Thấy người ta giỏi thì chỉ chăm chăm đi bóc lỗi, việc hôm nay lười để ngày mai làm: Người trẻ ơi, việc nhỏ không làm thì đừng mơ thay đổi thế giới!
Đừng ngụy biện rằng mình không thể cố gắng, mình chỉ cố gắng được đến thế thôi, nếu không cả đời đừng hỏi vì sao mình mãi chỉ là kẻ luôn chạy sau người khác!
Ảnh minh họa: Campo Monero
Tôi có một người bạn rất chăm chỉ lên danh sách, lập kế hoạch cho cuộc đời và dường như cô ấy cũng làm theo những gì mình đề ra. Sau khi đọc một cuốn sách về thành công, cô ấy như bừng tỉnh và bắt tay ngay vào việc phải làm gì vào ngày mai, cuối tuần không nên bỏ lỡ điều gì, cả tháng phải làm được những gì…
Tất cả đều ổn, cho đến ngày cô ấy nói với tôi rằng chẳng thể theo kịp list việc đã viết ra mỗi ngày kia. Danh sách thì đã đề rõ hôm nay phải làm gì, ngày mai phải làm gì, nhưng việc hôm nay không hết, cô ấy để sang ngày mai, ngày kia, rồi ngày kia. Cứ thế, cả một đống việc chồng chéo lên nhau.
Tôi hỏi tại sao không ước chừng thời gian cho mỗi công việc để giải quyết cho xong, cô ấy trả lời rằng ước chừng thì đúng nhưng cô ấy không thể luyện cho mình sự tập trung, lúc làm việc thì cô ấy tranh thủ lướt chút Facebook, Instagram, rồi chạy ra ngoài mua chút đồ ăn, đồ uống, gọi “tám chuyện” với bạn. Thành thử ra, 2 tiếng đồng hồ sẽ kéo dài ra 3 tiếng đồng hồ, những việc “không đâu” ngốn hết thời gian đáng quý của cô ấy trong ngày một cách âm ỉ và tàn nhẫn.
Lại có một cậu em tôi quen đặt quyết tâm cao độ để thi lấy chứng chỉ tiếng Anh. Nhẩm tính ngày ôn cách ngày thi 5 tháng nên cậu ấy đã lên đầy đủ kế hoạch ôn những gì từng ngày rồi. Nhưng ngày mai bắt đầu vào chiến dịch ôn thi cuối kì rồi nên để sau đợt thi rồi học, nhưng ngày mai còn bận liên hoan với đội bóng sau mùa giải, nhưng ngày mai, nhưng ngày kia…
Tất thảy những “nhưng ngày mai” kia đã khiến cậu ấy thay đổi kế hoạch từng ngày, từng giờ; để rồi, cậu ấy chỉ bận thay đổi kế hoạch mà chẳng làm được bất cứ việc gì đã đề ra. Ngày thi gần đến, trong đầu chẳng biết thừa thiếu kiến thức ra sao, lại đành ậm ừ: “Học tài thi phận ấy mà, cái gì đến cũng sẽ đến.”
Này bạn trẻ, liệu hai câu chuyện tôi kể trên có khiến bạn giật mình không? Bạn có thấy mình trong hai câu chuyện đó không? Bạn còn định giữ tính trì hoãn trong mình đến khi nào nữa? Bạn nghĩ xem mình đã lãng phí bao nhiêu thời gian cho những chuyện vô bổ rồi? Chẳng phải bạn mơ ước đạt được nhiều thứ lắm kia mà?
Ngày ngày, đọc báo nọ, xem tin tức kia, biết bao nhiêu người trẻ tuổi như mình trên thế giới đạt được đủ các thành tựu. Bạn nhấp chuột vào tên bài báo, đọc lướt các giải thưởng, thành tựu, lí lịch, cố gắng của người ta, rồi “vô hồn” kéo chuột đến phần bình luận của độc giả, gõ một vài kiểu câu quen thuộc như: “Đúng là con nhà người ta trong mơ của bố mẹ mình đây mà”, “Mình cũng 24 tuổi như cậu ấy nhưng vẫn còn ngửa tay xin tiền bố mẹ, nói gì đến số tiền làm ra “khủng” thế kia”, “Ngưỡng mộ quá, ước gì mình có được 1/1000 thông minh và làm ra bằng 1/100 lương của người ta”…
Những kẻ như thế, bạn có biết cư dân mạng gọi là gì không? “Những kẻ ghen-ăn-tức-ở” đấy!
Thà rằng, số thời gian bạn bỏ ra để thở dài ngao ngán, nhìn người khác bằng ánh mắt ngưỡng mộ một cách tiếc nuối, bạn dành cho ban thân mình để cải thiện mỗi ngày. Mỗi phút, mỗi giờ được bạn gom góp mỗi ngày, chắc chắn mỗi tháng, mỗi quý, mỗi năm, bạn sẽ nhìn thấy được thành quả đáng trân trọng.
Hãy nghiêm túc và hỏi bản thân 3 câu: “Mình là ai? Mình có ước mơ không? Mình muốn vượt qua mình hiện tại không?”.
Tôi chưa nói đến chuyện thành công hay không, bởi thành công đến mức độ nào lại là do mỗi người định nghĩa mà ra. Nhưng sống trên đời mà không có mục đích, chỉ sống bởi vì mình được sinh ra thì sống vô nghĩa lắm bạn trẻ ạ. Nhiều bạn cứ buộc mình phải tìm một mục tiêu to lớn để sống một cuộc sống “không vô danh”, nhưng tìm làm gì khi mà những mục tiêu nhỏ như mỗi ngày tập thể dục 30 phút, đọc sách 30 phút, học tiếng Anh 1 tiếng còn chẳng làm được.
Bạn biết không, có được một một mục tiêu không khó nhưng cái khó là theo đuổi nó đến cùng. Và cái khó nữa là làm làm sao để theo đuổi đến cùng đây, nói thì dễ chứ làm là cả một vấn đề. Ba vấn đề hiển nhiên của những người “mắc” bệnh trì hoãn là:
– Chưa làm đã thấy nản.
– Đi vài bước gặp khó khăn là nản.
– Bị xao nhãng bởi những cám dỗ khác.
Từng ấy vấn đề, nhìn qua thì chẳng có gì nhưng giải quyết không dễ chút nào và cũng chẳng có liều thuốc nào chữa khỏi căn bệnh “mãn tính” ấy cả trừ phi bạn không tự chữa cho chính mình. Hiển nhiên, bạn cải thiện được bản thân mình hay không thì Trái Đất vẫn quay quanh Mặt Trời, một năm vẫn có 365 ngày nhưng một khi, bạn vượt qua được chính mình thì những ngày ấy, với bạn, là những ngày đáng sống hơn cả.
Muốn xong việc sớm thì chỉ có một cách duy nhất là tập trung thôi! Còn cứ lần lữa thì sẽ chẳng bao giờ bạn làm được việc gì cả đâu. Việc nhỏ không làm được, xin đừng mơ đến một ngày, hai bàn tay mình thay đổi thế giới!
“Một phút huy hoàng rồi chợt tối/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” không dưng dễ gì mà có được. Tất cả những kì tích được làm nên đều có sự “nhúng tay” của nỗ lực cả. Đừng ngụy biện rằng mình không thể cố gắng, mình chỉ cố gắng được đến thế thôi, nếu không cả đời đừng hỏi vì sao mình mãi chỉ là kẻ luôn chạy sau người khác!
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: cafebiz.vn