Thành đạt, thành công và thành gì nữa?

0 495
1. Nhận được một bức thư của một chị ở tỉnh N. Chị kể, chị có một đứa con trai, tên A. Con chị từ lớp 1 đến lớp 12 chơi thân với B, một cậu hàng xóm, cùng học chung lớp. Bố B làm sếp cơ quan chị. A và B học chung từ lớp 1 và học rất giỏi, là niềm hãnh diện của chị và bố B mỗi lần họp phụ huynh hay tán gẫu ở cơ quan. Chị luôn xem bảng điểm học bạ của 2 đứa, và lúc nào cũng ép, không được môn nào học dở hơn B và ngược lại, bố B cũng như vậy. Hai đứa trẻ chơi vô tư, nhưng bố mẹ của chúng thì không.
 
Vừa nhận được điểm thi đại học mới đây, con chị đỗ, còn B trượt. Chị nói trong lòng có cảm giác “con mình thi đậu đại học không vui bằng con hàng xóm thi rớt“, chị mở tiệc, mời hết thầy cô bạn học về nhà. Mặc dù A phản đối gay gắt tiệc khao này nhưng chị đã quyết, và mời hết cơ quan chị về chơi luôn. Dĩ nhiên là có mời B và gia đình nhưng họ không đến.
 
Chị nói tiệc diễn ra hết sức xôm tụ. Cơ quan ai cũng chúc tụng, hả hê vì bố B vốn là một sếp khó, luôn miệng nói này nói kia trong khi con mình đã trượt đại học, “thế thì tư cách chẳng ra gì”-chị nói. Chị ra chợ, gặp ai cũng kể chuyện thằng A chuẩn bị đi lên Hà Nội, mua cái này cái kia cho nó mang đi. Có lần chị gặp mẹ B cũng ra chợ mua đồ, mẹ B thấy chị liền lấy nón che mặt. Gặp mẹ B, chị hàng thịt cũng hỏi, chị hàng rau cũng hỏi, dù biết mười mươi là B đã trượt, chỉ để cho mẹ B đau đớn hơn.
 
Khi biết tin B trượt, bố B hoảng loạn, khủng bố tinh thần B gần như mỗi ngày. Bố B lên cơ quan là vô phòng riêng, không nói không cười với ai. Mẹ B thì sau đó bắt đầu đóng cửa, không sang giao lưu với hàng xóm như mọi hôm. Chị nói nội ngoại 2 bên cũng sang, mắng B là đồ vô tích sự, đồ bã đậu, nhục nhã cho dòng họ. Cách đây 2 hôm, B lấy cắp mấy triệu đồng và bỏ nhà đi đâu mất. Bố mẹ B đang chạy dáo dác đi tìm nhưng chưa rõ tung tích. Chị tình cờ đọc được bài viết “cái chết của Chu du” trong sách Cà Phê cùng Tony, nói về thói đố kỵ và cảm thấy mình có lỗi, nên viết thư kể lại như vậy.
2. Chị ạ. So sánh chưa bao giờ là phương pháp tốt trong giáo dục. Người ta chỉ sử dụng kế “khích tướng” trong trường hợp rất đặc biệt, nếu không sẽ gây tác hại kinh hoàng. Giáo dục với lối so sánh, xếp loại thủ khoa, á khoa, chót bảng là cũ lắm rồi. Kiểu thời phong kiến với lối Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa, giờ văn minh rồi, sao lại vẫn lấy tiêu chuẩn xưa để xếp?
 
Trong một lớp 40 bạn, cứ cuối tháng cuối năm, giả sử bạn A đứng nhất lớp, bạn Z đứng 40/40, thì sẽ gây ra hiện tượng A bị bệnh kiêu ngạo, cảm thấy mình giỏi hơn người, sau này khó thành công, giỏi trong lớp đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Còn bạn Z cứ bị xếp 40/40, dần dần sẽ mặc cảm, thấy mình vô dụng và bỏ học. Bạn mình từ cấp 1, cấp 2, những bạn bị xếp loại như vậy đều bỏ học ở nhà nửa chừng để đi gánh lúa, vì nghĩ là mình không học được. Một giáo dục nhân văn phải XOÁ BỎ ngay hình thức xếp loại này, nó tạo ra sự hơn thua (dù người ta nghĩ thi đua là tích cực, nhưng thực tế thì tiêu cực nhiều hơn). Và nó sẽ làm tổn thương các đứa trẻ.
 
Ở các nước phương Tây, đặc biệt là Bắc Âu, điểm thi của học sinh nào thì chỉ có học sinh và bố mẹ bạn biết mà thôi. Nếu giáo viên thấy 1 học sinh có tư chất vượt trội về 1 môn nào đó, thì có thể nói chuyện riêng, mời học 1 tuần vài ba giờ nữa để có thể dự thi các kỳ thi học sinh giỏi. Vì mỗi học sinh biết điểm riêng của mình nên trong lòng chúng, luôn có sự âm thầm háo hức của CHIẾN THẮNG CHÍNH MÌNH, trở thành phiên bản tốt hơn ngày hôm qua. HỌC SINH KHÔNG NÊN BIẾT ĐIỂM CỦA NHAU.
 
Ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, mặc dù rất tiên tiến nhưng giáo dục ở đây vẫn bị ảnh hưởng tư tưởng hơn thua của người phương Đông. Nhiều bạn trẻ Hàn Quốc đã không chịu nổi áp lực so sánh với bạn bè, theo những tiêu chuẩn thành công gì đó của cha mẹ muốn. Trong khi một đứa trẻ khác nhau là khác nhau, 7 tỷ dân trên quả đất không ai có y hệt dấu vân tay, y hệt cấu trúc gen. Đứa có 2 tỷ nơ-ron thần kinh và đứa chỉ có 1 tỷ, đứa cao đứa thấp, đứa trắng đứa đen. Trời đất đã sinh ra khác nhau, hà cớ gì chỉ lấy một tiêu chuẩn để xếp loại?
 
Bạn C không giải được bài toán đại số lớp 12 đó nhưng bạn có sự khéo tay và nêm nếm món ăn ngon, bạn hoàn toàn có thể trở thành đầu bếp giỏi và thành đạt như thường. Xã hội vô cùng vô tận các ngành nghề, có năng khiếu gì thì quyết định chọn nghề nấy thôi, có khổ luyện thì ắt có thành công. Giàu, nghèo, thành đạt, hạnh phúc, …chỉ là những khái niệm ĐỊNH TÍNH không rõ ràng. Tôi có 10 tỷ mới gọi là giàu nhưng anh kia nói chỉ có 1 trăm triệu đã là quá vương giả.
 
Mục tiêu gì thì mình âm thầm đề ra rồi âm thầm phấn đấu, mỗi ngày mình đều là phiên bản tốt hơn hôm qua của mình, vậy là được. Mình chọn thành nhân, thành người tốt trong xã hội.
 
Cái câu cửa miệng của nhiều người “nhìn lên thì không bằng ai, nhìn xuống cũng không ai bằng mình” là một triết lý nhảm nhí. Ham so sánh tò mò nhiều chuyện thì mới nhìn ngó.
 
Đường mình mình đi, mắc mớ gì cứ nhìn với ngó.
 
2013.
Theo Tony Buổi Sáng
————-
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin
Nguồn: https://www.facebook.com/TonyBuoiSang/posts/528862495266195
Nguồn bài viết TonyBuoiSang
Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ