc muốn sửa lại kết cục của những điều họ không thể làm trong quá khứ, hoặc là họ diễn giải sai về những điều đã xảy ra trong thời thơ ấu.

Một ví dụ đơn giản như là một gia đình khi người bố bỏ đi khi đứa trẻ còn bé, khiến đứa trẻ có cảm giác mình bị bỏ rơi. Và khi lớn lên những cảm giác bị vứt bỏ đó hiện lên, khiến người đó diễn giải rằng chỉ khi mà làm một người đàn ông khác bỏ vợ/người yêu theo mình thì họ mới được yêu và không bị bỏ rơi. Nó khiến họ nghĩ rằng chỉ khi mà một người đàn ông bỏ người yêu theo mình, thì mới chứng minh được rằng cô ta xứng đáng với tình yêu “mãnh liệt đó”.

Thường thì tuesday là những người có lòng tự trọng, tự nhận thức và yêu thương giá trị của bản thân rất thấp. Sự tự tôn thực sự, là coi trọng bản thân, là tự tin về giá trị của chính mình, là tin tưởng vào giá trị đạo đức, tin vào lý tưởng sống của bản thân và yêu thương trân trọng những điều làm mình hạnh phúc. Khi một cô gái nghĩ rằng bản thân mình không đáng được yêu thương, họ sẽ dễ dàng rơi vào một tình cảnh mà ở đó họ dường như có suy nghĩ lệch lạc về giá trị sống của bản thân.

Cũng như họ khó nhận ra điều gì có thể gây ra tổn thương cho mình, điều gì nên né tránh để tránh làm bản thân gặp phải đau khổ, dày vò. Lòng tự trọng và sự tôn trọng dành cho bản thân có một mối quan hệ mật thiết với thời thơ ấu.

Vậy một người thứ 3, một người mà có thể mở mắt ra nhìn người mình ôm ấp đi với người yêu chính thức của họ, nắm tay người yêu họ, công khai người yêu họ ở chỗ đông người. Còn chính bản thân tuesday thì luôn phải lén lén lút lút, phải giả vờ giả vịt, thì họ có lòng tự tôn hay không? Họ có biết làm thế bản thân sẽ đau khổ hay không? Những ám ảnh đó khiến họ liên tục làm những điều có thể mang lại cho họ những cảm giác cũ mà họ đã trải qua (trauma-bonding). Nhiều người dường như “nghiện” cảm xúc lơ lửng và khó hiểu của cảm xúc, về những cảm giác đẩy đưa trong tình cảm – những cảm xúc khi hoóc môn cortisol căng thẳng tăng cao, rồi khi họ nhận được “dopamine” khi người yêu đột ngột quay lại bên họ. Vốn dĩ, họ cũng chả biết thế nào là thật sự hạnh phúc, nhiều người thật đáng thương khi họ có thể đem cảm giác tức tối, muốn chiếm đoạt và cảm giác thỏa mãn hiểu nhầm thành hạnh phúc.

Cảm giác thỏa mãn đó khiến người ta khao khát, thậm chí khiến họ đánh đổi mọi thứ giá trị khác chỉ để có được một vài giây phút ngắn ngủi vui sướng đó.

Khi mà một đứa trẻ được yêu thương, được cảm nhận sự ấm áp và niềm tin vào thế giới này, chúng sẽ biết rằng có người yêu thương chúng. Đứa trẻ sẽ lớn lên với niềm tin rằng bản thân mình được yêu thương, trân quý và có giá trị. Tuy nhiên, những đứa trẻ bị tổn thương đến mức phải tìm kiếm sự công nhận của người khác, nghĩ rằng phải có được thứ gì đó như nhan sắc, danh vọng, vật chất và sức mạnh thì mới có được sự chú ý và thu hút ánh mắt của người khác. Những đứa bé ấy, rõ ràng không hề làm điều đó vì nó, mà là tìm kiếm những thứ xa xỉ đó để tìm kiếm sự chấp nhận, để che đi suy nghĩ dằn vặt rằng bản thân không được yêu thương.

Nhấn mạnh một lần nữa, con người luôn thích những cảm giác quen thuộc. Nên những tuesday nào từng sống qua những cảm xúc bị bỏ rơi, bị lạnh nhạt, bị hắt hủi lúc nhỏ hoặc trong giai đoạn trưởng thành, họ sẽ vô thức tìm lại những cảm giác đó như bị nghiện. Và chỉ có khi yêu một người đàn ông đã có người yêu, đã có gia đình, đã cam kết với người khác thì họ mới cảm nhận được những cảm giác đó – cảm giác sôi sục bên trong khiến họ tập trung mọi giác quan để cảm nhận.

Cảm xúc bị bỏ rơi, lạnh nhạt rồi sau đó họ vượt qua nó bằng cách “chiếm đoạt” lại anh ta, rồi lại tiếp tục như vậy. Đó là cách họ tự lừa dối cảm xúc của mình rằng họ có thể vượt qua nỗi sợ bị bỏ rơi và chiếm đoạt lại quyền điều khiển, thứ mà họ đã thất bại trong nỗi đau ở quá khứ.

Cho nên nhiều tuesday có thể dùng mọi thủ đoạn, “khổ nhục kế” thậm chí làm tổn thương bản thân chỉ để cướp lấy người mà họ mong muốn. Chính là vì họ đã từng có cảm giác thất bại, bị bỏ rơi cho nên họ cố không để điều nó xảy ra lần nữa bằng-mọi-giá.

Có rất nhiều người dù trưởng thành và thành công, họ vẫn có nhiều khúc mắc sâu thẳm với gia đình họ. Cho dù họ có giả vờ tỏ ra trách nhiệm và biết ơn đến mấy, họ vẫn sẽ có cảm giác tủi hờn ở một thời điểm nào đó. Như là những người bị bố mẹ lơ là khi còn nhỏ, dù được nâng niu đủ vật chất nhưng họ lại thiếu tình thương, sự thiếu vắng trong tâm hồn đó sẽ luôn theo họ và dằn vặt họ. Dễ dàng thao túng lấy cảm xúc của họ khi họ yếu đuối và gặp những chuyện trục trặc trong mối quan hệ yêu đương, dễ dàng bị rơi vào vòng tay của kẻ thứ 3. Hoặc dễ dàng theo đuổi cảm xúc trở thành “người điều khiển” , người có thể chiến thắng người khác, để quên đi nỗi đau và sự tự ti bên trong mình.

Cũng có rất nhiều tuesday cướp mất bạn trai hoặc chồng của người khác vì vật chất, và đó là tuỳ vào tam quan của cô ấy. Tam quan bao gồm nhân sinh quan, thế giới quan và giá trị quan. Nếu tam quan của cô ấy đánh giá cao sự “thành công” và “hạnh phúc” của con người dựa trên vẻ bề ngoài và vật chất xa hoa, họ dễ dàng tìm kiếm nó như một mục đích thực sự của cuộc sống. Nếu như cuộc sống của cô ấy định nghĩa rằng vật chất và tiền tài có thể mang lại sự an toàn và cảm giác được chú ý và quyền lực của bản thân trong xã hội, thì cô ấy sẽ dễ dàng chạy theo những người đàn ông có khả năng ban phát cho cô ta sự an toàn ấy.

Ngoài ra, những cô gái mang “daddy issues” cũng rất dễ dàng trở thành một “người thứ 3” – vì những tổn thương từ người bố khiến cô ấy chỉ nhìn thấy vết thương của chính mình. Từ đó luôn bỏ qua nhiều giá trị sống khác và mải mê tìm kiếm lỗ hổng còn thiếu của mình ở tình yêu của một người đàn ông có thể lớn tuổi hơn mình. Và người đàn ông lớn tuổi – mọi người biết đấy – thường đã có gia đình mất rồi. Ngoài tiền tài và vật chất từ người trưởng thành, sự ổn định cảm xúc từ người đàn ông đó khiến cho cô gái đạt được những điều mà cô ta mong muốn một cách nhanh chóng hơn.

Có thể cô ấy có được những ánh nhìn từ người khác mà cô nghĩ rằng nó khiến cô có cảm giac được trân trọng, được nâng niu, và nhất là sẽ không bị coi thường – thứ mà cô ta luôn sợ hãi và căm ghét nhất. Cho nên có những cô gái sẵn sàng làm người tình bí mật chỉ để có được những thứ xa hoa mà cô ta muốn, vì cô ấy thấy rằng cảm giác an toàn từ những thứ đó nó tuyệt vời hơn là cảm giác hạnh phúc mà chính bản thân tự cảm nhận được từ bên trong.

  1. CÁC “TUESDAY” CÓ CẢM GIÁC RẰNG HỌ LÀ MỘT NGƯỜI VỊ THA VÀ ĐẦY LÒNG BAO DUNG KHI “CỨU” MỘT NGƯỜI RA KHỎI MỘT MỐI QUAN HỆ TỒI TỆ

Khi sự “bao dung” từ một ai đó đến sai hoàn cảnh, có thể họ đã bị lừa dối, hoặc vì những trải nghiệm quá khứ khiến họ như đánh giá và phân tích sai tình huống trong cuộc sống. Dẫn đến việc họ thực hiện các hành vi ảnh hưởng xấu đến người khác cũng như ảnh hưởng tiêu cực lên mình.

Một người thường đóng vai trò là “rescuer” – một người cứu rỗi, một vị cứu tinh cho người khác. Họ nghĩ rằng bản thân có trách nhiệm hỗ trợ cũng như giúp đỡ một người trải qua những khó khăn trong cuộc sống. Và điều này sẽ rất dễ xảy ra khi họ gặp một người mà họ cho rằng “thật đáng thương”. Ví dụ, một mối quan hệ mà người đàn ông kể với người thứ 3 rằng anh ta đau khổ, bất hạnh với cuộc tình hiện tại. Cảm giác này thúc đẩy người thứ 3 (có thể mang sẵn những lý do giải thích bên dưới) muốn trở thành một người ở bên cạnh giúp người đàn ông này không bị rơi vào hố đen ở cuộc tình hiện tại của anh ta.

Andrea Mathews đã bày tỏ trên bài viết “The Rescuer Identity” trên trang Psychology đã bàn về một “rescuer” như sau: một người có thể trở mang tư tưởng “vị cứu tinh” này từ thưở nhỏ, khi cuộc sống có nhiều bất lực và đứa nhỏ ấy luôn mang trọng trách phải “cứu giúp” hay giải cứu những người xung quanh khỏi những vấn đề nào đó. Theo thời gian, chúng hình thành suy nghĩ muốn giải cứu người khác – và họ học cách đáp ứng được nhu cầu của mình thông qua việc giúp đỡ và “cứu vớt” người khác. Họ cũng thường bị thu hút bởi những người gặp “rắc rối trong cuộc sống” và “cần đến sự giúp đỡ” từ người khác – và việc được ai đó cần đến là điều khiến họ cảm nhận được cảm giác “cho và nhận”.

Theo chuyên gia tâm lý về các mối quan hệ – Chris Armstrong trả lời trên tờ báo medicaldaily, anh giải thích rằng việc trở thành người thứ 3 liên quan đến giá trị sống và điều mà họ tìm kiếm ở thời điểm nào đó trong cuộc sống của họ: ví dụ như, sự tự tin của họ từ việc có được một người không thuộc về họ; hoặc vai trò của họ là gì trong mối quan hệ đó.

  1. TRẢI NGHIỆM QUÁ KHỨ CỦA NHỮNG NGƯỜI TRONG CUỘC

Những ám ảnh thời thơ ấu, những nỗi đau và mất mát trong cuộc sống là điều mà bất cứ ai cũng sẽ trải qua. Thế nhưng, có những người lại không có may mắn thoát khỏi sự dằn vặt của những nỗi đau ấy. Khiến chính họ bị cảm giác ham muốn điều khiển, vì những cảm xúc yên ổn, háo hức và thỏa mãn trong lòng mà sẵn sàng làm tất cả mọi thứ. Những người này có thể sẽ có suy nghĩ “victimize” bản thân, rằng mình chịu đựng nhiều đau khổ hơn người khác – khiến họ dường như giảm đi sự đồng cảm và thấu cảm với một ai đó.

Đây không phải là đang bênh vực kẻ thứ 3 hay người ngoại tình, mà là một điều nhấn mạnh rằng trước khi bạn cam kết sống trọn đời với ai đó, hãy chắc rằng bạn hiểu những vết thương sâu của họ.

Bài viết là về tuesday, nhưng thực ra là một lời cảnh tỉnh cho cả hai người còn lại nữa. Vốn dĩ chính bên trong “người bị giật mất” (thực ra là họ tự quyết định chọn người khác, chứ ai mà giành giật được một người lớn như họ??) họ cũng có những điều chưa chắc chắn về bản thân và cảm xúc của mình. Tuy nhiên, nếu bạn thấy một ai đang hấp hối không có nghĩa bạn có quyền nhảy đến và kết liễu họ luôn. Mà ở đây – cả 2 người trong mối quan hệ vẫn nên nhận thức rõ về những vấn đề khúc mắc giữa 2 người trước, và tại sao lỗ hổng đó lại có thể khiến tuesday có chỗ xuất hiện.

Trong tình yêu tan vỡ, người thứ 3 không phải là người duy nhất làm đổ nát một chuyện tình, mà còn bao gồm cả khúc mắc, mâu thuẫn và thiếu sự sẻ chia hoặc kết nối sâu sắc 1 trong 2 người còn lại kia. Chính lỗ hổng đó mới là nơi khiến tuesday có chỗ chen chân vào. Tuy nhiên, lí do này không đồng nghĩa với việc điều tuesday làm là đúng đắn! Không thể thấy một người đang vùng vẫy thì bạn có quyền đạp cho người đó ngủm luôn được!

Hiểu về quá khứ của bản thân và người khác để có thể chắc chắn rằng những vết thương cảm xúc chưa được chữa lành của người đó có thể sẽ dày vò họ và người bạn đời của họ về sau. Một người có thể nhìn thấu nỗi đau bên trong mình chính là một người có sự trưởng thành trong cảm xúc và cách hành xử.

Thay vì chỉ trích người khác tại sao lại cướp mất nguời nào đó đang ở cạnh mình, mà hãy để bản thân trở thành một người chủ động trong một mối quan hệ. Hiểu mình, hiểu người trước rồi hãy nghĩ đến việc có nên chỉ trích người khác hay không. Và mình tin rằng những ai thực sự hiểu giá trị của bản thân, sẽ biết cách giải quyết khi mối quan hệ gặp phải tuesday. Một cách nào đó mà không làm tổn thương chính mình và người mà mình yêu thương .

Gửi những người đang và luôn là một tuesday, một người luôn muốn cướp đoạt hạnh phúc của người khác:

Hãy nhìn thẳng vào sự thật rằng là một tuesday, bạn không hề hạnh phúc với chính con người thật của mình. Bạn có lòng tự tôn thấp và dễ dàng vứt bỏ giá trị của bản thân để đến với một người không nên đến. Thay vì cố tình bước vào mối quan hệ mà rõ ràng là luôn có kết quả không tốt đẹp, thì hãy chọn cách b chậm lại và giúp bản thân trở nên tốt hơn, để có thể lựa chọn và yêu thương ai đó thực lòng. Không phải là bạn không có khả năng đó, mà là bạn chưa có khả năng nhìn thấy giá trị của mình.

Hãy nên thật lòng với bản thân mình rằng lựa chọn ở cạnh một người đàn ông đã có một mối quan hệ chính thức chỉ thể hiện rằng bạn không phải đang làm một điều gì tốt đẹp cho cam. Có thể kể ra rằng: Bạn không hề trân trọng bản thân mình, bạn không đủ hứng thú để tìm kiếm một sự kết nối tình cảm hạnh phúc thực sự và bạn không có đủ sự quan tâm, lòng trắc ẩn và sự đồng cảm với đồng loại của mình.

Thực sự rất nhiều người đã hỏi rằng tại sao tuesday lại không nghĩ tới những đứa trẻ khi họ phá hoại gia đình người khác; hay là người phụ nữ kia cũng sẽ đau lòng?

Mình đã nói ở trên, họ có sự đồng cảm rất thấp, và thậm chí “bận” nghĩ mình là nạn nhân nên cũng không còn tâm trí để bận tâm đến nỗi đau của người khác.

PHẢN ỨNG FIGHT-OR-FLIGHT KHIẾN MỘT NGƯỜI NHƯ MẤT ĐI SỰ KIỂM SOÁT VỀ HÀNH VI VÀ CẢM XÚC CỦA BẢN THÂN

Việc cố tình chen vào tình cảm của người khác chỉ thể hiện rằng người trong cuộc thiếu đi sự kiểm soát bản thân. Chúng ta là con người, và loài người hơn động vật ở chỗ ta có khả năng dùng lý trí chứ không chỉ sống dựa vào bản năng.Tuy nhiên, khi những sang chấn tâm lý khiến cảm xúc và nhân cách bị rối loạn – khi phản ứng “Fight-or-flight response” – chống trả hay bỏ chạy (phản ứng căng thẳng cấp tính) là một phản ứng sinh lý xuất hiện khi có mặt một thứ gì đó gây khiếp sợ cho chủ thể, cả về cơ thể và tinh thần (Khi một người gặp stress hoặc bị kích hoạt cảm xúc từ những vết thương thời thơ ấy). Con người chúng ta cũng có những tiến hoá giống động vật, đó là cơ chế phòng vệ và phản hồi lại nguy hiểm. Một khi động vật nhận thấy nguy hiểm, cơ quan trong cơ thể chúng sẽ được kích hoạt và được đặt vào trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, hay sẽ bỏ chạy.

Phản ứng này bị khơi mào bởi sự phóng thích các hormone giúp cơ thể chuẩn bị sẵn sàng chạy, hoặc là chuẩn bị chiến đấu, hoặc là tránh né để bảo vệ an toàn cho bản thân. Khi “cảnh báo” chức năng này được bật lên, những cảm xúc và hiệu ứng cơ thể như tim đập mạnh, các cơ quan thần kinh căng cứng che đi lý trí, khiến họ không suy nghĩ nữa mà chỉ hành động một cách vô thức để bảo vệ cảm xúc cũng như cân bằng bản thân.

KẾT

Đây là một vấn đề nhạy cảm và mình cũng gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cũng như dùng từ, dịch từ vì đây là một chủ đề khó phán xét đúng sai và tuỳ vào hoàn cảnh của mỗi người.

Bài viết này không hề nói rằng người thứ nhất và người thứ 2 không có lỗi hay người thứ 3 làm đúng hay sai. Ở đây không có tiêu chuẩn kép hay khẳng định một hướng như vậy. Mình không nhắc tới không phải vì mình đinh ninh chỉ tuesday có lỗi, mà vì bài này viết về tuesday thôi. Cũng mong ở Việt Nam sẽ có các nghiên cứu về vấn đề này để có thêm số liệu khoa học chứ không chỉ nhìn số liệu của các nghiên cứu phương Tây.

Theo cô bạn K.N – một cử nhân tâm lý học rất xuất sắc mà mình biết đã comment dưới bài viết này như sau: “Có thể bạn đọc sẽ dùng các kiến thức này để phân tích, giải mã, đánh giá và thậm chí hạ bệ Tuesday, vì họ vô tâm, ái kỷ, thiếu sự kiểm soát bản thân, không biết trân trọng bản thân, đủ tùm lum những thứ xấu xa.

Tuy nhiên, mình cũng cần nhìn lại bản thân mỗi người, ai dám đảm bảo mình chưa hề hay không bao giờ có những biểu hiện tâm lý của một Tuesday. Nói cách khác, ai cũng có thể trở thành Tuesday nếu không tỉnh táo trong mỗi sự lựa chọn của mình và cặp đôi nào cũng có khả năng bị vướng vào chuyện ngoại tình nếu không biết cách xây dựng một mối quan hệ lành mạnh (các bạn có thể đọc tham khảo cuốn Nội tình của Ngoại tình Esther Perel).

Như tác giả đã đề cập, tất cả những lý thuyết trên chỉ là những lát cắt rất mỏng trong câu chuyện ngoại tình, đừng vội vin vào đó để lên án ai hay thương cảm cho ai. Xét cho cùng thì mục đích của TLH là giúp ta trở nên không phán xét mà.”

NGUỒN:

ẢNH TỪ PINTEREST

https://www.researchgate.net/…/8646929_Patterns_and…

 

Davies, A. Et al (2006). “Attached” or “Unattached”: With Whom do Men and Women Prefer to Mate, and Why? . Psychological Topics 15 (2006), 2, 297-314

Mogilski, J. K. & Wade, T. J. (2003) ‘Friendship as a Relationship Infiltration Tactic during Human Mate Poaching’ Evolutionary Psychology, 11 (4), 926-943.

Foster, J., Jonason, P., Shrira, I., Keith Campbell, W., Shiverdecker, L., & Varner, S. (2014). What do you get when you make somebody else’s partner your own? An analysis of relationships formed via mate poaching Journal of Research in Personality, 52, 78-90 DOI: 10.1016/j.jrp.2014.07.008

https://crystalhollenbeck.com/mate-poaching-3-reasons…/

Henrich, J., Heine, S. J., & Norenzayan, A. (2010). The weirdest people in the world? Behavioral and Brain Sciences, 33(2-3), 61-83.

Raskin, R. N., & Hall, C. S. (1979). A narcissistic personality inventory. Psychological Reports, 45(2), 1-590.

https://www.psychologytoday.com/…/jon-kate-plus-kate-do…

https://www.psychologytoday.com/…/the-rescuer-identity

https://www.medicaldaily.com/psychology-behind-being-side…

Carducci (1996). The Psychology of Personality: Viewpoints, Research, and Applications

 

Tác giả: Nguyễn Lê Hoài ThươngPsychology facts Tâm Lý học Việt Nam

Follow us on instagram: @psychofacts_tamlyhocvietnam

Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin

Nguồn : https://tamlyhoctoipham.com/tam-ly-hoc-giai-thich-nhu-the-nao-ve-tuesday-nguoi-thu-3-bi-anh-huong-boi-dieu-gi-khi-luon-vo-tinh-hoac-huu-y-nham-vao-nhung-doi-tuong-da-va-dang-o-trong-mot-moi-quan-he-khac

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ